Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Truyện ngắn : ĐỜI MẸ


Truyện ngắn : ĐỜI MẸ
Mẹ là một danh xưng vô cùng thiêng liêng, cao quý mà mỗi chúng ta ai cũng gọi bằng tất cả sự kính yêu, quý trọng và biết ơn. Cuộc đời làm mẹ không phải dễ dàng gì. Từ lúc mang con vào dạ cho đến lúc sinh con ra và cho bú mớm, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành là cả một kỳ công. Khi con cái nên người, mẹ là người vui sướng nhất nhưng cũng từ lúc đó, cuộc đời của mẹ lại rẽ sang bước ngoặt khác, có hạnh phúc hay phải trải qua những cảnh ngộ ngang trái, éo le cũng còn tuỳ thuộc vào con cái rất nhiều.
Trong chùm truyện ngắn ĐỜI  MẸ, tôi xin giới thiệu một vài hình ảnh về cuộc đời mẹ để chúng ta cùng chiêm nghiệm bài học ứng xử cho mình. 

(Ghi chú :  truyện ngắn nên mang tính hư cấu, nhân vật không có thực ngoài đời)

Truyện thứ nhất
MẸ  “THƯƠNG”
Mẹ xuất thân trong một gia đình lao động, nhà nghèo nên thuở nhỏ không được cha mẹ cho đi học. Suốt ngày, mẹ quanh quẩn chơi với lũ bạn trong xóm nghèo, bế cháu hay phụ giúp chị việc nhà. Mẹ có một tuổi thơ cơ cực, thiếu thốn trăm bề. Hai bên lườn của mẹ nổi mẩn và chai sần như da cóc vì quanh năm suốt tháng phải bế em. Em ở đây không phải là em ruột vì mẹ là con út, mà em là những đứa cháu con của bà chị thứ tư. Hơn chục đứa cháu lần lượt ra đời và không có đứa nào là không qua tay mẹ  chăm sóc, ẵm bồng. Người chị thứ tư của mẹ thuở bé bị một trận ốm suýt chết, đối cùng phải mang đến nhà thờ cho cha rửa tội và theo đạo nên khi lớn khôn, bà chị không được bình thường cho lắm. Tuy đã có con rồi mà chị Tư chưa trưởng thành, vẫn còn mang nhiều tính cách trẻ thơ, vô ưu vô lo và không biết thương các con của mình rứt ruột đẻ ra.
Tuổi thơ của mẹ mang một nỗi ám ảnh là cứ tầm bốn năm giờ sáng, khi cha mẹ vừa bước ra khỏi cửa để đi làm là mẹ đã bị chị dựng dậy giữ cháu cho chị ngủ tiếp. Chị có chồng, được cha mẹ quây cho một gian buồng bên chái nhà, liền kề với buồng ngủ của mẹ. Vách ngăn giữa hai phòng bằng ván nên muốn nhờ mẹ coi con, chị chỉ cần đập mạnh vào vách kèm lời gọi :
_ Út ! Út ! Dậy mau, giữ cháu dùm cho chị ngủ thêm chút nữa, sáng chị đi chợ mua bánh cho ăn.
Dù mẹ có mê ăn bánh đến đâu nhưng với một đứa trẻ tám chin tuổi, việc phải thức dậy vào lúc bốn năm giờ sáng trong khí trời se lạnh, đang ngủ ngon quả là một cực hình. Hôm nào buồn ngủ quá, mẹ bịt tai mặc kệ tiếng gọi của chị vang lên cả buổi kèm tiếng đập thình thịch vào vách ván thì sáng đó thế nào mẹ cũng phải đứng nhìn chị ăn món bánh ướt nóng hổi có những khoanh chả hấp dẫn và bánh tôm khô mà nuốt từng hơi nước bọt. Biết tính chị mình nên mẹ Thương không oán trách, không buồn giận, chạy vội đến bàn nước, dỡ ô trầu của mẹ ra, mò vào đáy ô tìm đồng xu nhỏ bà cất giấu trong đó để cho mẹ ăn quà sáng. Cầm đồng xu, mẹ chạy ra đầu ngõ mua cái bánh tiêu hay chiếc dầu cháo quãy ăn tạm. Thế là sáng hôm đó, mẹ không còn tiền bỏ ống heo nữa rồi. May mắn hôm nào nhà còn cơm nguội, mẹ lục ăn tạm thì mới còn nguyên tiền nuôi heo đất. Thuở nhỏ, mẹ mê ăn cà rem cây lắm nhưng tiếc tiền không dám ăn. Bữa nào thức dậy sớm giữ con cho chị rồi được bao ăn sáng, mẹ còn nguyên đồng xu  và nếu quyết định ăn kem thì mẹ không bỏ vào ống mà chờ đến  buổi trưa, khi ông Tư bán cà rem đi ngang xóm là mẹ gọi mua một nửa cây cà rem để ăn cho đỡ thèm. Một bản cà rem vuông vức khoảng một tấc có giá một xu và mẹ chưa bao giờ ăn nguyên bản như vậy. Mẹ tiếc tiền nên bảo ông Tư bán cho mẹ nửa xu thôi; phần còn lại mẹ gửi đó bữa khác ăn tiếp. Cà rem có nhiều loại : sầu riêng, khoai môn, đậu xanh, đậu đỏ nhưng bao giờ mẹ cũng chọn đậu xanh vì thích sự béo thơm của nó. Cầm que cà rem trong tay, mẹ mút thận trọng, từ tốn, từ từ thưởng thức hết hương vị thơm ngon của nó và nhất là mút thế nào để nó không tan chảy thành nước hoặc bể vụn ra, rơi xuống đất.
Trong những công việc mà mẹ phụ giúp chị , mẹ Thương sợ nhất là việc gọt vỏ bí ngô và gánh nước cho cả nhà xài. Bàn tay của đứa trẻ quá yếu ớt để cầm con dao yếm tách xẻ một quả bí to ra nhiều miếng nhỏ và gọt bỏ lớp vỏ cứng như đá của nó. Lúc đầu chưa biết, mẹ thường xuyên bị đứt tay. Về sau, mẹ cắt bí ra từng miếng nhỏ và dùng dao con cắt bỏ lớp vỏ thì vừa nhẹ vừa dễ dàng hơn. Mà khổ nỗi, chị của mẹ có tật mê đổ bầu cua cá cọp. Hôm nào đi chợ về trễ là in như rằng chị Tư bị sòng bài níu chân và thua gần sạch túi. Ngày hôm đó, thế nào chị cũng cho cả nhà ăn mắm cá đồng chưng và canh bí ngô. Khổ cả nhà mà chị Tư và mẹ là khổ trước vì chị thì nhịn ăn sáng vì hụt tiền, còn mẹ thì phải hì hục bổ và gọt vỏ bí ngô. Nhiều khi mẹ tức phát khóc nhưng cũng bỏ qua vì thấy chị của mình bị cha mẹ và chồng mắng cho một chặp.
Còn chuyện nước xài nữa! Sáng ra, mẹ đã gánh đầy mấy khạp nước mà không hiểu chị xài thế nào mà xế chiều khạp nào cũng  vơi hết hai phần, mẹ nhìn thấy mà ứa nước mắt rồi lẵng lặng quãy thùng ra giếng quay nước và gánh bù lại cho đầy. Cạnh nhà, có anh trai nọ hiểu hoàn cảnh của mẹ nên thương tình, hay để ý hễ thấy mẹ ra gánh nước là kiếm cớ cũng đi xách nước để kéo từng thùng nước to từ giếng lên giúp cho mẹ. Giếng của nhà mẹ đào nhưng cho cả xóm xài chung vì nguồn nước nhiều và rất ngọt mát. Cha của mẹ rào chia đôi miệng giếng, nửa trong gia đình xài, nửa ngoài dành cho hàng xóm. Mẹ không hiểu vì sao cha mình lại rào chia hai mặt giếng, mãi về sau lớn lên mẹ mới hiểu ông làm việc đó là để bảo vệ cây mít nằm ngay gần giếng. Cây mít nhà mẹ ngon có tiếng, ai ăn một lần sẽ chẳng bao giờ quên được hương vị của nó. Mà cây mít này lạ lắm cơ, có trái chín vào dịp Tết và sai oằn cả cây. Mẹ thích đứng dưới gốc, ngửa cổ nhìn lên cây và đếm quả của nó. Chà ! Có đến hằng trăm quả chứ chẳng chơi. Năm nào, cha của mẹ cũng bảo anh con rể chọn quả ngon kiến tổ tiên, ông bà trước, những quả sau đó bắt đầu mang biếu bà con chòm xóm ăn lấy thảo. Cha cấm mẹ leo trèo cây mít và mang quấn vào chạc ba của nó một chiếc quần cũ của phụ nữ do tin dị đoan để tránh cho trái non khỏi bị hư vì bị ma vọc. Cây mít nhà mẹ gắn liền với tuổi thơ của mẹ vì có rất nhiều kỷ niệm khó quên. Tán mít rất rộng và dưới bóng râm của nó, trẻ con trong xóm tập trung chơi cò cò, bong vụ, nhảy dây, đánh đáo và ăn quà bánh vì ông Tư cà rem, bác Tám kẹo kéo và cả dì Hai tàu hủ đường cũng hay tìm đến bóng cây mít để buôn bán vào ban trưa hay xế chiều.
Mẹ vốn kỹ tính, chăm làm và hiền lành nên năm mười lăm tuổi đã có nhiều thanh niêm để ý và cậy mai mối đến nhà xin cưới nhưng đám nào cha của mẹ cũng từ chối khéo với lý do con còn nhỏ dại. Năm mẹ mười bảy tuổi, mẹ được cha gả cho một người đàn ông lớn hơn mình gần một giáp và có học thức. Bạn bè trang lứa ganh tỵ, mọi người khen mẹ có phước lấy được người chồng vượt xa các chàng trai trong xóm. Những tưởng đời mẹ sẽ có được những ngày hạnh phúc, ai dè chồng mẹ đã có vợ con ở quê. Cha của mẹ về sau biết được đã quá đau buồn, thương con gái kém may mắn do lỗi của mình gây ra nên ông ngã bệnh và chết không bao lâu sau đó.
Người chồng muốn đưa mẹ về quê theo ý định của bố mẹ nhưng mẹ cương quyết không đi vì sợ cảnh chồng chung mà lại còn sống cùng nhau dưới một mái nhà. Từ đó, mẹ sống lặng lẽ vì con, âm thầm chịu đựng những hành động vũ phu, thiếu trách nhiệm với gia đình và thói gia trưởng của chồng. Nhiều đêm, mẹ không ngủ được đã nằm ôm con khóc âm thầm. Mẹ dồn tất cả tình thương cho con cái và bằng nghị lực của mình, mẹ quyết nuôi con trưởng thành và nhất định không để cuộc đời chúng nó phải đi vào vết xe đã đổ của mẹ.
Cuộc hôn nhân của mẹ bất hạnh ngoài ý muốn, giờ đã có con, mẹ đành cam chịu số phận đã an bày. Nhưng mẹ nhất quyết không sinh thêm con nữa, chỉ một mình An là đủ. Người chồng không thể bắt vợ làm theo ý mình, tình cảm vợ chồng cũng nhạt đi và ông quay về sống với vợ lớn, thỉnh thoảng ghé về thăm con giây lát rồi lại đi. Thôi thế cũng tốt, mẹ dồn tất cả tâm huyết để nuôi dạy con trai. Điều an ủi cho mẹ là An là đứa trẻ khoẻ mạnh, có hiếu và chăm học. Biết mẹ vất vả mưu sinh nên An phụ mẹ việc nhà và sống rất ngăn nắp, gọn gàng.
Khi An ra trường, có việc làm ổn định, mẹ cưới vợ cho An và đó là người anh chọn lựa. Ban đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cũng rất hạnh phúc. Khi họ có với nhau hai mặt con thì con dâu bàn với chồng về bên ngoại sinh sống vì bên đó có nhiều đất đai và vừa chia cho vợ chồng mấy mẫu đất. An thương mẹ nên do dự thì bị vợ hờn dỗi, dắt con về nhà ngoại làm nư. Mẹ muốn ngăn cản con trai đừng về nhà vợ sống mà thấy con mình khó xử nên thôi.
Vài năm sau, con dâu bán bớt đất cha mẹ cho, mở một sạp hàng giày dép, mỹ phẩm rất lớn trên chợ huyện. Cũng từ đó, kinh tế của gia đình do con dâu nắm giữ. Con trai của mẹ lép vế dần và dù không bằng lòng cách cư xử của vợ nhưng phải nín nhịn cho trong nhà yên ổn. Mâu thuẫn gia đình ngày càng gay gắt khi có tác động của anh chị em bên vợ, cuối cùng con trai mẹ làm đơn xin ly hôn và chấm dứt cuộc hôn nhân không hoà hợp của mình. Mẹ bất ngờ khi nghe An báo là đã chia tay với vợ và xin phép mẹ cho dọn về nhà ở. Lòng mẹ đau đớn vì thương mấy đứa cháu nội. Mẹ trách con trai sao không chịu nhường nhịn vì các con. An buồn thiu trả lời mẹ là anh đã chịu đựng hết mức có thể chịu đựng, vợ nặng nhẹ anh thế nào anh cũng chịu được nhưng anh không cam tâm khi cô xúc phạm đến mẹ mình.
Năm năm sau, An tái hôn với một đồng nghiệp cùng cơ quan. Người vợ sau cũng biết rõ là anh đã có một đời vợ và có con riêng nhưng vẫn chấp nhận vì cho đó đã là quá khứ. Con dâu mới tỏ ra quý trọng mẹ chồng, thương yêu con riêng của chồng. Tết nhi đồng, Trung thu hay Tết Nguyên đán, cô luôn chuẩn bị hai phần quà như nhau, một dành cho mẹ chồng và một cho các con riêng của chồng. Mẹ mừng cho hạnh phúc gia đình của con trai và thầm cảm ơn Trời Phật đã gia hộ cho gia đình mình gặp cô con dâu là người hiểu biết, rộng lượng.
Nhưng cuộc đời có những việc không ai có thể ngờ trước. Khi những đứa con của đời vợ sau con trai mẹ bắt đầu lớn khôn thì mọi việc đều đảo ngược. Con dâu hiện tại không muốn các con của mình biết cha có con riêng và gặp mặt anh chị em cùng cha khác mẹ với mình. Ngày giỗ, Tết trong gia đình, con dâu không về vì muốn tránh chạm mặt. Thậm chí khi con riêng của chồng tốt nghiệp ra trường, cô vợ đồng ý cho chồng mua xe cho chúng làm chân đi làm và sau đó cắt đứt mọi liên lạc với nhau. Mẹ cảm thấy quá bất nhẫn nên khuyên con dâu :
_ Con à! Tình thâm phụ tử làm sao có thể cắt đoạn cho được hả con? Con làm như vậy, mẹ e thằng An sẽ đau lòng và khó xử lắm đó. Cô con dâu không nghe, cương quyết làm theo ý mình và nói với mẹ :
_ Con biết điều đó chứ mẹ. Nhưng thà đau một lần rồi thôi. Càng dây dưa càng khổ về sau chứ chẳng chơi.
Mẹ đớ người ra khi nghe con dâu nói vậy và âm thầm gạt nước mắt. Điều mẹ sợ nhất là đám cháu nội phải chịu nhiều đau khổ. Dòng trước mất cha, dòng sau nhận báo ứng từ người lớn gây ra. Mẹ chỉ còn biết cầu nguyện cho con cháu tai qua nạn khỏi.
Việc gì đến sẽ đến. Ngày cháu nội út dòng lớn gả chồng, cô chị về gặp mẹ báo tin và mời cha về đứng chủ hôn. Mẹ báo tin cho An nhưng anh trù trừ vì sợ vợ biết thì trong nhà sẽ sinh sự. Đợi hoài không thấy cha về lo đám cưới cho em gái, cô chị lại về gặp mẹ hỏi thăm và khóc bù lu bù loa, buộc mẹ phải chỉ chỗ ở của cha để tìm đến quỳ lạy dì cho cha về dự đám cưới em chứ không nhà trai khi dể, cho là con hoang. Mẹ điếng trong người đành hứa liều sẽ bắt An về lo đám cưới cho con. Không nỡ để mẹ phải khổ tâm, An trốn vợ về dự đám cưới con gái. Hai họ vui mừng vì đám cưới diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp. Nhà gái còn vui hơn vì An cho con quà hồi môn kha khá. Thương con gái lấy chồng xa, An đánh liều nói dối vợ là cơ quan tổ chức đi tham quan hai ngày để đưa con về nhà chồng.
Trong một lần con trai đón mẹ lên nhà mình chữa bệnh, con dâu nói chuyện, khai thác khéo léo thế nào làm mẹ quên khuấy, vô tình nói ra việc An về dự đám cưới con gái. Con dâu biết chuyện, lồng lộn lên, mắng chồng tác tệ và tuyên bố ly hôn rồi đùng đùng dắt con bỏ về ngoại. Mẹ chết đứng khác nào Từ Hải. Lần đầu tiên một bà già tám mươi như mẹ bật khóc nức nở như một đứa trẻ lên ba. Mẹ trách mình đã gây họa cho con trai, mẹ trách mình bệnh hoạn làm chi cho ra cớ sự. Riêng con trai mẹ buồn thiu, anh không trách gì mẹ cả và đêm nào cũng thức trắng vì suy nghĩ.
Sau đó, con dâu quay lại nhà sau khi bắt chồng thề độc không tái phạm và làm đúng yêu cầu của cô. Khi mẹ phục hồi sức khỏe, An đưa mẹ về nhà cũ và anh đã thắp hương bàn thờ tổ tiên rồi quỳ trước mặt mẹ xin mẹ hãy bán nhà rồi dọn về ở với vợ chồng anh. Mẹ đứng không vững khi nghe con trai nói ra điều đó. Mẹ hiểu con mình đang toan tính chuyện gì và từ đôi mắt già nua ứa ra hai dòng lệ nóng hổi.
Ngôi nhà của mẹ nhanh chóng được rao bán và An đón mẹ về ở với mình. Cuộc đời của mẹ giống như con chim chích đang tự do ngoài sân bãi, nay bị bắt nhốt vào lồng và mọi sinh hoạt gò bó trong đó, theo quy củ mà chủ nhân đặt ra. Mẹ trở nên trầm lặng hơn, cả ngày chỉ nói vài câu chào hỏi. Ngay những đứa cháu nội dòng sau cũng ít gần gũi mẹ, có lẽ do con dâu sợ tuổi già đãng trí, mẹ vô tình kể về chuyện đám con dòng lớn kia chăng nên tìm cách ngăn không cho bà cháu gần nhau.
Mẹ Thương buồn bã và cô độc bên con cháu. Mẹ khóc thầm : "Có ai khổ như tôi không? Người ta không có con cháu thì phải đành chịu cô đơn. Tôi đây có con cháu mà phải bỏ trốn, không dám nhìn nhận chúng hoặc là chúng không dám đến gần tôi! Vì đâu ra
nông nổi, hỡi ông Trời ơi ! "


Truyện thứ hai
MẸ  “XOAN”
Một bà mẹ thứ hai được kể đến, mẹ Xoan. Cũng giống mẹ Thương có xuất thân bình dân, nhà nghèo, tài sản lớn nhất của mẹ Xoan chính là đàn con của mình. Mẹ cũng như bao bà mẹ khác, hết lòng chăm sóc gia đình, thay chồng gánh vác mọi việc trong ngoài. Ngày con còn nhỏ, mẹ mong ngày mong đêm cho chúng trưởng thành. Và khi ngày đó đã đến, cuộc đời của mẹ bước sang những ngày tháng mới, khác hơn xưa và vì vậy nỗi đớn đau mà mẹ chịu đựng cũng có khác hơn. Mời các bạn đọc truyện thứ hai!
Nắng chiều đã tắt từ lâu, bên hiên nhà, mẹ vẫn còn ngồi lặng lẽ một mình. Mẹ nghĩ về quá khứ xa xôi và buồn. Mới đó mà đã gần bốn mươi năm với biết bao thay đổi, thăng trầm. Hình bóng những người thân yêu cứ như chập chờn trong tâm não mẹ. Thời gian trôi qua đã kéo tuột tất cả, lấy mất những gì mà mẹ yêu thương suốt cả một đời.
Hơn bốn mươi năm về trước chồng mẹ đã ra đi sau một cơn bạo bệnh. Lúc đó, mẹ hãy còn xuân sắc lắm và đã từ chối tất cả sự theo đuổi của đàn ông, ở vậy tảo tần nuôi con khôn lớn. Trong các con của mình, mẹ thương yêu và kỳ vọng vào người con trai cả nhiều nhất. Và giờ đây, ở cái tuổi gần đất xa trời, anh lại là mối bận tâm lớn nhất của mẹ. Mẹ luôn cảm thấy mình nợ anh thật nhiều, dù mẹ không thể định nghĩa rõ ràng món nợ đó. Mẹ ái ngại mỗi khi nghĩ đến việc gia đình con trai tan vỡ một phần là do anh phụ mẹ nuôi các em ăn học. Mẹ trách mình thân đàn bà yếu ớt lại ốm đau nên không lo nổi một đàn con nheo nhóc, phải nhờ sự giúp đỡ thêm của anh để con dâu phiền lòng, gia đình anh cắn đắng.
Ngày chồng còn sống, con trai dẫn bạn gái về ra mắt gia đình thì người cha không đồng ý vì cho rằng cô gái con nhà khá giả, cha mất sớm được mọi người nuông chiều sẽ không phù hợp với gia cảnh nhà mình. Nhưng sau ngày chồng mất, mẹ một phần lệ thuộc con trai, một phần thương con theo năn nỉ mãi nên cũng đồng ý sang nhà gái xem mặt. Cưới vợ cho con xong, muốn các con thoải mái, mẹ không câu nệ chuyện làm dâu, các con muốn ở đâu tùy ý và chỉ về thăm gia đình vào chiều cuối tuần.
Con dâu trước kia cũng đi dạy nhưng sau khi sinh cháu đầu lòng thì xin nghỉ. Sau năm 1975, do không muốn làm nông nghiệp nên dù gia đình có nhiều đất cát, con dâu lại xin một chân nhân viên trong hợp tác xã và nhận công tác điều tra nông nghiệp nên thường xuyên đi công tác xa nhà. Thế là con trai của mẹ mang các con về cho mẹ chăm sóc. Từ ngày có thêm các cháu, mẹ vui lắm và cả ngày mấy bà cháu quấn quýt bên nhau. Sáng nào cũng vậy, mẹ đưa hai cháu lớn đến trường Mẫu giáo rồi trên đường về tiện thể ghé chợ mua thức ăn luôn. Nói tiếng mua thức ăn chứ thực ra chỉ là mua mớ rau tập tàng về nấu canh chứ thức ăn mặn mẹ đã chờ mấy chị ghe chài mang từ bến sông lên bán để mua cho rẻ.
Lúc đó, con trai mẹ đi dạy nhưng đồng lương không đủ nuôi cả nhà nên mẹ phải tìm việc làm thêm để phụ con cái. Mẹ chặt tre trong vườn nhà tự đóng một dãy chuồng để nuôi thỏ. Thỏ không tốn tiền mua thức ăn cho nó nếu chịu khó đi tìm rau cỏ. Ngày nào mẹ cũng đi ruồng trong xóm hái rau lang đất, xin nhà vườn lượm mận rụng về cho thỏ ăn. Hôm nào hên được mấy bà bán rau ngoài chợ kêu cho mớ rau dạt ra, mẹ mừng rỡ vì sau khi nhặt nhạnh, mẹ có thể có đủ thức ăn cho đàn thỏ đến mấy ngày.
Do không có hộ khẩu ở nhà nội nên vào thời bao cấp các cháu không được phân phối lương thực trong tiêu chuẩn của hộ phi nông nghiệp. Để đủ thực phẩm cho cả nhà, con trai của mẹ đã đến phụ một bạn dạy chung trường chăn nuôi và làm vườn để mỗi tuần có được mấy ký lô gạo mang về nuôi con. Mỗi lần nhớ đến cháu nhỏ nhất là lòng mẹ đau như có ai xát muối vào lòng. Dù cháu mất đã gần ba mươi năm nhưng hình bóng của cháu vẫn còn in đậm trong tâm trí của mẹ. Ngày đó, cháu còn nhỏ quá, chưa nhận thức được sự việc nên khi cùng bà đưa anh chị đến trường, cháu thường hay đòi mua bong bóng khiến mẹ phải đau lòng. Có lần, mẹ ghé tiệm tạp hoá mua xị nước tương lẻ, cháu nhìn chăm chú lọ bánh kẹo mà nuốt nước miếng làm mẹ rớt nước mắt, vội bế cháu chạy như bị ma đuổi sau khi mua hàng xong. Thương cháu, những lúc nhặt được mận rụng, mẹ chọn những trái còn nguyên, ít bị dập nhất, gọt rửa, ngâm muối thật kỹ lưỡng rồi mang cho cháu. Nhìn các cháu ăn ngon lành, lòng mẹ xót xa, nghẹn đắng...
Vào thứ bảy mỗi tuần, con dâu lại ghé nhà đón các cháu về nhà bà ngoại chơi hai ngày. Sau đó do đi công tác xa hơn, con dâu  không về đón con nữa nên cuối tuần, con trai mẹ lại đèo các con về nhà ngoại cho các cháu chơi với mẹ. Trong một lần như vậy, cháu nhỏ nhất ngủ gật, bị căm xe cắn đứt gót chân. Khi mấy cha con về đến nhà thì đã gần chín giờ tối, mẹ hoảng hốt khi nhìn thấy cháu mình bị như vậy, vội nấu nước nóng rửa vết thương, băng bó tạm cho cháu sau khi sát trùng bằng nước cốt trái tắc. Mấy ngày sau, không có tiền đưa cháu đi bệnh viện, mẹ tiếp tục ngâm nước nóng, chà tắc kỵ độc và tự thay băng ở nhà cho cháu. Gần một tháng sau thì chân cháu đã lành lặn trở lại. Trong thời gian đau chân, cháu thường hay bò qua đống cột gỗ để giữa nhà trên và nhà dưới để tìm bà nội. Khi gặp bà, cháu mừng rỡ khoe :
_ Nội ơi! Con tìm thấy nội rồi. Bà nội có thấy con giỏi không nè? Chân con đau, không đi được thì con lết nội héng! Nghe cháu nói mà mẹ như đứt từng khúc ruột, chỉ biết ôm cháu vào lòng mà rân rấn nước mắt.
Mẹ thương con thương cháu nên khổ mấy mẹ cũng chịu được. Nhớ ngày con trai cưới vợ, mẹ không có tiền phải để cho anh tự lo liệu nên chỉ tập trung làm một bên nhà gái. Thậm chí nữ trang cưới, mẹ cũng chỉ có thể cho con dâu một đôi bông hột trai giả. Đôi bông này cũng do một người chị của mẹ cho vì thấy con trai cưới vợ mà mẹ không có của để cho. Sau này, con dâu gửi trả lại cho mẹ vì đó là đồ giả. Ngày đầy tháng cháu nội đầu tiên, lòng mẹ vừa vui vừa buồn lo nặng trĩu. Hiểu ý mẹ, con trai trong lúc chở mẹ qua nhà vợ đã bảo mẹ đừng lo lắng gì hết vì mọi cái anh đã lo chu toàn. Thế nhưng mẹ cũng không thể tự nhiên và thoải mái cho được trước sự lạnh nhạt của sui gia, nhất là con dâu mặt buồn dàu dàu và không chào khi mẹ bước vào phòng để bế cháu nội ra làm lễ. Mẹ không trách buồn gì cả vì biết đó là do mình có lỗi vì cái tội mình đã quá nghèo, không lo chu toàn bổn phận của người làm cha làm mẹ.
Thấy cháu mình không đủ quần áo để mặc, vào buổi trưa, mẹ thường lấy quần áo cũ xin được của họ hàng mang ra cắt sửa cho chúng. Mẹ may cho cháu từng cái mũ xinh xinh bằng vải hoa, những bộ quần áo vạt khách dễ thương và thường ngắm nhìn chúng mặc nó, chạy nhảy tung tăng trong sân nhà mà lòng vui vui. Được hai năm sống quây quần bên nhau, con dâu về công tác gần nhà nên đón các cháu về nhà bà ngoại sống với mẹ. Sắp xếp quần áo xong, cả nhà một phen tá hỏa vì không tìm thấy cháu nhỏ nhất đâu cả. Mọi người tỏa ra tìm kiếm cháu khắp nơi, sau cùng anh chị cháu mới tìm thấy cháu đang trốn dưới gầm giường của bà nội. Khi anh chị chui vào gầm giường lôi cháu ra, cháu út khóc nức nở :
_ Con không về nhà bà ngoại đâu. Con ở đây với bà nội hà. Anh Hai, chị Ba về nhà ngoại đi.
Nghe cháu nói vậy, mẹ ôm cháu vào lòng dỗ dành :
_ Thôi con theo mẹ về nhà ngoại ở đi. Nhà ngoại có ruộng đất, có nhiều lúa gạo cho con ăn. Con ở đây với nội, nội không có làm ruộng, không có đủ gạo nuôi con.
Cháu út nghe thế, liền quay sang nói với mẹ:
_ Vậy mẹ về nhà ngoại xúc gạo gửi qua đây để nội nấu cơm cho con ăn, chứ con không về nhà ngoại đâu. Ngoại và má Ba bênh chị Thảo không hà, không có thương con. Chị Thảo đánh con hoài, nói con là đồ ăn chực, còn đuổi con về nhà bà nội mày ở đi !
Con dâu tức mình, phát vào mông con mấy cái đau điếng và lôi tuột nó ra cổng. Cháu gào to lên " Nội ơi! Nội ơi! ". Cháu  bị mẹ lôi đi mà còn ngoái lại nhìn bà cầu cứu còn mẹ thì lảo đảo buông mình xuống ghế mà nước mắt tuôn trào như mưa.
Không bao lâu sau, cháu bị sốt mấy ngày chưa khỏi. Khi cha chở về thăm nội, cháu còn nói với mẹ : " Nội ơi! Chân con rung rinh, con đứng không vững ". Vào năm 1978,  người ta chưa có kinh nghiệm với bệnh sốt xuất huyết nên khi gia đình cho cháu nhập viện thì bệnh tình đã nặng. Bệnh viện huyện chữa không được, chuyển lên tuyến trên thì cháu đã sang thời kỳ cuối. Khi nghe bác sĩ thông báo tình trạng của cháu, con trai mẹ đã quỳ xuống van xin bác sĩ cứu mạng con gái mình nhưng đã muộn. Bác sĩ lắc đầu bảo chỉ còn khoảng nửa giờ nữa thôi là cháu sẽ thổ huyết và không cứu được nữa.
Sau cái chết của cháu, mẹ biết con trai mình bị sốc nên dù anh có nóng nảy, nhiều lần lớn tiếng hay nói lời không phải làm cho mẹ  đau lòng, mẹ cũng sẵn sàng tha thứ cho con. Mẹ làm sao không khỏi đau lòng khi nghĩ đến hình ảnh ngày anh gặp tai nạn giao thông vào năm 1969 suýt chết nếu như không được đồn lính Mỹ đóng gần nơi xảy ra tai nạn bốc thẳng anh bằng phi cơ trực thăng đưa về bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu. Có thể vì thế, anh đã thay đổi tính tình do phải truyền máu trong quá trình chữa trị. Và cả sau này, mẹ còn nghe kể lại ngày được bác sĩ báo tin con mình sắp chết trong giây lát, con trai mẹ đã đập đầu vào hàng cột ở hành lang bệnh viện trong lúc quá tuyệt vọng và hối hận vì sự chậm trễ của mình, không đưa con đi bệnh viện sớm hơn vì còn bận công tác và chủ quan, tưởng cháu chỉ sốt bình thường như mọi khi.
Mẹ giờ đã già, trí cùng lực cạn, mẹ không làm được gì cho con cháu nữa rồi và chỉ còn biết sống bằng những ký ức xa xưa. Mẹ thương cho con trai mình gặp phải những bất hạnh trong hôn nhân, mẹ nhớ thương đứa cháu gái thông minh, hiếu thảo mà giờ đây dù cháu đã đi xa nhưng mẹ vẫn luôn cảm thấy có sự hiện diện của cháu ở bên cạnh mình.


Truyện thứ ba
MẸ  “LÃM”
Mẹ Lãm là gọi theo tên của chồng, chứ thời con gái mọi người gọi mẹ là Ngọc Lan. Một người con gái xinh đẹp, con nhà danh giá, có học thức thì nào ai ngờ cuộc đời mẹ lại nhiều bất hạnh đến như vậy. Mà thôi, nhiều người bảo mẹ như vậy mà lại hay vì mẹ chắng còn biết buồn khổ, lo lắng là gì cả. Thế nhưng cứ nhìn thấy mẹ là người ta lại cảm thấy tội tội sao đâu ... Mời các bạn đọc truyện thứ ba_ Mẹ Lãm.
_ Bà ngoai đừng phá nữa, ngồi yên đây chơi cho con làm công chuyện! Đó là giọng nói ngọt ngào, trìu mến của cô con gái cất lên mỗi khi mẹ Lãm phá phách gì đó.
Thật ra, với suy nghĩ hiện tại của mẹ là mẹ đang làm công việc đó chứ. Gia tộc đông anh em, ruộng đất nhiều nhưng làm nông có mấy khi khá giả. Nguyên xóm này đều là bà con dòng họ cả nên nhà ai trồng thứ gì là khắp các nhà đều được chia ăn hết. Mấy ngày nay mưa dầm, rau lang trong vườn mọc tốt quá, đọt non vươn cao, nõn mượt. Mẹ Lãm ra thăm vườn thích mê tơi, mẹ nghĩ rau này mà ngắt đọt luộc chấm mắm nêm xay là hết ý. Mẹ vơ tay hái lia lịa các đọt non, ôm một ôm mang vào nhà chưa kịp bỏ ra đất để bó lại mang chia cho các nhà thì đã nghe giọng cụ ông la to :
_ Trời ơi! Đọt khoai mì tui trồng bà hái chi vầy nè! Chết cha rồi, làm sao nó sống được đây ?
Hết sức thản nhiên, bà Lãm ngước nhìn chồng rồi trả lời:
_  Hái đem chia. Hái đem chia.
Có một lần gặp ông Lãm đang cột lại hàng rào cho chó khỏi tuôn chạy ra đường đuổi cắn người, tôi dừng lại nói chuyện dăm câu. Ông vừa làm vừa trả lời, thỉnh thoảng còn quay vào trông bà đang nằm nghỉ trên bộ ván ở chái nhà. Lúc đó, bà nhổm dậy định đi ra vườn phá gì đó, ông chạy vội vào nhà và la to :
_ Nằm yên đó đi! Nằm đây nghỉ cho khỏe, tui cột hàng rào ngay kia, chút tui vào nấu cơm cho bà ăn heng !
Khi quay ra, ông nói với tôi :
_ Khổ lắm cháu ơi! Đúng là ma quỷ chứ không phải người. Người có đâu phá phách lạ lùng đến vậy. Cái này là ma nhập cháu à !
Ngạc nhiên tôi nói : _ Vậy sao cậu không mời thầy về chữa cho mợ, trục ma ra đi ?
_ Không được. Ma này là ma căn nghiệp mà cháu.
Mà nghĩ cũng lạ, ngày mới dọn nhà về ở, ông Lãm dắt bà sang chào gia đình tôi vì là chỗ hàng xóm thân cận. Ông thì nói chuyện với mẹ tôi, còn tôi thì hỏi thăm bà Lãm. Bà Lãm vui lắm, nói năng lễ phép, dạ thưa và hay chắp tay xá người đối diện.
_ Lâu quá chị em mình mới gặp nhau ha chị Hai. Bữa nào mình rủ nhau đi chơi một bữa nha! Thích đi chơi lắm. Rồi liếc sang chồng, bà Lãm nói tiếp: Không cho đi đâu cả. Coi vậy mà dữ lắm, đánh tui hoài hà, đau lắm !
Nghe bà Lãm nói, tôi biết bà nhầm tôi với ai đó vì giờ đây tâm thần bà nghễnh ngãng, ngay con cháu ruột của mình mà bà còn không nhận ra. Nhìn bên ngoài không ai nghĩ bà Lãm đãng trí cả. Bà cao dong dỏng, nước da trắng, gương mặt  phúc hậu và có giọng nói nhỏ nhẹ, hiền lành. Trước kia, bà là cô giáo, gia đình danh giá nhưng lại thương và lấy ông Lãm, một nông dân chính gốc. Bà là dâu út trong một gia đình trung nông nên việc đồng áng bề bộn quanh năm suốt tháng. Lấy chồng, sinh con xong là bà Lãm trở thành nhà nông luôn.
Người miền Nam thường là nhà thờ giao cho con út nên tục ngữ mới có câu : “Giàu út ăn, khó út chịu" . Giữ nhà thờ một năm hàng chục cái đám giỗ, một tay bà Lãm cáng đáng. Dân trong vùng ai mà không biết người phụ nữ ăn mặc lôi thôi, quần ống cao ống thấp kia chính là bà Lãm và ngày nào bà lại chẳng gánh ra chợ bán quài cau, buồng chuối, dăm ba trái thơm  hay bó sả, ôm lá dứa... Vườn nhà ông Lãm rộng hàng mẫu tây có đầy đủ các loại cây ăn trái, mà đặc biệt là giống bưởi đường trái to, ruột ngọt thanh và mọng nước. Mỗi năm, ghe các nơi cập vào bến sông gần nhà ông Lãm để mua sỉ loại bưởi nổi tiếng ngon này về bán cho người ta chưng Tết.
Với mảnh vườn rộng lớn và mấy miếng ruộng sâu do ông bà để lại, ông bà Lãm làm lụng tuy vất vả nhưng cũng đủ sức nuôi đàn con ăn học. Các con trưởng thành, có nghề nghiệp và thành lập gia thất là điều ông bà Lãm mừng vui, mãn nguyện. Nhưng nhà phải có chỗ dột, mía phải có lóng sâu, gia đình nào lại không có những điều lôi thôi. Cô con gái cành vàng lá ngọc mà ông bà cưng chiều nhất lại gây chuyện lớn. Số phận trớ trêu thế nào mà có biết bao người theo đuổi, ngỏ lời cầu hôn cô đều từ chối để cuối cùng phải lòng một người nhỏ hơn mình gần chục tuổi. Mặc gia đình cấm đoán, hai người vẫn lấy nhau không cần cưới xin. Khi có hai mặt con, cô bị chồng ruồng bỏ để lấy một cô gái trẻ đẹp và giàu sang hơn người vợ cũ. Con gái bị sốc và bà Lãm càng bị sốc hơn. Những ngày nhìn con dật dờ đau khổ, lòng bà Lãm như bị xé nát ra ngàn mảnh vụn. Con gái ngã bệnh cả năm trời và bằng ấy thời gian bà Lãm vừa chăm con vừa nuôi cháu ngoại.
Người ta bảo họa vô đơn chí cũng đúng. Chuyện này chưa hết lại đến chuyện kia liên tiếp xảy ra. Nguyên khu đất của dòng họ ông Lãm bị giải tỏa làm khu công nghiệp cao. Chuyện rối rắm xảy ra từ đó. Khi ông Lãm nhận được số tiền đền bù giải toả quá lớn, những anh em khác ganh tỵ và đòi chia phần hương hỏa mà bấy lâu do ông Lãm đảm nhận. Thế là anh em xích mích, chẳng nhìn mặt nhau và mỗi người đi mỗi nơi, giỗ chạp chẳng còn hội về cúng chung như trước kia. Ông Lãm buồn tình lại không còn ruộng đất để làm nên ông giết thời gian bằng cách ra quán uống cà phê, kết bè bạn. Nghe lời rủ rê ngon ngọt của bạn bè, ông Lãm hùn làm trang trại đâu trên Bến Cát. Việc chăn nuôi heo bò và vịt đẻ trứng bị thất bại, còn thêm tin người bị lừa gạt, ông mất trắng gần cả tỉ đồng. Tiếc của, ông Lãm sinh ra uống rượu rồi về nhà quát tháo, đánh đập vợ con. Bà Lãm bị trầm cảm kéo dài nhiều năm rồi một ngày nọ bỗng hóa ra ngớ ngẩn.
Ông Lãm hối hận, dốc hết tiền bạc còn lại về quê mua đất với hy vọng giúp vợ tìm lại cuộc sống yên bình trước đây và phục hồi trí nhớ. Hàng ngày, ông Lãm vừa chăm bà vừa làm vườn. Con cái bận việc làm ăn không thể ở gần nên chia nhau đứa giữa tuần, đứa cuối tuần luân phiên nhau về thăm nom và tiếp tế lương thực cho ông bà. Những ngày về quê sinh sống, bà Lãm có mơ hồ nhận ra cuộc sống trước đây hay không mà bà thường làm những chuyện khác thường. Gặp vũng nước mưa đọng trên sân, bà ngồi thụp xuống dùng tay mò mẫm tìm cái gì đó bên dưới. Ông Lãm nhìn thấy hoảng hốt la to lên :
_  Đừng ! Đừng ! Dơ lắm, thúi lắm. Vào nhà ngay !
Khi lôi bà vào được đến sàn nước để rửa tay chân thì ông lại kêu lên :
_  Dép bà đâu mất nữa rồi? Bà liệng ở đâu, hả ?
Một lần, các cháu về chơi đông. Giữa trưa hè nóng bức, bọn trẻ rủ nhau vào bể bơi bằng nhựa to thường thấy ở các trường Mẫu giáo và tắm lội trong đó. Bà Lãm ngồi nhìn ra vẻ thích thú lắm. Khi con gái kêu bà vào để tắm cho mát, bà mừng rỡ tiến thẳng đến bể bơi định leo vào thì có tiếng kêu :
_  Bà ngoại vào nhà tắm con tắm cho. Bà ngoại không tắm ở đó được đâu. Ậy! Vào trong đây mới được cởi áo ra. Xấu hổ quá, bà ngoại ơi !
Có một buổi chiều, khoảng gần sáu giờ mà bà Lãm không chịu vào nhà cho ông đóng cửa như mọi khi. Bà chạy lòng vòng ngoài vườn khiến ông đuổi theo hụt hơi để lôi bà vào. Vừa mệt vừa tức, ông xô bà mạnh một cái, bà ngã té đập đầu vào lan can trước nhà bị thủng một lỗ sau gáy máu tuôn ướt đẫm cả áo. Hoảng hốt, ông gọi với sang nhà cầu cứu. Tôi chạy sang thì thấy bà đang ở ngoài vườn, vừa chạy vừa khóc còn miệng thì lẩm bẩm :
_ Tức quá ! Tức quá ! Đã nói mà không nghe, chảy máu rồi thấy không ?
Tôi dùng bông gòn chặn mạnh chỗ thủng cho cầm máu, bà bị đau liền nói :
_  Con làm mạnh, má đau quá hà.
Bất giác, tôi cũng buột miệng :
_  Má đau hả? Không sao đâu, con sẽ làm nhẹ tay lại.



Truyện thứ tư
MẸ…
Tôi và cô học trò thân thiết đến thăm bà mẹ già của người bạn quá cố. Cô mất đã hai năm nhưng trong lòng người thân, bạn bè và học trò vẫn chưa nguôi thương nhớ. Là một giáo viên dạy môn địa lý nhưng sự tận tâm và nhiệt tình chưa chắc đã có ai vượt qua. Gia đình làm nông nên cô vất vả lắm vì phải phụ mẹ làm rẫy, nuôi bò mới đủ sống. Cô tới trường bao giờ cũng vừa sát giờ vào lớp, ít rề rà tán gẩu như những thầy cô giáo khác. Nhưng mùa thi nào có môn cô được lựa chọn là cô lại dành nhiều thời gian hơn để ôn luyện cho học sinh và môn địa bao giờ kết quả cũng rất cao. Có lần cô nói với tôi : " Học trò nhà quê mà chị, việc nhà như núi, chúng còn đến trường được là tốt lắm rồi. Hiếm có em nào học giỏi các môn chính vì vậy em cố lấy điểm môn mình bù qua các môn khác cho chúng có cái bằng tốt nghiệp đặng còn ra làm công nhân kiếm sống với người ta ".
Con nhà nông thiệt thà, cục mịch và cũng ít giao tiếp nên đến ngoài bốn mươi tuổi cô mới lập gia đình. Chồng làm bên xây dựng, chuyên thầu những ngôi nhà cấp 4 đơn giản và đã có một đời vợ trước. Cô cũng còn may mắn là sinh được một cậu con trai khỏe mạnh, tuấn tú. Cuộc sống hạnh phúc ngắn ngủi vì cô không may bị tai nạn giao thông qua đời cách đây hai năm. Nghe học trò gọi điện báo tin, tôi bàng hoàng sửng sốt. Trên đường về dự đám tang, tôi vẫn không tin đó là sự thật và cũng cầu mong cho đó không phải là sự thật. Nhưng khi vào đến nhà, nhìn quan tài và di ảnh người quá cố tôi mới lặng người và bật khóc khi thắp cho cô nén hương tưởng niệm.
Mẹ cô năm nay đã gần chín mươi tuổi nhưng hãy còn sáng suốt và minh mẩn. Khi hai cô trò vừa dừng xe trước cổng nhà, bà đang ngồi ăn trầu trên bộ ván gõ ngoài hiên đã lên tiếng:
_  Đứa nào đó bây ?
_  Dạ con  đây bác. Bác có khỏe không ?
_  Vào nhà chơi đi con, bác khỏe.
Mẹ vẫn vui vẻ, xởi lởi như từ nào giờ. Bà hỏi thăm mẹ tôi có khỏe không và gởi lời hỏi thăm. Rồi bà hỏi tiếp cô học trò đã có em bé chưa? Nghe mẹ hỏi han như vậy, tôi biết là bà rất quan tâm đến chúng tôi và còn minh mẩn lắm. Mẹ quay vào trong nhà gọi cậu con của người bạn ra chào khách. Mặt mẹ rạng ngời khi kể chuyện về đứa cháu ngoại duy nhất này. Mẹ cho biết bà vừa bán hết đất chia cho các con và cũng đã lập di chúc dành một phần tài sản cho cháu ngoại sau này. Tôi hỏi thăm mẹ giờ sống ra sao, ai phụng dưỡng thì mẹ cho biết vẫn sống tại ngôi nhà từ trước giờ vẫn ở với con gái, đó là ngôi nhà vợ chồng bà tạo lập từ xưa. Mỗi ngày hai con dâu thay phiên nhau mang cơm sang cho mẹ . Tôi ngạc nhiên hỏi sao mẹ không ăn cơm chung với con rể và cháu ngoại cho vui thì mẹ trả lời cha con nó ăn riêng, mẹ ở đây là để trông chừng nhà cửa và dòm ngó cháu ngoại, sợ nó còn nhỏ mà thiếu sự chăm sóc của cha mẹ dễ sinh hư hỏng. Mẹ kể chuyện có mấy phụ nữ lân la tìm con rể hoài nên mẹ lo sợ cháu ngoại mình khổ.
Đang nói chuyện vui vẻ, mẹ bỗng nhắc đến cô con gái duy nhất đã qua đời và bật ra tiếng khóc, mắt mẹ dàn dụa ngấn lệ. Rồi như để khỏa lấp cảm xúc của mình, mẹ kể ngày nhỏ mình thuộc nhiều bài ca dao dân gian lắm . Để mẹ nguôi ngoai nỗi buồn, tôi hỏi mẹ có thể đọc cho hai cô trò nghe hay không, mẹ vui vẻ nhận lời và đọc vanh vách hàng mấy chục bài ca dao thật lạ mà tôi chưa từng nghe hay được biết qua sách vở. Có những bài thật dài, thể hiện đời sống tình cảm rất bình dị, trong sáng của người dân Nam bộ xưa. Tôi thật tiếc là đã không ghi chép lại được những bài ca dao quý giá đã thất truyền đó.
Mấy bà, cô cháu đang vui vẻ chuyện trò rôm rả bỗng mẹ hỏi :
_  Có muốn xem vú không ?
Tôi và cô học trò đều bất ngờ, nhưng tôi cũng mau miệng trả lời :
_  Dạ muốn
Thế là mẹ vén cao áo khoe đôi bầu vú mẹ. Cảm giác trong tôi lúc đó thật khó diễn tả. Bầu vú mẹ dù không còn săn chắc nhưng sao mà đẹp quá, thiêng liêng quá! Những đứa con của mẹ đã từng rúc vào đây tìm dòng sữa ngọt ngào yêu thương, tìm hơi ấm và mùi hương của mẹ. Tôi không hiểu vì sao mẹ lại muốn cho chúng tôi xem " gia tài quý giá " của mẹ? Ngày xưa chắc mẹ hay cho con gái xem vào những lúc chỉ có riêng hai mẹ con và phải chăng đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời của mẹ? Mà giờ đây mẹ nhớ con gái, muốn tìm lại cảm giác thân thuộc, dấu ấn khó phai trong cuộc đời làm mẹ. Tôi tự nhiên thốt lên câu hỏi :
_ Bác cho con măng vú chút có được không ạ ?
Mẹ vui vẻ trả lời :  Được chứ.
Mân mê bầu sữa mẹ, bất cứ người con nào dù tóc đã pha sương nhưng sao lòng vẫn run rẩy và vô cùng sung sướng, hạnh phúc vì khắp các dây thần kinh lan tỏa một tình cảm mẫu tử thiêng liêng và sâu nặng khôn cùng...
Mẹ vẫn ngồi đó, cười rạng rỡ. Mẹ ơi! Mẹ nghĩ gì vào lúc này vậy hở mẹ? Mẹ có tìm lại được những cảm giác hạnh phúc của người làm mẹ khi các con mình còn nhỏ dại hay không? Mẹ có tìm lại được hình ảnh cô con gái yêu thương mà lòng mẹ luôn nặng trĩu mỗi lúc nhớ đến? Lòng tôi xót xa, cổ họng khô khốc và đắng nghét. Giá mà tôi có thể làm được một việc gì đó cho mẹ vào lúc này...
Sợ mình không kiềm được cảm xúc, rồi khiến mẹ càng thêm buồn và cô học trò lại có con nhỏ phải mang gởi bà ngoại trông hộ đã tới giờ bú sữa, hai cô trò vội xin phép ra về. Tôi chúc mẹ khỏe mạnh để chúng tôi còn được nhiều lần đến thăm mẹ nữa.
Trên đường về, tôi nói với cô học trò là chắc hôm nay bà vui lắm vì có chúng ta đến thăm. Tôi cảm thấy bùi ngùi vì hình ảnh mẹ ngồi trên bộ ván nhìn theo lúc chúng tôi ra về. Rồi tôi nhớ lại những ngày năm xưa, mẹ từng để đứa con gái yêu thương sống một mình còn bà thì qua nhà cậu con trai út sát bên ở giữ nhà, cấm không cho con trai dắt vợ bé về nhà rồi sinh sự đánh đập vợ con. Mẹ quả còn một chức năng khác mà người đời chưa nhận ra, đó là làm sứ giả hòa bình để dàn xếp những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống của con cái. Mẹ chính là bếp lửa luôn bùng cháy để gom lại và giữ gìn những gì thiêng liêng nhất của đạo lý, của tình yêu thương dưới một mái nhà. Nhưng giờ đây, tuổi già của mẹ thật sự khiến người ta phải chạnh lòng. Mẹ vẫn còn con còn cháu nhưng sao trông mẹ cô đơn đến dường vậy....  Mẹ thiếu một người để tâm tình. Mẹ không còn có ai để nũng nịu đòi mẹ cho măng vú. Và trong những ngày mưa dầm hay nắng hạn sẽ không có ai cận kề để hỏi han, chăm chút sức khỏe cho mẹ. Mẹ sẽ còn ngồi bao lâu nữa trên bộ ván gõ ngoài mái hiên để nhìn đời, tìm lại những bóng hình dấu yêu trong quá khứ !
Người ta bảo đời một người phụ nữ hạnh phúc nhất là lúc được làm mẹ. Nhưng mẹ ơi! Sao con thấy cuộc đời làm mẹ lắm nỗi vất vả, khổ đau và chịu đựng đến như vậy?
Thay mặt những đứa con, chúng con xin vạn nghìn lần cảm ơn mẹ đã ban cho chúng con hình hài, nuôi dạy chúng con lớn khôn và cả đời buồn vui, sướng khổ theo số phận của chúng con. Chúng con muôn phần xin lỗi mẹ....
                                                                                                                                                                                                                
Blogger  ĐIỀU  GIẢN  DỊ _ CUNG  ĐÀN  XƯA _ NHÁNH  LAN  RỪNG



(Tháng 08/2011)


3 nhận xét:

  1. Đây là chùm truyện ngắn được viết ra với nhiều cảm xúc nhất của mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. @ Trái tim nơi bạn đã chạm_cứa vào trái tim của tôi đến độ phải nhức nhối_rên rỉ_thổn thức… kia đấy ! Chắc chắn trái tim con người sẽ lay động trái tim con người và nhân ra đến vô cùng… Ôi, “Lòng tôi xót xa, cổ họng khô khốc và đắng nghét. Giá mà tôi có thể làm được một việc gì đó...” cho bạn_cho tôi !

      Xóa
  2. Cảm ơn bạn. Mình đã là bạn của nhau rồi. Tình bạn_ điều chân thành, cao quý nhất con người có thể cho nhau. Bạn không cần nghĩ ngợi mình phải làm điều gì nữa đâu.
    Bạn tải bài nhanh đến chóng mặt. Tôi muốn tìm bài của mình để com, chạy hụt cả hơi mới thấy.Chúc bạn mãi mãi an lành.

    Trả lờiXóa

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget