Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Nhàn đàm cùng GS_TS Trần Văn Khê



Ngày Tết nhàn đàm cùng GS_TS Trần Văn Khê

Nhân dịp Xuân về, thầy Đỗ Hồng Ngọc dẫn chúng tôi tới thăm sức khỏe GS Trần Văn Khê, tôi vô tình bị cuốn vào câu chuyện “trà dư tửu hậu” giữa GS Trần Văn Khê và BS Đỗ Hồng Ngọc. Mở đầu câu chuyện, BS Đỗ Hồng Ngọc “khơi mào” về việc cuộc thi hoa hậu thế giới chuyển từ TP biển Nha Trang về chốn miệt vườn Mỹ Tho, quê hương của GS (Giờ chót nghe nói đã hủy bỏ kế hoạch này!)
GS Trần Văn Khê cho biết về mặt địa lý, hành chính thì ông không biết như thế có nên không hay cồn Thới Sơn có chứa đủ số lượng người tham gia không nhưng về mặt quảng bá cho du lịch và kinh tế thì theo ông là nên.

 


BS Đỗ Hồng Ngọc: Vậy theo chú nếu thi hoa hậu ở chốn miệt vườn thì nên cho thi các tiết mục nào thì hấp dẫn?
GS Trần Văn Khê: Tôi rất thích cái áo bà ba của người con gái Nam bộ nhất là cái áo bà ba đen khăn rằn, tượng trưng cho người phụ nữ Việt Nam đảm đang, kiên cường trong chiến đấu cũng như trong thời bình. Áo bà ba đen mang một vẻ đẹp tinh thần rất khác biệt so với các loại trang phục khác. Vì vậy nên cho hoa hậu thi trang phục… áo bà ba ngoài áo dài truyền thống.
Vùng mình còn có nhiều nếp sống đẹp khác như róc mía, chặt dừa, chống xuồng ba lá… Cũng hay đó chớ. Thi mấy cái đó làm cho thế giới để ý biết được cuộc sống vùng thôn quê Việt Nam mình.

BS Đỗ Hồng Ngọc: Chắc cũng nên cho mấy cô thi mặc áo dài đi qua cầu khỉ và lội mương bắt cá nữa chú ạ! Nhân nói tới cái hay của vùng sông nước Nam bộ, chú cho biết thêm những cái hay khác của người miền Nam mình…!
GS Trần Văn Khê: Miền Nam sinh sau đẻ muộn, có câu ca nói về điều kiện sống thuở khai hoang lập ấp:
“Chèo xuồng sợ sấu cắn chưn,
Xuống nước gặp đĩa, lên rừng gặp ma”
nên làm chuyện gì cũng có sự sáng tạo.



Ngay cả cái ăn, người miền Nam ăn đủ thứ rau, từ bắp chuối, hoa chuối, đọt chuối… đến các món rắn, rùa, cào cào… Cả con sùng, chuột đồng cũng ăn luôn. Điều đó thể hiện tính chất thôn quê, hoang dã nhưng có sự sáng tạo, thích nghi với hoàn cảnh sống.
Cái sự sáng tạo trong cách ăn của người miền Nam có rất nhiều thứ để nói. Cũng con cá nhưng được chế biến đủ kiểu: kho, chiên, làm khô, làm mắm… Kho cũng có nhiều kiểu kho: kho tộ, kho khìa, kho quẹt, kho mặn… Chiên thì chiên thường, chiên khô, chiên cháy vảy, chiên xù…
Cái sự thích nghi thì khỏi phải chê. Bún nước lèo ăn với mắm bò-hóc của người Khmer, người miền Nam thì có bún nước lèo nấu cá thành bún mắm. Ấn Độ có món cà-ri, người miền Nam cũng nấu cà-ri nhưng với nước cốt dừa chứ không nấu nị. Pha thêm chút nước, khoai tây… cho phù hợp với khẩu vị của người mình. Món canh chua của người miền Nam đặc biệt không hề giống kiểu của người Thái. Món của người ta nhưng nghệ thuật của mình là chỗ đó.
Cái “ăn” của người Nam bộ quan trọng đến nỗi nói đến cái gì cũng kèm chữ “ăn”: ăn mặc, ăn nói, ăn ở, ăn nằm, ăn chơi… Cái ăn vận vào cả nghệ thuật. Nói về thanh và sắc, cái giọng cao, thanh, vang, người Nam nói “ca ngọt”, lỡ mà cao quá thì “giọng hơi chua”, giọng mà mạnh cộng thêm lỡ lên hơi cao quá thành ra “chát”. Đờn lên dây hợp với giọng thì kêu bằng “ăn dữ ha” hay xuống “nghe thiệt mùi”. Ẩm thực của người miền Nam vì thế có thể tóm gọn ở ba sắc thái: hoang dã, sáng tạo và thích nghi.
Cái gì người miền Nam cũng dám thử và thử cho đến khi thành công nhưng với một thái độ hết sức tự nhiên và một tấm lòng cởi mở không ngại khó.



(Theo: dohongngoc.com)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget