Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Đạo diễn Hải Ninh ra đi - một thế giới mất đi



Sáng ngày 5/2, đạo diễn- NSND Hải Ninh, một trong những người đặt nền móng cho nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 82. Vậy là một trái tim yêu điện ảnh đến từng tế bào li ti trong huyết mạch đã không còn đập nữa.

Đạo diễn, NSND Hải Ninh


Theo thông tin từ phía NSND Thanh Vân (con trai của đạo diễn- NSND Hải Ninh), đã từ trần vào lúc 5h50 sáng ngày 5/2 tại Bệnh viện Hữu Nghị. Ông ra đi sau 10 ngày hôn mê tại bệnh viện.
Đạo diễn Thanh Vân cho biết trước khi vào viện, cha anh - đạo diễn Hải Ninh vẫn khỏe mạnh, ông vẫn tham dự các cuộc hội thảo, trò chuyện về các vấn đề điện ảnh và còn lên nhiều kế hoạch cho năm 2013. 
Trước khi nhập viện, đạo diễn Hải Ninh vẫn còn rất tỉnh táo khiến cả gia đình đều tin rằng năm nay đại gia đình sẽ được đón một cái Tết sum vầy tại nhà vì nhiều năm qua, đạo diễn Hải Ninh thường phải đón Tết trong bệnh viện do căn bệnh ung thư tuyến tụy. 
Dù biết đạo diễn Hải Ninh vẫn đang mang bệnh nhưng gia đình ông chưa bao giờ nghĩ tới tình huống xấu nhất này vì trước đó, ông luôn nói với con cháu rằng ông đang cảm thấy khỏe dần lên.
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang - vợ của Nguyễn Thanh Vân và con dâu đạo diễn Hải Ninh - cho biết mặc dù bệnh tật nhiều năm nhưng sự ra đi của bố chồng chị vẫn là bất ngờ lớn đối với gia đình, vì gần đây đạo diễn Hải Ninh rất khỏe khoắn.
 
Nhớ về đạo diễn Hải Ninh, đạo diễn Nhuệ Giang cho biết ông là một người rất nồng nàn với cuộc sống, phim ảnh. Mặc dù đã hơn 80 tuổi nhưng đạo diễn Hải Ninh luôn sống tích cực, mong muốn được làm việc. Ông đọc sách, xem tất cả phim điện ảnh của thế hệ trẻ và chưa bao giờ nghĩ rằng mình già mà không quan tâm, suy nghĩ về đời sống văn nghệ nước nhà. Còn trong gia đình, ông sống rất tình cảm với con cháu. 

Nguyễn Hải Ninh (sinh ngày 31-12-1931, quê Thanh Hóa), tốt nghiệp lớp quay phim - đạo diễn đầu tiên của Việt Nam. Tác phẩm đầu tay của ông là Một ngày đầu thu (phó ĐD cho Huy Vân). 
Nói đến Hải Ninh, chúng ta nhớ ngay đến bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội…, những bộ phim kinh điển được thành hình ngay dưới mưa bom bão đạn những năm 1972.
 Năm 2007, đạo diễn Hải Ninh đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm tác phẩm: "Em bé Hà Nội", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Người chiến sĩ trẻ", Mối tình đầu" và "Thành phố lúc rạng đông". Ông được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1984.

 a


Điều ông tự hào hơn là bản thân đã vượt qua thử thách cùng những chặng đường lịch sử. Nhưng ông không muốn nhận mình là người anh hùng. Ông nói: “Những tác phẩm ra đời không phải gán với ông này, ông kia mà là sản phẩm văn hóa chung của dân tộc. Tôi muốn khán giả trong nước và thế giới xem phim hiểu dân tộc Việt Nam đã đứng lên từ những cuộc chiến tranh như thế”

Ông mong những bộ phim của mình phản ánh hiện thực lịch sử chân thực, khách quan, được biến thành một sức mạnh năng lượng, truyền từ đời này sang đời khác. Đạo diễn Đặng Nhật Minh - một người làm điện ảnh cùng thời với đạo diễn Hải Ninh - trích dẫn câu thơ của Evtushenko để nói về cảm xúc trước mất mát này: “Quy luật thiên nhiên thẳng thừng, khắc nghiệt / Mỗi con người ra đi - một thế giới mất đi”.

Nối nghiệp cha, con trai ông là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng có nhiều đóng góp với nền điện ảnh Việt qua các tác phẩm “Đời cát”, “Cây bạch đàn vô danh”, “Trái tim bé bỏng”… Con dâu ông - Phạm Nhuệ Giang - nổi tiếng với các phim "Thung lũng hoang vắng", "Tâm hồn mẹ"...

Hoài Đan (tổng hợp)



Trong đời làm báo của tôi, ông như một người thầy, mà cũng như một người bạn lớn. Tôi thực sự biết ơn ông, bởi bất cứ lúc nào cần, tôi gọi điện đến cho ông, nhiều khi là xin ý kiến cho một bài viết, hỏi ông về chuyện nọ, chuyện kia của điện ảnh, bao giờ ông cũng rất nhiệt tình và trả lời cặn kẽ, tâm huyết.
Với tôi, ông không chỉ là đạo diễn của các bộ phim kinh điển của điện ảnh VN, như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Đêm hội Long Trì”, “Mối tình đầu”, “Đất mẹ”… mà ông còn là một số phận sắp đặt để được sinh ra cho điện ảnh. Ông là người mang đến những vai diễn lớn cho NSND Trà Giang, là người phát hiện ra gương mặt đậm chất điện ảnh của NSND Lan Hương. Một người làm điện ảnh vì điện ảnh như ông, những thế hệ sau này không dễ có được.
Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện ông kể, hồi đi tìm bối cảnh và xây dựng hình tượng nhân vật cho phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, ông và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ đã đạp xe từ Hà Nội vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) dưới trời bom đạn. Đi tới nỗi phanh xe mòn vẹt đi, cả hai ngã lăn xuống những chiến hào ven đường, và ông mắc thêm căn bệnh sa ruột từ đó.
Với Hải Ninh, làm phim về chiến tranh, ông có một “đạo” riêng, đó là không phải để hun thêm lòng căm thù, khoét thêm những thù hận, ông làm phim về chiến tranh chỉ để khán giả xem xong và tự hỏi mình: “Sao trên đời này lại có một thứ vô nghĩa như những cuộc chiến tranh?”.

Cái thời làm điện ảnh của ông khác xa với bây giờ nhiều quá, hồi ấy, để có một chị Dịu, NSND Trà Giang đã gặp gỡ, sinh hoạt, thâm chí là “3 cùng” với người dân ở vĩ tuyến 17, để cảm thấy chị Dịu đang thực sự sống trong cơ thể mình. Chưa làm được điều đó, đạo diễn chưa cho xuất hiện trước ống kính máy quay. Còn thời nay, nhiều diễn viên đến trường quay có khi còn chưa kịp nhớ nổi tên nhân vật của mình.
Nói đến chuyện buồn trong nghề, NSND Hải Ninh đã từng chia sẻ cùng tôi khi báo chí phát giác ra vụ thất thoát 42 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh hồi tháng 9 năm 2011. Hồi đó, ông như già sụp hẳn đi, vì không thể ngờ, một vụ tai tiếng ô nhục như thế lại xảy ra trong môi trường của những người làm nghệ thuật và lãnh đạo ngành nghệ thuật.
Ông còn buồn hơn khi phát hiện ra, ở đất nước này, người ta lãng quên điện ảnh từ hồi nào không biết, từ sau thế hệ của ông và một vài tên tuổi tiếp theo như đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, điện ảnh đã bị gạt ra khỏi mối quan tâm của những người hoạch định chính sách văn hóa. Tôi còn nhớ lời ông ngậm ngùi nói với tôi, vào sau cái hôm Đài truyền hình VN khánh thành Trung tâm Sản xuất chương trình có tổng dự án 385 triệu USD cách đây một năm rưỡi: “Bác buồn quá cháu ạ, hình như người ta đã bỏ quên điện ảnh rồi, chỉ quan tâm đến truyền hình thôi. Trong khi để giới thiệu cho thế giới biết về cuộc sống, con người, đất nước VN, không lẽ lại mang phim truyền hình và gameshow ra mà nói chuyện?”.
Rồi ông lại hào hứng mang ra khoe với tôi những trang ghi chép từ các chuyến đi tham quan nước ngoài trước đây, rằng điện ảnh Pháp thì làm thế nào, điện ảnh các nước Đông Âu thì làm ra sao, điện ảnh Việt không thể cứ thế này mãi được đâu, hồ hởi, nhiệt thành như một người trẻ tuổi, quên bẵng đi rằng tóc trên đầu mình đã bạc trắng, và chân mình thì đã run, đi phải có người dìu.
Trong ngôi nhà của ông, điện ảnh bao giờ cũng có một vị trí thiêng liêng, một thánh đường không bao giờ có một hạt bụi nào bén đến. Ông có con trai- đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân và cô con dâu- đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nối tiếp tình yêu của mình. Các con ông nói, cứ khi nào gặp bố là chỉ có chuyện về điện ảnh thôi, không có chủ đề nào khác. Trách ông sao được, một người yêu điện ảnh đến như thế.

Tôi không tin là ông đã ra đi ở tuổi 83, bởi tôi nghĩ, một bầu nhiệt huyết như ông, sao lại sớm chấp nhận lìa xa cuộc đời này nhanh đến thế? Bộ phim của đạo diễn trẻ nào gây ấn tượng, ông đều đi xem để cổ vũ động viên, đạo diễn nào làm việc “có nghề”, ông đều bày tỏ lòng ngưỡng mộ bằng những lời khen tặng chân thành, không bao giờ có thái độ “cha chú”.
Tôi đã nghĩ như một thói quen, khi nào cần đến điện ảnh, là tôi lại được trò chuyện cùng ông, được lắng nghe những lời tâm huyết của ông, giờ thì ông đã không còn đợi tôi ở góc phòng ấy nữa, không còn nhấc điện thoại lên trả lời những câu hỏi của tôi nữa.
Cuộc đời của mỗi người là những chuyến tàu, ông đã rời ga trước tôi khá lâu, nhưng may mắn cho tôi là trong hành trình của mình, chuyến tàu của đời tôi đã được chạy song song với ông một quãng thôi, dù ngắn ngủi nhưng tràn đầy ý nghĩa. Rồi tôi lại nghĩ, thật thiệt thòi cho những chuyến tàu xuất phát sau mình, trong nghề nghiệp của họ, làm sao họ biết được, có những người như NSND Hải Ninh, đã từng sống và từng yêu điện ảnh đến như thế?

Hải Ninh đi rồi, nhưng bài học ông để lại cho nhiều người, trong đó may mắn có tôi, rằng đã yêu và gắn bó với nghề nghiệp nào, thì phải tha thiết, phải rút lòng vì nó. Đời ông cũng như phim ông, không có một phút nào hời hợt, không một phút nào nhem nhuốc, qua quýt. Ông đã đến với thế giới này, đã bước chân vào điện ảnh, đã yêu cầu mọi thứ phải sáng trưng lên, phải sạch sẽ, phải tử tế, phải chân thật.

Nghệ thuật cần biết bao những người như thế!


 Đạo diễn, NSND Hải Ninh

Mi An
Cập nhật lúc 07/02/2013



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget