Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

KHÁNH LY : Tiếng hát bất hoại



KHÁNH  LY
- Tiếng hát bất hoại -

Theo ghi nhận của tôi thì, 20 năm Văn Học, Nghệ Thuật miền Nam đã cống hiến cho chúng ta khá nhiều tiếng hát hiếm và, quý.
Mỗi tiếng hát tự thân là một chân dung hay, một nhan sắc lộng lẫy, tiêu biểu. Những nhan sắc tiêu biểu ấy, làm thành những mặt trời, có khả năng thả những hồi-quang-tâm-cảnh xuống tâm hồn người nghe. Những hồi-quang-kỳ-diệu, đi đến và, ở lại được trong từng tế bào ký ức, kỷ niệm của chúng ta.
Những tiếng hát như những nhan sắc lộng lẫy, tiêu biểu của hai mươi năm Văn Học, Nghệ Thuật miền Nam, vượt qua được oan nghiệt, băng qua được bức tường lửa hủy diệt khốc liệt của thời gian, để ở được với hải ngoại nói riêng, Việt Nam nói chung mà, không bị đứt đoạn trong suốt 37 năm qua, chúng ta lại càng còn quá ít !
Với cá nhân tôi, có dễ chỉ còn một tiếng hát:
- Tiếng hát Khánh Ly.
Tiếng hát Khánh Ly còn giữa chúng ta, như một huyền thoại.
Huyền thoại, như cổ tích. Mang ý nghĩa đời. Đời..

Tôi không biết may mắn hay bất hạnh cho Khánh Ly, khi định mệnh đã chọn cô làm người cắm ngọn cờ đầu, trên đỉnh núi âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Tôi cũng không biết may mắn hay, bất hạnh cho Khánh Ly, khi định mệnh một lần nữa, lại đã chọn cô làm người cắm ngọn cờ đầu, trên đỉnh núi âm nhạc của người tù, thi sĩ Trần Dạ Từ - - Cõi nhạc đánh dấu một tâm thức khác. Mở một cánh cửa khác cho văn học, nghệ thuật Việt Nam, sau 37 năm luân lạc, xứ người.
Tôi nghĩ, có thể chính định mệnh, cũng không biết tại sao nó đã chọn Khánh Ly, làm tiếng hát trèo non, vượt sóng, như vậy?
Tôi thật may mắn, thật hạnh phúc có được nhan sắc tiếng hát Khánh Ly, cho đời sống tinh thần của mình.
Nhan sắc lộng lẫy, tiêu biểu ấy, tôi tin, nó sẽ còn mang lại nhiều phong phú, nhiều giầu có cho tâm hồn của những thế hệ sau tôi nữa.
Từ đó, tôi thấy, dù cho định mệnh đứng trước hay đứng sau(?) Định mệnh đứng bên phải hay bên trái(?) - - Thì, sau 50 năm, với tôi, Khánh Ly đã trở thành một tiếng hát bất hoại.
Tiếng hát cô bất hoại, như nhan sắc Mona Lisa, trong tranh của họa sĩ Leonardo Vinci, vậy.

Du Tử Lê



 

KHÁNH  LY
“Sinh ra để hát nhạc Trịnh Công Sơn
Tên tuổi Khánh Ly gắn liền với những ca khúc Trịnh Công Sơn để trở thành “thương hiệu kép” nổi tiếng hàng đầu trong nhạc sử Việt Nam [*] Cô vẫn được cho là “sinh ra để hát nhạc Trịnh Công Sơn”. Nhưng vì sao?
Diva này từng “bị tố cáo” là “không hát”, mà chỉ dùng chất giọng “sương mù lạnh ẩm” của mình để “xướng âm” theo cách “chân phương” nhất: “Không biểu cảm”, “không cao trào / thấp trào” - “không điều chỉnh cường độ âm thanh” gì hết (khác hẳn với Thái Thanh hay Lệ Thu: “biểu cảm” phong phú, “to/nhỏ, lên/xuống” đúng mực - khi “êm khẽ dịu dàng”, lúc “mãnh liệt dữ dội”). Ngoài ra, giọng cô cũng bị xem là “lạnh lẽo”, “hững hờ”, và “bải hoải” (so với cái “nóng bỏng”, “da diết”, hay “sôi nổi” của hai diva kia), còn phát âm của cô thì “lười lĩnh”, “nhòe cạnh”, và “buông lỏng” (chứ không “dụng công”, “sắc bén”, và “chắc nịch” như của hai “đỉnh cao” còn lại)! Chưa hết, người ca sĩ này còn đứng yên “như pho tượng”, nét mặt cũng “như pho tượng”, chỉ hai môi là buộc phải “động đậy [**] (trong khi Thái Thanh thường “sống động”, còn Lệ Thu cũng có “chuyển động”, tuy không nhiều). Tôi tin nếu thủ đắc được thuật “phát âm bằng bụng”, cô cũng sẵn lòng cho hai môi “bất động” ngay tức thì?!
Ấy nhưng mà, thật lạ lùng và thú vị, toàn bộ những gì Khánh Ly bị “tố cáo” hóa ra lại là những “công phu”, những “bí quyết” độc nhất vô nhị - chưa (và sẽ không) ai thực hiện thành công được như thế ngoại trừ chính cô. Thật vậy, bạn có thể “thách” bất kỳ ai khác “hát như không hát”, “biểu cảm như không biểu cảm”, nhả chữ “lạnh lẽo, hững hờ, uể oải, lười lĩnh, nhòe cạnh, buông lơi”, và đứng yên “như một pho tượng” (mà không được để cho khán/thính giả “ngoảnh tai”, “rời mắt”, hay “dợm chân bỏ đi”, tất nhiên rồi)? Tin chắc đi: Bạn sẽ thắng cả trăm phần! Nhưng, một lần nữa, tại sao?
Vậy thì đây, vâng, lời đáp chính xác - lí do quan trọng nhất: Trên hết cả mọi thứ, chất giọng “mù sương ẩm lạnh” của người ca sĩ này không “hay”, mà là “quá hay”, “quá liêu trai”! Phát âm/cấu âm của cô thật “chuẩn xác”, mà cũng thật “độc đáo”, “hút hồn” - chỉ một lần nghe qua, bạn sẽ không thể quên, cũng không thể nào nhầm với ai khác nữa.
Chính Trịnh Công Sơn đã chọn Khánh Ly làm người “chuyển tải” các “thông điệp” của ông; ông biết rõ cô sẽ đáp ứng tốt nhất những “yêu cầu”, những “‎í đồ nghệ thuật” của mình. Đúng là chỉ có Khánh Ly mới thể hiện đúng tâm trạng bài hát của tôi nhất”, ông trả lời phỏng vấn. [***]
Trịnh Công Sơn được cho là đã tạo ra một “cõi ảo” với mảng “tình ca” của ông; phải chăng chỉ chất giọng “sương ẩm lạnh mù” của Khánh Ly mới có thể “ướp” cho cái “cõi” kia được nguyên vẹn “ảo” như thế (chứ nếu là “nắng” (dù có “sáng đẹp”) với “nóng” (dẫu là “ấm áp”) - như Thái Thanh hay Lệ Thu chẳng hạn - thì cái “ảo” ấy rất có thể sẽ bị làm cho “bốc hơi” đi ít nhiều)? Còn bản thân Khánh Ly? Hẳn cô cũng phải “kềm” không cho “thân nhiệt” vượt quá cái “ngưỡng … X độ bách phân” nào đấy; bằng không, chất giọng sẽ không còn đủ “lạnh” và sẽ “làm hỏng” tất cả? Mà còn cách “kiềm nhiệt” nào hiệu quả cho bằng “cử động ít nhất có thể”?
Nhưng đâu chỉ thế? Họ Trịnh đâu chỉ có “cõi ảo” với mảng “tình ca”, ông còn một “cõi rất thật” - “Việt Nam chiến tranh” - với mảng “ca khúc da vàng”, mà ở đó, giọng ca vị “ngôn sứ” của ông dù vẫn thế - không đổi - song thay vì “ướp” cho nguyên vẹn một “cõi ảo”, thì lần này cái làn “sương lạnh ẩm mù” ấy lại chở theo “hiệu ứng” khác hẳn - “nhuốm” cho nó - cái “cõi rất thật” ấy - một “màu khăn sô”, bằng “tiếng khóc khô” của một “tử thi sống” - nghe “chai sạn”, “rã rời”, và “hoang dại”. Mà cũng vậy, chẳng có lí nào một “tử thi” lại được phép “cử động” hay “biểu cảm”?!
Khánh Ly - với nhạc Trịnh Công Sơn - không chỉ là một “giọng hát”, mà còn là một “phong cách”, một “thái độ” trình diễn; qua đó, một “loại hình nghệ thuật mới” được thiết lập? Hôm nay, nhiều ca sĩ khác cũng hát nhạc của họ Trịnh (tất nhiên với “phong cách” và “thái độ” riêng của mỗi người, và cũng chưa hẳn đã là“dở”), chỉ có điều không ai “biết đứng yên” để hát loại “ca Trù” mới này, cũng không ai có thể trả lại cho cả “cõi ảo” lẫn “cõi rất thật” của ông cái “ẩm lạnh mù sương”, nguyên sơ và “huyền thoại”, như Khánh Ly đã làm ngày ấy nữa.
[*] Trong số các bài hát của Khánh Ly ở trangnày, tác phẩm của Trịnh Công Sơn chiếm chủ yếu. Không phải vì cô không hát nhạc ai khác, càng không phải cô hát những “người ấy” không hay, mà chỉ bởi cô không phải là người hát “hay nhất” những bài của họ, và chỉ vậy.
[**] Như trong hai clip này: Ru Ta Ngậm Ngùi Đêm Cuối Cùng.


ẤU  LĂNG
SG, 11/2012

Ru ta ngậm ngùi, Trịnh Công Sơn - Khánh Ly

Ta Đã Thấy Gì Dêm Nay - Khánh Ly

Khanh Ly - Nguoi Con Gai Viet Nam Da Vang

Toi Se Di Tham - Khanh Ly

Hue-Saigon-Hanoi - Ca si: Khanh Ly - mpg

Khánh Ly - Niệm Khúc Cuối

 

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget