Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Tản mạn về TRỊNH CÔNG SƠN (2)



“Dã Tràng Ca”
- Phát Hiện Lần Đầu Được Công Bố -

Sau ngày TCS giã từ cõi tạm (1-4-2001), họa sĩ Đinh Cường từ Virginia (Hoa Kỳ) gởi cho tôi bài hồi ức hết sức cảm động về "Tình bạn hồi sinh cơn hôn mê" - tình bạn suốt cuộc đời giữa họa sĩ Đinh Cường và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong bài hồi ức ấy, Đinh Cường cho biết: "Thời Qui Nhơn này của Sơn phải kể đến "Trường ca Tiếng hát Dã Tràng", mùa hè năm 1964, trong lễ ra trường. Sơn đã dàn dựng cùng bạn bè hát rất thành công. Sơn đã chép tặng tôi (Đinh Cường) mấy trang bản trường ca này. Tôi đem về, dán đầy các ô cửa kính. Tiếc là bây giờ thất lạc, không tìm lại được".
Khi được hỏi về thời gian nhạc sĩ Trịnh Công Sơn học Sư phạm Qui Nhơn, nhiều người bạn học cùng lớp, cùng khóa hoặc cùng trường với anh cũng nhắc đến "Dã Tràng ca" và ai cũng tiếc cho bài ca ấy đã thất lạc.
Các bạn của TCS cả quyết với tôi rằng: "Dã Tràng ca" là trường ca đầu tiên của TCS, ghi nhiều dấu ấn ảnh hưởng cả cuộc đời sáng tác của anh sau này!". Thế là tôi lên đường tìm kiếm.


1. Đi tìm Dã tràng ca
Tôi không thể hiểu được vì sao một tác phẩm quan trọng đến thế mà Trịnh Công Sơn lại không muốn nhắc đến và trong di cảo của anh cũng không thấy lưu! Phải chăng đây là một bí ẩn? Điều khó hiểu ấy đã kích thích óc thích khám phá của tôi. Tôi quyết tâm đi tìm trường ca Dã Tràng.
Tôi vào Qui Nhơn hỏi chuyện, nhưng ở Qui Nhơn không ai còn biết Dã Tràng ca. Tôi vào Nha Trang, qua Trần Thanh Vệ (con trai của nhà thơ Thanh Tịnh) và Bảo Chân (phóng viên đại diện báo Lao Động tại Khánh Hòa), tôi gặp được nhạc sĩ Phan Văn Bình ở Phước Tân. Văn Bình học một lớp (1962 - 1964), ở cùng một nhà tro, cùng hoạt động âm nhạc với Trịnh Công Sơn tại Trường Sư Phạm Qui Nhơn. Văn Bình và Trịnh Công Sơn có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Được Trịnh Công Sơn hướng dẫn, Văn Bình hát "Dã Tràng ca" rất đạt. Nhờ thế đến năm 1973, Văn Bình chỉ huy sinh viên dựng lại Dã Tràng ca nhân lễ trao bằng tốt nghiệp của Viện Đại học Cộng đồng Duyên Hải (Nha Trang). Tác giả Trịnh Công Sơn được mời làm khách danh dự của buổi trình diễn ấy cùng với các bạn của anh là nhà dịch thuật Bửu Ý, họa sĩ Đinh Cường, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn. Điều đáng tiếc là cho đến nay, Văn Bình cũng không có bản "Dã Tràng ca" nào trong tay cả. Sau khi gặp tôi ở Nha Trang, Văn Bình đã lao vào việc giúp tôi tìm "Dã Tràng ca". Văn Bình không tìm được bài hát mà chúng tôi đang tìm, nhưng may sao, anh lại tìm được tấm ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mặc veston đứng trên bục điều khiển ban đại hợp xướng của Trường Sư phạm Qui Nhơn trình diễn trường ca "Dã Tràng" trong lễ tốt nghiệp của trường khóa 1 năm 1964.
Từ khi có tấm ảnh Trịnh Công Sơn chỉ huy ban đại hợp xướng, ý muốn tìm cho được bản "Dã Tràng ca" trở nên thôi thúc hơn trong tôi. Tôi gặp người anh bà con là nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm (thầy giáo dạy nhạc tại trung tâm Văn thể mỹ - Huế) - nguyên là giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn khóa 3, nhờ bằng cách mời những giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn còn thuộc "Dã Tràng Ca" họp mặt , hát, thu cassette rồi ghi lại (solfège). Những cựu giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn đang sống ở Huế còn thuộc "Dã Tràng Ca" là các thầy cô giáo Trương Văn Thanh (trong ban nhạc Thanh Sơn Hải), Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Văn Xa, Lê Thị Ngọc Trinh, Nguyễn Thị Sâm... Nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm cho biết hàng năm các cựu giáo sinh Sư phạm Qui Nhơn đều có họp mặt và luôn nhớ đến "Dã Tràng ca" nhưng vì thấy tác giả không còn muốn nhắc đến giai đoạn anh học sư phạm và hoàn cảnh nào anh đã sáng tác nên những bài Biển nhớ, Lời buồn thánh, Dã Tràng ca v.v... tại Qui Nhơn, nên dù họ rất thích nhạc Trịnh Công Sơn, tự hào đất Huế đã sản sinh ra nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng họ cũng không muốn bị hiểu lầm là "thấy sang bắt quàng làm họ". Bây giờ Trịnh Công Sơn đã qua đời, các bạn ấy sẵn sàng giúp tôi ghi lại "Dã Tràng ca". Không ngờ, gặp nhau trong một tiệc cưới, khi nghe nhạc sĩ Nguyễn Đình Niêm cho biết đang chuẩn bị mời những người còn thuộc "Dã Tràng ca" hát để ghi lại cho tôi, anh Nguyễn Hồ - nguyên học cùng lớp, cùng khóa với Trịnh Công Sơn rất vui vẻ báo tin: - Cần gì ghi, hồi tập hát "Dã Tràng ca" ở Qui Nhơn các bạn có ghi cho mình một bản, hiện nay bà xã mình vẫn còn giữ! Ôi thú vị làm sao! Chuyện tưởng phải đi một ngàn bước, không ngờ mới khởi hành đã đến đích. Có người bảo tôi: "Có lẽ Trịnh Công Sơn muốn giao ông làm việc này nên ông mới được phù hộ may mắn đến như vậy!". Nếu đó là sự thật thì hân hạnh cho tôi biết mấy.


2. Bài hát thơ về thân phận dã tràng, sự đau khổ và tìm chốn nương náu ở tình yêu
Như chúng ta đã biết, Trịnh Công Sơn xuất thân trong một gia đình khá giả. Không may, cụ thân sinh mất sớm, thân mẫu anh không đủ sức chống đỡ sự suy sụp tình cảm và kinh tế của gia đình. Đến đầu những năm sáu mươi, gia đình anh rơi vào hoàn cảnh rất bi đát. Chuyện học hành của các em anh bị nghẽn tắc, gian phố lớn ở Ngã Giữa (đường Phan Bội Châu) - nơi buôn bán, làm ăn phải đổi chủ, cả gia đình qua thuê một căn hộ nhỏ hẹp ở trước nhà thờ Phú Cam để ở. Lúc này Trịnh Công Sơn đã bắt đầu yêu, yêu những người con gái khuê các ở Huế như Ph. Th; B. D. v.v... Hoàn cảnh gia đình của anh sa sút như thế làm sao anh có thể đạt được tình yêu? Bản thân Trịnh Công Sơn còn bị đe dọa "động viên" nữa. Anh rời Huế vào Qui Nhơn học sư phạm như một giải pháp vừa để tránh chuyện đi lính, vừa kiếm sống cho bản thân. Tất cả những thứ ấy tác động mạnh lên tình cảm của chàng trai 23 tuổi Trịnh Công Sơn. Để tìm một nguồn vui, tìm một lối thoát cho tinh thần, nằm ở nhà trọ trong tiếng sóng biển Qui Nhơn rì rào, Trịnh Công Sơn đọc Albert Camus (1913 - 1960) - một triết gia hiện sinh vừa được giải Nobel (1957). Anh thích nhất là tập Le Mythe de Sisyphe. Cuốn thảo luận nói về sự phi lý (l'abusurde) của anh chàng Sisyphe bị khổ sai hàng ngày phải đẩy một tảng đá lên núi cao và thả tay cho đá lăn xuống vực rồi sau đó lại cố sức đẩy lên rồi lại thả tay. Tất cả sự nỗ lực ấy không có ý nghĩ gì hết, giống như công dã tràng xe cát rồi bị sóng cuốn hết. Hoàn cảnh gia đình anh cũng thế. Cụ thân sinh nỗ lực xây dựng lên một gia đình khá giả rồi ông bị tai nạn chết một cách phi lý kéo theo sự sụp đổ của gia đình... cũng hết sức phi lý. Anh vào Sư phạm Qui Nhơn như một dấn thân có tính tình thế. Thanh niên Qui Nhơn lúc ấy chưa hiểu anh và những người bạn từ Huế vào, họ đã vô tình có nhiều hành vi thô bạo đối với anh. Anh bị xô đẩy vào một nỗi bi thảm vô vọng đến rã rời. Cũng trong thời gian này, Trịnh Công Sơn hay tìm cách giải buồn bằng chơi các loại dân ca, thánh ca, các bài nhạc theo điệu Blue của người da đen ở châu Mỹ như bài Sometimes, bài Ave Maria. Phong cách các bài nhạc này có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn sau này. Giữa lúc ấy, trường sư phạm yêu cầu anh soạn một trường ca để đánh dấu lễ tốt nghiệp đầu tiên của trường. Anh không thể từ chối nên trường ca Dã Tràng đã ra đời. "Dã Tràng ca" chép gần đầy 7 trang A4, gồm có hai phần với 13 đoản khúc.


3. "Dã Tràng ca" dự báo tài năng âm nhạc họ Trịnh
Trường ca Dã Tràng về hình thức là một bài hát thơ dài, thể hiện đầy đủ nhất phong cách ca nhạc Trịnh Công Sơn. Về ý tưởng, do hoàn cảnh thực tế gia đình, do ảnh hưởng của Phật giáo mà anh hấp thụ từ nhỏ và do sách báo, âm nhạc ngoại quốc xâm nhập vào miền Nam Việt Nam lúc ấy, tư tưởng Trịnh Công Sơn trong "Dã Tràng ca" nhuốm màu triết lý về thân phận làm người. Kiếp người chỉ có tình yêu mới làm vơi bớt khổ đau. Về sau, anh phát triển thêm, con người muốn bớt khổ đau phải có nhau vì ngay cả "sỏi đá cũng cần có nhau". Nhạc sĩ Văn Bình cho rằng: "Dã Tràng ca là kho lưu trữ những ưu tư mà ta thường bắt gặp lại trong nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn sau này ví như Lời buồn thánh, Đóa hoa vô thường".
Trịnh Công Sơn viết "Dã Tràng ca" trong giai đoạn sa sút nhất về tình thần và vật chất. Những người hiểu về hoàn cảnh bi đát, vô vọng của Trịnh Công Sơn lúc đó thì mới hiểu được "Dã Tràng ca". Còn những người không hiểu sẽ không thích, mà còn có thể cho rằng Trịnh Công Sơn bi quan, yếu đuối. Có lẽ vì thế mà Trịnh Công Sơn không muốn nhắc đến giai đoạn Qui Nhơn với "Dã Tràng ca" để tránh sự hiểu lầm. Trịnh Công Sơn cố quên nhưng bạn bè anh, những người muốn hiểu đích thực hành trình âm nhạc trong cuộc đời âm nhạc tài hoa của anh thì vẫn cố tìm cho được để nhớ.


Nguyễn Đắc Xuân


 

Trịnh Công Sơn - Đóa Hoa Vô Thường
(Để tưởng niệm một ngọn đuốc lớn đã soi sáng âm nhạc,
cũng như đã góp phần lật trang sử giống Lạc Hồng)
Cách đây ít năm, tôi cùng nhà tôi đến thăm Sơn trong một buổi chiều nhạt nắng ở miền Nam. Trong suốt buổi viếng thăm, Sơn nói nhiều, điếu thuốc không hở trên tay, miệng vừa nhắp đều cốc rượu mạnh đã được pha loãng với nước. Nhưng Sơn không say chút nào. Cũng như khi sáng tác, Sơn không hề có ý trau chuốt nhiều. Ý tưởng và ngôn từ Sơn hôm ấy cứ tuôn ra như nước chảy, như thể đang sáng tác nhạc vậy. Chúng tôi im lặng ngồi nghe Sơn nói. Cũng như phong cách hàng ngày, ít nữa là vào những năm cuối đời, cử chỉ lời nói Sơn khoan thai, vừa để tiếp bạn từ xa, vừa chia sẻ chút tâm sự. Vì không sắp đặt trước nên câu chuyện hôm đó rất đáng ghi lại vì nó đã cho hậu thế một trong những cái nhìn cuối cùng hồn nhiên, không uốn nắn hay thêu dệt về nhạc sĩ. May thay hôm ấy chúng tôi có đem theo một máy vidéo cầm tay. Chúng tôi đã được chứng kiến một Sơn rất "Thiền". Một Sơn chín muồi hơn thời "Diễm Xưa". Nhờ thế, một cuộc thăm viếng thường đã trở thành một cuộc viếng thăm định mệnh vì đây là lần chót tôi gặp Sơn và cũng vì Sơn đã gởi gắm cho thế gian một đôi điều. Beethoven, hồi ở Heiligenstadt, 1802, viết thơ cho cháu Karl và em Johann không có ý viết chúc thư cho đời, nhưng hậu thế vẫn xem đó như lời di chúc nồng nàn nhất (chúc thư Heiligen-stadt). Mãi đến một phần tư thế kỷ sau ngày viết tâm thư đó, Beethoven mới thành người thiên cổ. Không cố ý tự vẽ mình, mà nhờ bức thư đó, hậu thế có dịp thấy rõ hơn Beethoven con người và Beethoven nghệ sĩ. Qua câu chuyện thân hữu hôm đó với chúng tôi, Sơn đã tô đậm thêm nét chân dung mình, phản ảnh một số nhân sinh quan, thẩm mỹ quan, tình yêu, tôn giáo, âm nhạc, cũng như thế giới và vai trò của thi sĩ, nghệ sĩ, v.v…
Để nhớ Sơn, ta có thể nêu ra hai câu hỏi: thứ nhất, Sơn gần đây giống và khác với Sơn xưa ở những điểm nào? và thứ nhì, họ Trịnh và Beethoven có những điểm giống và khác nhau ra sao? Vì sao nhắc đến nhà đại nhạc sĩ Đức? đối chiếu ở đây không nhằm so sánh hơn thua, hay dở, nhưng chỉ có một mục đích là cho ta một nhận định rõ ràng hơn về người nhạc sĩ lỗi lạc yêu dấu của chúng ta. Cả hai đều là những "ngôi sao xuống từ trên trời", một người xuống miền Tây, người kia xuống miền Đông, cách nhau hơn một thế kỷ rưỡi, nhưng có điều đặc biệt là họ một số điểm chung lớn. Mẫu số chung là hoài bão và tâm hồn lớn của họ, là đời sống tình cảm của họ, một số cảm nghĩ về đời sống và nghệ thuật, và nhất là cảm tình sâu xa của đồng bào đối với họ và vị thế tột đỉnh của mỗi người trong nền âm nhạc tại quê hương họ. Nếu người thường ghi nhận niềm đau khổ một mức nhạy cảm của nghệ sĩ cho họ ghi nhận mười. Cho đến nay tôi vẫn không chắc vì tất cả những lý do trên, hay có lý do nào khác, mà một khi nghĩ đến Trịnh Công Sơn, hình ảnh kinh cụ của con người nghệ sĩ Đức có nhiều tâm huyết muốn quyết liệt chống trả định mệnh lại hiện ra trong trí tôi hầu như một ám ảnh.

Nắng buồn hơn mưa...
Trong câu chuyện, có lúc Sơn chỉ tay về phía cửa sổ, nói rằng nắng ở Canada, chỗ Sơn ở thăm gia đình một thời gian ngắn, vui hơn nắng ở Việt Nam. Sơn nói nắng ở Âu Mỹ trắng mà vui hơn nắng ở đất Việt. Theo Sơn, nắng ở xứ ta vàng và buồn hơn mưa. Sơn nói ai cũng nói mưa buồn, nhưng Sơn không thấy vậy. Sơn nói " nắng cũng có cuộc đời riêng của nó ". Nghĩa là nắng sống ngày ba buổi, sáng, trưa, chiều, trong khi đó mưa không vậy. Mưa chỉ rào xuống một cái rồi hết. Phải chăng đây là cái nhìn của thi sĩ ở trong Sơn?

Thế giới nghệ sĩ
Sơn nói người nghệ sĩ có một thế giới, một đời sống riêng của mình. Sơn phụ thêm chữ Pháp le monde à soi, pour soi. Sơn giải thích rằng nếu không có đời sống riêng nầy thì nghệ sĩ không còn là nghệ sĩ hay nữa. Mà đời sống riêng tư đó là cái gì? Không đợi chúng tôi hỏi, Sơn tự trả lời một mình: đời sống đó là một cái gì huyền ảo, đầy "mộng tưỏng", nghĩa là nó vừa hư vừa thực. Nó gần giống thế giới bên ngoài nhưng "không hoàn toàn giống". Sơn dùng chữ invraisemblable để nói rộng thêm về thế giới riêng nầy. Theo lời Sơn, đời sống riêng của nghệ sĩ cũng có cây cỏ có bông hoa, có chim chóc, có dáng dấp của con người đi qua, nhưng tất cả cái đó không hoàn toàn giống thế giới bên ngoài. Thế giới người thường là thế giới cụ thể, nhưng thế giới nghệ sĩ thì " mông lung... trừu tượng ". Sơn nói thế giới nghệ sĩ là thế giới ngoài đời "nhân lên mười lần". Vì sao? Sơn giải thích: sở dĩ như vậy là vì thế giới nghệ sĩ đầy "ước mơ... hy vọng". Sơn nhắc đi nhắc lại hai chữ "ước mơ". Sơn nói nhờ có thế giới riêng nầy mà bài hát được tồn tại. Không có thế giới riêng nầy, vẫn theo Sơn, sẽ không có nhạc hay, sẽ nghèo nàn. Theo lời Sơn, lý do có nhạc không hay là vì tác giả không có cái thế giới riêng đó.

Vai trò nghệ sĩ
Nhân lúc câu chuyện đi đến chỗ bàn về nghệ sĩ, tôi có góp ý rằng nghệ sĩ tài ba chẳng qua là các thầy phù thủy (hiểu theo nghĩa tốt). Tôi nói các ông nhạc sĩ, họa sĩ lớn đã nhạy cảm đủ để nghe được trong khi kẻ khác không nghe được, thấy được trong khi kẻ khác không thấy được, cảm được trong khi kẻ khác không cảm được. Đó là của trời cho, là dấu hiệu thiên tài. Từ những cảm nhận nhạy bén nầy, các nghệ sĩ lớn biết cách tiêu hoá, nhào nặn, dùng phép thần thông, tạo cho đồng loại một thế giới mới, mở cửa cho đồng loại đi vào những chân trời huyền ảo nhớ nhung. Thiếu phép thần thông của thầy phù thủy thì đất sét trong tay thế gian vẫn là cục đất sét vô duyên. Người phàm có tai cũng như điếc, có mắt cũng như đui, có miệng cũng như câm. Vậy nghệ sĩ lớn trước hết là tai mắt của thế gian. Nhưng nghệ sĩ vừa là người ghi nhận, vừa là kẻ phát ngôn của đồng loại. Nghệ sĩ nói thay tiếng nói của đồng loại bất lực trong việc bày tỏ tâm trạng mình qua các tình huống đau khổ, hạnh phúc, nhớ nhung, khát vọng. Nhờ thế, qua tác phẩm văn nghệ, người đời tìm lại được bản thân của chính mình đã bị đánh mất. Thật một sự khám phá vô giá ! Cho nên đời vắng bóng nghệ sĩ là đời què quặt, nghèo nàn, mất mát không biết bao nhiêu mà kể ! Thấy tôi nói nghệ sĩ là thầy phù thuỷ, Sơn tỏ vẻ tán đồng. Song khi nghe tôi dùng chữ " phù thủy ", Sơn thoạt tiên dặm thêm chữ Pháp un magicien để dịch chữ phù thủy của tôi. Song khi cảm thấy tôi thắc mắc về chữ magicien (nhà ảo thuật) dùng để chỉ thầy phù thủy, thì Sơn đã nhanh nhẹn đổi ra chữ un sorcier. Tôi gật đầu để tán thành Sơn về sự sửa đổi ấy, vì thật ra sorcier là từ tôi nghĩ đến ngay từ đầu, nhưng vì thấy chữ phù thủy trong tiếng Việt quá hay nên tôi thấy không cần dùng ngoại ngữ làm gì.

Thi sĩ không phải là nhà tiên tri
Sơn nói sách báo thường cho thi sĩ là nhà tiên tri, nhưng thật sự không phải như vậy. Lý do? Sơn giải thích rằng thi sĩ nhìn lá nhưng thấy đó không còn là lá nữa, nhìn cây, nhưng thấy đó không còn là cây nữa. Thi si thấy trước được những gì sẽ xảy ra cho những cây và lá ấy. Sơn khai triển thêm. Những câu chuyện ở đời nầy có những giai đoạn bắt buộc, nghĩa là lúc đến, phải đến, lúc đi phải đi. Thi sĩ cảm thấy được chu trình đó và đi trước người khác một "tí xíu" mà thôi, do đó, người ta cho thi sĩ là tiên tri, chứ thật ra thi sĩ không phải là nhà tiên tri. Thi sĩ chỉ khác không thi sĩ ở chỗ có thể cảm thông với cây cỏ, vạn vật mà người ta tưởng là vô tri, nhưng theo Sơn, thật sự không phải là vô tri. Sơn lấy ví dụ là nếu ta rời bỏ khu vườn của ta để đi một thời gian, khi trở về thì thoạt đầu ta thấy nó hoang vu, nhưng sự hoang vu buồn bã đó sẽ biến mất sau khi ta ngồi chơi với nó trong môt thời gian, ta sẽ đem lại "hơi ấm" cho nó và nó cũng sẽ phản hồi lại, và như thế hai bên, người và vườn sẽ có "một sự giao hoà nào đó".

Ngày xưa sỏi đá cũng cần có nhau
Sơn nói với chúng tôi rằng mọi vật, ngọn lá hay bông hoa cũng có đời sống riêng của chúng. Có nhiều người cho đây là một hình thức thi vị hoá âm nhạc. Thế nhưng công việc thi vị hoá lắm khi lại là công việc gắng gượng, giả tạo. Với Trịnh Công Sơn, không cần cố sức thi vị hoá. Vì trong lời nói tự nhiên của Sơn đã có sẵn chất thơ rồi. Sơn nói " ...anh nhìn ngọn lá, có tình yêu trong ngọn lá, anh nhìn bông hoa, có tình yêu trong bông hoa... tất cả mọi cái đều có đời sống riêng ". Rồi Sơn giải thích cho chúng tôi tại sao Sơn hát . . ngày xưa sỏi đá cũng cần có nhau. Vì theo lời Sơn, sỏi đá có linh hồn riêng của nó, có đời sống riêng của nó. Sơn nhấn mạnh rằng sỏi đá cũng biết nhớ nhung, cũng biết nghe, biết nói. Chỉ vì mình không biết nghe mà thôi. Nhưng Sơn nói có người nghe được sỏi đá, có người không nghe được. Sơn nói sỏi đá có linh hồn và nó cũng biết buồn, biết nhớ nhung, và khi viên đá buồn, nó làm cho mình buồn. Sơn tin thật như vậy. Sơn nói nếu để sỏi đá rời nhau, xa nhau, thì chúng buồn, mà nếu để lại gần nhau thì chúng vui. Sơn nói một vật mình tưởng là vô tri, nhưng thực sự là nó không vô tri, vì nó có một đời sống, một "giá trị tự tại". Sơn nói theo nhà Phật, trong cái thế giới ta bà nầy, mọi đồ vật và sinh vật như loài vật, thiên nhiên, sỏi đá... thật sự đều là một. Chúng có những sự liên hệ, giao hoà với nhau. Chúng cần lẫn nhau và nhờ vậy đời sống được thoải mái, dễ dàng hơn.

Ông chủ hiền, con chó cũng hiền
Sơn đi xa hơn. Sơn nói không những thiên nhiên, vạn vật, ảnh hưởng đến người, mà người cũng ảnh hưởng đến vạn vật và thiên nhiên. Ngoài câu chuyện khu vườn biết buồn khi chủ đi vắng, Sơn còn tâm sự thêm là Sơn đem về nhà một con chó Tây vốn rất giữ. Trước khi về nhà Sơn, chó đó nhe răng gầm gừ với khách. Nhưng khi về ở với Sơn thì nó trở nên hiền khô, không còn gầm gừ nhe răng với ai nữa.

Hạnh bố thí
Sơn tiếp tục ý tưởng về sự liên đới chặt chẽ giữa người với người, giữa người với muôn loài, với vạn vật. Sơn nói nếu tôi (thực ra, Sơn dùng chữ moi và toi) kẹt quá, và tôi xin bạn một trăm nghìn (đồng) để tôi giải quyết vấn đề của tôi và bạn cho tôi số tiền đó, tức là bạn đã bố thí. Nhưng Sơn nói rằng bố thí bằng của cải vật chất, tiền bạc, là hạnh bố thí thấp nhất. Sơn nói theo nhà Phật, hạnh bố thí rất rộng. Có những hạnh bố thí cao hơn như khi bạn đang buồn, bạn đến với tôi, và tôi đã giúp bạn giải quyết nổi buồn đó. Sơn nói nhà Phật cho hạnh bố thí cao nhất là giúp đỡ người khác đang bị kẹt giải quyết vấn đề tâm linh hay tinh thần của họ.

Câu chuyện qua suối
Rõ ràng Sơn hôm ấy là cái Sơn muốn buông bỏ hơn vướng mắc. Sơn cho sự thảnh thơi tâm hồn là cần cho đời sống đáng sống. Nếu có lúc Sơn đã từng đam mê và ôm ấp thì hôm nay Sơn cho sự thanh thản, an lạc, hạnh phúc, tất cả đều nhất lý, là một. Sơn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện Thiền. Đây là một trong những bài khai tâm của Thiền môn, cho nên dù cho nhiều người biết chăng nữa, cũng xin ghi lại ở đây cho đầy đủ buổi nói chuyện hôm đó. Giọng Sơn bình dị nhưng vẫn duyên dáng, như được phát ra từ một nguồn cảm hứng mộc mạc, tự nhiên. Chuyện rằng, có hai thầy tu đi từ chùa trên núi xuống làng để mua đồ ăn, trên đường đi, phải qua một con suối lúc đó nước cạn. Trên đường về, đến cạnh bờ suối, hai tu sĩ đó gặp một cô gái trẻ đẹp trạc độ mười sáu, cũng đang tìm cách qua suối, nhưng lúc đó nước đã lên cao. Trong khi đang bối rối chưa biết tính sao thì một trong hai tu sĩ giúp cõng cô ta qua suối . Khi đã bỏ cô ta bên bờ suối bên kia, hai vị sư tiếp tục lên đường. Đi được một cây số, vị sư đã cõng cô gái hỏi vị sư kia rằng... sao từ lúc rời suối đến nay đã được một cây số rồi mà mặt bạn vẫn có vẻ ưu tư như vậy ? Vị kia trả lời : chúng ta là người tu hành, không được tiếp xúc với nữ giới, mà lúc nãy tại sao bạn lại cõng một cô gái như thế ? Vị sư cõng nói : giờ đây tôi cõng cô nào đâu... tôi không nhớ gì cả... vậy trong cây số qua, bạn là người cõng cô ấy chứ tôi đã hết cõng rồi... như vậy là bạn mệt quá rồi, chứ tôi không còn cõng nữa.

Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau...
Sau câu chuyện qua suối, Sơn quay người lại để với các nút bấm của bộ máy stereo để đằng sau lưng. Tiếng hát Cẩm Vân dâng lên và bắt đầu bao phủ lấy căn phòng khách cùng phòng vẽ.
Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã dưới chân người
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại, sóng về đâu?
Sóng bạc đầu, và núi chìm sâu
Ta về đâu đó?
Nhạc nghe đến đây, Sơn nói chêm vào: "bài này viết là từ [lời] cầu kinh của Phật: Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha " (Một số trong chúng ta, kể cả chúng tôi, đã lớn lên với câu kệ Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha, song tụng như vẹt, phải đợi đến khi tóc ngả màu mới thấm được ý nghĩa sâu xa của nó). Sơn dịch ra chữ quốc ngữ đại để là "vượt qua, vượt qua, tất cả chúng ta đều vượt qua, và đến bờ giác ngộ". Có phải Sơn là vừa là thi - nhạc sĩ, vừa là triết gia hay thiền gia? Hôm đó Sơn cho chúng ta một tiết lộ. Sơn nói có người lầm cho đây là bài hát về tôn giáo. Theo chính lời Sơn, mặc dù bài hát nầy lấy cảm hứng từ đạo bụt, "nhưng mà mình viết về tình yêu!". Trong khi Sơn giải thích về xuất xứ và ý nghĩa bài hát, tiếng sóng Cẩm Vân vẫn dồn dập cho đến cuối bài.
Về chốn nào, mây phủ chiêm bao
Cạn suối nguồn, bốn bể nương dâu
Ta tìm em nơi đâu?
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Đến đoạn nầy, Sơn cất tiếng hát đệm theo tiếng ca Cẩm Vân cho đến hết bài. Vầng tráng Sơn nhăn nheo, mắt Sơn nhắm lại như đang thả hồn theo tiếng sóng rạt rào. Bấy giờ Trịnh Công Sơn với biển sóng hoàn toàn là một.
Ta xô biển lại sóng nằm đau.
Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngả dưới tim người.
Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Đừng cho tôi thấy hết tim người.
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau,
Ta xô biển lại sóng về đâu ?
Giấc ngũ nào, giường chiếu quạnh hiu
Trăng mờ quê cũ
Người đứng chờ,
Gió động vi vu,
Vạt nắng vàng, nhắc lời thiên thu,
Nhớ ngàn năm trôi qua...
Biển sóng, biển sóng đừng trôi xa
Ba năm chờ đợi sóng gần ta.
Biển sóng, biển sóng đừng âm u
Đừng nuôi trong ấy trái tim thù.
Biển sóng, biển sóng đừng... xô... nhau...


Sơn và cố đô
Trong một bài phỏng vấn khá gần đây, Sơn thổ lộ : "Huế và đạo Phật ảnh hưởng sâu đậm trên tình cảm thời thơ ấu của tôi " (khanhly.com). Cho nên dù có trú ở đâu đi nữa, có thể nói Sơn luôn luôn nhớ nhà, nghĩa là nhớ Huế. Về mặt tình cảm, Sơn với Huế hình như không bao giờ rời nhau được. Sự gắn bó đó vừa do những kỷ niệm sâu sắc của tuổi trẻ, vừa do hoàn cảnh lịch sử đấu tranh của đất nước, mà Sơn là người thực sự trong cuộc trong những ngày tháng sôi sục ở miền Trung, vừa do mối cảm tình lạ lùng với mảnh đất cằn cỗi nhưng linh thiêng của Phú Xuân. Trước thì như thế, nhưng thử hỏi vào những năm cuối đời mình, Sơn đã nghĩ gì về xứ Huế ? Trong buổi nói chuyện, có lúc Sơn nhắc rằng Huế vẫn buồn, vẫn nhỏ, vẫn "nghèo nàn dễ sợ" nhưng Sơn nói thêm rằng "tất cả mọi người phải đi qua Huế mới thành một con người... vì đó là thủ đô cũ". Theo lời Sơn, Huế là nơi sản xuất nhiều nhân tài lịch sử và văn nghệ. Sơn nói "chỗ đó đã sinh đẻ ra" tất cả những nhân vật của lịch sử cận đại Việt Nam và họ "đều đi qua Huế cả". Trong các nhân vật lịch sử, văn hoá Sơn nhắc đến, có tên nhà thơ trữ tình cổ điển Xuân Diệu mà Sơn nói là người Bình Định cũng đã từng học ở Huế.

Hai vì sao sáng
Trên bình diện kỹ thuật, nhạc lý, không thể đối chiếu họ Trịnh với Beethoven được, và bài tưởng niệm nầy không có dụng ý đó. Lại càng không thể và không nên so sánh sự nghiệp của họ trong nền âm nhạc thế giới. Tuy nhiên nếu nhìn rộng hơn về con người, về suy tư, thái độ trước cuộc đời, tình yêu, quan điểm nghệ thuật, tác dụng của âm nhạc đối với người nghe... ta thấy có một khuynh hướng hội tụ cũng như phân kỳ nổi bật giữa hai thiên tài. Một lần nữa, sự giống nhau không phải chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên vì có một số mẫu số chung lớn về đời sống tình cảm, về sự vật lộn với bệnh tật vào khoảng đời xế chiều, về thời đại nhiễu nhương, cũng như chí lớn của hai nhạc sĩ (mặc dù có sự phát biểu khiêm tốn của Trịnh Công Sơn về vai trò của mình: Tôi chỉ là một tên hát rong... và Tôi không bao giờ có tham vọng trở thành một người viết ca khúc nổi tiếng...). Họ Trịnh và Beethoven đều là những tâm hồn đã vươn lên từ hố tuyệt vọng. Phải chăng những tâm hồn lớn thường hay gặp nhau ?
Trước nhất, về mặt âm hưởng, ta thấy chiều sâu của hai người đều thăm thẳm. Các bản tứ tấu đàn dây cuối cùng của Beethoven làm người nghe lên ruột, nạo sâu vào tâm can. Mặc dù không thể so sánh hai thể nhạc, tuy nhiên nếu mẫu số chung giữa các loại nhạc là ngôn ngữ, thì nếu nhạc của Beethoven là nhạc thuần túy, nhạc Sơn là nhạc thơ, mà thơ là ngôn từ của chân thiện mỹ (Beethoven cũng có sáng tác một số nhạc bản đơn ca lớn, kể cả các bài bất hủ về tình yêu trong tác phẩm An Die Fern Geliebte). Vì có tính chất thơ nên nhạc Sơn phần nhiều nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn nhưng vẫn vô cùng mặn mà, tha thiết. Nhạc lớn của Beethoven (dương cầm, tứ tấu, giao hưởng v.v.) có thể xuyên thủng tim người, gan người như chơi, nhưng chắc gì đã thấm qua sỏi đá, vạn vật như Sơn vẫn tin tưởng ? Vả lại, Sơn đâu chỉ viết nhạc cho người ? Sơn muốn nói chuyện với tất cả muôn loài. Nhạc Sơn đi vào tâm khảm con người, tâm khảm của vạn vật. Sơn muốn thế. Âm thanh Sơn, ngôn ngữ Sơn đi xuyên qua tim đồng loại nơi nơi, thấm vào sỏi đá, lan vào cây cỏ. Giá nếu người đời nghe được tiếng nói của vạn vật, sẽ nghe vạn vật tâm sự... "
Đề tài Sơn rất lớn, rất bao la, rất thấm thía. Lồng qua các chủ đề rất gần gũi với nhạc sĩ như tình yêu, quê hương, và thân phận, trong nguồn cảm xúc và đối tượng sáng tác của họ Trịnh, người ta thấy một thế giới súc tích bao gồm cả đời, người, chân-thiện-mỹ, vũ trụ, cái chết, và hư vô. Và nhờ vậy, hậu thế mới có một di sản âm nhạc phong phú đồ sộ đến như thế ! (Về điểm nầy, Trịnh Công Sơn giống Friedrich Schiller, một thi hào ưa chuộng của Beethoven, hơn Beethoven. Đối tượng của thơ Schiller cũng rất to lớn : có người, có thiên nhiên, có vũ trụ, có Thượng đế). Nhạc Beethoven, vì tự bản chất, có thể nói phần lớn không có chủ đề theo nghĩa thông thường. Vả lại, nhạc lớn như thế tự nó nói lấy, cần gì có chủ đề. Trong khi thính giả của Beethoven là người, là thiên thần, là chúa trời, thính giả của Sơn là đồng bào, là đồng loại, là vạn vật, là vũ trụ. Tầm thước của Trịnh Công Sơn, cũng như Beethoven, là ở chỗ họ đã dùng ngôn từ của chính chúng ta để nói thay chúng ta. Ngôn từ của Trịnh Công Sơn là tiếng nói của chúng ta tìm lại được. Tiếng nói đây cũng là tiếng nói của tự tình mình, của tự tình dân tộc, của tình người. Nếu An Die Freude (Ca Ngợi Niềm Vui, thơ của Schiller, Beethoven phổ nhạc trong giao hưởng số 9) đã làm rúng động năm châu, thì Nối Vòng Tay Lớn cũng vang dội như một địa chấn từ Bắc vô Nam, từ đông sang Tây.
Vượt qua tự tình dân tộc để đến với tình người có thể là một trong đỉnh cao nhất của Trịnh Công Sơn. Mấy ai đã không khỏi mủi lòng khi nghe Sơn chuyển từ tiếng khóc não nùng giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong... đến lời van lơn . . . ôi nhân loại . . . không ai thù ghét ai. . . Nếu trong vũ trụ quan của họ Trịnh, cũng như Beethoven, có bóng dáng của Thượng đế, thì cuối đời, Sơn thích làm nhà ở cõi vô vi. Trong khi nhạc sĩ Đức than thân, trách phận đã oái ăm dáng cho mình cái bệnh nan y (chúc thư Heiligenstadt) thì Sơn điềm nhiên đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng... với tôi là ai mà yêu quá đời nầy. Trong khi Beethoven trách móc đồng loại ôi nhân thế tôi ơi... các người xem tôi như kẻ ghét người... là oan ức cho tôi lắm..., họ Trịnh cũng có lúc hoài nghi một cách nên thơ đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng... Nhưng hoài nghi đó không giữ lâu vì thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận...
Không phải Sơn không có nhiều nỗi khổ riêng, kể cả đời sống tình cảm : và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh. Ai cũng biết hai thiên tài bên trời đông và trời Tây đều có đời sống tình cảm phức tạp. Về điểm nầy, không biết vì run rủi hay định mệnh mà hơn một thế kỷ rưỡi sau, họ Trịnh đã làm người phát ngôn tuyệt vời cho Beethoven khi chàng viết: Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu. Nhưng phương cách đối xử mỗi người một khác. Trong khi Beethoven viết An Die Fern Geliebte (Cho Người Tình Xa), Sơn cho ra đời Diễm Xưa.
Trong khi bị bệnh tai hành hạ từ năm 25 tuổi cho đến khi hoàn toàn điếc vào khoảng dưới 50, Beethoven còn phải khổ sở chống đỡ nhiều chứng bịnh kinh niên khác và cuối cùng đành bại trận trước bệnh ruột và gan vào năm 57 tuổi. Rượu là một trong những nguyên do chính. Trong thập niêm cuối đời, họ Trịnh cũng trải qua một số kinh nghiệm tương tự, kể cả rượu, và đã trở về cát bụi năm 62 tuổi. Đối với phàm nhân, đau khổ làm cho tâm hồn băng hoại. Còn hai thiên tài họ Trịnh và Beethoven có một điểm chung nữa rất lớn : đau khổ là thuốc bổ cho sáng tạo. Thay vì tàn lụi như cỏ sa mạc, với họ, đau khổ đã đơm hoa, khai quả cho nghệ thuật, những hoa quả tươi mát, dịu ngọt, làm cho đời nhẹ nỗi trần ai. Họ là bình minh của cuộc đời, của vũ trụ.
Về triết lý sáng tác, trong khi Beethoven trau chuốt từng nốt, từng câu, Sơn có lối viết nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã có nhận xét hay: Trịnh Công Sơn " viết dễ như lấy chữ trong túi ra ". Việc Beethoven xé bỏ bản thảo của mình không phải là chuyện hiếm. Nhạc sĩ Đức nổi tiếng là người có tánh hay bực bội, nóng nảy. Beethoven đã có lúc khâm phục ca ngợi người hùng đại đế Napoléon. Người ta kể rằng, sau khi nghe tin đại đế gây cảnh khói lửa tang tóc ở Âu Châu, chàng đã xé toang trang tựa bản thảo bản giao hưởng Anh hùng ca (giao hưởng số 3) có ghi lời đề tặng cho đại đế. Trái lại, Sơn tánh vốn thường đằm đẹ, trông có vẻ bình thản hơn trong mấy năm cuối đời mình. Beethoven luôn luôn là con người của đam mê tột độ. Sơn cũng đã từng có một thời rất Beethoven : Như thế, với cuộc đời, tôi đã ôm một nỗi cuồng si bất tận (TCS). Đều là máu nghệ sĩ thứ thiệt cả !

Nhất lý hay nhị nguyên
Với Trịnh Công Sơn, cũng như phần nào đối với Beethoven, ta còn thấy thể hiện một số "phản đề" khá thú vị trong tư tưởng Thiền và triết học, là ngành Sơn đã học và suốt đời rất thích. Các phản đề đó là :
(1)  Giải thoát và vướng mắc
(2)  Đổi thay và chân lý
(3)  Đời buôn chôn và lòng vị tha.
Là nguồn cảm hứng lớn, các phản đề nầy đã làm giàu kho tàng văn hóa nhân loại. Chúng bám chặt thiên tài nơi nơi, không bao giờ chịu nhả ra và cũng không phân biệt ranh giới quốc gia hay chủng tộc (tài/mệnh của Nguyễn Du; người gù/mỹ nhân của Victor Hugo ; Anna Karenina của Leo Tolstoy...). Có lẽ Trịnh Công Sơn đủ thông Thiền để thấy rằng hạnh phúc và đau khổ _ mới nghe qua có vẻ tương phản _ sự thật không phải là hai trạng thái đối kháng nhau ; với Thiền, chúng chỉ là một. Cũng có lẽ vì thế mà Sơn không thấy có gì mâu thuẫn trong các hình ảnh hay ý niệm đối nghịch nhau trong một số lời ca của mình.

Rất Beethoven mà cũng rất Sơn
Trong chúc thư Heiligenstadt, trong giây phút tuyệt vọng, Beethoven đã phơi bày tâm sự não nề với Karl và Johann: "Ôi nhân thế tôi ơi, các người đã từng xem tôi hay nói về tôi như kẻ bất nhân, không tình nghĩa, hay thậm chí còn xem tôi như kẻ thù ghét người, các người có biết như vậy là oan ức cho tôi lắm không... chỉ vì các người không biết lý do thầm kín nào đã làm tôi có bộ mặt như vậy... từ lúc nhỏ tim tôi, tâm hồn vẫn hướng về tình thương và thiện ý... nhưng sáu năm qua bệnh nan y của tôi đã làm tôi khổ và bầy y sĩ vô tài đã làm tôi khổ sở hơn. Năm nầy qua năm khác, hy vọng khỏi bệnh biến theo mây khói làm tôi phải chấp nhận viễn tượng bị tàn tật suốt đời... trời phú cho tính hăng say mãnh liệt... mà rồi tôi cũng phải rút lui sống trong cô đơn... Có lúc tôi muốn quên mình bị tàn tật, nhưng than ôi, bệnh nghiệt ngã của tôi vẫn hành tôi mà thậm chí tôi vẫn không đủ can đảm để nói lớn : "Các người hãy hét lên bởi vì tôi điếc". Làm sao tôi dám thú với người ta rằng tôi bị tật về một cơ năng đáng lẽ phải được toàn thiện ở tôi hơn ở người khác... Lạy Chúa linh thiêng, xin ngài nhìn xuống tâm hồn và tim con, ngài thấy tim con lúc nào cũng đầy tình thương người và ước mong làm điều thiện... Hãy dạy con cái [của Karl và Johann] biết làm điều lành, bởi vì theo kinh nghiệm bản thân tôi, chỉ có cái đức mới đem lại hạnh phúc chứ không phải tiền tài...chính cái đức đã nuôi dưỡng tôi trong lúc tuyệt vọng. Chính nhờ có lòng nhân ái và nghệ thuật mà tôi đã không chấm dứt đời mình bằng tự vận ".
Trong khi Beethoven phẫn nộ cay cú với định mệnh, Sơn nhẹ nhàng ca ru đời đi nhé. Cái Sơn thật là cái Sơn đã có lần thốt Sống mà giữ mãi trong lòng những hờn oán thì cũng nặng nề. Trong đoản văn "để bắt đầu một hồi ức", Trịnh Công Sơn cũng tâm tình tương tự như Beethoven, nhưng thiếu cái vị mặn, vị chát của nhạc sĩ Đức: Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng yêu tôi. Đó là niềm an ủi lớn trong cuộc sống nầy. Vì thế lòng tôi không có một giây phút nào nuôi một lòng oán hận với cuộc đời. Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận hờn, trách móc mà làm gì bởi vì cuộc đời sẽ xóa hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn... Tôi đến với âm nhạc có lẽ cũng vì tình yêu cuộc sống.
Trịnh Công Sơn chia tay với chúng ta để vào thế giới những người không bao giờ chết. Ở đó Sơn đã gặp mẹ và Beethoven. Nếu, theo Thiền, sự trở về đích thực là sự trở về với mình, là sự đi đến sau những năm tháng say sưa dấn thân cho nghệ thuật, cho quê hương, cho đồng loại, cho vạn vật, thì nay Sơn đã trở về.
Đời như vô tận, một mình tôi về. Với tôi.


Võ Xuân Hân


 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget