Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

PHẠM DUY : "Tôi sung sướng được làm người hát rong của thế kỷ"

            Với một số lượng nhạc phẩm đồ sộ, không mấy người Việt không biết đến ca khúc Phạm Duy, nhưng do những đứt gãy lịch sử, không phải ai cũng có thể hiểu đầy đủ về con người nhạc sĩ Phạm Duy, nhất là khi ông đã có một thời gian vắng mặt khá lâu ở quê hương. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về một trong những người nhạc sĩ làm nên diện mạo âm nhạc Việt Nam, Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu một phần những thổ lộ của ông với nhạc sĩ Tuấn Khanh vào năm 1996, gần mười năm trước khi Phạm Duy về định cư tại Việt Nam.
Nhạc sĩ Phạm Duy ký tặng bạn bè nhân ngày sinh nhật tổ chức năm 2011. Ảnh: TL
Nhạc sĩ Phạm Duy ký tặng bạn bè nhân ngày sinh nhật tổ chức năm 2011


Thưa nhạc sĩ, nếu có thể tóm tắt đời mình trong một câu nói, thì ông sẽ nhận định như thế nào về cuộc đời hoạt động và sáng tác đầy những thăng trầm biến động của ông?
Tôi là một người hát rong, sung sướng được làm người hát rong của thế kỷ.

Trong những năm tháng còn ở quê nhà, người ta tìm thấy một Phạm Duy xuất hiện ở khắp nơi; từ chuyện tranh đấu cho đến những du ca buồn cho đất mẹ đang oằn mình bởi chiến tranh và bom đạn, những khúc tình ca thoáng ẩn hiện cho nỗi buồn chia cắt đất nước, những bài tục ca thời thượng với đám trẻ hippy… đâu đâu cũng có dấu chân ông. Xin được hỏi, ông đã tìm thấy nơi mình bản chất là một nhạc sĩ đơn thuần đau lòng trước vận nước, hay là một người hoạt động xã hội, một người muốn làm chính trị và sử dụng tài năng âm nhạc vào mục đích đó?
Người hát rong đã suốt đời không nhận làm một chú hề cho vua chúa (bouffon du roi), đã chọn người dân là đối tượng, rồi trong một thời loạn lạc chia ly đã tự nguyện làm người “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” thì làm sao mà im tiếng hát trước những buồn vui của dân tộc được? Trong một nước có quá nhiều biến cố chính trị như nước ta, tôi cũng công nhận rằng nhiều phen tôi bị chính trị bủa vây, nhưng tôi đã cố gắng tránh nó… Không biết tôi có tránh nổi nó chưa? Hay cứ bị người ta đeo vào mình hết nhãn hiệu này tới nhãn hiệu khác?


Ông có tin rằng mình đã gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Việt Nam và thực sự đã góp phần ít nhiều tác động vào nó (bằng cá tính của mình, bằng lời ca tiếng đàn của mình)?
Tôi cũng muốn tin như vậy nhưng trong thực tế, lời ca tiếng hát nhỏ nhoi của lũ nghệ sĩ chúng tôi không có tác động gì tới thời cuộc, ngoài việc có thể làm rung động trái tim hay lương tâm con người.


Được biết năm 1986 là giai đoạn khủng hoảng rất lớn của ông, xin ông cho biết thêm về sự khủng hoảng đó. Một trong những lý do chính có phải là nỗi buồn xa xứ không?
Đó là lúc, cũng như hầu hết những người xa xứ, tôi quá mệt mỏi vì trong suốt 15 năm, tôi chưa ra khỏi cơn chấn động và tự dìm mình vào loại nhạc than vãn với bài Tình thu là một ví dụ. Nhưng ít lâu sau đó, tôi bỗng nhìn thấy trong thế giới có nhiều sự đổi thay khiến cho nước tôi rồi cũng sẽ phải được giải quyết theo một chiều hướng tốt… Thế là tôi vươn ra khỏi những tình cảm chật hẹp để soạn mười bài hát cho những năm 2000, đó là mười bài Rong ca.


Đã có bao giờ ông tiếc nuối vì đã xa quê hương không? Nỗi buồn xa xứ hiện diện bên trong ông đã tác động như thế nào đến ca khúc và sự sáng tác của ông? Những suy nghĩ của ông về quê nhà nói chung như thế nào?
Ai xa quê hương mà chẳng tiếc nuối? Càng xa quê hương lại càng yêu quê hương hơn – nghe lại điệp khúc bài Tình hoài hương đi! Nhưng nghệ sĩ là hạng người thường thích bay nhảy, tôi lại có máu giang hồ từ nhỏ, và ra với thế giới thì lại học hỏi được nhiều, tôi chưa bao giờ hối hận là đã ra đi. Nhưng cuộc ra đi nào cũng phải có ngày về. Về lúc nào và ra sao là tuỳ mỗi người. Tôi hy vọng sẽ gặp lại quê hương và hát cho đồng bào nghe, trước khi chết.


Đã có bao giờ ông cảm thấy hối hận vì một điều gì đó chưa – kể cả trong tình yêu và trong chính kiến, nếu có xin ông cho biết qua về tâm cảm đó?
Sống rất phóng túng và nhất là sống trong một thời đại rất náo động thì – hoặc ít hay nhiều – tôi có thể đã làm nên những điều lầm lỗi. Tôi rất muốn được xin lỗi nhiều người.


Ước muốn lớn nhất của ông ở tuổi 76 là gì, thưa nhạc sĩ?
Là cứ được sống như thế này, mãi mãi. Xin sức khoẻ đừng quá mau sút giảm. Mong cứ được đi hát đều đều, nay Paris, mai Sydney, mốt Tokyo… biết đâu chẳng có ngày Hà Nội hay Hải Phòng? Ước ao vẫn được sống với nguồn cảm hứng dồi dào để soạn nốt ba bức minh hoạ còn lại của Truyện Kiều. Và nhất là vẫn còn đủ thì giờ nhàn rỗi để chơi với cháu ngoại…


Thưa nhạc sĩ, hãy thử tưởng tượng nếu 20 năm nay ông ở lại trong nước hoạt động và sáng tác, liệu ông có làm được nhiều hơn (hay ít hơn) những gì ông đã làm được ở hải ngoại?
Trong giới soạn nhạc, ai cũng mơ ước đưa nhạc mình từ nhạc đơn điệu (monodique) lên nhạc đa điệu (polyphonique) thì, từ nhiều năm qua, tôi và Duy Cường có cơ hội ở một nước kỹ thuật cao như Hoa Kỳ để có thể đi vào lãnh vực điện toán rồi áp dụng nó vào âm nhạc. Tôi nghĩ rằng về hình thức, nhạc của tôi tiến hơn thời 1975. Tôi vẫn thường nói 20 năm qua là 20 năm đi du học của tôi.


Trong album Mẹ năm 2000, người nghe cảm nhận được một điều gì đó thật buồn bã báo trước một cuộc chia tay lớn. Thưa ông, điều gì đã làm cho ông đi đến những chiêm nghiệm về cái chết và sự sống như vậy? Nó có phải là sự tổng kết một kinh nghiệm cuộc đời đứng trông những muộn phiền, buồn vui của cõi nhân gian?
Anh muốn nói tới album mười bài Rong ca mang tên Người tình già trên đầu non? Xin được thưa với những người yêu nhạc rằng: có ba con người trong tôi, (1) con người tình cảm soạn ra những bản tình ca cho đôi lứa; (2) con người xã hội soạn nhạc khóc cười theo mệnh nước nổi trôi; (3) con người thứ ba là con người tâm linh với những tác phẩm ra đời từ xưa như Lữ hành, Xuân hành, Đạo ca, Thiền ca… thì mười bài Rong ca là những bài hát về một chuyến đi tâm tưởng. Chuyến đi của đời người trên dòng nhạc tư duy. Hành lý là con tim mở ngõ, chốn đến là tự thức an nhiên. Là một quay lưng không bận bịu. Là một trở về rất vô tư. Là những bài hát “nghiêng tai nghe lại cuộc đời”…
Mười bài Rong ca nói nhiều tới sự chết cho nên có thể làm cho người nghe thấy buồn nhiều hơn vui chăng? Cho tới nay, có khá nhiều bài viết về nó. Sẽ có dịp tôi mời mọi người đọc những bài này, trước khi đích thân tôi biểu diễn Rong ca cho quý vị nghe.


Để nói một lời tạ lỗi và một lời cảm ơn đến một ai đó trong đời mình, ông sẽ chọn ai? Vì sao?
Xin tạ lỗi cùng quê hương vì phải bỏ đất nước ra đi sinh sống tại thị trấn Giữa Đàng (Midway City). Xin cảm ơn những ai còn hát nhạc Phạm Duy. Xin mang ơn tất cả những người tình tóc xanh, tóc vàng, tóc đỏ… và tóc trắng.


Ông có nuối tiếc vì còn chưa làm xong một điều gì đó cho thế hệ sau của người Việt?
Tôi sẽ không có gì để nuối tiếc cho tôi, vì tôi đã làm xong công việc ca hát của tôi rồi. Tôi khởi sự cuộc đời hát rong bằng dân ca kháng chiến và sẽ kết thúc sự nghiệp bằng Kiều.


Xin ông cho biết thêm về quan điểm của mình đối với các nhạc sĩ thế hệ cùng lứa như Văn Cao, Lê Thương, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương?
Tôi có kỷ niệm riêng với từng người và lúc nào cũng thấy trong lòng rưng rưng muốn khóc khi nhớ tới các bạn vong niên đó. Tôi chỉ có cách hay nhất để gặp lại họ, là vinh danh công trình đóng góp của họ vào nhạc sử Việt Nam trong loạt bài trên internet. Tôi ước mong anh em đọc được những bài viết của tôi…


Trong suốt thời gian ở hải ngoại, ông không ngừng theo dõi và nghiên cứu nền âm nhạc trong nước. Xin nhạc sĩ cho biết ông tìm thấy được một hứa hẹn nào cho âm nhạc Việt Nam trong lớp nhạc sĩ và sáng tác trong nước từ sau năm 1975 đến nay. Với cả hai câu trả lời có và không, xin nhạc sĩ nói rõ quan điểm của mình?
Tuy theo dõi và nghiên cứu nền âm nhạc trong nước để soạn những chương trình âm nhạc cho vài đài phát thanh, nhưng tôi thấy việc làm của tôi còn thiếu sót vì lẽ giản dị là tôi không sống thường xuyên ở trong nước. Xin trả lời một cách rất phiến diện và rất vắn tắt là: nhạc sau 1975 thiếu những hứng khởi của nhạc thời 1940 – 1950 hay những suy tư của nhạc thời 1960 – 1970. Tôi xin lỗi nếu nhận định này chưa đúng với thực tại.


Thưa nhạc sĩ, giả dụ ông đã không ra đi, ở lại trong nước và tiếp tục cuộc đời nghệ thuật của mình sau 1975 thì liệu các sáng tác của ông có ra đời nhiều hơn hiện nay không? Tư tưởng sáng tác của ông có gì khác biệt? Hay chỉ có môi trường sống hiện nay mới là lý tưởng cho ông hoạt động nghệ thuật?
Ở đâu và lúc nào cũng thế, không có sự thay đổi trong lý tưởng của đời tôi là: chỉ muốn đóng vai trò một ca nhân tầm thường hay vĩ đại của âm nhạc Việt Nam trong nhiều thuở.


Nếu có một phép lạ nào đó cho ông trở lại từ đầu với những tháng ngày kháng chiến chống Pháp, ông sẽ hành động sau đó như đã từng làm hay khác đi? Ông có bao giờ hối hận về những điều mình đã làm – ca khúc Bên cầu biên giới chẳng hạn, có phải là chất chứa sự ray rứt giữa các chọn lựa với một chút hối hận, luyến tiếc?
Nếu có một bà phù thuỷ đẹp đẽ hay xấu xí nào bắt tôi phải đóng lại cuốn phim ấy thì tôi cũng sẽ hành động như thời xưa mà thôi, nghĩa là vẫn đem thể xác đi theo cuộc chiến với những anh hùng ca nơi chiến khu Việt Bắc và vẫn giữ được hồn mình với bản tình ca Bên cầu biên giới. Có gì ghê gớm đâu mà phải hối hận hay luyến tiếc?


Chỉ là một nghệ sĩ – vâng, chỉ có vậy thôi – thậm chí chỉ là một kẻ hát rong, nhưng ông có cảm thấy mình quá nặng nợ với dân tộc và đất nước Việt Nam, vượt quá vai trò của một nghệ sĩ bình thường không? Điều gì đã đưa đẩy ông đến tư thế này từ mấy thập niên qua?
Thành thực mà nói, tôi không có thì giờ để đặt tâm trí vào việc xét xem tôi nợ ai và ai nợ tôi trên cõi đời này – ngoại trừ việc tôi còn nợ bao nhiêu tiền nhà băng để mua căn nhà đang ở – và lại càng không hề nuôi cao vọng vượt qua vai trò một nghệ sĩ bình thường – tôi đã chẳng luôn luôn chỉ nhận mình là kẻ hát rong đó sao? Điều đưa đẩy tôi đến tư thế mà anh nhìn thấy có lẽ cũng rất giản dị: tôi là người mang bệnh workaholic, bệnh mê làm việc – “tham công tiếc việc”, nói theo người Việt Nam mình!


Nếu được chọn một ca khúc duy nhất  đại diện cho con người và cuộc đời sáng tác của mình để khắc vào bia đá cho thế hệ sau, ông sẽ chọn ca khúc nào? Vì sao? (Nếu được, xin cho một vài phân tích chi tiết)
Anh bạn trẻ tuổi của tôi ơi, âm nhạc chỉ cần được nghe thấy rồi quên đi mà không cần phải khắc đá đâu!


Giả sử nhặt ra hình tượng người phụ nữ từ một ca khúc bất kỳ nào đó của các tác giả Việt Nam (trong mọi thời kỳ), rất dễ nhận thấy sự khác biệt với hình tượng người phụ nữ trong các ca khúc của ông: người phụ nữ tự do hơn, thơ thới hơn và đôi khi quyến rũ đầy nhục cảm nhưng lại rất thăng hoa. Đây có phải là tư tưởng sáng tác có chủ đích từ đầu của ông? Xin ông nói thêm về hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm của mình.
Xưa rày, tôi vẫn cho rằng người đàn bà đẻ ra cuộc đời, đẻ ra vĩ nhân… cho nên trước khi xưng tụng vĩ nhân hay cuộc sống, chúng ta hãy xưng tụng Mẹ. Trong tân nhạc Việt Nam, có lẽ tôi là người đầu tiên và bền bỉ đưa ra những huyền thoại về Mẹ: Bà mẹ quê, Bà mẹ Gio Linh, Bà mẹ phù sa, Một mẹ trăm con, Mẹ Việt Nam, Ru mẹ, Lời ru bú mớm nâng niu, Mẹ Maria, Mẹ Quán Thế Âm, Mẹ năm 2000 vân vân… Trong cuộc đời có nhiều cuộc tình lang chạ, đối với những người tình, nhiều khi tôi chỉ muốn xưng con với các bà, các cô ấy thôi!


Ông có là một người cô đơn bởi chính tài năng và chính kiến của mình?
Tôi không bao giờ cô đơn, chứng cớ là anh đang tìm đến tôi bằng những câu hỏi này! Chứng cớ khác nữa về sự không cô đơn là năm nay, vào tuổi 76, tôi vẫn còn được mời đi hát ở nhiều nơi trên thế giới.


Tuấn Khanh (Thực hiện, 1996)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget