Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Viết lên hy vọng

            Viết lên hy vọng (nguyên tác: Teaching Hope) là tập sách của Những nhà văn tự do & Erin Gruwell (NXB Khoa học xã hội) - kể về hành trình của một người giáo viên. Người này đã thay đổi số phận của nhiều học trò “cá biệt” và từ đó khơi dậy ở các em tình yêu cuộc sống.

          Khi mới 23 tuổi, cô Erin Gruwell về dạy tại trường trung học Wilson, Long Beach, California (Mỹ). Ban đầu, nhiều học sinh tỏ thái độ chống đối, nghịch phá nhưng cô vẫn tin giáo dục có thể thay đổi con người và ai cũng được cơ hội giáo dục bình đẳng.



          Trước hết, cô Erin Gruwell quyết định giới thiệu với cả lớp hai cuốn nhật lý thấm đẫm lòng khoan dung. Đó là cuốn nhật ký Anne Frank - cô bé nạn nhân của cuộc tàn sát người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ hai và cuốn Zlata Filipovic - người thiếu nữ viết về cuộc sống của mình trong cuộc chiến ác liệt ở Sarajevo. Ngoài ra, cô còn tổ chức cho học sinh của mình tham gia nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa.
          Qua đó, cô Erin đã tìm mọi cách giúp các em lấy lại niềm tin vào chính bản thân và khát vọng trở thành những người có ích cho xã hội. Phương pháp giáo dục này đã đạt hiệu quả tốt. Ta có thể thấy nhận thức của các em thay đổi từ trong nhật ký mà chúng đã ghi lại :
          “Cô Gruwell cũng khuyến khích mình theo đuổi tình yêu đích thực của đời mình, đó là thể thao. Cô nói với mình rằng rất nhiều người mắc chứng khó đọc cũng chơi thể thao rất giỏi, và xem đó như một cách cho những kẻ cười nhạo mình ở lớp học “biết mặt”. Giờ mình đã biết rằng nếu mình chăm chỉ học và chơi thể thao, mình có thể thành công ở cả hai lĩnh vực"
(Trích Nhật ký 11)


          “Hôm nay, trong lớp học của cô Gruwell, mình đã nhận ra rằng dù vỏ có khác nhau thì hạt đậu vẫn chỉ là hạt đậu. Có loại ngon hơn, có loại tươi hơn, nhưng suy cho cùng, chúng đều là hạt đậu. Phương châm của cô Gruwell “Đừng đánh giá hạt đậu qua vỏ ngoài của nó, hãy đánh giá bằng lớp bên trong nó” thực sự rất có ý nghĩa đối với mình. Chỉ cần vẫn còn là con người, mình không cần phải lo lắng về điều người khác nói. Vì suy cho cùng, tất cả mọi người đều như nhau!... 
(Nhật kí 17)


          “Đọc tới cuối cuốn sách, mình như muốn phát điên vì Anne Frank đã chết, vì khi cô ấy chết, một phần trong mình cũng chết cùng với cô ấy. Mình khóc khi cô ấy khóc, và cũng giống như cô ấy, mình cũng muốn biết vì sao người Đức lại giết hại đồng bào của cô ấy. Cũng như cô ấy, mình biết cái cảm giác phân biệt chủng tộc, cảm giác bị coi thường chỉ vì màu da của mình. Cũng như cô ấy, “đôi khi mình cảm thấy mình giống như một con chim bị nhốt trong lồng, chỉ muốn thoát ra”. Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu mình khi đọc xong cuốn sách là sự thật cô G đã nói đúng. Quả thật mình đã tìm thấy chính mình trong những trang sách, đúng như cô ấy đã nói với mình...”  
(Nhật kí 36)…


          Phương pháp giáo dục của cô Erin Gruwell đã khiến cả trường trung học Wilson, giới truyền thông và cả nước Mỹ phải kinh ngạc vì những gì cô và các học sinh của mình đã làm được.
          Đọc tập sách Viết lên hy vọng, chúng ta càng thấy vai trò của người thầy rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách ở học sinh.


P.B


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget