Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Blog có ảnh hưởng tới báo chí hiện đại ?

          PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa Truyền thông, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&VN) đã phân tích mối quan hệ giữa báo chí với blog; giữa các nhà báo chuyên nghiệp với các blogger…
 
 
BLOG - một dạng tin đồn thời đại số?
          1. Trong hội thảo quốc tế về báo chí vừa được tổ chức tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền, có người hỏi: trong trường đại học, có phải dạy sinh viên báo chí cách viết blog và cách thành lập trang web, blog hay không? Có phải dạy họ cách trở thành blogger không? Bởi vì không nên để cho blog phát triển một cách tự do như thế!
          Diễn giả hôm đó trả lời rằng không nhất thiết phải dạy bất cứ ai, nhất là nhà báo trở thành những blogger, nhưng phải dạy cho người ta biết cách ứng xử với blog và các thông tin trên blog; cách sử dụng blog với tư cách là một nhà báo chuyên nghiệp. Và khi nhà báo chuyên nghiệp làm blogger thì càng phải hành xử đúng. Quan điểm của tôi cũng vậy, không cần phải dạy ai thành blogger, không nhất thiết phải có môn học đó, nhưng cần phải chỉ ra hiện tượng blog để mọi người biết, và có phương pháp tư duy khoa học để đánh giá nó. Việc này nhằm ngăn cản người ta trở thành những blogger bạt mạng và lãng tử, cái gì cũng có thể tham dự, nói “vung tí mẹt” để thỏa mãn bản thân mình.
          Blog đã tồn tại như một thực tế phát triển của CNTT hiện tại. Sinh viên cũng nhiều người viết blog, thành blogger. Phải biết phân tích blog như một hiện tượng thông tin hiện đại không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, phải có tư duy thẩm định chính xác, đặng tìm kiếm từ blog những bài học kinh nghiệm báo chí, chứ không phải là hùa theo hoặc bị blog nhấn chìm trong đó. Và nhất là trong một xã hội truyền thông còn phức tạp như ở Việt Nam, vẫn bị ảnh hưởng bởi cơ chế tin đồn, tồn tại từ xa xưa trong làng xã Việt Nam truyền thống, lại càng cần phải có một ứng xử khoa học với blog.

          2. Vấn đề ứng xử văn hóa với blog và blogger đang được đặt ra thật ráo riết. Trong các khóa luận tốt nghiệp, cũng có sinh viên nghiên cứu về tình hình blog và đặt vấn đề nên hay không nên quản lý nó, quản lý như thế nào? Sự thực là nhiều nhà báo có blog và đã viết blog một cách đầy hứng thú. Câu hỏi đặt ra là báo chí hiện đại có bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của blog- với tư cách là một công cụ truyền tin mới?
          Theo tôi, báo chí có thể bị ảnh hưởng. Blog cũng là một dạng thông tin, có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Với blog, ai cũng có thể tung những thông tin mà mình thu lượm được hoặc tự mình phát lên blog. Và như thế blog có gì đó gần giống một thứ đã xuất hiện từ xã hội nông nghiệp truyền thống, với mọi việc chỉ xảy ra sau lũy tre làng - đó là tin đồn. Tin đồn thì rất mệt, vì nó chẳng xác tín về nguồn tin và chẳng hề chính xác, cũng như chẳng màng đến hệ lụy khủng khiếp mà nó gây ra: “một đồn mười, mười đồn trăm”... Tin đồn làm cho người ta xử sự theo tâm lý số đông, thi nhau bổ đi mua gạo, mua tiền, mua xăng, mua vàng, mua hoặc bán chứng khoán, làm chao đảo chứng khoán, gây nên những cơn bão giá, nhiều lúc là giả tạo... Ở mặt tiêu cực, có thể định nghĩa blog là một cơ chế tin đồn được hiện đại hóa bằng CNTT hiện đại nhất.
          Nhưng blog cũng có mặt tích cực mà báo chí phải lưu tâm. Trong các ý kiến cá nhân trên blog cũng có những ý kiến đúng, với những hạt nhân hợp lý. Trong những trường hợp riêng lẻ, theo ghi nhận của tôi, nó tích cực không kém báo chí truyền thống. Ví dụ trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, các blogger tự do hoạt động rất mạnh mẽ, đưa tin, chụp ảnh ngay tại chỗ. Hoặc một số vụ việc gần đây, các blogger cũng hoạt động dữ dội. Hôm qua, chuyện Hoa hậu Việt Nam dự thi Hoàn vũ thử mặc áo dài trình diễn, các blogger cũng phản ánh, bình luận rất nhanh nhậy và rất có lý. Trên báo chí tôi chỉ thấy chuyện Hoa hậu đi thử áo dài. Nhưng qua ý kiến của các blogger, tôi tán đồng với họ khi cho rằng, áo dài của người đại diện VN đi dự Hoa hậu Hoàn vũ, thì phải được thiết kế một cách “chính thống”, được xem xét kỹ về thẩm mỹ, và phải có người chịu trách nhiệm về thẩm mỹ áo dài Việt, vì người mặc là đại diện cho VN. Từ các thông tin trên blog, tôi giở báo ra để xem thì thấy đúng là áo dài và mũ mấn của cô Hoa hậu Hoàn vũ VN không đẹp, nặng nề, bất tiện cho việc biểu diễn trên sân khấu. Người thiết kế đã không tính đến người mặc phải biểu diễn trên sàn diễn rộng, cùng với hàng trăm hoa hậu của các nước. Tầm nhìn của khán giả xa sân khấu nên các họa tiết li ti cùng hàng ngàn viên đá nhỏ đính lên, tà áo lại dài đến 5m, sẽ rất khó cho việc đi đứng... 
          Nói tóm lại khi blogger hoạt động tích cực, truyền tin nhanh thì nhà báo cũng nên học cách làm tin thật nhanh và thật đúng. Phải tăng tốc hơn nữa.

          3. Khi viết blog, nhiều blogger cho mình là “nhà báo công dân”. Đó là cách hiểu của họ. Phải thấy rằng, CNTT giúp cho họ có được niềm sảng khoái khi tự mình hình thành một “trang thông tin”, blogger tự chịu trách nhiệm về nguồn tin và trở thành một người đưa tin y như một nhà báo thứ thiệt vậy. Thế nhưng, chất lượng và hiệu quả của việc đưa tin ấy liên quan đến dân trí. Với một nền dân trí thấp thì sẽ bị “hỗn loạn” về thông tin, khi ai cũng có thể làm mọi thứ trên blog và cho mình là “nhà báo công dân”. Nếu dân trí cao, người ta sẽ ý thức được rằng trong xã hội công nghệ mở rộng và phát triển đến mức ai cũng có thể trở thành người đưa tin thì việc chịu trách nhiệm về bản thân, về các thông tin và các phát ngôn của mình trên blog đương nhiên phải dựa trên ý thức pháp luật rất rõ, và trên một nền tảng văn hóa chắc chắn, vững vàng... Có như vậy blog mới mang lại được những lợi ích cho xã hội .
          Nhưng có thể thấy ngay rằng kiểu ý thức như vậy ở môi trường truyền thông VN đang thiếu vắng. Song, cũng không nên vì thế mà cư xử thô bạo với blog, cũng không nên cấm đoán. Chỉ nên giáo dục ý thức công dân, ý thức về pháp luật cho những người viết blog. Các nhà báo khi tham gia viết blog cũng phải ý thức rõ rằng đó không phải chỗ để “xả stress” của mình khi không “xả” được vào những bài báo chính thống. Các nhà báo là blogger có lẽ rất nên làm gương cho các blogger khác.
          Các nền báo chí hiện đại trên thế giới đều có thái độ bình tĩnh tiếp nhận blog, phân tích blog trên một tư duy lý tính, đặng tận dụng tốt nhất yếu tố tích cực của blog, một mặt, có thể phát hiện, gạn lọc từ blog những tin tức đáng giá và mặt khác, có thể chế ngự những phần “hoang hóa” và “tự do vô lối”, như mặt trái của blog…
 
 
(Nguyễn Mỹ lược ghi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget