Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Nhà văn NGUYỄN HOÀNG ĐỨC



Nguyễn Hoàng Đức là tác giả của những tập sách cứng đã được lần lượt giới thiệu tại chungta.com với những chủ đề gai góc, cơ bản đặt ra cho xã hội Việt Nam, cho người Việt trong xu thế tiến bộ của Nhà nước và con người Việt Nam ta như: Người Việt tự ngắm mình, Hành trình nhận thức duy niệm của nhân loại, Hành trình tâm linh nhân loại, Ý hướng tính văn chương, Công lý và Dục vọng, Quan phẩm và Nhân phẩm và gần đây nhất là cuốn Tự do cho chúng ta làm người
Chungta.com đã có cuộc phỏng vấn anh Nguyễn Hoàng Đức về nghiệp viết sách và các tác phẩm của anh.

PV: Anh là một người viết nhiều đầu sách lớn, mang tính công cụ cho người Việt hiện đại và được bạn đọc chungta.com chăm chú theo dõi. Vậy xin hỏi ông động cơ nào thôi thúc anh hăng say viết các cuốn sách dày và chuyên nghiệp như vậy?
NHĐức: Tôi rất thấm thía và tâm đắc câu nói của nhà văn Áo Stefan Sweig rằng: Hạnh phúc lớn nhất là cho đến một tuổi nào đó, con người ta nhận ra sứ mệnh của mình. Quả thực đó là niềm hạnh phúc quá lớn. Bình thường nhất là sống không có tiếng vọng (là vô dấu vết và cũng vô lại), cao hơn là có tí danh để trang sức cho cuộc đời, nhưng cao nhất hẳn là người biết được sứ mệnh của mình, sứ mệnh đó có thể như ông chủ ở lò sứ Bát Tràng phải lập chiếc lò đầu tiên, hoặc lớn hơn là Ngô Bảo Châu gặt được giải Field cho toán học Việt Nam năm 2010. Còn tôi cũng đã cảm nhận được sứ mệnh của mình, tôi đã từng viết trên Chúng ta.com, rằng: đó là sứ mệnh mà mình không làm thì có khi chẳng ai làm, đó không phải là cách tự kiêu mà là cách nghĩ về bổn phận. Một gia đình chỉ giầu có, một quốc gia chỉ hùng mạnh khi ai đó đều làm đúng bổn phận của mình. Trái lại gia đình sẽ nghèo hèn, quốc gia sẽ còi cọc khi ai ai đều đùn đẩy cho người khác việc của mình, hay bằng cách trốn việc họ luôn nghĩ rằng việc này đã có ai làm, trong đó có cả rất nhiều kẻ lười nhác ra vẻ khiêm tốn để trốn việc. Người hiểu biết thì luôn phải tự tin, triết học chắc chắn xác định vậy, chỉ có tự tin về nguyên lý nắm bắt của mình, mà một bác sĩ có thể tiêm vi trùng vào người để thí nghiệm, hay một nhà chế tạo dám mời người ta xuống thử chiếc ca nô chở mình qua sông... Tôi cũng vậy, tôi ý thức về bổn phận (không thể từ chối, không thể khác được, giống như Chúa cho con sáo chiếc mỏ thì nó phải hót), và tự tin khi viết những cuốn sách chuyên luận, tức về các chuyên đề cách dài hơi và thấu đáo. Những cuốn sách đó được đặt trên nền móng là trình độ dân trí và đời sống thực tiễn của người Việt. Người Việt nói riêng, người châu Á nói chung không có truyền thống tư duy lý tính, hay cãi vã, hay nói thiếu đề tài và sở cứ, thường nói nước đôi "làm trai cứ nước hai mà nói", vì thế tư duy lý trí thiếu phát triển, lý trí thiếu thì sự tiến bộ không thể có bởi vì bản năng không bao giờ tiến bộ, đời sống xã hội của ta còn rất thiếu những tư duy lập hiến, hoặc thể thức công dân của lập hiến, bởi vì người Việt sống quá lâu trong lối tư duy "chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ", hoặc "phép vua thua lệ làng", bởi thế những cuốn sách của tôi nhắm đến hai mục đích chính: một, đặt nền tảng căn bản không thể cãi cho tư duy lý tính, ngô ra ngô, khoai ra khoai; hai, cần xé toạc lệ làng để bước vào một quốc gia lập hiến, có như thế chúng ta mới biến sắc tộc thành quốc gia, và nhóm các làng thành một nhà nước có chính phủ và chính hiến.

PV: Anh cho biết các cuốn sách được viết khi nào? Những cuốn nào đã được xuất bản? Anh có thể trao đổi về nội dung của từng cuốn sách?
NH Đức: Tôi đã có hơn chục cuốn sách in, kể ra thì hơi dài. Tôi xin tóm lại vài điều. Mở màn tôi viết văn cũng khá ngẫu nhiên, một người bạn viết văn trước cứ khích lệ tôi rằng, anh có trình độ như vậy, sao không viết văn. Thế là tôi bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết đầu tay. Cuốn đó có đề tài gai góc nên chưa xin được giấy phép. Sau đó tôi viết liền một mạch 40 truyện ngắn trong một năm. Cuốn sách được tôi ngồi viết chính thức như một ý tưởng và sinh hoạt chuyên nghiệp là cuốn "Ý hướng tính văn chương", NXB Văn hóa Dân tộc in. Tôi viết trong bốn tháng. Cuốn sách dày 640 trang, cho đến nay có thể coi như một cuốn chuyên luận văn học đồ sộ bậc nhất Việt Nam, đó là kể về số chữ thuần túy. Còn về đề tài chắc hẳn nó không có đối thủ ở trong nước, bởi vì nó đề cập đến những vấn đề lớn nhất của văn chương và triết học như: nguyên lý sáng tạo, đạo lý làm người, chân lý, Thượng Đế, siêu hình học, thời gian , không gian, và cả bút pháp lẫn sứ mệnh câm bút. Sau đó tôi viết liền bốn trường ca trong bốn năm liền, mối trường ca viết trong một tháng. Có trường ca "Ngước lên cao" là trường ca thần học đầu tiên ở châu Á, đơn giản chỉ vì châu Á chưa có trường ca về thần học. Còn trường ca "Kẻ hành hương từ đời đến thơ" hình như là trường ca anh hùng mỹ học đầu tiên trên thế giới, đơn giản thế giới mới chỉ có trường ca chiến sĩ như Illiad, hay phiêu lưu như Oddyssee, hoặc anh hùng văn hóa như Faust hoặc Donjuan... mà chưa có anh hùng nào đi tìm thơ như Homere cả. Còn "Đợi chuyến đò đã lỡ của tôi" dường như nó là bài thơ tình dài nhất thế giới... bởi vì chưa thấy ai tìm thấy bài thơ tình nào dài hơn (độ dài của nó 240 trang in)...
Ngoài ra tôi còn viết tiểu thuyết và kịch. Tôi đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết dày 2000 trang in. Và viết được 9 vở kịch.

PV: Anh có thể nói gì về trang chungta.com và bạn đọc của chungta.com
NH Đức: Lần đầu có mấy người trí thức gọi và giới thiệu tôi lên mạng Chungta.com đọc. Tôi thấy rõ đây không phải là mạng xum xuê theo kiểu thị trường, chìu chuộng các loại bạn đọc. Mà Chungta.com chú trọng đến lịch sử, xã hội, kinh tế, chính trị, học vấn, triết học, thần học, văn học, nghệ thuật. Một mạng nghiêm túc có comment, nhưng không xô bồ hay quá dễ dãi. Không chỉ có tôi , tôi biết có nhiều tác giả được Chungta.com chiêu hiền đãi sĩ nhờ viết và sử dụng bài. Điều đó tôi cảm thấy cần phải biết ơn. Đến nay mới hơn 6 năm, mà chungta.com đã có hơn 60 triệu lượt người vào mạng. Xin chúc mừng các bạn.

PV: Trong các cuốn sách anh đã và đang giới thiệu tại chungta.com, cuốn sách nào anh cho là thiết thực nhất, gửi gắm nhiều suy tư quan trọng?
NH Đức: Mỗi cuốn mỗi vẻ mang chức năng sát sườn của nó. "Người Việt tự ngắm mình" là tự sỉ hữu đạt tôn, nghĩa là nếu không tự mình có liêm sỉ thì không thể nào cao lên được. Đó chính là bài học sĩ diện đầu tiên để nâng con người và tầm vóc dân tộc lên cao, bởi vì mỗi cá nhân là một tế bào, một hòn gạch dựng xây xã hội. "Quan phẩm và nhân phẩm" thì là bước cao hơn trên đường tiến bộ. Nó có ý rằng, người Việt đừng có quá lo việc chạy quan, nên nhớ có rất nhiều cách có tài có đức để vinh danh cuộc đời, như Ngô Bảo Châu bây giờ làm gì có phẩm có hàm nhưng ai sánh được. Hoặc như một hòn gạch ở làng Bát Tràng có thương hiệu thì vinh quang, giầu có, vĩnh cửu hơn cả vạn những ông quan huyện đã chết đi chẳng sủi tăm bong bóng được gì. Cuốn "Tự do cho chúng ta làm người" hướng dẫn người ta trở thành công dân lập hiến, để được sống trong tổ chức quốc gia cao nhất của loài người. Còn các cuốn khác cho người ta những kiến thức nền tảng khác.

PV: Anh có thể liên hệ Tương lai của đất nước, nhắn nhủ tới bạn đọc về việc quan tâm nắm nội dung các cuốn sách anh đã viết.
NH Đức: Ngắn gọn thôi, mỗi người hãy có bổn phận trong chức năng xã hội của mình. Đừng chụp giật ma cà chớp đánh quả người khác vì như người Việt dạy "Được lòng ta xót xa lòng người". Đừng bao giờ nói nước đôi cả, vì đó là cách thủ thế hèn nhát, một thứ dốt nát thiếu hiểu biết, và chắc chắn sẽ làm méo mó nhân cách và cách sống của con người. Muốn sống hòa bình cùng nhau thì không thể sống phi công lý.

PV: Anh có nghĩ rằng cách viết các tác phẩm của mình có thể làm có ít người đọc. Với đại đa số người Việt cách viết chuyên luận sẽ làm người đọc mất nhiều thời gian?
NH Đức: Sách của tôi là sách của sách, đất nước có rất nhiều toa tầu, nhưng có rất ít đầu tầu. Tôi đã từng viết làm toa tầu thì có hành khách, có chuyện trò, có vải vóc, có son phấn. Còn đầu tầu chỉ có than và dầu mỡ, nhưng nó có bổn phận cao nhất đi kèm kiêu hãnh cao nhất. Ai muốn làm đầu tầu thì hãy đọc sách của tôi. Một cái bản lề rất nhỏ nhưng nó làm chuyển cả cái cửa rất lớn. Hãy đọc sách công cụ. Đừng tham to mà hãy tham cái gì làm chuyển biến cả cuộc đời.

PV: Anh nói gì về chất lượng, số lượng các đầu sách công cụ của tác giả Việt và nhu cầu tự thân của người Việt?
NH Đức: Theo các đánh giá chính thức thì chúng ta thiếu sách hay, đặc biệt là sách lý luận (hầu như số không). Độc giả Việt thì đa số còn sống cảm tính, thiếu tư duy đề tài và khoa học. Chúng ta không nên quên, một trong những lý do chính nước ta còn nghèo hèn lạc hậu là dân ta còn ở mức giáo dục, mức khai sáng khá thấp . Nói kỹ hơn là bản năng chưa kịp giáo dục nhiều để biến thành lý tính. Chúng ta mới chủ yếu sống bằng cái bụng, cái thận, mà chưa đạt tới trình độ sống của danh dự - trái tim, và cái đầu - tức lý trí.

PV: Xin anh giới thiệu qua về điều kiện sáng tác các tác phẩm của mình.
NH Đức: Tôi chuyên nghiệp về ngòi bút nhưng lại nghiệp dư khi lĩnh lương. Tôi viết mấy bài kiếm sống mỗi tháng. Tôi cho đó là phần mềm. Còn phần cứng là những ấp ủ dự phóng trên hành trình đi tới. Tôi đói ăn lương thực, nhưng lại sắm được cả một kho dự trữ chiến lược về văn hóa. Đó cũng chính là vi-sa để giúp tôi mua vé trên chuyến tầu đi vào vĩnh cửu.
Đó là những tự bạch chân thành của tôi, nếu nó không đủ khiêm tốn thì mong bạn đọc xá tội, vì đó là cách tôi muốn mang lấy bổn phận chức năng thuộc ngòi bút của mình. Xin cám ơn !

PV: Với thực trạng xã hội và công dân ta còn thiếu những "kho dự trữ chiến lược về văn hóa" - vai trò là nền tảng tri thức vững chắc cho sự phát triển và đi lên một cách lâu dài, chungta.com cho rằng những đóng góp của anh vào "kho dự trữ chiến lược ấy" thật là quý báu và xứng đáng được đề cao như tại các xã hội phát triển.



Nguồn:  Chungta.com



1 nhận xét:

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget