Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Từ chức ở VN... khó lắm !!!



Khi chức vụ nặng về quyền lợi, từ chức là vô cùng hiếm. Từ chức chỉ trở thành hiện tượng bình thường, khi chức vụ mang nặng ý nghĩa trách nhiệm.
Khi các quan chức phải chịu cảnh "một cổ hai tròng", quyền lực sẽ bị kiểm soát. Thay vào đó, trách nhiệm sẽ được chú trọng. Thước đo để đánh giá một chính phủ, một quan chức có thành công hay không là ở việc họ có thực hiện tốt các trách nhiệm giao phó, dựa trên quyền lực được trao có giới hạn, hay không.


Chức quyền và chức trách
Nếu coi chính quyền là của nhân dân, thì mỗi chức vụ trong chính quyền đều là được ủy quyền từ nhân dân để quay lại phục vụ nhân dân. Mỗi chức vụ gắn với một trách nhiệm, và tương ứng với nó là một quyền lực, có giới hạn, để thực hiện trách nhiệm. Trách nhiệm là nền tảng, và quyền lực chỉ được trao có giới hạn để thực hiện trách nhiệm ấy.
Nhưng quyền lực khi đã được trao (ủy quyền) sẽ tạm thời độc lập với người trao quyền - nhân dân. Khuynh hướng tự nhiên của quyền lực được ủy quyền là tha hóa. "Tha hóa" là từ Hán Việt, nghĩa là "biến thành cái khác". Quyền lực là của nhân dân, được ủy quyền cho quan chức để phục vụ nhân dân, khi tha hóa thì xa rời nhân dân. Nó không còn phục vụ nhân dân nữa, mà phục vụ người cầm quyền: sử dụng quyền để trục lợi cá nhân hay lợi ích nhóm, hoặc sử dụng quyền vượt ra ngoài giới hạn được trao để thỏa mãn khát khao quyền lực. Trường hợp thứ nhất sinh ra tham nhũng, trường hợp thứ hai gọi là lạm quyền. Đó đều là quyền lực bị tha hóa. Trên thực tế, tham nhũng và lạm quyền luôn song hành.
Khi chức vụ chỉ được hiểu bằng ý nghĩa gắn với quyền lực - và tất nhiên, quyền lợi - thì dân gian gọi nó là "chức quyền". Quyền lực khi không được kiểm soát thì đều bị tha hóa, và chức vụ đều được coi là chức quyền.
Những thể chế tốt sẽ tổ chức quá trình giám sát quyền lực được trao. Về nguyên tắc, ai trao quyền thì có quyền giám sát, tức nhân dân có quyền đó. Nhưng nhân dân có quá nhiều việc phải lo, từ mưu sinh đến sự nghiệp, từ gia đình tới giải trí..., không thể ngày ngày soi xét các quan chức làm gì, và họ cũng không có đủ phương tiện và hiểu biết bằng các quan chức trong việc vận hành hệ thống quyền lực, nên không thể giám sát trực tiếp. Vì vậy, nhân dân lại phải ủy quyền cho những đại diện khác để giám sát các quan chức.
Nghị viện (hay quốc hội) được nhân dân trực tiếp bầu ra là một nhánh kiểm soát quyền lực của các quan chức. Nghị viện xây dựng luật pháp, và thông qua các chính sách của chính phủ để kiềm chế, không cho các quan chức muốn làm gì thì làm. Nhưng việc kiểm soát quyền lực của nghị viện đối với chính phủ chỉ thực sự hữu hiệu khi chính phủ đương nhiệm không có khả năng tác động được tới bầu cử, đảm bảo cho các ứng viên nghị viện không phải cầu cạnh các quan chức đương nhiệm; và các nghị viên không tham gia chính phủ. Khi nghị viên cũng đồng thời có chân trong chính quyền, điều khó tránh khỏi là họ sẽ ủng hộ chính phủ mà mình tham dự, thay vì kiểm soát nó.
Tư pháp là nhánh thứ hai. Vì đặc thù nghề nghiệp, các thẩm phán không được lựa chọn bởi nhân dân, mà lại thường được giới thiệu bởi các quan chức. Chỉ là giới thiệu, vì nó phải thông qua nghị viện mới được lựa chọn. Nhưng các quan chức chỉ có quyền cất nhắc (khi có vị trí trống) mà không có quyền bãi miễn các thẩm phán, nhờ vậy cơ quan tư pháp vẫn có quyền độc lập với chính phủ. Người ta có thể chống lại người đã lựa chọn mình, chứ không ai chống lại người có quyền phế truất mình, nếu còn muốn tại vị.
Khi đó, chức vụ sẽ được dân gian gọi là "chức trách". Chức vụ là gắn với trách nhiệm, và quyền lực chỉ được trao để thực hiện trách nhiệm mà thôi.


Từ chức: chức quyền hay chức trách?
Nếu chức vụ có ý nghĩa chức quyền, thì chức vụ gắn với vô số quyền lợi và không bị giám sát. Không có ai tự dưng từ bỏ quyền lợi của mình, trừ khi thế vào đó là quyền lợi còn lớn hơn. Vì vậy, trong các chế độ mà quyền lực không bị giám sát chặt chẽ, cũng chính là các chế độ vẫn bị tố cáo là chuyên chế hay tham nhũng, từ chức là chuyện rất hiếm hoi.
Từ chức chỉ xảy ra một cách bình thường khi chức vụ đồng nghĩa với chức trách. Đó là lý do từ chức còn có cách diễn đạt khác: từ nhiệm. Khi nhiệm vụ được giao gắn với chức vụ đã trao không được hoặc không thể hoàn thành, người ta rời bỏ chức vụ hay rời bỏ trách nhiệm.
Người ta sẵn sàng rời bỏ chức vụ, khi chức vụ không gắn với đặc quyền về chính trị hay đặc lợi về kinh tế.
Thế nhưng, ngay cả khi chức vụ mang ý nghĩa chức trách, và không gắn với đặc quyền đặc lợi, một quan chức cũng không dễ dàng từ chức. Tâm lý con người là không dễ dàng thừa nhận thất bại khi chưa tới đích hay chưa hết thời gian. Và quan chức không dễ dàng thừa nhận mình không hoàn thành nhiệm vụ khi chưa hết nhiệm kỳ.
Nhưng các thể chế dân chủ phát triển không ngồi yên để đợi họ tự giác. Nhiều cơ chế đã được xây dựng để người dân lên tiếng, các thiết chế giám sát.
Tóm lại, từ chức là hệ quả tất yếu trong hệ thống chính trị dân chủ có sự kiểm soát quyền lực. Trong khi các hệ thống phi dân chủ thì đành phải cầu nguyện đến lòng tự trọng của các quan chức. Nhưng khi quyền lực bị tha hóa thì đạo đức cũng tha hóa, lòng tự trọng là điều xa xỉ.



Với cách suy nghĩ của người Á Đông và với cơ chế sử dụng cán bộ như hiện nay, việc vận động hoặc để người đứng đầu tự nguyện từ chức xem ra hơi bất khả thi.
Gần đây, người ta nói nhiều đến “văn hóa từ chức”, thậm chí, trong Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) còn đề cập đến việc rằng, nếu người đứng đầu cơ quan để xảy tham nhũng mà chủ động từ chức thì được giảm nhẹ hình phạt (?)
Rồi không ít người đã lấy những chuyện từ chức ở nước ngoài để so sánh với Việt Nam. Và rồi đã có không ít lời mỉa mai, nhiếc móc một cán bộ nào đó mà để xảy ra chuyện không hay ở đơn vị mình… Rằng “sao không từ chức”?
Thật đúng là nói theo kiểu: “Thọc gậy xuống nước chẳng giá”.
Cho đến nay (cứ tạm tính trong khoảng 20 năm trở lại đây), hình như chưa có cán bộ đầu ngành nào của Trung ương và địa phương dám hiên ngang tuyên bố: “Tôi chịu trách nhiệm về việc đó. Và tôi xin từ chức” .
Xin từ chức - câu nói giản dị, ngắn gọn, nhưng xem ra có sức nặng ngàn cân, hay nói sâu sa hơn thì có sức nặng của cả một đời người.


Muốn từ chức, khó lắm!
 

1) Cái khó thứ nhất:
Để có một vị trí trong bộ máy công quyền, người ta phải phấn đấu bền bỉ từ lúc đầu xanh tuổi trẻ. Phải học tập, phải rèn luyện, phải qua đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức chính trị, kinh tế, văn hóa; và phải giữ gìn đủ mọi thứ. Tóm lại là bên cạnh việc học tập, rèn luyện nâng cao trình độ thì người ta còn phải hy sinh đi rất nhiều thứ và trước hết phải là người được tín nhiệm… Ấy là chưa kể không ít người từng vào sinh ra tử, đổ máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và rõ ràng là họ có bề dày kinh nghiệm, có phẩm chất chính trị đã được tôi luyện, thử thách.
Quá trình đề bạt cán bộ của ta là “tuần tự nhi tiến”, là mất nhiều năm, được sắp xếp, quy hoạch một cách có bài bản. Và việc bổ nhiệm được tiến hành theo những trình tự, thủ tục khắt khe, chứ không phải bỗng chốc mà lên được ghế nọ ghế kia…
Để có được chức vụ đó là gian khổ lắm (mà chức vụ càng cao thì đòi hỏi sự hy sinh càng lớn); là tốn thời gian lắm.
Nay bảo người ta nói: “Tôi xin từ chức” - đâu có dễ.

2) Cái khó thứ hai:
Có được chức vụ thì kèm theo là không ít quyền lợi và thậm chí là “đặc lợi” (ngoài lương). Nào là được sử dụng xe công như xe riêng, đi thoải mái mà không lo mua xăng, không mất tiền chăm sóc xe. Rồi được ưu tiên cấp đất, cấp nhà, hoặc được mua nhà với giá ưu đãi, hoặc cộng “điểm” năm công tác… Và vô vàn các thứ bổng lộc khác. Thứ thì do cơ chế, do chính sách; thứ thì do quan hệ… Cho nên không lấy gì làm lạ, khi có nhiều cán bộ vẫn than vãn rằng lương thấp quá, nhưng họ vẫn thừa tiền đi chơi golf, vẫn có trang trại, vẫn có biệt thự, vẫn có xe sang…
Cho nên, từ bỏ chức vụ, có nghĩa là phải từ bỏ những quyền lợi vật chất mà họ đang hưởng. Việc ấy đâu có dễ.

3) Cái khó thứ ba:
 “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, câu nói đó từ xưa đã đúng, và bây giờ càng đúng. Một người làm quan to, nhiều khi không chỉ “cả họ” mà còn cả huyện, cả tỉnh và vô số bạn bè, chiến hữu khác nữa. Một người làm quan, có uy thì không biết bao nhiêu người khác dựa vào cái “bóng” sừng sững ấy để làm giàu, để thăng quan, tiến chức. Chỉ có điều, những trường hợp dựa “bóng” này, không thể “chỉ mặt, đặt tên” được. Thiên hạ biết đấy, hiểu đấy, nhưng chẳng thể nào “nói có sách, mách có chứng”. Nay người có chức từ chức, cái “bóng” biến mất, thế thì đám con cháu, họ hàng, chiến hữu kia nấp vào đâu? Cho nên tất cả phải xúm lại, giữ cho cái “bóng”.
Để từ bỏ sự “tỏa bóng”, cá nhân một người không phải là không thể làm được. Nhưng còn bao nhiêu người khác nữa chứ? “Mình vì mọi người” mà! Cho nên phải cố mà giữ.

4) Cái khó thứ tư:
Người Việt mình vốn thích danh, thậm chí là danh hão. Cho nên bây giờ mới nảy nòi ra chuyện đua nhau chạy bằng cấp để ghi vào cạc-vi-dít cho oai. Và vì thế mới có câu, nào là: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, rồi: “Trăm năm bia đá thì mòn. Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ”… Người có chút danh, nhiều khi trở thành niềm tự hào, là chỗ dựa tinh thần không chỉ cho người thân trong gia đình, mà còn cả họ hàng, cả vùng quê…
Cho nên khi tuyên bố từ chức, có nghĩa là phải bỏ cái danh mà mình đã khổ công xây dựng bấy lâu, phải trải trăm đắng ngàn cay mới có được… Đâu có dễ.

5) Cái khó thứ năm:
Cứ xem gương bao nhiêu cán bộ khi đương chức, đương quyền thì nói chuyện “rời ghế” nhẹ như lông hồng và rất cao đạo, coi chức tước là phù vân, coi danh lợi là như gió thoảng… Nhưng khi sắp đến lúc phải về hưu thì họ vội vàng, cuống quýt “chạy” để ở lại. Họ xin xỏ, nằn nèo và lôi ra đủ mọi lý do để mong cấp trên giữ lại cho thêm thời gian. Nhiều thì vài ba năm, ít thì vài ba tháng… Và không ít người, khi rời ghế về nghỉ theo chế độ thì đã bị sốc nặng…
Đấy, chuyện về nghỉ hưu mà còn không đơn giản như vậy, huống chi xin “từ chức”.

6) Cái khó thứ sáu:
Ở nước ta vẫn đang duy trì chế độ tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách, người đứng đầu phải làm theo Nghị quyết, theo những kế hoạch do tập thể đề ra. Cho nên, dấu ấn cá nhân ở trong mỗi đơn vị thường là không cao. Chỉ có những ai dám quyết, dám làm, dám chịu và luôn mang tâm thế: “Đã làm thì làm cho ra hồn, còn nếu không, về ngay”, thì mới có thể có những quyết đoán, mạnh mẽ, mang tính đột phá.
Những người như thế rất hiếm. Cho nên, mỗi khi xảy ra việc gì rất khó có thể quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân. Và cái gọi là “trách nhiệm của người đứng đầu” ở ta hiện nay còn rất mơ hồ.
Vậy mà lại đòi người ta phải từ chức khi có vụ việc gì xảy ra ở ngành ấy? Đâu có đơn giản.

Với sáu cái khó như vậy (nhưng chắc là chưa hết) - mà đòi hỏi người có chức vị phải sẵn sàng từ chức thì xem ra nói thế chứ nói nữa cũng không ai muốn từ chức. Vì vậy, muốn để cho người cán bộ sẵn sàng từ chức khi thấy mình không làm được việc, hoặc không đáp ứng được sự phát triển của thời cuộc thì cần phải có những cơ chế nào đó và đặc biệt là phải làm cho người cán bộ đang giữ chức vụ thấy rằng: Người cán bộ không phải là hòn đất sét được nặn lên thành ông Bụt và khi đã đặt lên bệ rồi thì cứ thờ mãi như thế. Chức vụ đó có thể có ngày hôm nay, nhưng ngày mai mất đi thì đó cũng là việc bình thường. Và một điều rất quan trọng là cái chức vụ ấy không mang lại nhiều lợi lộc về vật chất.
Tất nhiên, với cách suy nghĩ của người Á Đông và với cơ chế sử dụng cán bộ như hiện nay, việc vận động hoặc để người đứng đầu tự nguyện từ chức xem ra hơi bất khả thi.



Hồng Ngọc – TuanVietnam.net



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget