Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Tự do là khởi nguồn của giải pháp




Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Công nghệ hóa học ĐH Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc), tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật ĐH Công nghệ Vienna (Áo); từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore, tiến sĩ Giáp Văn Dương được xem như một “công dân toàn cầu”.


Tiến sĩ Giáp Văn Dương


Trách nhiệm công dân
là công việc của giáo dục

- Trải nghiệm nhiều môi trường giáo dục hiện đại trên thế giới, quan niệm của anh về mục tiêu hướng đến của giáo dục là gì?
Tôi nghĩ tạo nên con người tự do là đích đến của giáo dục, bởi tự do là khát khao muôn thuở của con người. Điều này không chỉ đúng với mỗi cá nhân, mà còn với cả các quy mô dân tộc. Lịch sử đã chứng kiến biết bao cuộc chiến vùng dậy của các dân tộc bị áp bức để giành lấy tự do mà Việt Nam là một dân tộc điển hình. Tự do cũng là đích đến của văn hóa, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo... Trong tự do, con người có cơ hội được khám phá và thể hiện mình một cách trọn vẹn. Về mặt hình thức, đây là kết quả của việc cá nhân tách khỏi đám đông để nhìn nhận lại mình, và từ đó tự phát triển mình theo hướng tối ưu. Như vậy, tự do là điều kiện cho mỗi cá nhân hoàn thiện thành người theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này. Vì thế, tự do phải là đích đến của giáo dục.

- Trên thực tế, liệu con người có thể tự do đến mức không hề liên quan đến lợi ích của người khác và lợi ích của xã hội?
Con người không từ trên trời rơi xuống, cũng không thể tồn tại và trưởng thành mà không có sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng. Nói cách khác, ngay từ khi được sinh ra, con người đã có mối liên hệ với những người khác, mà sớm nhất là với cha mẹ của mình. Càng trưởng thành, những liên hệ mang tính xã hội này ngày càng nhiều. Với mỗi cá nhân, dù ở trạng thái tự do, thì cũng không thể tách biệt khỏi cộng đồng hoàn toàn. Những liên kết và tương tác của cá nhân và cộng đồng tạo ra một sự ràng buộc tương đối lẫn nhau. Sự ràng buộc này đòi hỏi cá nhân phải có một trách nhiệm chung với xã hội. Đó là trách nhiệm công dân. Sự ràng buộc của cá nhân và xã hội là không thể tách rời mà tự do của cá nhân luôn đi cùng với trách nhiệm công dân. Vì thế, bên cạnh con người tự do thì trách nhiệm công dân cũng là công việc của giáo dục.
Như vậy, câu chuyện về con người tự do và trách nhiệm công dân là rõ ràng và không mâu thuẫn. Những rắc rối chỉ xảy đến khi hai khía cạnh này bị đẩy đến cực đoan. Trong đó, nguy hiểm hơn cả là khi một hệ thống xã hội nhân danh trách nhiệm công dân tìm mọi cách để bóp nghẹt con người tự do. Khi đó con người cá nhân không còn điều kiện tự hoàn thiện mình nữa, sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu là xã hội rơi vào trạng thái suy đồi, vì xã hội, suy cho cùng cũng chỉ là tập hợp của các cá nhân và tương tác giữa họ.
Ngược lại, nếu con người tự do được đẩy đến cực đoan thì ban đầu có thể gặp một số rắc rối về mặt xã hội, do sự vùng thoát của các cá nhân ra khỏi ràng buộc chung. Nhưng sự rắc rối này chỉ là tạm thời, vì với tư cách một con người trưởng thành, cá nhân sẽ tự điều chỉnh mình một cách tự nguyện để tương thích với các chuẩn mực chung, trước hết để tự bảo vệ mình và quyền lợi của chính mình, sau nữa để duy trì xã hội như một sự cần thiết tất yếu mà con người không thể tránh được. Đây chính là lý do để luật pháp ra đời, và nhà nước pháp quyền phát huy tác dụng.

- Ai là trọng tài phân xử mâu thuẫn giữa con người tự do và trách nhiệm công dân, trong một trường hợp cụ thể là giữa mong muốn cá nhân và luật pháp? Liệu cá nhân có nhất thiết phải luôn tuân thủ luật pháp hay không?
Câu trả lời chính là đạo đức. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa con người tự do và trách nhiệm công dân, hay giữa mong muốn cá nhân và quy định của luật pháp, thì đạo đức sẽ là cái thứ ba đứng ra làm trọng tài phân xử. Theo nghĩa đó, đạo đức đứng cao hơn luật pháp. Vấn đề còn lại là làm sao để có được những chuẩn mực đạo đức của xã hội, đủ tốt và đủ mạnh để bảo vệ cả cá nhân và xã hội. Câu trả lời sẽ dẫn ta đến cơ sở hình thành đạo đức, mà truy đến cùng thì vẫn là ở con người. Vì thế, các giá trị đạo đức chỉ khả tín nếu cơ sở của nó khả tín, tức được đặt trên nền tảng của những con người hoàn thiện.

- Theo anh, cơ sở nào để sự sáng tạo có thể thăng hoa?
Sáng tạo sẽ chỉ đến trong tự do. Nếu không có tự do sẽ không có sáng tạo. Lý do đơn giản là khi không có tự do, anh sẽ không có nhiều lựa chọn và sẽ không thể tạo ra cái mới. Những thứ anh tạo ra sẽ chỉ là những khuôn mẫu cũ. Để hướng đến sáng tạo, trước hết cần hướng đến tự do. Và để nuôi dưỡng sáng tạo, trước hết cần nuôi dưỡng tự do. Như đã nói ở trên, con người tự do luôn đi kèm với trách nhiệm công dân như hình với bóng. Một sự sáng tạo đúng nghĩa là một sự sáng tạo có trách nhiệm. Nếu sáng tạo mà không có trách nhiệm, đặc biệt nếu vi phạm những quy chuẩn đạo đức, thì đó là sáng tạo hủy diệt, cần loại bỏ.

- Xã hội biến động mạnh đã tác động rất lớn đến hệ giá trị của người trẻ. Anh nhìn nhận thế nào về hệ giá trị hiện nay của giới trẻ, nó có bị cuốn theo những giá trị ảo, hời hợt bên ngoài? Giới trẻ có đang thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước, xã hội như nhiều "người lớn" vẫn nói?
Đúng là đang có hiện tượng xã hội đang chạy theo các giá trị ảo, nặng về hình thức bên ngoài. Điều này đã được nhiều người lên tiếng và cảnh báo như một sự xuống cấp chung về đạo đức, lối sống, văn hóa...
Sự xuống cấp này không chỉ ở trong giới trẻ, mà ở mọi tầng lớp khác, kể cả lãnh đạo. Với những người có địa vị và quyền lực, điều này còn hiển hiện rõ ràng hơn, vì đơn giản là họ có phương tiện để thực hiện nó. Vì thế, nói giới trẻ đang chạy theo giá trị ảo, hời hợt bên ngoài, dù là một mô tả đúng thì cũng không đủ sâu, và có phần né tránh vì không xét đến bối cảnh chung.
Trước khi quy kết cho người trẻ chạy theo giá trị ảo, hời hợt bên ngoài thì thế nào là giá trị ảo, hời hợt cũng là điều cần bàn xét. Nói một giá trị là ảo chỉ khi có một giá trị thật bền vững làm đối chứng. Giá trị thật này phải được thử thách qua thời gian, không gian, tức có tính phổ quát.
Nhưng các giá trị phổ quát đó chưa chắc đã được chào đón, và được coi là giá trị thật ở Việt Nam. Cái truyền thống thì bị quy kết là phong kiến cổ hủ, cái đương đại thì ngăn chặn và gắn mác ngoại lai thù địch. Người trẻ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan nên chán nản, mất định hướng.
Nhiều lúc tôi thấy người trẻ như con cá trong giỏ cua, quay bên nào cũng bị cặp, nên chỉ biết giãy giụa.
Đây không hẳn chỉ là một quán tính văn hóa, mà dường như còn là cả một kế hoạch.
Trong hoàn cảnh đó, giới trẻ sẽ làm gì?
Họ sẽ chạy theo bất cứ thứ gì mới lạ mà họ tiếp xúc, như thần tượng các cầu thủ bóng đá, các ca sĩ nước ngoài. Vậy nói rằng người trẻ đang chạy theo những giá trị ảo, hời hợt bên ngoài là không công bằng. Họ làm vậy vì trong sâu thẳm, họ không có lựa chọn nào khác. Họ cũng chưa đủ trưởng thành để tạo ra các lựa chọn cho mình và người xung quanh.
Không thể bắt một dòng sông chảy ngược. Cho nên cũng không thể bắt người trẻ trẻ lại những giá trị cũ, dù là đúng với các thế hệ trước, nhưng lại trở nên lạc hậu trong đời sống đương thời. Nếu thực sự vì người trẻ và vì đất nước, cái duy nhất mà "người lớn" nên làm là hãy để cho người trẻ được tự do lựa chọn, tự do định đoạt số phận mình.
Có thể bạn sẽ lấy ví dụ người trẻ chỉ biết chạy theo tiền để minh chứng cho việc giới trẻ chạy theo các giá trị ảo bên ngoài. Điều này cũng lại không công bằng nữa. Khi không có một thang giá trị tinh thần đủ mạnh làm định hướng, hoặc không có các giá trị tâm linh có tính cách thiêng liêng để tôn thờ, thì họ sẽ chọn thứ gì dễ nhìn thấy nhất, dễ đo đạc nhất, có quyền năng tức thời nhất để làm chuẩn. Đó là tiền. Vì vậy, nên hiểu việc chạy theo tiền như một chỉ dấu về tình trạng khô hạn trong đời sống tinh thần của toàn xã hội, chứ không phải là chạy theo một giá trị ảo, hời hợt bên ngoài của giới trẻ.
Làm giàu không phải là xấu, càng không phải là ảo. Làm giàu là xu hướng tất yếu nếu đất nước muốn giàu mạnh lên. Làm sao một đất nước có thể giàu mạnh nếu những công dân của nó không muốn làm giàu, không khát khao một sự trỗi dậy??
Do đó, nếu phải nói gì về hệ giá trị hiện nay của người trẻ, thì đó là không có hệ giá trị nào cả. Không có hệ giá trị chủ đạo. Những câu chuyện lớn, lý tưởng lớn đã không còn sức thuyết phục. Cái mường tượng, cái được rao giảng quá khác với thực tế. Những mệnh đề chắc nịch như chân lý bỗng chỗng trở thành vô nghĩa trong hoàn cảnh mới. Tất cả đều nhảm nhí hết rồi!
Điều đáng quan tâm hiện giờ chỉ là những mảnh vụn cuộc đời. Kiếm tiền, ăn, chơi, lên Facebook tán gẫu chuyện đời, than thở, khoe con, khoe quần áo, khoe người yêu... tích cực lắm thì cũng lang thang đây đó như trào lưu "phượt" cho đỡ tù túng. Tức là những câu chuyện nhỏ, những chia sẻ nhỏ, những mảnh vụn cuộc đời mới là cái đáng quan tâm và khả tín. Bạn có thể gọi nó bằng một tên gọi đầy tính thời thượng, như "hậu hiện đại" chẳng hạn, hay bất kể một cái tên nào khác mà bạn muốn.
Điều này không xấu. Điều này cũng không đáng trách. Nếu so với điều vô nghĩa vĩ mô thì đây lại là cứu rỗi. Trong những mảnh vụn nhỏ, ý nghĩa sẽ trỗi dậy để thay cho điều vô nghĩa vĩ đại sáo mòn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam đang đòi hỏi một sự vượt lên, một sự quy tụ nguồn lực để phát triển, thì đây là một trở ngại lớn.
Còn người trẻ có thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước không ư? Nhiều người cho rằng có, và buộc tội người trẻ như vậy. Nhưng họ đã không xét đến một thực tế: bằng cách này hay cách khác, người trẻ đang bị tước đoạt quyền tham gia định đoạt những vấn đề lớn của đất nước.
Trật tự hiện tại đang muốn người trẻ tuân thủ, chứ không phải là định đoạt.

- Anh thường nhấn mạnh đến vai trò của của tự do nội tại. Với giới trẻ, tự do quan trọng đến mức nào trong việc định vị bản thân? Và nó giúp gì cho họ khi đối mặt với khó khăn, khủng hoảng?
Với riêng tôi, việc khám phá ra tự do nội tại là một bước tiến đáng kể trong đời sống cá nhân, đặc biệt trong việc nhận thức bản thân mình. Thường thì tự do nội tại bị các tầng nấc luật lệ, văn hóa, thói quen, quán tính... che khuất; hoặc bị quên lãng bởi sự bận rộn của đời sống thường ngày. Nhưng khi được khám phá ra, tự do nội tại sẽ là khởi nguồn cho một đời sống tươi mới đầy tỉnh thức.
Có thể ví tự do nội tại, tuy vô hình nhưng lại như cánh đồng mênh mông cho mỗi người tự do khai phá gieo trồng. Thành quả của sự gieo trồng này chính là sự trù phú trong đời sống tinh thần của ai tìm ra nó. Nếu đời sống tinh thần nghèo nàn hay đang bị sa mạc hóa, thì nguyên nhân có một phần đến từ sự bỏ quên và bỏ hoang cánh đồng này.
Vì là tự do nội tại, nên nó là thứ tự do bất khả tước đoạt. Chính vì thế, đây là pháo đài cuối cùng mỗi người dùng để bảo vệ phẩm giá và các giá trị cá nhân của mình. Nói cách khác, đó chính là nơi để mình phát triển một cách trọn vẹn nhân cách của mình.
Với người duy lý, tự do nội tại tạo ra một điểm tựa lý thuyết cho người ta tự tin, vượt qua các rào cản tâm lý và cả sự sợ hãi, để định đoạt cuộc đời mình, và sống cuộc đời mình mong muốn.
Thật may mắn, tự do nội tại là thứ tự do bất khả tước đoạt, tồn tại trên cơ sở lý tính của con người, nên về mặt lý thuyết, trong mọi hoàn cảnh con người ta đều có thể lựa chọn để sống như mình muốn. Đây chính là cơ sở để con người tự giải phóng mình và chủ động định đoạt cuộc đời mình theo chiều hướng mà mình cho là tốt nhất.
Với người trẻ, khi nhân cách còn đang trong quá trình định hình, gương mặt và thân phận mình còn đang được tạc vẽ, thì tự do nội tại, và sau đó là tự do của môi trường bên ngoài, đóng vai trò quyết định trong việc định hình và định vị bản thân mình. Tự do cho phép họ thực hiện những việc mà họ cho là phù hợp nhất với cá nhân họ. Nói cách khác, tự do cho phép mỗi người tự đúc tạc cuộc đời mình.
Vì sao ư? Vì tự do bao giờ cũng gắn liền với lựa chọn, nên khi có tự do, người ta sẽ có lựa chọn. Và khi lựa chọn, người ta đã thực hiện hành động đầu tiên và cơ bản nhất trong đời sống của mình với tư cách một con người.
Nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy, lựa chọn chính là hành động ở cấp độ cơ bản nhất. Lựa chọn chính là bản lề giữa cái bên trong và bên ngoài, giữa cá nhân và xã hội. Vì thế, về mặt logic, mọi hoạt động của con người đều có thể phân tích thành một chuỗi các lựa chọn liên tiếp.
Tự do cho phép con người ta được lựa chọn, vì thế giúp con người được thực hiện những hành động có lý trí, có ý nghĩa, có nhân tính một cách chủ động. Nói cách khác, tự do giúp cho con người ta được tự định đoạt số phận mình để sống một cuộc sống chủ động và có ý nghĩa.
Còn tự do có giúp gì trong khó khăn khủng khoảng hay không ư? Khi gặp khó khăn, chính tự do sẽ là khởi nguồn của giải pháp. Vì tự do cho phép lựa chọn, mà giải pháp suy cho cùng chỉ là một chuỗi các lựa chọn tối ưu.
Vì thế có thể nói, tự do chính là nguyên ủy sâu xa của mọi sáng tạo, mọi giải pháp trong lúc khó khăn, khủng hoảng.

- Anh đã học tập và tham gia giảng dạy tại một số nước trên thế giới. Theo quan sát của anh, nền giáo dục tại các quốc gia này đã trang bị cho tự do của người trẻ cũng như khả năng, kỹ năng vượt qua khủng hoảng ra sao?
Trong những nơi tôi đi qua, không hẳn nơi nào cũng chủ động trang bị cho sinh viên một hành trang về tự do. Nhưng ở các nền giáo dục tiên tiến, tinh thần tự do đã thấm vào máu mỗi người. Nhà trường chỉ tạo điều kiện cho tinh thần đó được sinh sôi, luân chuyển trơn tru và rèn luyện cho thêm vững chắc.
Họ có các chương trình và phương pháp thích hợp để giúp người trẻ tự do thể hiện mình, tự do chủ động định hình tính cách và cuộc đời mình. Từ đó người trẻ hiểu được vai trò và giá trị của tự do. Đó là lý do vì sao khi tự do bị đe dọa họ, dù là tự do cá nhân hay tự do chung của cộng đồng, họ lại thường có những phản ứng không nhân nhượng.
Song song với việc làm cho người trẻ thấm nhuần tinh thần tự do, các nền giáo dục đó cũng giáo dục cho người trẻ của mình về trách nhiệm công dân. Con người tự do và trách nhiệm công dân là hai đặc trưng không thể tách rời của một người trưởng thành. Nếu con người tự do giúp mỗi người hoàn thiện bản thân mình với tư cách một cá nhân, thì trách nhiệm công dân giúp cho xã hội mà cá nhân đó là một thành viên thêm bền vững.
Đã là con người thì bao giờ cũng có hai thuộc tính cá nhân và xã hội, do đó, con người tự do và trách nhiệm công dân luôn gắn chặt với nhau, như hình với bóng. Vì thế có thể nói ngắn gọn, với các nền giáo dục tiên tiến, con người tự do và trách nhiệm công dân là đích đến của giáo dục.
Khi có con người tự do và trách nhiệm công dân, người trẻ sẽ tự động tìm ra giải pháp để vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Còn vượt qua như thế nào thì chỉ là những vấn đề mang tính kỹ thuật.

- Xét về khía cạnh trên, giới trẻ Việt Nam có quá thiệt thòi?
Quả thật là giới trẻ Việt Nam rất thiệt thòi khi ý niệm về con người tự do vẫn là một điều xa lạ, và xa xỉ, trong xã hội. Trong suốt thời phổ thông và đại học, tôi chưa từng một lần nghe các thày cô của mình nói đến con người tự do, vì bản thân họ cũng không có ý niệm này.
Cái được nói đến thường xuyên hơn là trách nhiệm công dân. Vì thế, cân bằng giữa con người tự do và trách nhiệm công dân bị phá vỡ. Con người tự do bị bóp nghẹt, chỉ còn trách nhiệm công dân.
Điều này đã thể hiện ra dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, như sự triệt tiêu của sáng tạo cá nhân, coi thường cá nhân mà chỉ đề cao tập thể. Mô hình kinh tế tập trung bao cấp, mô hình hợp tác xã nông nghiệp, cách tổ chức nghiên cứu khoa học, giáo dục theo kiểu "hợp tác xã khoa học" v.v. cũng là những dạng tồn tại cụ thể của sự mất cân bằng này.
Vì thế, với những giá trị là hiển nhiên của thế giới, thì người trẻ Việt Nam vẫn còn phải làm quen và chật vật tiếp thu, nhiều khi trong cấm cản vì động chạm đến những trật tự cũ. Đó thực sự là một điều rất thiệt thòi.

- Giới trẻ phải tự giáo dục và đào tạo cho mình những gì để vượt qua được khủng hoảng? Anh có kinh nghiệm nào có thể chia sẻ từ những gì bản thân anh đã trải qua?
Giới trẻ phải tự đào tạo những gì ư? Mỗi người sẽ có câu trả lời riêng. Không có giải pháp vạn năng cho các vấn đề của tất cả mọi người. Nhưng giải pháp cho mỗi người sẽ đến từ việc biết đặt câu hỏi và biết hoài nghi lành mạnh. Vì biết đặt câu hỏi và biết hoài nghi lành mạnh là đã khởi đầu cho việc tự giáo dục và đào tạo mình rồi.
Từ việc đặt câu hỏi sẽ dẫn đến các câu trả lời, hoặc ít nhất cũng là hành trình đi tìm câu trả lời. Mọi việc sẽ sáng dần ra. Đến một lúc nào đó, mọi cái u mê bùng nhùng sẽ tan biến. Mọi việc sẽ trở nên rõ ràng. Bạn sẽ biết mình là ai, mình cần phải làm gì, và vì sao mình lại làm như vậy. Tức là bạn đã được khai minh và trưởng thành.
Kinh nghiệm của tôi là đừng tin bất cứ thứ gì mà mình chưa trực tiếp kiểm chứng hoặc trải nghiệm. Nếu bạn nói về vấn đề nào đó mà chưa từng đặt câu hỏi đó là gì và tìm cách trả lời nó, thì mọi điều bạn nói đều không khả tín. Vì đơn giản đó không phải là tri thức của bạn, đó chỉ là thông tin bạn nhặt nhạnh đâu đó, hoặc thông tin dội vào đầu bạn trong vô thức. Mà thông tin thì không phải lúc nào cũng khả tín và có ý nghĩa.
Vậy nên, giữa một rừng thông tin, một rừng sự kiện, một rừng giá trị tốt xấu đúng sai cùng pha trộn, thì cách hữu hiệu nhất để minh định chúng là tự đặt câu hỏi và tự dùng lý trí của mình để trả lời chúng. Mỗi câu hỏi và mỗi câu trả lời sẽ là một ngọn đuốc nhỏ để mỗi người tự thắp sáng đường đi của mình.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget