Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ : Trái đến ngày đến tháng thì đổi vị



Không biết có phải miền đất tận cùng ấy đã tích tụ trong mình bao lắng đọng phù sa, bao đắng cay của đời đời kiếp kiếp, hay là chính chị đã trở thành “người được chọn”. Sống và miệt mài sáng tác, chị dường như quyết liệt bám víu vào vùng đất hoang dã này, khai thác đến kiệt cùng từng thớ đất oằn máu và nước mắt, từng dòng sông quê chất chứa bao bí ẩn về những số phận lênh đênh vô định, để tạo lập nên màu sắc riêng cho những trang viết của mình. Cũng có lẽ vì thế mà chị chọn tên Sông cho tiểu thuyết đầu tay vừa ra mắt.

 

* Chị đã trải qua những trải nghiệm sống và sự thay đổi như thế nào, để có thể đi từ Cánh đồng bất tận tới Sông?
À, cái này thì khó tả, nó rỉ rả, hoặc chỉ trên cảm giác thôi. Mỗi ngày với tôi là một nếm trải mới, cả sự vô vị, tẻ nhạt cũng là một thứ trải nghiệm. Huống chi mình đã đọc được nhiều cuốn sách mới, đi nhiều, tiếp xúc nhiều… Và quan trọng, mình đang già đi. Một thứ trái đang đổi vị.
Sông khoác bên ngoài là câu chuyện về tình yêu của một chàng trai đồng tính, những ẩn ức tình dục, những xúc cảm đời thường, nhưng thật ám ảnh, đau buồn, bởi ẩn chứa trong nó là bi kịch của những chấn thương tâm lý của con người đương đại, gắn với cả một quá khứ bi thương – đó phải chăng là cuộc tìm kiếm sự thực và bản ngã đích thực của con người?
Không phải nhân vật nào trong cuốn sách này cũng sống trong thiếu thốn và tổn thương, nhưng cả khi đầy đủ viên mãn họ cũng chán chường. Họ đi, họ tìm kiếm một cái gì đó mờ mịt. Có người không biết mình tìm gì, có người tìm thấy mà không giữ được cái mình thích. Tôi nghĩ họ không tìm sự thật, cũng như tôi, vốn biết chỉ có thứ gần giống sự thật thôi.


* Thoát khỏi cách nhìn mỹ miều về con người, những hình tượng trong tác phẩm mang một nỗi đau riêng, một sự chịu đựng không nói thành lời, đó phải chăng là một thực tại u ám bởi dấu tích của chiến tranh, sự mất dần nhân tính?
À, có vẻ chị nghiêm trọng hoá rồi. Tôi sợ sự to tát! Chỉ là tôi bắt đầu đi vào những góc nhỏ heo hút của con người thử xem. Kiểu như hồi xưa khi đi ngang qua một người trùm áo mưa ngồi bệt ven đường, tôi hình dung xem ông ấy hay bà ấy làm gì, họ có thể là người chăn bò, có thể là kiếm củi, có thể đang trong cơn chóng mặt. Nhưng giờ đi ngang họ tôi bắt đầu mường tượng xem họ nghĩ gì. Chị thấy đó, chỉ chữ “nghĩ” thôi đã phức tạp rồi, nó mênh mông mà mình không nắm bắt, chạm vào được. Đó là thứ ở đâu đó trong những nếp gấp, góc khuất. Giống như những tổ kiến trong mái lá nhà tôi ngày xưa, vẫn biết những cái trứng kiến nhỏ xíu ở đâu đó nhưng không chạm tay vào. Giờ thì tôi chọc ghẹo moi móc nó ra.
Một thế giới chỉ có sông và sông, sông luồn lách cuốn trôi những phận người, phi lý và nhọc nhằn, kết thúc bất ngờ, xuất hiện vài cái chết… Phân tích những chấn động tâm lý, những bí ẩn biểu hiện dưới tầng ý thức, sự tuyệt vọng, nỗi cô đơn và cái chết… chị nhận thấy điều gì đau đớn nhất trong tâm hồn người trẻ hôm nay?
Tôi không tham vọng phản ánh cả một giới trẻ, nên những nhân vật trẻ trong cuốn sách này chỉ là những điển hình có chủ ý. Họ tha hoá, không tin vào cái gì, và dửng dưng với thời cuộc. Họ sống một cách ngập ngừng, đợi và tìm kiếm một điều gì đó không rõ ràng. Họ không vô cảm nhưng không biết bày tỏ tình cảm. Khi tôi đọc lại bản thảo lần cuối cùng trước khi đi in, tức là trước đó có đủ thời gian xa và quên lửng nó, tôi kêu: A! Thằng nhỏ trong tiểu thuyết này giống mình, xem cái chết là một chuyến đi! Nghĩa là không có sự khao khát được sống đến cùng. Sống cũng vậy mà chết cũng vậy, có thể gọi đó là mất mát không?


* Phá vỡ trật tự tự nhiên, phá vỡ cả những gì vốn có của riêng chị, đó có phải là nỗ lực truy vấn chính mình, truy vấn con người, nhằm tìm kiếm một hiện thực sâu hơn, chân thực hơn trong đời sống con người hiện đại?
Cuốn sách này là một bài tập mà người bạn đã ra đề cho tôi. Thử viết dài, thử kể thừa một câu chuyện thay vì kể thiếu bằng hình thức truyện ngắn. Thử lạnh và phức tạp hơn. Thử không thật thà trực diện nữa.
Tôi biết khi đọc cuốn sách này nhiều bạn đọc sẽ nhảy nhổm lên: Ê, vô lý quá mậy! Nhưng cuộc đời vốn đầy rẫy những sự vô lý mà. Quan trọng là người ta ứng xử thế nào trước nó. Đấu tranh để cho hợp lý hay chờ đợi, hay phớt lờ. Cuốn sách này là một bài tập mà người bạn đã ra đề cho tôi. Thử viết dài, thử kể thừa một câu chuyện thay vì kể thiếu bằng hình thức truyện ngắn. Thử lạnh và phức tạp hơn. Thử không thật thà trực diện nữa. Ngay khi chưa vào truy vấn gì cao siêu, tôi đã tự truy vấn có làm được vụ này không, ta?


* Điều gì đã giúp chị tự bứt khỏi thế mạnh đã làm nên tên tuổi chính mình, đi ra khỏi vùng an toàn? Chị có lo lắng lối viết thử thách độc giả này có thể khiến nhiều bạn đọc trung thành quay lưng lại?
Trên blog cá nhân, dạo này tôi thường gặp những lời nhắn kiểu như tôi không thích Tư này, tôi không quen Tư này, tôi thích Tư dân dã ngày xưa. Họ có lý của họ, nhưng tôi cũng có lý của mình. Trái đến ngày đến tháng thì đổi vị, một thứ trái cứ xanh mãi, bùi ngùi mãi trên cành thì chỉ có trái… nhựa.


* Tại sao chị lại chọn màu sắc hiện thực huyền ảo cho tiểu thuyết Sông?
Là vầy, tôi vẽ ra một con sông để dùng làm bối cảnh cho nhân vật của mình có chỗ hát hò, đi lại. Bê một con sông nào đó mà tôi biết vào, thấy nó thiếu vài thứ mà tôi thích. Vậy thì thêm thắt, thí dụ như một con sông chảy theo hình số 8 và có những con ốc biết hát, chớ người hát thì thường quá… Kiểu vậy, và bạn đọc xong nói đây là văn học huyền ảo nè. Thực tình là tôi không quan tâm đến các loại chủ nghĩa. Khi làm việc, tôi chỉ nghĩ con người này, cảnh sắc này, câu chuyện này là những thứ mình cần. Như một cái phim ký sự truyền hình, ta chỉ lọc lấy những thứ ta nghĩ là hấp dẫn người xem. Ở đó phải có gì hay ho, ly kỳ thì mới kể hay được chứ.


* Cho đến nay, chị là một cái tên gây tranh luận trên văn đàn đương đại mỗi khi một tác phẩm mới ra đời. Chị nghĩ gì về con đường văn chương không hề bằng phẳng của mình?
Tôi chỉ thấy mình bí ẩn khi ngồi với… người nhà. Cái ý nghĩ làm thế nào mà lọt sổ được mình vào đây làm tôi mắc cười. Tại sao mình không bán quán mà lại viết văn? Tôi hay nghĩ kiểu vậy. Đó là những lúc viết văn cực quá, như rơi vào biển nước không bờ bến, mà để không chìm cần cả một… nghệ thuật. Lúc khác lại nghĩ mình viết là vì một chữ duyên, trời cho đó, không dùng tội chết. Sống với nó bằng hết duyên thì thôi. Tôi nghĩ con đường viết của mình bằng phẳng đó chứ, đôi lúc may mắn nữa, nhưng quả không nhàn hạ tí xíu nào.


* Làm thế nào để vừa hoàn thành nhiệm vụ của một người phụ nữ với đầy đủ thiên chức bình thường của người vợ, người mẹ, vừa là một con người tự do khi đối diện với trang viết?
Ngồi rút ra bí quyết tôi cũng thấy tiếc thời gian, nên cứ luồn lách mà đi tới. Một ngày của tôi chật đến mức gần như không kẽ hở nào. Cũng may mình không phải loại người chìm đắm vào trang viết mỗi khi ngồi làm việc, chẳng cầu kỳ đòi phải có không gian thanh vắng, hay phải trút bỏ hết sự đời. Lặn trong trang viết rồi lại quay ra làm việc nhà, sau đó trở lại bàn làm việc mà không có cảm giác đứt đoạn.


* Với chị, danh tiếng có là một áp lực? Làm thế nào để chị đạt đến sự tự do lớn nhất?
Danh tiếng là áp lực. Sự yêu mến của độc giả là áp lực. Những gì mình làm được cũng trở quẻ gây áp lực với mình. Thời gian cũng là một thứ áp lực ghê gớm. Tôi thường tự hỏi thời kỳ sung sức của mình còn được bao lâu? Nhưng tôi giả vờ phớt lờ, ui trời, tới đâu hay tới đó. Lúc đó tôi cảm thấy tự do. Có lẽ tự do chính là khi ta không hề nghĩ ta có tự do không.


* Nếu có kiếp sau, chị có muốn tiếp tục là nhà văn?
Thôi, kiếp sau phải làm nghề mới chứ. Không phải sợ hãi gì đâu, tôi muốn mình mới mới tí!


* Muốn đi đến tận cùng cái thiện, liệu có khi phải ác, như chị đã từng “ác” với nhân vật của mình?
Tôi vốn không tin có cái tận cùng, chỉ là giống như thế thôi. Chị thấy tôi viết ác thật hả? Nhân vật tôi làm nghề đập đá thì anh ta phải cầm búa chứ, cầm hoa thì hơi kỳ. Anh ta đập đá thì phải chịu đá cào đá cắt, không thể không có sẹo.


* Chị có mong một cuộc sống nhẹ nhõm hơn, từ nội tâm đến thân thể?
Có, tôi thích mình 50kg thôi để ăn mặc cho thoải mái. Chứ giờ thì hơi dè dặt, kiêng khem quá!


* Nhiều tác phẩm của chị tràn ngập nỗi buồn cô độc, nỗi bất an mơ hồ, sự rã rời, đau đớn mênh mông, sự sụp đổ của tình yêu… Phải chăng chị quá mẫn cảm, thậm chí yếm thế và bi quan?
Đó đó, bạn đọc cũng có người phàn nàn y như chị, bảo là lúc buồn thì không dám đọc tôi vì sợ… chết. Riêng tôi thì buồn ghiền, nên xoay được cách lấy độc trị độc, buồn thì phải nghe nhạc buồn, xem phim buồn, đọc sách buồn… cho mọi thứ vỡ ra, thấu đáy. Nói gì thì nói, tôi theo chủ nghĩa bi quan, loại người viết mà bạn đọc nên cân nhắc trước khi đọc. Nói đùa, có khi phải dán nhãn chống chỉ định!


* Hai đứa con trai chị đang ngày một lớn lên, chị có lo lắng nhiều cho tương lai của con như từng lo lắng cho những chàng trai, cô gái trẻ trong tác phẩm của mình?
À, tụi nó là bạn tôi, ít nhất thì tôi nghĩ vậy. Trong bụng tôi, chỉ nghĩ được coi mai nấu món gì cho tụi nhỏ, và không bao giờ nhìn xa hơn một năm. Chưa từng bỏ thời gian hình dung hay mường tượng tụi nó lớn lên thế nào, làm gì, sống ra sao. Dửng dưng khi thấy tụi nhỏ học hành tà tà, nghe xa lạ mỗi khi hàng xóm bảo tôi sẽ trở thành một bà mẹ chồng nhăn nhó. Vẫn hay nghĩ rằng có thể mình không chờ được đến đó. Chị đừng hỏi tại sao, tôi không biết. À, có thể vì tôi theo chủ nghĩa bi quan. Nhưng với tôi, con cái là niềm vui và trách nhiệm, là cái buộc mình vào cuộc đời này, không phải là hy vọng.


* “Em tự trào mình luỵ giống người xưa/ Đi nẻo nào tóc cũng rơi đằng gót/ rắc lời yêu bời bời rối cỏ/nhỏ từng sợi máu khô/ Ới ơi tình lang đâu? Nhanh chân theo kẻo bụi lấm đục ngầu/ (người cúi xuống sẽ không còn thấy dấu)…” – dường như với thơ và tản văn, chị được chạm vào mình gần gũi hơn, trực cảm hơn?
A, tôi cũng nghĩ mình bị lộ ở hai món này, chứ còn lại thì che giấu giỏi. Cũng không có gì khó hiểu, đây là hai thể loại gần với tâm tư tình cảm của người viết nhất, nhất là khi viết tản văn, tôi phải bày tỏ cái nhìn, chủ kiến của mình đối với vấn đề. Mà nhiều khi chẳng là vấn đề gì, chỉ là một ký ức, một nỗi nhớ… Nhưng nếu chị đọc thơ và nghĩ đã bắt giò được tôi rồi, thì có khi lầm chết. Có vẻ vậy thôi.


* Không hiểu sao mình rất nhớ hình ảnh Tư, cô gái quê chiều chiều cắt rau cho má đi bán chợ đêm, cánh tay lúc nào cũng đầy vết xước rướm máu… Điều gì Tư nhớ nhất về tuổi thơ, về xóm Bà Điều, về gia đình?
Tôi nhớ những lần đạp đinh của mình. Có khi là do đứng trên cầu khỉ nhảy xuống xuồng, nhằm ngay cái sạp xuồng lật lên có thò cây đinh gỉ sét, cũng có khi đạp phải đinh trong cây ven vách cũ bên hè. Tôi không nhớ bàn chân mình ngập trong cây đinh sắt như thế nào, vì nó diễn ra rất nhanh. Nhưng tôi vẫn nhớ mình loay hoay trong cơn đau làm sao khi tìm cách rút bàn chân ra khỏi đó. Bao giờ nhớ mấy vụ đạp đinh, cũng nghĩ làm người khó, dễ bất cẩn và giải quyết hậu quả của sự bất cẩn ấy không dễ dàng.


* “Đời sống tỉnh lẻ có cái hay của nó là không bị cuốn vào vòng xoáy tiêu xài, có nhiều xài nhiều, có ít xài ít. Nhưng khi chat với mấy anh cùng viết văn, mình thấy cả bọn bạc rạc vì chữ tiền…” – chị đã viết như thế. Chị nghĩ gì về áp lực đồng tiền trong cơn lốc chóng mặt của sự thực dụng hôm nay, nhất là với người viết?
À, ai chớ gặp tui là mấy anh làm ngân hàng vô mánh. Bao giờ tôi cũng nghĩ chuyện nếu có chừng này tiền, thí dụ 1 tỉ đồng, tôi sẽ đi gửi ngân hàng lấy lãi tiêu xài cho ấm lưng. Tôi chỉ cần có nhiêu đó, và thấy đủ. Giờ chưa có nhưng vẫn tự tin rằng bao giờ có sẽ biết dừng lại. Thấy bạn bè cày mỗi ngày một bài cho báo, hay một báo có hai, ba bài, hay phải viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập… tôi chóng mặt. Cái áp lực đó không chừa ai ra đâu, nhất là cái anh làm văn chương, bình thường vốn không sống được bằng văn nên xoay xở nghề khác, cuộc mưu sinh xoay cho bạc người, lúc quay lại chữ cũng ngoe nguẩy bỏ đi rồi. Có lần nghe một bạn viết trẻ bảo em sẽ đi làm kiếm tiền, 30 tuổi quay lại viết văn, tôi thấy hành trình này sao mà mờ mịt quá.


* Bàng bạc trong các tác phẩm của chị là một triết lý từ bi, hỉ xả. Đạo Phật có giúp chị vượt qua những bất trắc trùng trùng của cuộc đời?
Tôi thụ hưởng đạo Phật một cách gián tiếp thôi, nếu như chị bắt gặp tư tưởng đó ở chỗ này chỗ khác. Cái tôi có là cơ bản đạo lý mà ông bà cha mẹ dạy. Nhưng như chị biết, Phật giáo có ảnh hưởng lớn và du nhập vào nước ta rất sớm, tôi nhận được tư tưởng của họ ngay khi còn chưa biết gì về tôn giáo, bằng những câu chuyện kể đêm đêm của má, của ngoại. Tôi tin vào duyên, nghĩ những biến cố trong đời mình đều có cái lý của nó.


* Tâm trạng của riêng chị khi cuốn tiểu thuyết đầu tay sắp ra mắt bạn đọc?
Trống trải. Tôi thường có cảm giác đó mỗi khi in sách. Thấy những thứ có trong tay mình hết sạch rồi, lại bắt đầu lại từ đầu. Một trang mới trắng tinh bày ra trước mặt…


THỰC HIỆN: KIM YẾN
Chân dung hội họa: HOÀNG TƯỜNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget