Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Tản mạn về DU TỬ LÊ



Thơ Du Tử Lê Và Tuổi Trẻ Chúng Tôi
Vào cái tuổi mới lớn, khi tình yêu vừa chớm nở, khi lòng say mê bồng bột của tuổi trẻ còn ngây ngất, tôi mê đọc thơ lắm. Tôi yêu cái ngạo nghễ lãng mạn trong thơ Vũ Hoàng Chương; yêu cái không khí lãng đãng trong thơ Xuân Diệu; hay cái chân chất trong thơ Hồ Dzếnh. Nhưng khi đọc những lời thơ của Du Tử Lê, chúng đã có sức thu hút tôi kỳ lạ. Càng đọc nhiều thơ Du Tử Lê, tôi càng phát hiện trong thơ ông có nhiều câu thật lạ, thật hay. Trong bài “Khúc tháng chín” có câu: 
Này tháng Chín: Nghe không lời nói nhỏ
Hoàng hôn em: Tôi gửi một que diêm. 

Khi đọc câu thơ trên cho các bạn học cùng nghe, có bạn phát biểu:
“Có lẽ trong câu ‘hoàng hôn em: tôi gửi một que diêm,’ thi sĩ muốn gửi tới người tình hoàng hôn của ông một que diêm.”
Một bạn khác bổ sung rằng, nếu thế thì phải có dấu slash (/) và thêm một...bình xăng...
Hy vọng nhà thơ Du tử Lê sẽ có thời gian cho các bạn tôi lời giải đáp về câu thơ thật hay nhưng đầy thắc mắc kia.

“...Có lẽ không một nhà thơ nào được tuổi trẻ đón nhận rất nồng nhiệt và đầy yêu mến trân trọng như nhà thơ Du Tử Lê. Bởi lẽ thơ ông luôn là vị Sứ Giả mang thông điệp tình yêu đến với họ. Ông cũng là nhà thơ duy nhất có nhiều tác phẩm được giảng dạy cho sinh viên ban cao học, môn xã hội học và văn học lưu vong ở một số trường đại học Hoa Kỳ và Âu Châu. Thơ Du Tử Lê đã được rất nhiều nhạc sĩ phổ thành nhạc như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Anh Bằng, Việt Dũng, Trần Duy Đức, Đăng Khánh, Phạm Anh Dũng, Hoàng Thanh Tâm, Phạm gia Cổn, Võ Tá Hân, Trầm Tử Thiêng, Khang Thụy, Khúc Lan, Song Ngọc, Mai Trường, Lê Văn Thành, Vũ Thành An, vân vân... Và những nhạc phẩm ấy, đặc biệt là giới trẻ yêu mến đặc biệt...”

Tôi xin mượn câu nói của nhà văn Khánh Trường, viết về Du Tử Lê:
“Du Tử Lê có một tâm hồn và một tài hoa. Một tâm hồn để rung động và một tài hoa để biến rung động thành thơ.”





DU  TỬ 
Cõi thơ, cõi nhớ, cõi tình
Trước đó, tôi không thể tìm ở đâu, và sau này, có lẽ, cũng không đâu có được những câu thơ nói về cái nhớ mênh mang tha thiết đến độ ngậm ngùi, như thế. 
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp, tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi. 

Tôi đã đọc những bài thơ tình của Du Tử Lê, đọc say mê và nghiêm túc. Tôi giật mình thích thú khi khám phá ra một cách muộn màng cái cảm xúc êm đềm cắt cứa trái tim mình khi hồi tưởng lại những cuộc tình lỡ trong đời. Tôi thảng thốt vì ngôn ngữ Lê dùng, vì những điều tầm thường hết sức của đời sống, trong đời sống, nhưng khi là thơ, chỉ có Du Tử Lê mới đem được tình yêu vào mọi chốn, mọi nơi, mọi ngõ ngách của đời dung tục hay chỗ thanh cao: 
thiền viện tôi trưng chỉ ảnh em
kinh kệ nghìn pho có một tên
viết hoa một chữ không ai hiểu
Phật bảo: - kinh mà không phải kinh. 

Có phải chăng yêu là khổ? Yêu là chia lìa? Là ngăn cách? Là tan vỡ? Là trống vắng? Cô đơn? Buồn thảm? 
rồi em bỏ tôi đi
anh ở lại như con sâu kèn
ngủ vùi trong bao kín tối tăm 

Nỗi buồn không phải chỉ gói ủ trong trái tim Lê. Nó đã tràn phủ, đã tưới đầy,đã thấm ướt tất cả mọi cảnh, mọi vật, mọi hình ảnh chung quanh. Để thơ Lê, không những chỉ là nhạc, mà còn là tranh vẽ. Có khi chỉ là vài nét chấm phá rất như sơn thủy của Đường Thi. Có khi là tranh tĩnh vật lạnh lùng, nhưng Lê đã ban cho gỗ đá một linh hồn sống động mà u uất, biết buồn dùm, mang hộ và đã cùng nhà thơ chia sẻ mối sầu ảm đạm của cô đơn. Điềm đạm thôi, nhưng vô ngần thống thiết: 
tháng hai bụi phủ từng vai ghế
tôi với bàn: chia nỗi ngổn ngang. 

Thơ Tình Du Tử Lê được yêu chuộng, là vì nó không phải là thơ tình thường của thứ thơ viễn mộng, than gió khóc mây, mơ trăng sao tưởng hoa bướm, gọi nắng réo mưa, thở than đến làm người nghe sốt ruột. Ngôn ngữ của Lê hay “cõi thơ” của Lê gồm đầy, có đủ những thứ đó nhưng được trình bày một cách riêng, rất riêng, cách lạ, rất lạ, rất Du Tử Lê, mà trong đó, Tình Yêu được nâng cao đến thiêng liêng. Như hình ảnh những người nữ, Em Và Mẹ, Và Quê Hương. Quê Hương là Mẹ, là Em, là đối tượng cực cùng cao trọng mà Lê thánh hóa: 
hãy hỏi Chúa đi, rồi em sẽ hay
tôi gầy như lá, lá như mây
rừng khuya thổi rớt bao tâm sự
thiên đàng tôi là người hay ai? 
hỏi môi đi, môi còn muối mặn?
hỏi tóc đi, sông những buồn vui? 
và hỏi Chúa đi, Chúa sẽ trả lời
trong tay Thánh Nữ, có đời tôi. 

Trong thơ Lê có nhạc. Bởi thế mà nhiều nhạc sĩ đã hứng cảm lấy thơ Lê phổ nhạc. Trường hợp thơ phổ nhạc không hiếm thiếu, nhưng tác giả có nhiều thơ được phổ nhạc và được quần chúng đón nhận nhiệt tình và nhiệt tình yêu thích, tôi nghĩ, chỉ có Du Tử Lê. Người ta yêu thích thơ Lê, bởi thơ Lê đưa dắt chúng ta bước thẳng vào cuộc đời, thiết tha ôm ấp lấy đời sống. Chắt chiu cưng quý đời sống vì đời sống đó của Lê, có tình yêu, có bạn bè, có những điều mà chỉ những người có cảm năng nhậy bén và tài hoa nghệ sĩ như Lê mới nhận thức, mới thấu suốt được mọi tế vi huyền nhiệm của tình yêu và Lê đã đem khả năng mình để âu yếm tôn vinh, say mê tận tụy khi nhìn vào một nơi chốn mà Lê gọi là Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu. Chỉ một mình Lê hiểu và Lê có sứ mạng thiêng liêng phải đem truyền giảng: 
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ lấy được những gì?
về bên kia thế giới
ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi và tình ơi. 

Có phải không? Thơ Tình của Lê đầy ắp mùi Thiền, chứa chan kinh điển của mọi thứ tôn giáo mà Lê nhiệt thành rao giảng trong vai trò của một cấp thừa sai. Tôi thật tình không thể biết được có bao nhiêu người nữ đã đi qua đời Lê. Nhưng tôi biết Lê chung thủy, yêu say đắm và giữ gìn trân trọng kỷ niệm, những cuộc tình vỡ tan cũng đẹp,với những người con gái yêu Lê và Lê yêu. Tôi nghiệm ra điều đó vì tấm lòng của Lê đối với bạn bè cũng thủy chung, đằm thắm như vậy, và vì chúng tôi hiểu nhau.

Thơ tình Du Tử Lê không chỉ thế thôi đâu. Nó chứa đựng không phải chỉ tình yêu người nam với người nữ, giữa Lê và những người con gái yêu Lê và Lê yêu. Nó là tổng hợp cả tình Lê với Mẹ, với Chị, với Em, với Anh em bạn bè, với Đất nước, Quê hương. Em Và Mẹ Và Tôi Là Một. Du Tử Lê Với Quê Hương Là Một. Nhà văn Mai Thảo gọi đó là “cõi” thơ Du Tử Lê, mênh mông, sáng tạo, sung mãn, mới và mới không ngừng. Nguyên Sa, Nguyễn Mạnh Trinh, Đỗ Quý Toàn, cùng những người phê bình khác gọi “cõi thơ Du Tử Lê” là những gì rất lớn, bởi Lê là một nhà thơ lớn của văn học nghệ thuật miền Nam, tiêu biểu và độc đáo, không thuộc một trường phái nào cả.
Nói như Đỗ Quý Toàn: “...Thơ Du Tử Lê gần đây, phải gọi là lạ. Phải nói là mới. Phải nói là những người khác không thể làm được. Nếu có khổ công dùi mài thì cũng chỉ có thể giông giống mà không có cái thần độc đáo. Thần khí độc đáo đó, chỉ có nơi những người sống chết với thơ, như Du Tử Lê, mới có thể có được mà thôi.”

Tôi không dám và không thể mệnh danh thơ Du Tử Lê, mà chỉ giản dị và thân mật, yêu mến gọi đó là thơ Lê, thơ Du Tử Lê. Tôi không làm cái điều phê bình hay phân tích thơ Lê ngày hôm nay. Vì tôi không đủ khả năng. Tôi chỉ xin phép được nói lên cảm nghĩ và sự yêu thích thơ Lê, trong “cõi” riêng của tôi. Bởi vì thơ Lê lạ lắm, nó đã cho tôi rất nhiều cảm động. Hứng khởi có, ngậm ngùi có. Về tình yêu người, yêu thương đời sống. Tôi tìm thấy đầy đủ những cái rất riêng tư của mình trong thơ Lê. Nhất là tình yêu và tuổi thơ, cùng niềm say mê thú vị với cây đũa nhiệm mầu của bà Tiên, ở trong tay Lê đã ban cho chim chóc, núi đồi, sông lạch, cỏ cây, gỗ đá những linh hồn sống động, khiến tôi thấy như được quay về với tuổi thơ tôi, tuổi thơ Lê nơi ngôi trường Hàng Vôi, Hà Nội mà chúng tôi đã có một thời thơ ấu cùng nhau. Hà Nội, mùa đông, những chiếc lá bàng nằm quằn quại thở thoi thóp trên sân trường. Những con vật vẽ nói tiếng người trong phim hoạt họa ở rạp Lửa Hồng... Những con rối diễn tuồng cổ tích trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội của Họa sĩ Mạnh Quỳnh, để Lê có: con dế buồn tự tử giữa đêm sương; có: giòng sông tội lỗi, bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ, con sóng tình vỗ mãi một âm quên, hay: tháng hai cành nhớ lá sương đầy, Hay: tôi buồn như phố cũ như tay...bàn chân từng ngón ngưng không thở.., còn nhiều, nhiều nữa. (...)

 



DU  TỬ 
Thi Ca Và Hội Họa
Quan niệm hội họa và thi ca là hai bộ môn nghệ thuật có tính liên đới mật thiết. Nói cách khác, họa sĩ sáng tác thơ bằng hình ảnh và màu sắc, còn thi sĩ vẽ tranh bằng ngôn ngữ và vần điệu.
Quan niệm cổ điển về nghệ thuật cũng cho rằng mục đích của hội họa và thi ca là diễn tả vẻ đẹp của đời sống bao gồm những gì ta nhìn, cảm thấy được, và cả những vẻ đẹp cần có hay nên có cho cuộc đời. Như vậy nghệ thuật-hội họa và thi ca-vừa phản ảnh vừa tạo ra nét đẹp cho đời sống.

Nếu ta chấp nhận rằng họa sĩ sáng tác thơ bằng màu sắc và hình ảnh còn thi sĩ vẽ tranh bằng ngôn ngữ và vần điệu thì việc Du Tử Lê bước vào con đường hội họa là điều rất bình thường và cần thiết. Tôi vẫn nghĩ khi Nguyễn Du viết “Vầng trăng ai xẻ làm hai/ Nửa in gối chiếc/ nửa soi dặm đường/,” ông đã vẽ lên trong tâm trí mình một bức tranh chia lìa tan tác. Và gần đây, khi Du Tử Lê Viết: “Tôi thấy dòng sông trong mắt em/quê người in vách bóng chim/. câm./ đèn hoa trôi giữa đôi vai Huế/ cùng với tình-yêu-tôi-xốn-xang/” (dutule.com), ta cũng nhìn thấy một bức tranh đầy hình bóng và ấn tượng. Như vậy khi Du Tử Lê mở cánh cửa hội họa, ông đã mang vào thế giới ấy hàng trăm họa phẩm bằng thơ của mình.

Nếu thi ca có sức mạnh thôi thúc các danh họa sáng tác những tuyệt tác như thế thì việc một họa sĩ làm thơ hay thi sĩ vẽ tranh thì cũng chỉ là việc bình thường. Không phải là người có kiến thức và năng khiếu về hội họa, nên, tôi không thể phê bình về tính nghệ thuật chuyên môn trong tranh Du Tử Lê. Xem tranh Du Tử Lê không nên xem bằng mắt nhưng phải xem bằng trái tim. Có thể hiểu rằng, khi đứng trước bức tranh của Du Tử Lê, ta đừng cắt nghĩa hay phân tích về kỹ thuật, về màu sắc, hay bố cục, nhưng hãy để màu sắc, hình ảnh trong tranh ông tự nói lên nhưng gì cần nói.

Cái đẹp hay giá trị trong tranh Du Tử Lê là những gì còn sót đọng lại trong ký ức và được tả lại, kể lại bằng màu sắc và đường nét trên những đường cọ tâm hồn.



DU  TỬ 
Những câu thơ thành ngôn ngữ hằng ngày  
Du Tử Lê, quả nhiên vẫn là một nhà thơ hiếm hoi. Anh vẫn một mình một cõi. Đó là một điều đặc biệt. Và đối với một thi sĩ, thì đó là một sự thành công.
Bởi vì, thi sĩ phải là một thi sĩ riêng cho mình, không thể lẫn vào một thi sĩ khác được. Du Tử Lê vẫn luôn luôn tìm cách làm mới tiếng nói của mình. Tức là làm mới thơ của chính Du Tử Lê; cũng như góp phần làm mới thi ca của người Việt Nam. 
Chúng ta biết thơ có hai cách diễn tả: Tự nguyên thủy, thơ là lời nói, lời phát âm ra. Rồi, từ cả vài ngàn năm nay, loài người dùng chữ viết, thành ra thơ cũng là một nghệ thuật dùng chữ viết, in ra nữa.
Hai hình ảnh mà ta tiếp nhận thơ là nghe lời người ta nói và đọc bài thơ trên giấy. Cả hai hình thức đó Du tử Lê đều tìm cách làm mới cả.
Nhiều người cho rằng Du tử Lê hơi cầu kỳ. Khi anh sử dụng rất nhiều thứ dấu khác nhau. Như dấu phẩy, dấu chấm, dấu ngang, dấu dọc, gạch chéo, gạch ngang…để làm cho thơ của anh khác thường.
Nhưng tôi nghĩ, người thi sĩ có những lúc có nhu cầu là phải làm sao để diễn tả được đúng tâm trạng của mình. Họ sợ rằng người đọc bài thơ trên giấy không thấu hiểu hết ý của mình, nên phải dùng thêm dấu nọ dấu kia, để theo đó mà người đọc thấu hiểu thêm.
Thí dụ câu thơ dưới đây trong tập thơ mới của Du Tử Lê. Nếu tôi đọc những câu thơ này theo lối bình thường, tôi sẽ đọc là: 
Người cho tôi vực khuya
Đêm vọng nồng tiếng hát
Những ngón tay xuân thì
Bươi tìm tôi thất lạc. 

Đó là những câu thơ rất đẹp.Nhưng nếu chúng ta theo cái cách của tác giả diễn tả. Và khi người đọc được nhìn vào bản văn với những dấu chấm, dấu phẩy, dấu gạch ngang, dấu hai chấm, dấu ba chấm của tác giả, người đọc sẽ đọc nó khác đi một chút. Nó có thể sẽ là: 
Người cho tôi vực, khuya
Đêm vọng, nồng tiếng hát.
Những ngón tay xuân thì:
Bươi, tìm tôi-thất-lạc. 

Chữ “tôi-thất-lạc”, tác giả gạch giữa. Ba chữ đó là một tiếng mà thôi. Chúng trở nên một cụm từ, dính liền nhau. Cái “tôi-thất-lạc”. Người ta thấy tác giả diễn tả một cái gì khác. Không phải là... tôi thất lạc.
Đó là một cố gắng của Du Tử Lê. Cố gắng làm cho tiếng nói và thơ của ông diễn tả đúng tâm trạng của ông hơn.
Tuy nhiên, nếu quý vị thấy mình có thể tiếp nhận một cách khác, hoặc cho rằng tại sao lại phải cầu kỳ như vậy thì có thể tùy ý.
Dù sao thì chúng ta phải nhận thấy rằng Du Tử Lê không phải là người cầu kỳ. Bởi vì người cầu kỳ thì thơ sẽ làm cho người ta kinh ngạc. Người ta sợ, mà người ta không yêu được.

Chúng ta phải công nhận rằng Du Tử Lê đã thành công trong việc làm cho nhiều người yêu thơ ông. Phải nói là, Du Tử Lê đã làm chủ được ngôn ngữ mà ông đã sử dụng, là tiếng Việt Nam. Ông đã sống với nó, đã yêu nó. Nhờ thế mà Du Tử Lê đã diễn tả được những điều rất giản dị, không cầu kỳ; làm cho ai cũng hiểu và tự nhiên mà nhớ.
Một thi sĩ có những câu thơ thành ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta, tôi cho đó là một thành công.
Người thi sĩ đó đã sống bằng tiếng Mẹ đẻ của mình và, hòa nhập với cộng đồng của những người cùng chung ngôn ngữ. Đó là một thành công.
Có thể nói Du Tử Lê là một trong những người hiếm hoi, luôn luôn tìm cách đổi mới. Nhưng lại không quá mới đến độ xa lìa cộng đồng cùng dùng chung ngôn ngữ với mình.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget