Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Nhà thiết kế SỸ HOÀNG : Kiếm nhiều tiền để tạo giá trị

          Họa sĩ, nhà thiết kế áo dài nổi tiếng Sĩ Hoàng không giấu mục tiêu của đời mình là “kiếm được thật nhiều tiền”!
 
NTK Sĩ Hoàng


          * Nghe đồn anh là nhà thiết kế giàu nhất Việt Nam, thế thì tiền bạc anh… để đâu?
          - Mục tiêu của tôi đến 65 tuổi là kiếm được thật nhiều tiền. Tôi đã có kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc này. Có nhiều tiên để tôi xây chùa, xây nhà hát, bảo tàng. 15 năm là khoảng thời gian cực ngắn…


          * Anh đang nuôi cái “ngông” của Nguyễn Công Trứ, “đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”?
          - Có lẽ tôi không có lý tưởng như vậy. Quân tử trong thơ của Nguyễn Công Trứ muốn để lại tên, còn tôi muốn để lại giá trị. Mình nhận được bao giá trị của tiền nhân, phải có nhiệm vụ đóng góp vào chuỗi giá trị ấy. Nếu sống vì cái tên thì người đốt đền cũng có tên. Tôi cũng không xem câu “vật chết để lại da, người chết để lại tiếng” là định hướng của đời mình.
          Tôi luôn ngẫm câu “của thiên trả địa” khi làm bất cứ việc gì. Tôi đặt tên nhà vườn của mình là Long Thuận, cũng là tên của vùng đất, chứ không gọi là nhà vườn Sĩ Hoàng. Tôi cũng chưa bao giờ lấy nhãn hiệu của mình là áo dài Sĩ Hoàng mà mỗi bộ sưu tập áo dài đều có một tên riêng, mang ý nghĩa, nội hàm văn hóa dân tộc.
          Mỗi người để có “nhân hiệu” tốt thì phải có “nhãn hiệu” tốt, tức là sản phẩm mình làm ra phải có giá trị với cuộc sống.
Nhà vườn Long Thuận- công trình “để đời” của Sĩ Hoàng.


          * Đúng là mỗi người hướng đến những “giá trị” khác nhau. Không ít người sẵn sàn công khai rao bán danh dự và lòng tự trọng để đổi lấy tiền. Một cô người mẫu vừa bị bắt nói cô hành nghề bán dâm với mục tiêu đủ tiền mua nhà, mua xe hơi. Khi mức giá “đi khách” của một số cô gái hoạt động trong làng giải trí thuộc đường dây môi giới vừa bị phanh phui lên tới hàng nghìn đôla thì mong ước đó cũng không xa vời lắm. Những chuyện như vậy gần đây có thể gặp đầy trên… mạng, nên đọc những thông tin đó, nhiều người thở dài, bảo các giá trị đang bị đảo lộn, họ làm việc vất vả nghìn ngày không bằng mấy cô bán phấn buôn hương một đêm…
          - Nói như thế là làm nhục những người kiếm tiền chân chính, vì không thể đem so sánh họ với các cô đó được khi công việc khác nhau, cách lao động khác nhau. Cứ cho là các cô gái bán dâm kia kiếm tiền từ lúc 18 tuổi, với số tiền đó, thì đến khi bị bắt, liệu họ còn được bao nhiêu tiền? Cứ cho là họ làm việc đó từ khi 18 tuổi đến 30 tuổi, thì những gì họ giữ lại được liệu có bằng người làm ăn chân chính cả đời? Xã hội nào cũng cần khuyến khích mỗi người dân kiếm tiền, biết làm ra thật nhiều của cải vật chất và không ngừng năng cao đời sống tinh thần. Càng nhiều người biết kiếm tiền ở trình độ cao, như nhiều tỉ phú của thế giới mà chúng ta đã biết, thì xã hội ấy mới có thể bước lên nấc thang phát triển ở trình độ cao.


          * Tôi cũng nghĩ là những người kiếm tiền chân chính thì không bao giờ bỏ ra 20.000 đôla chỉ để được gặp cô Phương Trinh nào đó. Thậm chí, cô gái này có bỏ tiền, người ta cũng không thèm gặp. Thế nên tuyên bố của cô đơn giản chỉ là “chém gió” hoặc “chào hàng” lộ liễu để mong đạt được mục đích. Điều đáng bàn hơn ở đây là cô Phương Trinh được thỏa sức nói bất cứ điều gì cô ấy muốn, người phỏng vấn một mực chép lại và hân hoan đẩy lên mặt báo. Báo chí như vậy thì khác nào làm cái loa cho các cô tiện đường quảng cáo bản thân, bán dâm, chào khách công khai! Anh có bận tâm trước những thông tin mà nhiều người xúm vào bàn tán ấy?
          - Chỉ những người ăn không ngồi rồi mới mất nhiều thời gian cho những chuyện đó. Các trang mạng đưa những chuyện ấy lên như vấn đề nổi cộm, muốn chúng trở thành tin giật gân… cũng đã khiến tôi vào xem. Tôi đọc đến cả những phần comment thì thấy nhiều độc giả chửi người viết chứ không phải chửi các cô đó. Họ đọc xong và thấy rất bực mình. Số đọc cũng không nhiều so với số dân của chúng ta đâu. Bạn nghĩ xem, còn biết bao doanh nghiệp đang lo làm ăn, lo lưu thông hàng hóa, đối phó với khủng hoảng thì người ta có quan tâm tới mấy tin đó không? Sinh viên lo học bù đầu, họ còn phải đi học ngoại ngữ, học kỹ năng sống… thì những tin đó giúp gì? Còn với những người mẫu ở khắp ba miền Bắc – Trung – Nam, chuyện bán dâm kia cũng không phải chuyện chung của họ, vì để có được thành quả của mình họ phải vất vả, phơi nắng, dậy sớm, tìm kiếm hợp đồng…, chứ không bỏ công bỏ sức thì họ sẽ chẳng có gì. Chính người viết báo ở đây đã vô tình tiếp tay cho cái xấu. Nhưng tôi cũng tin, rất nhiều người không nhìn vào mấy chuyện này mà bi quan, vì họ còn nhiều mối quan tâm thích đáng hơn và còn rất nhiều việc để làm. Riêng tôi nghĩ, văn hóa không tạo nên từ buôn chuyện.

          * Anh đang thuyết giảng ở một số nơi về “nhân hiệu”, hay nói cách khác là thương hiệu cá nhân. Có phải chủ đề này thì giới doanh nhân, nghệ sĩ, chính khách quan tâm là chính?
          - Theo tôi, mọi người ai cũng cần quan tâm đến nhân hiệu. Nhân hiệu là thương hiệu cá nhân, là một phần của kỹ năng sống. Một người có ý thức hình thành nhân hiệu sẽ luôn biết sắp xếp, điều chỉnh cuộc sống sao cho đúng đắn nhất. Những câu từ xa xưa của ông bà như “học ăn, học nói, học gói, học mở”, “tiên học lễ hậu học văn”… là những điều cơ bản nhất, bắt đầu cho việc hình thành nhân hiệu.


          * Tôi lại nghĩ một người có “nhân hiệu” tức là đã vượt trên bình thường, họ thể hiện được thương hiệu cá nhân, có cá tính, phong cách riêng được nhiều người thừa nhận…
          - Theo tháp nhu cầu thì họ đạt được nhu cầu cao nhất là khẳng định mình, được người khác thừa nhận.


          * Nguồn sức mạnh chính của Mỹ, Nhật, Phần Lan, Singapore… nằm ở con người có tư duy sáng tạo, giàu ý tưởng… Còn ở nước ta, báo cáo nhiều năm nay của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội vẫn nhấn mạnh thành tích xuất khẩu lao động phổ thông, với giá trị thấp. Để xuất khẩu chất xám, hay xuất khẩu… nhân hiệu được như nước khác thì theo anh, phải dựa trên chiến lược phát triển giáo dục của đất nước hay tự mỗi người quyết định?
          - Cả hai. Khi vĩ mô chưa lo xuể thì vi mô phải tự cứu lấy mình, và vi mô là chính. Thời thế tạo anh hùng, nhưng đừng vì môi trường chưa tốt mà nói tôi sinh nhầm thời.


          * Nhiều người khi có thu nhập cao, ngấp nghé được gọi là “đại gia” mới lo đi học tạo dựng phong cách cá nhân, văn hóa kinh doanh. Điều này bỗng dưng thành mốt…
          - Ở các nước phát triển cao, thỉnh thoảng vẫn có thông tin cụ ông cụ bà đi lấy bằng đại học. Đi học là mốt, nhưng là mốt tốt thì tại sao không theo. Còn hơn là các mốt, phong trào không tốt khác.


          * Một ví dụ về mẫu người đàn ông có nhân hiệu tốt, theo quan điểm của anh ?
          - Ông Lý Ngọc Minh, chủ gốm sứ Minh Long. Xuất thân nghèo khó, trình độ học vấn lớp 3 nhưng ông được giới doanh nhân và nhiều tầng lớp khác kính trọng. Những sản phẩm của Minh Long đã xuất khẩu, đưa vào sử dụng ở nhiều nước chứ không chỉ là mỹ nghệ, trưng bày. Ông đã tự học, tự làm, đổi mới, sáng tạo không ngừng để nay là siêu chuyên gia về gốm. Không những thế, ông còn theo kịp nhu cầu, xu hướng của thế giới bên ngoài, trong khi vô vàn doanh nghiệp, sản phẩm trong nước còn tụt hậu. Tiếp xúc với ông, tôi nhận thấy ý thức học từng giây từng phút…


          * Còn phong thái – yếu tố quan trọng định hình nhân hiệu?
          - Ông Lý Ngọc Minh có phong thái hết sức bình thường, giản dị. Tôi nghĩ rằng trong trong thế giới này, từ vô hình đến hữu hình, để đạt được chữ bình thường là vô cùng quý giá. Ai, cái gì bất thường sẽ bị mất cân bằng.


          * Không phải là càng gây chú ý, khác thường thì càng rõ cái tôi cá nhân?
          - Thứ  gây chú ý phải là sản phẩm họ làm ra chứ không phải bản thân con người họ. Như đã nói, tôi quan niệm, sống là để lại giá trị chứ không phải để lại cái tên. Tôi chỉ mong người khác thấy mình là người hoàn toàn bình thường, không phải lên gân để được coi là khác người.


          * Vậy mà  thấy anh đi thuyết giảng nhiều trước giới doanh nhân về việc đi dự tiệc mặc gì, trang phục tiếp khách ra sao, ra phố với quần áo thế nào… Có nghĩa cái “nhãn” cần lưu tâm trước “nhân”?
          - Tôi hỏi bạn, trong hai câu “trông mặt mà bắt hình dong”, “chiếc áo không làm nên thầy tu”, bạn thấy câu nào có giá trị hơn?


          * Câu trước nông nổi quá, chỉ người chưa trải nghiệm, va vấp nhiều mới nghĩ thế.
          - Đúng. Cây lúa khi trĩu hạt thì oằn xuống, còn cây lép thì tung tẩy khiếp lắm. Người cũng vậy, chưa có gì nhiều mới hay la làng. Các ca sĩ thực tài, đâu cần múa minh họa. Còn hát không ra gì, thì nào là nhóm múa, ánh sáng, chắp ghép, nháo nhào lên… Nội lực mạnh thì tự tỏa sáng, chẳng ngại người khác không chú ý đến việc mình làm.


          * Ngược lại với ví dụ của anh về ông Lý Ngọc Minh, hiện nay có nhiều “dị nhân” từ vẻ ngoài đến sản phẩm sáng tạo, như nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật đương đại Đào Anh Khánh chẳng hạn, luôn nổi bật giữa đám đông từ hình hài, phong cách. Anh có nghĩ rằng đó cũng là một cách làm thương hiệu cá nhân thành công ?
          - Tôi cho là có. Vẻ ngoài lạ lẫm là thuộc quyền tự do biểu hiện của mỗi người. Như cách ăn mặc của tôi, nhiều người bảo, trông chẳng ra nhà thiết kế, chẳng ra thầy tu, còn nói tôi là ông già khó tính… Nhưng đó chỉ là nhận xét chủ quan của người đời và áp đặt theo ý các vị lên tôi.


          * Ngoài việc kiếm tiền thì hiện có công việc hay sở thích nào ít liên quan đến chuyện tiền nong nhất mà anh vẫn làm đều đặn?
          - Có lẽ là hai việc, đọc sách và xem phim. Muốn làm gì thì làm, đó vẫn là hai việc không thể thiếu với tôi. Cho đó là sở thích thì sở thích này không tách rời công việc. Tôi sắp mở trường dạy, hay nói đúng hơn là định hướng, hướng dẫn tư duy sáng tạo, vì thế tôi đọc rất nhiều sách về tư duy sáng tạo cho trẻ em từ tuổi mẫu giáo đến hết cấp tiểu học. Còn phim thì tôi mê phim khoa học giả tưởng, khoa học vũ trụ, cổ tích thần tiên… Là nhà thiết kế, tức người sáng tác, vì thế phim ảnh giúp tôi phiêu du trong thế giới tưởng tượng vô bờ bến.

 
          * Anh có muốn giới thiệu với các bậc phụ huynh một vào cuốn sách giúp kích thích sáng tạo cho trẻ nhỏ để các em có thể đọc trong dịp hè này?
          - Đưa ra một cuốn cụ thể nào thì khó, vì mỗi cuốn sách khai thác một khía cạnh riêng. Tôi cho rằng ở tuổi mẫu giáo thì cha mẹ nên thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe, với những câu chuyện gần gũi, giản dị với đời sống hôm nay về phát triển nhân cách, rèn luyện sự nhẫn nại, trung thực, tiết kiện, yêu thích thiên nhân, bảo vệ môi trường… Nhiều truyện cổ tích ngày trước như Tấm Cám, Thạch Sanh, Lọ Lem… không còn phù hợp hoặc không còn đúng với bây giờ nữa, vì cuối cùng vẫn là chuyện trả thù, trong khi điều trẻ cần tiếp nhận là lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn chứ không phải lấy oán báo oán. Đến tiểu học thì để trẻ tiếp xúc với những cuốn sách về thế giới bên ngoài rộng mở để thúc đẩy trí tưởng tượng và tinh thần khám phá. Tôi cũng không thích những cuốn truyện tranh như Doremon vì ở đó vẫn có nhiều chuyện xúi bậy, xúi dại hoặc thể hiện cách cư xử không hay với cha mẹ qua tranh vẽ.
 
 
          * Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra, đề thi môn Văn có một câu được tính 3 điểm yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ về ý kiến: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Anh nhận xét gì về đề văn này?
          - Nếu tôi được quyền duyệt thì tôi không duyệt đề thi này. Học sinh phổ thông chưa đủ chín chắn, trải nghiệm ở đời để đối mặt với điều đó. Sao không để các em nói về lý tưởng, ước mơ, dự định, lời hứa, nghề nghiệp mình muốn theo đuổi… mà lại đề cập tới mặt trái, bề đen? Dẫu được định hướng là lên án sự dối trá thì một em viết hay đi chăng nữa thì cũng vì em đã chú tâm vào khoảng đen tối, lừa lọc… Vậy khi vào đời, em sẽ nhìn đời ra sao? Tôi không theo chủ nghĩa tô hồng nên biết chắc khi đi qua tuổi thơ, các em đều hiểu ông già Noel là không có thật. Nhưng tôi nghĩ rằng, thế giới vẫn cần có ai đó chui vào ống khói để tặng quà trẻ nhỏ mỗi khi Giáng sinh về.

Danh Anh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget