Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Việt Nam: Một quốc gia nhỏ chỉ ăn rồi chơi

http://dantri4.vcmedia.vn/cvNlsQoYcVFxP1FHlpn/Image/2013/01/congchucA28-1-ec0e7.jpg

Một bộ phận công chức đang tha hóa. (Ảnh minh họa)

Có lẽ không quốc gia nào mà cuộc sống của giới công chức chứa nhiều điều nghịch lý như ở Việt Nam.
Lương không đủ sống nhưng lại thuộc thành phần khá giả của xã hội; đã vào biên chế là có thể nằm lỳ cho đến hết đời, ngang nhiên đòi hỏi mọi chế độ phúc lợi, ngay cả khi chẳng làm gì; là người làm thuê cho dân nhưng lại hành xử như ông chủ có quyền ban ơn; năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm trước công việc phần lớn ở mức trung bình và thấp, nhưng cực kỳ có khả năng trong việc kinh doanh “quyền lực Nhà nước” để tư lợi… Nhưng điều nghịch lý nhất là một nền hành chính cồng kềnh, ì ạch, dôi dư cả triệu người như vậy lại vẫn cứ ngày một phình to?
Trong một hội nghị có đưa tin trên truyền hình và sau đó hầu như các báo đều đưa lại, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thẳng ra rằng: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”. Nói cách khác, cái số 30 % công chức đó hoàn toàn không cần thiết, y như cái bướu trên cổ. Với 2,8 triệu công chức, chỉ cần làm phép tình nhẩm cũng ra ngay con số thuộc diện có cũng như không kia khoảng 800.000. Nghĩa là mỗi 100 người dân Việt Nam, phải nuôi không một ông (bà) vô công rỗi nghề mang danh công chức! Vậy tại sao một nền dịch vụ công chỉ cần 2 triệu người, mà phải trả lương cho tận những gần ba triệu? Ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này? Trong khi chưa thể tìm ra câu trả lời, chúng tôi chỉ xin làm thứ công việc đơn giản hơn là giúp mọi người hình dung một phần cái gánh nặng vật chất và tinh thần mà cả xã hội đang phải è lưng chịu đựng để “cõng” gần một triệu công chức dư thừa đó.
Trước hết, 800 ngàn người lớn đến mức nào? Đó là số dân (hơn kém chút ít) của Cyprus, Bahrain, Bhutan, Qatar, Đông Timor…Hay nó có quy mô gấp đôi dân số Luxemburg, Brunei, Malta, Iceland…
Thứ hai, và đây là vấn đề chính, cần bao nhiêu tiền để nuôi cái đám công chức thừa thãi ấy? Chắc chắn là không ai có thể tính chính xác, vì có những công chức thuộc loại dư thừa, nhưng lại hưởng mức thu nhập nhiều người mơ ước. Hẵng chỉ tính đơn giản thế này: Mỗi người trong số đó, vì họ là công chức, nên thuộc diện thu nhập trung bình khá (so với mức 1000 USD trung bình) sẽ nhận của Nhà nước khoảng 60 triệu đồng (3000 USD) một năm. Nghĩa là cần số tiền lên tới 50.000 tỷ đồng (2,5 tỉ USD) cho việc chi lương để ngày ngày 800.000 người ăn mặc sang trọng chỉ để “sáng vác ô đến cơ quan, tối vác ô về nhà” mà không làm bất cứ việc gì. Tuy nhiên, số tiền phải bỏ ra phục vụ việc ngồi chơi xơi nước của “một quốc gia nhỏ” ấy trên thực tế còn lớn hơn nhiều.
Theo thông lệ thì số tiền lương cho công chức chỉ bằng hai phần ba số tiền phải chi ra để họ có thể làm việc, được tính vào khoản duy trì hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đó là tiền thuê nhà, tiền điện, tiền điện thoại, tiền khấu hao tài sản, tiền phúc lợi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chi phí đi lại và cơ man nào những thứ tiền khác được gọi bằng cái tên chung là văn phòng phí. Khiêm tốn tính gộp thì con số 50.000 tỉ đó phải cộng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng. Giờ ta thử xem 70.000 tỷ đồng nhiều đến mức nào? Nó nhiều hơn toàn bộ số tiền thu được từ xuất khẩu gạo năm 2012; nó bằng khoảng 5 lần số tiền phí bảo trì đường bộ mà Bộ GTVT dự kiến thu được hằng năm từ ô tô, xe máy với giả phải trả là hứng chịu biết bao lời chì chiết của dư luận; nó bằng già nửa số tiền 120.000 tỉ đồng cần để nâng cấp quốc lộ 1A lên thành đường bốn làn xe ô tô; nó giúp cho khoảng 7 triệu dân miền núi đủ gạo ăn trong một năm để không phá rừng. Nếu có ngần ấy số tiền, toàn bộ các xã nghèo miền núi có trường học, có chợ, có đường trải bê tông. Nó có thể mua được số bò giúp cho Chương trình Lục lạc vàng duy trì liên tục 1500 buổi, với khoảng 9000 gia đình nông dân thuộc dạng nghèo nhất nước có cơ hội đủ cơm ăn. Nó là con số dài tới mức mà không một nông dân bình thường nào đọc chính xác được.
Nhưng đấy mới chỉ tính về khoản vật chất, cho dù không hề nhỏ nhưng chưa chắc đã là lớn nhất. Tai hoạ của nạn biên chế tràn lan là nó khiến cho bộ máy hành chính công của chúng ta thuộc loại công kềnh, kém hiệu quả và lạc hậu vào loại nhất khu vực. Nhàn cư vi bất thiện. Vì không làm gì nên những ông, bà công chức thừa thãi trên trở thành những “con bệnh” của xã hội. Ta hãy xem họ làm gì mỗi ngày để tiêu hết 8 giờ vàng ngọc? Nếu là đàn ông thì phần lớn lướt web, chơi game oline, xem phim sex, tìm cách vào nhà nghỉ với chính đồng nghiệp của mình. Thời gian còn lại ngồi nghĩ mưu kế tư lợi hoặc hại người khác. Còn với thành phần nữ giới thì shoping tối ngày, ăn uống, khoe của tối ngày, buôn dưa lê tối ngày...
Nhiều người coi trụ sở cơ quan chẳng hơn gì cái bếp nhà mình, tranh thủ tận dụng điện nước miễn phí để nấu nướng. Số còn lại, nếu không làm những việc như trên, thì làm chim bói cá, cứ thấy ở đâu có mầu mỡ là đến. Cũng vì thừa dẫn đến lười, ích kỷ, đấu đá chèn ép nhau thay vì thực thi công vụ. Có rất nhiều người cả một đời công chức chỉ chuyên kiện cáo, lao vào đấu đá vì những lợi ích cá nhân. Nhưng lương của họ thì vẫn cứ đến hẹn lại lên. Chức của họ thì cứ đến tuổi là đến. Kèm với lương với chức là đủ thứ tiêu chuẩn ưu đãi khác. Những công bộc này, về nguyên tắc là những người giúp việc cho “ông chủ” Nhân dân, nhưng trên thực tế cũng là những người quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tham lam, làm khổ “ông chủ” vào loại nhất thế giới. Làm bất cứ việc gì thuộc phạm vi chức phận cũng đòi lót tay. Trong bất cứ nhiệm vụ nào cũng lồng lợi ích của mình vào. Từ lái xe, nhân viên đóng dấu, nhân viên gác cổng… đến những người có tí chức, tí quyền đều là những kẻ chỉ thạo ăn tiền, vòi vĩnh, hạch sách… biến cửa Công đường thành nơi nhếch nhác, bất tín, đáng sợ hơn cả hang hùm. Nền đạo đức xã hội xuống cấp, có phần đóng góp không nhỏ của những thành phần được gọi là công chức ấy.
Nhưng thiệt hại vẫn chưa dừng lại ở đó. Nạn chạy chức chạy quyền thì ai cũng biết. Nhưng nạn chạy chọt để được thành công chức Nhà nước còn khốc liệt hơn và cũng bi hài hơn rất nhiều. Vì số người tham gia luôn rất đông, diễn ra trên một diện rộng, với sự tham gia của mọi thành phần. Nó làm hư hỏng cả người có quyền nhận và người được nhận. Người có quyền nhận thì một khi đã lấy tiền, đã nhúng chàm, làm sao còn dám yêu cầu cấp dưới phải nêu cao đạo đức, kỷ cương, nhân cách - ngoại trừ đó là một truyện hài! Người được nhận vào làm công chức thì cậy tiền nên không cần học, không cần trau dồi chuyên môn, coi thường kỉ cương, phép tắc. Đó là chưa kể họ phải tìm cách ăn chặn, ăn bẩn, vơ vét bằng mọi cách để bù lại số vốn đã bỏ ra.
Nhưng những bệnh tật trên, dù rất trầm trọng, nếu quyết tâm ngăn ngừa, vẫn còn nhiều hy vọng chữa chạy, dù rất tốn kém. Song có một thứ bệnh do nạn chạy công chức gây ra rất khó chữa, thuộc loại nan y, là bệnh ỷ lại, lười biếng và mất khả năng tự trọng. Căn bệnh thuộc loại lây nhiễm này có thể huỷ hoại nhân cách cả một thế hệ, góp phần làm nghèo đất nước. Người ta cần một cái bằng đại học với bất cứ giá nào đôi khi không phải để sau đó làm việc, cống hiến, mà để có cơ hội gia nhập cái đội quân công chức vốn là thừa thãi kia. Với những người này, cái điều đáng lẽ thành nỗi xấu hổ khi chả làm gì ngoài việc “sáng vác ô đi, tối vác ô về”, thì lại là mục tiêu phấn đấu, là sự nghiệp của đời họ. Liệu có khác gì một thứ quốc nạn?


Nhận diện những kẻ vô tích sự trong bộ máy Nhà nước 

 

http://www.anninhthudo.vn/Uploaded/sonhm/2013_02_23/cap-o.jpg

Công chức ở nước ta hiện nay cứ 03 người thì có 01 người ăn chơi. Tức là 1/3 làm việc thực sự hiệu quả, 1/3 thuộc loại làng nhàng, còn lại 1/3 là vô tích sự.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: “Nếu không đổi mới chế độ công vụ, công chức thì sẽ thất bại trước nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đây là công việc phức tạp, vì vậy việc đổi mới phải chặt chẽ nhưng không vì thế mà không dám làm, phải quyết tâm làm”.
Lần đầu tiên Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ công khai thừa nhận con số đó. Các vị đã dùng hình ảnh để chỉ đám công chức vô tích sự ấy là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Đám công chức “cắp ô” ấy là ai?
Rất dễ thấy ở bất cứ cơ quan, đơn vị nào đang ăn lương bao cấp Nhà nước!
Lịch làm việc hằng ngày của công chức “cắp ô” như sau: Tầm 9 giờ sáng đủng đỉnh tới cơ quan. Sau tuần trà đặc, hút vài điếu thuốc thì bắt đầu đọc báo rồi chuyển sang “lướt web”. Các thông tin từ giá cả thị trường, tin nóng đến chân dài, lộ hàng và vụ án được tích hợp rồi chém gió bình luận, mua vui bằng những chuỗi cười rôm rả cho đồng nghiệp. Tiếp đến bàn luận chuyện cơ quan, chê người này, khen người kia. Và cuối cùng là đánh giá sếp này năng lực, trình độ yếu kém, sếp kia quan liêu…
Giờ ăn trưa đến, họ kéo nhau đi nhà hàng nhậu nhẹt. Đầu giờ chiều về, gác chân lên bàn đánh một giấc dài, ngáy vang như sấm. Khoảng 14 giờ tỉnh dậy, lại trà lá và tán chuyện tầm phào một lúc rồi... về. Thế là quanh năm, cơ quan, đơn vị và bạn bè chẳng biết họ làm công việc gì cụ thể và kết quả ra sao, chỉ thấy họ giỏi bốc phét. Họ là trung tâm gây mất đoàn kết nội bộ và cũng vô hình trung làm méo mó hình ảnh người cán bộ Nhà nước, giảm đi niềm tin yêu, kính trọng của nhân dân.
Theo số liệu hiện nay thì cán bộ công chức Nhà nước có 2,8 triệu người. Như vậy, số công chức “cắp ô” là 840.000 người. Nhưng đấy mới là nhẩm tính nhanh chứ thực ra, con số này còn lớn hơn nữa. Thế có nghĩa là, một người làm việc thực sự hiệu quả phải làm khối lượng công việc của 3 người, vì có một người chơi, một người làm việc kém hiệu quả thì nhiều khi phải làm thay cho họ. Thật bất công! Nếu tinh giản được biên chế, đuổi được đám công chức vô tích sự ra khỏi bộ máy thì người làm việc thực sự sẽ có mức lương cao hơn, xứng đáng với công lao cống hiến của họ. Nhưng biết đến bao giờ mới làm được việc đó bởi cơ chế tuyển dụng và quản lý như lâu nay.
Đề ra tiêu chí giữ chức vụ A, B, C phải có bằng cấp loại gì, thế là hàng loạt công chức đối phó hoặc đón đầu bằng cách đua nhau đi học tại chức để mua bằng. Như thế chỉ là học giả mà có bằng thật để chiếm giữ ghế lãnh đạo. Khi tuyển dụng người vào làm việc, các cơ quan cũng yêu cầu họ phải có bằng cấp nọ, chứng chỉ kia. Người đi xin việc nộp đầy đủ nhưng họ có làm được việc hay không lại là chuyện khác. Bởi đã có khoản tiền “bôi trơn”, hối lộ nên họ đương nhiên được tuyển dụng vào. Mà đã vào cơ quan Nhà nước, ăn lương từ ngân sách thì chẳng có lý do gì để dễ dàng đưa họ ra khỏi biên chế được. Thế là mỗi năm mất đi hàng chục nghìn tỉ đồng trả lương nuôi báo cô những công chức “cắp ô”, chưa kể chi phí điện nước, xăng xe, văn phòng phẩm.
Đã nhiều năm rồi, bao nghị quyết, chỉ thị, nghị định kêu gọi tinh giản biên chế nhưng không thấy biên chế giảm mà nó vẫn cứ phình ra. Nếu đưa ra cân nhắc loại trừ ai thì cơ quan nào cũng thấy vướng mắc. Có đối tượng thuộc hàng con cha cháu ông thì làm sao dám đụng tới. Có đối tượng đã lo lót chạy chọt và hầu sếp chu đáo lâu rồi thì cũng không nỡ bỏ. Thế là cùng ngồi lại cả. Cho thi công chức thì hàng trăm con người thi chung một bài trong khi làm việc thì có hàng chục công việc khác nhau nên thi cũng lại là hình thức.
Đó là chưa kể nhiều nơi, cứ tuyển dụng vào là làm đến lúc nghỉ hưu, chẳng có thi thố, sát hạch bao giờ. Mỗi kỳ nâng lương, nâng ngạch bậc, nỡ để sót ai là lại có kiện cáo om sòm, mất đoàn kết trong cơ quan. Chưa kể đến một số cán bộ tới tuổi nghỉ hưu nhưng tìm mọi cách xin được ở lại, kéo dài thời gian công tác. Còn có người khai man lý lịch, nếu truy xét đến cùng qua thời gian làm việc thì họ đã “thoát ly” để phục vụ cách mạng từ năm 13-14 tuổi. Thật nực cười mà vẫn tồn tại. Có những người “cắp ô” suốt đời, chẳng đóng góp được gì xuất sắc nhưng đến tuổi nghỉ rồi, cứ khẳng định “bây giờ mới đến độ chín”.
Rồi cái lệ “cha truyền con nối”, độc quyền trong tuyển dụng. Bố mẹ làm ở đâu thì thường cho con vào đó. Nếu cống hiến tốt thì không nói làm gì nhưng nhiều trường hợp chỉ để giữ chỗ, gạt bỏ nhân tài thực sự và rồi lớp con cháu họ cũng lại trở thành công chức “cắp ô”. Mô hình này diễn ra nhiều năm ở không ít cơ quan, đơn vị, ngành nghề.
Nhìn thấy sự bất công, vô lý như thế, có người thắc mắc: Sao không “tống cổ” bớt cái đám “cắp ô” kia “về vườn”? Không hề đơn giản! Tâm lý người Việt Nam ta xưa nay vẫn trọng cái tình hơn cái lý. Mối quan hệ cấp trên với cấp dưới nhiều khi không rõ ràng, mang tính gia đình chủ nghĩa. Càng có nhiều người thân, họ hàng trong cùng cơ quan thì mối quan hệ này thể hiện càng rõ. Như thế thì làm sao mà “trảm” nhau được. Thậm chí không có quan hệ gia đình thì không ít vị lãnh đạo có chức, có quyền cũng dĩ hòa vi quý, tặc lưỡi cho qua bởi lương bổng không phải móc từ túi họ ra trả; sau này có nghỉ hưu thì chỉ có người mang ơn chứ không để kẻ mang oán họ.
Theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ thì hiện trạng ở nước ta, muốn tinh giản biên chế phải bắt đầu từ các bộ, ngành. Trong khi Chính phủ quy định mỗi cơ quan chỉ có 3 cấp phó thì ngay ở cơ quan Trung ương đã làm không nghiêm. Số lượng các thứ trưởng của các bộ quá nhiều so với quy định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương có tới 10 thứ trưởng. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính có 7 thứ trưởng. Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ có 6 thứ trưởng. Đa số các bộ còn lại đều có 5 thứ trưởng.
Số lượng cán bộ cấp phó của tổ chức vụ, cục cũng nhiều hơn theo quy định.
Có những vụ có tới 7-8 phó vụ trưởng. Bộ máy cấp sở, phòng của các tỉnh cũng rất cồng kềnh, làm đúng quy định thì giảm được một lượng công chức đáng kể (tiêu biểu như tỉnh Nghệ An, một sở có 4 phó giám đốc, một phòng có 6 phó phòng, có phòng chỉ có quan chứ không có quân).
Sau tinh giản bộ máy lãnh đạo và biên chế là đến bước tuyển dụng. Bộ Nội vụ vừa làm thí điểm thi công chức theo phương thức trắc nghiệm trên máy tính. Phương thức này bước đầu thể hiện được tính công bằng và minh bạch trong tuyển dụng, cần nhân rộng ra toàn quốc.
Một số giải pháp nêu trên sẽ phần nào giảm dần được số công chức “ăn theo, nói leo, trèo xe trước” như hiện nay.
Giảm được biên chế sẽ đồng nghĩa với việc tăng lương, nâng cao đời sống của số công chức có cống hiến thật sự.


30% công chức không làm được việc lỗi do ai?

Các công bố khác nhau liên quan đến chất lượng của công chức cho thấy hơn 30% công chức không đáp ứng được công việc. Con số này thực sự là một mối lo ngại đối với chất lượng của chính quyền, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng xã hội.

 

 (Minh họa: Vũ Toản)

(Minh họa: Vũ Toản)

 

30% số công chức này chỉ ở vị trí cán bộ bình thường cũng đã gây thiệt hại cho bộ máy, nhưng nếu có những cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu công việc thì hậu quả còn lớn hơn. Không ai dám đảm bảo rằng trong số 30% này không có một vài chục phần trăm rơi vào những chiếc ghế lãnh đạo. Một người lãnh đạo yếu kém hoàn toàn khác với một công chức yếu kém, điều này có thể thấy được từ những gì đã xảy ra trong thực tiễn.
Biết rõ mồn một như vậy, nhưng sự bất hợp lý này vẫn tồn tại và gần như chưa thấy có phương sách giải quyết. Hiện nay, trong các cơ quan nhà nước, cái cảnh ngồi “buôn chuyện” hay chơi game chờ hết giờ vẫn còn khá phố biến. Có những người suốt đời công chức chủ yếu là đi họp, từ cuộc họp nhỏ đến hội thảo, hội nghị. Họp rồi để tiếp tục họp nữa mà chẳng mang lại lợi ích, sáng kiến gì cho đơn vị. Chính vì vậy nên người dân đến cơ quan công quyền, thường phải gặp ách tắc vì cán bộ bận đi họp.
Vậy thì nhà nước phải trả lương cho khoảng gần bảy triệu công chức không làm việc được, tức là nhân dân đóng thuế để nuôi một đội ngũ vô tích sự này. Đội ngũ không làm được việc không chỉ hưởng lương, sáng vác ô đi tối vác về, mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Họ là lực cản cho sự vận hành của hệ thống hành chính công vì sự trì trệ, kém cỏi của mình, chưa kể họ có thể là nguyên nhân của nhiều tiêu cực, sách nhiễu người dân, gây mất đoàn kết nội bộ.
Ngoài số tiền lương, nhà nước còn phải trả tiền cho những chi tiêu khác như điện, nước, điện thoại, công tác phí cho số công chức không làm được việc, chi phí này không nhỏ, và đây là một sự lãng phí ghê gớm, kéo dài năm này qua năm khác.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại tuyển dụng số công chức này? Trong xã hội có rất nhiều người giỏi, nhưng họ không được vào làm việc ở các cơ quan nhà nước, nguyên nhân vì sao?
Câu trả lời cũng rất rõ, vì tiêu cực trong tuyển dụng, vì tình trạng chạy việc, chạy ghế, chạy chức... Qua nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn nạn này được đặt ra phân tích, phê phán, nhưng biện pháp xử lý vẫn chỉ là lý thuyết.
Ai có quyền tuyển dụng? Lãnh đạo của mỗi cơ quan chịu trách nhiệm đầu tiên về việc tuyển dụng, lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền liên quan cũng có trách nhiệm khi chấp thuận. Không thể đổ lỗi cho cái chung chung vô hình vô tướng.
Công chức không làm được việc một phần do sự hạn chế về năng lực và trình độ của họ, nhưng còn có nguyên nhân từ sự quản lý điều hành yếu kém của lãnh đạo đơn vị. Một cơ quan mà có đến 30% công chức không làm được việc thì người lãnh đạo có xứng đáng làm lãnh đạo nữa không?

 

 

(Lê Chân Nhân - Dân trí)

 

  photo giotlebiz4c2740ad5aafc5_zps7881d4cb.gif

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget