Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Tùy bút_Tản văn của bạn Blog ĐGD_CUNG ĐÀN XƯA




NGƯỜI  LỖI  THỜI
Đăng ngày: 21:36 26-12-2011
Tôi là một người đã lỗi thời. Tôi không thích nghi được với nhịp sống hiện tại.
Tôi yêu thích cuộc sống êm ả, thanh bình của một làng quê có sông nước, ruộng đồng, nương rẫy. Ở đó, cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tình cảm xóm giềng thân thiết, gần gũi. Con người cũng hiền hòa, chân chất và tốt bụng, không có những mánh khóe lọc lừa, gian xảo làm lợi cho mình mà hại đến người khác.
Tôi luôn cảm thấy an tâm khi tiếp xúc với một thanh niên miệt vườn hơn là một chàng trai thành thị. Nói nôm na như mẹ tôi là " dân thầy " lòng dạ khó lường, đãi bôi ngoài miệng trong lòng chưa chắc đã là như vậy. Ngay đến tình yêu của một chàng trai nông thôn, ít học, cục mịch cũng thiệt tình, thủy chung hơn là một thanh niên thị thành, bảnh bao, có học thức.
Tôi thích nghe những ca khúc xưa vì nhạc thì êm dịu, du dương mà lời thì đằm thắm, thiết tha, có sức thuyết phục lòng người.
Tôi không thích dòng nhạc trẻ hiện nay. Lại càng dị ứng hơn với trang phục và cách biểu diễn của một số ca sĩ vì đôi lúc quá nhố nhăng, quay cuồng, loạn xị.
Tôi cảm thấy mệt mỏi với các mối quan hệ xã hội. Con người sống ngày càng thực dụng và có đủ thủ đoạn để giành lấy cho mình những gì tốt đẹp nhất. Họ có thể chà đạp lên tình nghĩa, bất chấp đạo lý mà lương tâm không bao giờ cảm thấy ái ngại, chứ nói gì đến ray rức, dằn vặt.
Những gì tôi mơ, tôi muốn xem chừng là chuyện khó tìm hoặc không thể có được. Đó là một thời đã lùi xa vào quá khứ, mà bây giờ mỗi khi kể lại phải mở đầu bằng hai từ " ngày trước ". Một người đã lỗi thời như tôi biết phải sống làm sao đây?
Tôi đành sống trong vỏ ốc của mình, mơ những giấc mơ xa vời và đọc nhiều chuyện cổ tích hơn để cố vớt vát lòng tin cuộc sống và nuôi một niềm hy vọng là trên đời vẫn còn có những người tốt.


XIN  LỖI  TÌNH  YÊU
Đăng ngày: 11:20 12-12-2011
Tình yêu_ một điều vô cùng thiêng liêng, là viên ngọc quý giá không có tì vết. Chính vì vậy mà ta muôn vạn lần xin lỗi Tình yêu vì đã không giữ được bản chất vốn tốt đẹp của Tình yêu.
Ta quá đa nghi và xấu xa, đã nhiều lần nghi ngờ sự trong sáng, thuần khiết của Tình yêu khiến cho Tình yêu tủi buồn trong câm nín vì không thể giải bày, minh oan và ngày càng trở nên khó hiểu với ta, hụt hẫng và cô đơn với chính mình.
Ta đã để tính ích kỷ trói buộc Tình yêu trong ngục tù chật hẹp, biến Tình yêu trở thành vật sở hữu của riêng mình, giám sát Tình yêu bằng một biểu đồ chặt chẽ, nghiêm nhặt về cả không gian và thời gian. Thế là Tình yêu héo mòn dần cho đến một ngày linh hồn bay đi, xác thân lạnh lùng, vô tri bỏ lại.
Ta đã tham lam đòi hỏi ở Tình yêu quá nhiều thứ mà chưa bao giờ làm một điều gì đó cho Tình yêu. Ta biến Tình yêu thành một tài sản vô giá và tận hưởng một cách mãn nguyện, không có giới hạn, bất chấp sức chịu đựng có giới hạn của Tình yêu và khi ta hiểu ra được điều đó thì Tình yêu đã chết rủ tự bao giờ.
Giờ đây, ta khóc thầm vì tình yêu đã tan vỡ. Không hơn gì ta, Tình yêu cũng đang mang một vết thương nhức nhối trong lòng.
Tình yêu ơi! Muộn màng quá rồi phải không? Và lời muộn màng bao giờ cũng là lời xin lỗi.
Tình yêu ơi! Cho ta nói lời xin lỗi nhé! Mong Tình yêu sớm tìm lại được bản chất tốt đẹp của mình.




TÌNH  YÊU  THẦM  KÍN
Đăng ngày: 19:47 09-12-2011
Yêu một người là rất khó. Yêu trong thầm lặng càng khó khăn hơn. Khó vì làm sao để giữ được sự bình thản khi đối diện nhau. Lời nói, cử chỉ còn giữ gìn được nhưng ánh mắt đôi khi có thể đã bộc lộ nội tâm sâu kín.
Thầm lặng yêu một người đồng nghĩa với thầm lặng hy sinh hạnh phúc của mình, dành trọn vẹn sự tốt đẹp cho người mà mình yêu thương. Mãi mãi sống lặng lẽ bên cạnh cuộc đời người đó mà đối phương không bao giờ biết được, vẫn xem mình là một người bạn chí thân để chia sẻ những vui mừng và hạnh phúc, còn khi khổ đau, thất bại lại tựa vào bờ vai của mình để vượt qua.
Biểu hiện của tình yêu có rất nhiều cách, trong đó có cả sự giận dỗi, hờn ghen. Với tình yêu thầm lặng thì hoàn toàn không có được điều đó. Tất cả là im lặng, dồn nén và giấu kín. Vẫn nhìn người mình yêu thương hạnh phúc bên một người khác với niềm vui pha lẫn nỗi đớn đau, nghẹn thắt. Vui cho người ta và tủi cho phận mình. Nhiều khi người ta vô tâm quá, bộc lộ sự vui vẻ, hạnh phúc của mình mà không biết có một người đang ghìm nén những cảm xúc bi thương vào lòng.
Tình yêu thầm lặng đòi hỏi sức chịu đựng phi thường, sự bao dung vô bờ bến và cả sự lạnh lùng bước lên chính nỗi đau của mình để người mình yêu thương được nở nụ cười trọn vẹn.
Phải chăng người có tình yêu thầm lặng đã trở nên chai sạn? Không đâu. Họ chỉ đủ bản lĩnh chế ngự cảm xúc lúc bấy giờ, trước mặt mọi người chứ ở đâu đó, họ có một bể sầu thương chất ngất. Họ trút tất cả những gì phải ngăn chặn, dồn nén vào đó và chỉ riêng mình họ biết mà thôi.
Ai đã có một tình yêu thầm lặng thì thường là rất chung thủy. Một đời có khi chỉ yêu một lần và sống chết với mối tình duy nhất đó. Và họ thường rất sợ có ai đó yêu thương mình, họ trốn chạy tình cảm của những người khác, lắm khi họ trở nên tàn nhẫn chỉ vì không muốn người khác phải khổ như mình.
Nói thế có khi là chủ quan chăng vì tình yêu nào có ai giống ai vì đó là những cảm xúc rất riêng biệt, nhưng cũng phần nào nói lên tư cách, lối sống và phẩm chất đạo đức của mỗi người.
Mong mọi người đều có một tình yêu thật đẹp, đáng nhớ trong đời và hạnh phúc có được người mình yêu thương.
Riêng với những mối tình thầm lặng, tôi xin nguyện cầu cho nó sẽ mãi là những ngôi sao tỏa sáng trong vũ trụ tình yêu mênh mông khôn cùng...



KHÁT  VỌNG  SỐNG
Đăng ngày: 06:47 01-12-2011
Khát vọng là một ước ao mãnh liệt về một điều gì đó mà con người chưa có được. Họ còn đang gắng sức, nỗ lực để có điều mình mong muốn. Cũng có khi họ biến khát vọng đó thành một giả định không có thật để thỏa mãn ước mơ, để tìm sự ấm áp trong cảnh ngộ hiện tại.
Truyện ngắn dự thi " HÀNG XÓM " đăng trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam, số 40/ 2011, tác giả là Chu Thùy Anh, điển hình cho một khát vọng sống, mà bất cứ ai đọc qua cũng không cầm lòng cho được. Có thể là do tôi quá đa cảm. Nhưng rõ ràng người viết kể một câu chuyện quá cảm động, nhân vật cô đơn và tội nghiệp đến như vậy, làm sao tôi không chạnh lòng và thương cảm cho được ?
Tác giả kể về những người hàng xóm của một chung cu cao tầng. Họ gồm có chín nhà sống ở tầng 13, cùng quay quần quanh thang máy và nhà nọ chếch cửa nhà kia. Ông lão sống ở một trong chín căn hộ đó luôn thắc mắc về nhà hàng xóm đối diện. Cùng một thiết kế như nhau, cửa sắt bên ngoài, cửa gỗ bên trong và khoảng cách giữa hai lần cửa đó vẻn vẹn chỉ năm mươi phân." Không hiểu người ta thiết kế như thế để làm gì, năm mươi phân thì để vừa được gì và ai cần để cái gì giữa cửa sắt và cửa gỗ "? Đó là câu hỏi mà ông lão luôn thắc mắc. Rồi chính ngay nhà hàng xóm chếch cửa nhà ông đã giải thích cho ông câu hỏi đó.
Ngay giữa hai lần cửa đó có sáu đôi dép được xếp thắng hàng_ bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con. Chỉ có hai đôi trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu. Lại đủ bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con sau sáu giờ chiều. Rồi thì bốn đôi người lớn và hai đôi trẻ con trong các ngày nghỉ. Ông lão chưa bao giờ được nhìn thấy những người hàng xóm đối diện nhà của mình một lần nào cả. Nhìn vào số dép để ở cửa, ông đoán nhà họ có sáu người. Những nhà hàng xóm khác thi thoảng ông còn gặp họ, cười cười chào nhau. Riêng nhà có sáu đôi dép thì chưa bao giờ thấy mở cửa, chỉ có những đôi dép lần lượt đảo chỗ cho nhau. Thật tình, ông lão chẳng cố tình nhìn vào nhà hàng xóm làm gì. Nhưng do một lần tình cờ ông nhìn thấy đôi dép xỏ ngón màu hồng có nơ be bé ở nhà đối diện khiến ông nghĩ đến cháu của mình, đoán là nhà đó cũng có cô cháu gái bảy tám tuổi, trạc tuổi cô cháu gái nhà ông. Từ đó, ông bỗng chú ý đến nhà hàng xóm có sáu đôi dép hơn. Ông từng chờ xem nhà hàng xóm của mình là ai nhưng ông lại có cảm giác dường như họ chỉ chờ ông đi vắng hay bận việc trong nhà mới đi ra ngoài. Bẵng đi một cái, ông lại thấy dép xếp lại rồi và lần nào ông cũng tiếc rẻ vì những việc linh tinh mà không gặp hàng xóm của mình được.
Cho đến một ngày, khi ông đã thôi ý định ngồi ngóng ra cửa để chờ gặp hàng xóm, thì bỗng dưng lại gặp bà. Một bà lão bé nhỏ, trạc tuổi ông. Ông gặp bà trong thang máy, lên cùng một tầng. Đôi mắt bà đỏ hoe, im lặng không nhìn ai, chờ mọi người đi hết rồi mới bước ra khỏi thang, đi về cửa căn hộ ấy. Bà bước vào nhà, bên cạnh một đôi dép đàn ông đã xếp sẵn ở cửa, giờ thêm đôi dép phụ nữ. Ông quá đỗi bất ngờ về hàng xóm của mình. Ông từng ngóng được nhìn thấy cả nhà họ líu ríu dắt nhau vào thang máy, đâu ngờ một ngày được gặp hàng xóm, lại là một người đàn bà bé nhỏ vừa rấm rứt khóc xong. Từ đó, ông băn khoăn mãi về người hàng xóm của mình. Theo ông, ở từng tuổi đó, người ta mà khóc thì phải vì lý do ghê gớm lắm. Dỗi chồng dỗi con hay bị bạc đãi? Ông không biết làm sao để giúp đỡ người hàng xóm của mình vì không tìm ra lý do chính đáng để báo tổ dân phố hay là nhờ những người xung quanh giúp đỡ.
Từ việc thắc mắc về sáu đôi dép cứ lần lượt đổi chỗ, ông lão chuyển sang thắc mắc về đôi mắt đỏ hoe ướt nhẹp của bà hàng xóm. Sự thắc mắc lớn dần và ông quyết định sang ấn chuông nhà đối diện để xin phích nước nóng với lý do bếp hư mà ông thì đang thèm trà. Thật bất ngờ, bà lão đã mời ông vào nhà dùng trà.
Qua câu chuyện, ông mới biết bà lão sống có một mình với con chó mà bà đã nuôi từ lúc nó còn nhỏ, xem nó như con và nó cũng xem bà như mẹ. Biết chung cư cấm nuôi chó nên khi dọn về đây ở, bà phải nuôi lén và không may nó bị bệnh vừa mới mất cách đây mấy ngày. Bà đành mang chôn đứa con của mình, chỉ có mình bà khóc cho nó và bà cũng chỉ có mình nó để khóc. Bà thú thật bà không có con cháu để cuối tuần về thăm như ông. Sáu đôi dép là do bà tự mua tự xếp để tự thấy mình ấm áp...
Ông lão không biết phải làm gì với bà lão mắt lại đỏ hoe, vết đỏ lan ra tận đầu mũi. Xoay cốc nước đủ hai mươi chín vòng thì ông nói : " Xin phép bác, chủ nhật cho ông cháu tôi sang đây xin phích nước nóng " rồi dứt khoát đứng lên đi về trước khi vệt đỏ ấy lan sang mắt và tràn xuống đầu mũi của ông.
Tôi đọc câu chuyện đến mấy lượt, nước mắt không tứa ra như những lần trước đây khi xem phim hay đọc truyện có nội dung cảm động, mà lại cảm thấy cõi lòng nghẹn đắng... Khát vọng của bà lão thật chính đáng. Điều đó là bình thường với những người khác nhưng lại quá khó khăn với bà !
Phải chăng con người có số phận và ai cũng phải tìm cách nào đó để vượt qua mà sống, cho dù đôi khi phải sống dối mình, lạ lùng và khó hiểu trong mắt người khác ?!...



LỜI  TÂM  SỰ
CỦA  MỘT  QUYỂN  SÁCH  
Đăng ngày: 14:29 18-11-2011
Tôi là một quyển sách cũ, được ra đời vào năm 1966, sau nhiều lần tái bản và chỉnh sửa. Tên tôi là " Giai thoại làng Nho " và người cha tinh thần đã sinh ra tôi là học giả Lãng Nhân. Tôi qua tay đến mấy đời chủ.
Đầu tiên là một ông bố mua tôi về vì là người ham đọc sách. Khi ông qua đời, các con ông làm kinh doanh bận rộn nên không ngó ngàng gì đến tôi. Tôi bị vứt bỏ lăn lóc, trẻ con trong nhà khi nghịch ngợm đã ném tôi không hề thương tiếc. Tôi bị rách bìa, mất đi một số trang ở phần đầu và từ đó tôi trở thành một phế nhân bị ruồng bỏ. Chủ nhân ra lệnh cho người giúp việc tống tất cả chúng tôi vào kho, những quyển sách cũ chỉ choán vị trí mà không mang lại lợi lộc gì cả. Rồi một thời gian sau, họ cột chúng tôi lại thành từng bó to, chở đến nhà tặng cho một người bạn học cũ cho rảnh nợ.
Chủ nhân mới của tôi là một nhà giáo. Có lẽ vì là nhà giáo nên đã tỏ ra rất thích thú khi đón nhận những kẻ khốn khổ như chúng tôi. Ngôi nhà mới của tôi xem ra rất thanh bạch và giản dị, một giá sách tự đóng bằng bàn tay khéo léo của nữ chủ nhân. Chỉ trong một buổi sáng, người chủ mới đã sắp xếp có trật tự và ngăn nắp tất cả chúng tôi lên cái giá sách tự đóng này. Chúng tôi bắt đầu cuộc sống mới bên cạnh cô chủ nhỏ và bạn bè là những quyển sách được bao bìa kỹ lưỡng và giữ gìn cẩn thận.
Khách mới nên được ưu tiên hơn vì vậy chúng tôi được cô chủ lần lượt mang ra đọc mỗi ngày. Khi đến phiên tôi diện kiến chủ nhân, tôi hồi hộp lắm vì không biết trong ánh mắt của cô chủ , mình sẽ được đánh giá ra sao ? Tôi thật sự sung sướng và hãnh diện vì cảm nhận mình đã mang lại sự thích thú cho cô chủ nhỏ. Khi cầm tôi trên tay, cô chủ nhìn tôi một lượt bằng đôi mắt thật hiền hậu. Sau đó, bàn tay nhỏ nhắn mở từng trang sách, vuốt nhẹ lên những vết cuốn góc cho phẳng phiu khiến cho những thương tích vì bị hành hạ, đối xử tệ bạc của tôi trước đây dường như không còn đau nhức nữa. Tôi suýt rớt nước mắt vì quá đỗi hạnh phúc. Tôi đã thật sự được đổi đời...
Không biết cô chủ nhỏ tìm được điều gì thú vị ở tôi mà ngày nào cũng chọn tôi để đọc và đọc một cách say sưa. Có lúc cô mỉm cười một mình, có lúc lại ngưng đọc, lấy một quyển vở ra và ghi chép vào trong đó. Tôi độ chừng cô chủ tìm ra điều gì đó hay ho và ghi vội lại để sau này khỏi quên. Tôi biết người chủ mới thật sự yêu quý mình nên chưa một lần nào làm cho tôi phải thất vọng hay đau đớn thể xác.
Do tôi là một tư liệu tham khảo nên tôi có bề dày gần cả ngàn trang sách. Cô chủ không thể đọc hết trong một ngày nên cô phải đánh dấu trang để còn biết mà đọc tiếp vào ngày hôm sau. Cô không gấp mép trang đọc dở dang như một số người hay làm mà nhẹ nhàng đặt vào đó một tờ lịch được gấp nhỏ theo chiều dọc để làm dấu và đặt tôi trở vào chỗ của mình trên giá sách.
Hơn một năm làm người bạn thân thiết với cô chủ nhỏ, tôi quen thuộc bàn tay gầy nhỏ, ánh mắt ấm áp và nụ cười tươi tắn của cô. Tôi chìm ngợp trong ấm êm và hạnh phúc cho đến một ngày...
Những đồng nghiệp của cô chủ nhỏ đến thăm nhà. Vừa nhìn thấy giá sách, họ đã trầm trồ khen ngợi sự tỉ mỉ và ngăn nắp của chủ nhân. Tất cả họ đều sà đến giá sách để ngắm nghía và luôn miệng xít xoa. Họ tỏ ý muốn mượn những tác phẩm văn học, có lẽ họ đều là giáo viên dạy Văn. Cô chủ nhỏ thật tốt bụng, vui vẻ đồng ý cho mượn và ngay lập tức các bạn của tôi đã được lấy ra khỏi vị trí. Đó là những bạn " Thành ngữ,Tục ngữ và Ca dao cổ ", " Thời xa vắng " và một số tác phẩm Văn học nước ngoài như " Lâu đài người bán nón ", " Thành trì ", " Nữ tu sĩ ", " Chuỗi hạt "... Tôi mừng vì mình thoát nạn, không phải xa rời cô chủ thân yêu. Thế nhưng đời có ai học được chữ ngờ đâu!
Không thấy ai ngó ngàng gì đến tôi, cô chủ mới bảo : " Có một tư liệu tham khảo rất quý giá mà tiếc là ngày còn đi dạy, mình đã không có được để mở rộng tầm hiểu biết cho học sinh. Nay mình muốn giới thiệu với các bạn để có thể làm được điều đó với học sinh của chúng ta ". Những người bạn của cô chủ rất bất ngờ khi cô rút tôi ra khỏi giá sách và trao vào tận tay họ. Tôi cảm thấy bầu trời quay cuồng vì không biết số phận của mình rồi sẽ đi về đâu thì thời may cô chủ nói tiếp : " Quyển sách này tuy đã cũ nhưng rất có giá trị và mình vô cùng yêu quý. Mình không vì ích kỷ mà giữ riêng cho mình nhưng mình cũng không muốn mất nó. Mình cho các bạn mượn đọc, nếu thấy có ích cho việc giảng dạy thì sao chép ra, khi nào xong thì gửi lại mình."
Thế là tôi rời xa cô chủ thân yêu kể từ ngày hôm đó. Trong những ngày rời xa chủ nhân đáng kính của mình, tôi nhớ ánh mắt nhìn tôi trìu mến, nhớ bàn tay gầy xanh và nhỏ nhắn vẫn hằng vuốt những nếp quăn góc của tôi, nhớ nụ cười ngời sáng khi cô chợt khám phá ở tôi một điều gì mới lạ...
Một trong những người bạn của cô chủ mượn tôi về chỉ vì tò mò, muốn sử dụng giá trị của tôi chứ không thực sự coi tôi như một người bạn thân thiết. Họ vồ vập tôi rồi ngay sau đó lại vứt tôi lung tung. Họ gấp mép không biết bao nhiêu trang sách để ghi dấu làm cho tôi đau quặn thắt. Và điều tồi tệ nhất, họ không ghi chép lại những điều cần thiết mà xé hẳn mấy chục trang sách mà họ cần dùng rồi ném tôi vào một xó cho đến hơn một năm sau mới trả tôi về cố chủ.
Trong những ngày tháng phải xa cách cô chủ nhỏ, tôi lúc nào cũng nhớ thương cô da diết, mong muốn nhanh chóng được trở về nhà, được cô chủ nhỏ vuốt ve trìu mến và đọc chăm chú những tri thức mà tôi luôn muốn tận hiến cho một người biết yêu quý sách một cách thực thụ.
Ngày các bạn đến thăm và trả sách, cô chủ hồn nhiên và tin cậy bạn nên vui vẻ nhận lại tôi mà không kiểm tra hay hỏi han gì hết. Cô cũng đồng ý cho bạn bè khất lần sau sẽ trả những quyển sách đã mượn vì hôm đó đi vội quên mang theo sách hoặc hứa sẽ trả sau vì còn đang cần sử dụng.
Tối đó, cô chủ mang tôi vào giường để đọc. Tôi biết ngoài việc muốn đọc lại tôi, cô chủ nhỏ còn là vì nhớ người bạn đã xa cách quá lâu. Nhìn cách cô mân mê tôi trên tay mà tôi nghẹn ngào vì biết mình đã trở về với cô không trọn vẹn như trước... Tôi nuốt nước mắt khi nhìn thấy cô chủ vô tư không hề hay biết quyển sách mà mình trân quý đã bị lấy cắp mất mấy mươi trang. Tôi cũng thầm mong cô hãy khoan biết sự thật để cô còn được sống trong sự hồn nhiên và tin yêu cuộc đời. Nhưng điều gì đến tất nhiên phải đến.
Một tháng sau, cô chủ đọc đến những trang cuối thì phát hiện tôi không còn lành lặn nữa. Cô thảng thốt, ánh mắt hoảng hốt và khi hiểu ra sự thật, cô nhấc vội ống nghe lên định gọi cho người bạn đã mượn sách. Nhưng rồi cô bỗng buông rơi ống nghe, không gọi nữa, ghì xiết tôi vào lòng và nước mắt từ từ ứa ra trong lặng lẽ... Cô chủ buồn hẳn đi, thường đứng im lặng bên giá sách hàng giờ như muốn xin lỗi chúng tôi vì đã quá chân thật và tin người. Cũng từ đó, giá sách chúng tôi mất hẳn những người bạn từng quây quần bên nhau vì những người bạn của cô chủ đã quên lãng mà không trả họ về ngôi nhà cũ như lời đã hứa...
Chắc loài người không bao giờ hiểu được những quyển sách như chúng tôi cũng có linh hồn và tình cảm nên mới hành xử như vậy. Nỗi đau mất mát thân xác của tôi xét cho cùng có lẽ không bằng nỗi thất vọng mà cô chủ nhỏ của tôi phải hứng chịu.
Ôi! Tôi yêu quý vô cùng cô chủ nhỏ của tôi và không biết phải làm gì để bù đắp cho cô bây giờ?!..



LỜI   KHUYÊN  CHÁU  GÁI
Đăng ngày: 08:13 09-10-2011
Cô không biết mình có đủ tư cách để nói với cháu những lời này hay không vì cháu còn mẹ và lẽ ra mẹ cháu phải làm việc này mới phải. Nhưng cháu là cháu ruột của cô, nếu cô cứ mãi im lặng thì sau này cháu mà không có hạnh phúc hoặc gặp những trắc trở trong cuộc đời, cô sẽ vô cùng hối tiếc và day dứt vì ngày trước do e ngại, giữ ý tứ mà đã không khuyên nhủ cháu sống sao cho đúng đạo lý làm người.
Vì vậy hôm nay, cô mong cháu hãy lắng nghe những điều cô nói, bình tâm suy nghĩ để gạn lọc từ đó những gì mà cháu cho là có thể chấp nhận được, rồi thay đổi hành vi cư xử, quan điểm sống để sau này cháu không phải ân hận trong muộn màng.
Ngày cháu thành hôn, cô rất vui vì cháu đã trưởng thành và yên bề gia thất. Nhưng bên cạnh, cô vẫn không khỏi phân vân, lo lắng vì không biết cháu đã chuẩn bị tốt tâm thế để làm dâu, làm vợ và làm mẹ hay chưa ? Do cha mẹ cháu ly thân đã lâu, cháu ở bên nhà ngoại nên cô cháu mình ít có dịp gần gũi để tâm sự và hiểu về nhau hơn. Cháu lấy được người chồng con nhà khá giả, lại là con trai độc nhất nên cô vừa mừng vừa lo. Mừng là vì từ đây cuộc đời cháu sẽ có được sự bảo bọc đầy đủ, nhưng lại lo vì không biết cháu có thật lòng yêu thương và lấy người đó làm chồng hay chỉ vì ham của cải nhà người ta. Cô chỉ còn biết âm thầm cầu nguyện cho cháu của mình biết suy nghĩ, vì yêu thương chồng mà làm tròn bổn phận vợ hiền, dâu thảo.
Cô rất buồn trong ngày cháu cưới của cháu. Cô ngại vô cùng khi bên nhà ngoại của cháu trách móc mẹ chồng cháu không đưa cho vợ chồng cháu số tiền dằn đồng trong ngày đám hỏi mà nhà gái không nhận, gửi lại nhà trai và bảo là cho hai cháu. Riêng cháu còn tỏ ra bất mãn mẹ chồng về chuyện này nữa.
Cháu à! Sao cháu không nghĩ xa hơn một chút, cha mẹ đã nuôi dạy con cái bao năm trời rồi còn đứng ra gây dựng gia đình cho các cháu thì vài triệu tiền đồng nhỏ nhoi kia có giá trị gì so với công lao trời biển của cha mẹ? Những gì cha mẹ chắt mót hôm nay cũng là để dành cho con cái sau này. Huống hồ cha mẹ chồng cháu đã bỏ ra biết bao tiền của để lo cho hai cháu có một đám cưới rình rang, nở mày nở mặt nhà gái đến như vậy...
Một người con gái khi đã lấy chồng là phải thay đổi cách sống cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Nhưng cháu đã không làm như vậy. Cháu luôn tìm cớ để chạy về nhà mẹ ruột. Nhà chồng là dân lao động, nay cưới được đứa con dâu có học thức cao, làm việc văn phòng thì rất hãnh diện, luôn muốn được gặp gỡ và nói chuyện cùng cháu thì cháu lại né tránh, cho là nói chuyện không hợp, tẻ nhạt và không biết nói gì với họ. Sao cháu lại có thể kiêu căng, tự phụ đến như vậy ? Nhiều khi, những người bình dân, quê mùa, ít học lại là những người sống rất trọng tình trọng nghĩa mà chưa chắc những kẻ học cao hiểu rộng, vốn cho mình giỏi giang, tài cán đã làm được.
Cháu ơi! Vừa rồi cô thay mặt nhà nội qua nhà chồng cháu ăn giỗ cụ bà, cô gặp một tình huống thật đáng hổ thẹn. Cháu đang theo học lớp tại chức liên thông lên đại học và lấy cớ nếu nghỉ học thì sẽ bị cấm thi để vắng mặt trong ngày giỗ cụ. Cô thật ái ngại với bên chồng của cháu và suốt bữa tiệc chỉ biết cúi đầu im lặng nghe họ hàng trách móc mẹ chồng cháu không biết khuyên dạy con dâu.
Cháu ơi! Cháu đã sai rồi. Không thi được lần này thì thi lại lần sau. Còn cháu đầu hôm sớm mai về làm dâu mà đã cư xử như vậy thì khác nào cháu chỉ biết có bản thân mình mà coi thường nhà chồng, không hiếu kính với tổ tiên ông bà, xem nhẹ việc chạp họ như vậy. Dù cho người ta có danh phận, học hàm cao đến đâu chăng nữa thì cũng không thể quên đi cội nguồn, xem nhẹ việc báo hiếu cho tổ tiên ông bà được cháu à!
Cháu luôn miệng than thở là không thoải mái, chưa quen nề nếp nhà chồng nhưng lại vô tư khoe mình đi làm về đã có cơm nước do mẹ chồng nấu sẵn, ăn cơm xong cháu chỉ có mỗi việc rửa ráy, lau chùi bếp núc. Thậm chí biết cháu ghiền xem phim Hàn Quốc, chồng cháu còn giúp cháu giặt quần áo, ủi đồ cho cháu tự do xem phim. Phim Hàn Quốc có nhiều cái đáng học hỏi: học làm theo điều tốt và học cả cách loại bỏ thói hư tật xấu. Thế nhưng cháu xem chỉ là để giải trí mà không học hỏi được điều gì cả. Nhiều khi cô cảm thấy ái ngại cho chồng cháu vì thấy cháu chẳng tỏ ra biết quan tâm, chăm sóc cho chồng gì cả.
Vợ chồng yêu thương nhau là cả hai phải cùng biết lo lắng, nhường nhịn và hy sinh cho nhau. Đằng này cháu chỉ biết hưởng thụ và yêu sách cho bản thân mình mà không nghĩ cho đối phương cũng cần được quan tâm như vậy. Cô vẫn nhắc cháu phải xem nhà chồng như nhà mình, cháu bảo vẫn sống như thế nhưng mà cháu lại không gắn bó với nhà chồng, nếu không muốn nói là sống rất xa cách với mọi người.
Cô không hiểu cháu có làm gì không phải với bên chồng hay không mà luôn có thái độ né tránh họ như vậy ? Cô thật sự lo lắng mà không tiện hỏi cháu. Cô chỉ biết khuyên cháu sống trên đời phải biết quý trọng tình nghĩa, đừng xem nặng tiền bạc, vật chất mà bỏ quên cái giá trị cao quý của luân thường đạo lý. Con người hơn nhau là tư cách, phẩm chất, đức độ chứ không phải bằng nọ bằng kia, gia tài này sự sản nọ.
Ngay cái việc có con mà cháu cũng làm cho cô thật sự bất ngờ. Đầu tiên là cháu muốn sống cho thoải mái, tự do nên chưa chịu có con. Sau đó, cháu lại sợ để lâu lỡ sau này không sinh được lại quyết định sinh em bé. Rồi sợ sinh con ra rồi vướng bận không đi làm được nên muốn gửi cho họ hàng ở xa nuôi giúp rồi mỗi cuối tuần về thăm. Cháu ơi! Con là của cải Trời cho, đâu phải muốn hay không là được đâu hả cháu? Người phụ nữ được Tạo hóa ban cho niềm hạnh phúc lớn lao là được sinh và nuôi dạy con cái nên người. Còn có thiên chức nào thiêng liêng hơn là được làm mẹ đâu cháu. Được bế con trẻ trên tay, nhìn nó chúm chím đôi môi nhỏ xíu bú bầu sữa mẹ, hai mắt lim dim ngủ thì lòng người mẹ nào mà không cảm thấy ấm áp, hạnh phúc ? Nụ cười đẹp nhất trên đời vẫn là nụ cười tinh khôi, hồn nhiên của con trẻ trong giấc ngủ bình yên trong lòng người mẹ. Sao cháu lại có thể từ chối niềm hạnh phúc tuyệt vời đó chỉ để được rảnh rang, tự do mà theo đuổi sự nghệp ? Cháu có nghĩ đến những lúc con thơ thèm khát hơi ấm của mẹ mà bên cạnh chỉ là người ngoài thì dù cho đó có là họ hàng thân thiết đi chăng nữa cũng không làm sao bù đắp được cháu ạ ! Rồi khi con trẻ ốm đau mà không có người mẹ bên cạnh để chăm sóc, nâng niu, vỗ về và tiếp thêm sức mạnh cho bé thì con của cháu có phải là đã quá bất hạnh hay không ?
Rồi lúc nhà bên chồng nằm trong diện di dời giải tỏa, cha mẹ chồng hứa sẽ cho vợ chồng cháu một số tiền khá lớn để về đất bên ngoại cất nhà mà ở. Cháu bực tức hỏi cho tiền cất nhà chứ còn tiền đất thì đâu sao không nghe nói đến? Cháu quên mất trước kia cháu cứ đòi về bên mẹ ruột ở và mẹ cháu sợ con gái làm dâu cực khổ cũng đã hứa cho các cháu nền đất hay sao ? Các cháu tốt số có được cha mẹ chia của cho như vậy là sung sướng hơn biết bao nhiêu người phải ở nhà thuê mà vẫn còn tằn tiện để có tiền gửi về phụng dưỡng cha mẹ hai bên. Nội ngoại chung lo cho các cháu như vậy là tốt quá rồi, cháu còn đòi hỏi gì hơn ? Sao cháu không chịu hiểu cho nỗi khổ của nhà chồng sau này biết có tìm ra được mảnh đất khác thuận tiện để làm ăn buôn bán nữa hay không ? Mà bên chồng còn có các chị em gái nào giờ ở chung nhà, cùng làm ăn chung với gia đình, giờ cả nhà còn lúng túng vì số tiền đền bù giải tỏa chắc gì đã đủ để tạo lập lại cơ ngơi như trước đây ? Cháu như vậy là chỉ biết nghĩ có riêng mình, cô thật lấy làm buồn lòng vì cháu suy nghĩ hẹp hòi đến như vậy.
Chồng cháu là một người tốt, hết mực yêu thương chiều chuộng cháu nhưng nếu cháu cứ sống theo thói quen thời con gái, chỉ biết có bản thân mình và ương bướng như vậy thì cô lo sợ sẽ có ngày chồng cháu quá mệt mỏi, chán nản và mất dần lòng yêu thương đối với cháu. Cô mong cháu hãy nhìn lại cách sống của mình mà thay đổi và hoàn thiện mình hơn.
Có thể cháu sẽ cho cô là bà cô già, không có chồng nên khó tính khó nết, nhưng cháu ơi, hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ Á Đông đâu dễ phai nhòa như vậy được. Cuộc sống thời hiện đại đã làm cho người phụ nữ ngày càng năng động hơn, sáng tạo và đổi mới hơn nhưng không có nghĩa là phải từ bỏ tất cả những giá trị, phẩm chất đạo đức quý báu đã có từ ngàn đời nay của một người phụ nữ Việt Nam là chịu thương chịu khó, nhẫn nại, hết lòng yêu thương chồng con và hy sinh bản thân cho gia đình, người thân.
Cô cảm thấy cháu đang đi vào vết xe đã đổ của bố mẹ cháu ngày xưa. Cô lo sợ hình ảnh của mẹ chồng cháu ngày nay sẽ là hiện thân của bà nội ngày trước_ một người mẹ chỉ vì quá thương con trai mình mà nín nhịn tất cả. Nhưng nếu cuộc hôn nhân của cháu rồi cũng kết thúc giống như bố mẹ cháu thì thật là nghiệp chướng. Lẽ phải thuộc về ai, cô không dám phán xét nhưng cô không thể nhìn cháu phải gánh chịu một hệ quả sâu nặng đến như vậy.
Cháu nghĩ gì về cô là tùy ở cháu. Cô chỉ mong sao cháu hãy suy nghĩ về những điều mà cô nói hôm nay. Cô chúc cháu sẽ có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc mãi mãi.



ĐÀN  
Đăng ngày: 07:24 02-09-2011
Người ta từng nói: Đàn bà là sinh vật phức tạp và khó hiểu nhất trần gian. Điều đó có đúng hay không, bạn và tôi hãy cũng tìm hiểu và tranh luận nha! Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện hoàn toàn có thật sau đây.
Cách đây mười lăm năm, tôi được mời dự một đám cưới. Cô dâu có những hai bà mẹ và ngày cưới của cô đãi đằng rất lớn và nhìn bề ngoài thì tràn đầy niềm vui và hạnh phúc như hầu hết các đám cưới khác. Còn tâm trạng những người trong cuộc ra sao thì tôi không biết và cũng vô cùng muốn biết.
Nghe nói mẹ ruột của cô dâu là một phụ nữ góa chồng khi còn rất trẻ và một nách đến năm sáu con thơ. Do có chút nhan sắc nên bà thường bị nhiều gã đàn ông háo sắc gây phiền phức. Cuối cùng để được yên thân nuôi con, bà đã bằng lòng lấy lẻ một người đàn ông có vợ đã nhiều năm mà không thể có con do người vợ bị vô sinh. Mẹ cô có được hai người con với người chồng sau, đủ cả nếp tẻ, và đó là sợi dây gắn chặt giữa hai gia đình, là niềm vui mà cả hai người phụ nữ cùng có được khi nghe con thơ cất tiếng khóc chào đời và nhìn chúng lớn lên từng ngày.
Cô dâu gọi mẹ ruột mình bằng vú và gọi vợ lớn của ba (tạm gọi như vậy vì không biết phải gọi thế nào cho đúng) bằng má. Còn các anh chị cùng mẹ khác cha với cô dâu thì gọi má của cô dâu bằng dì Hai. Có lẽ từ nhỏ cô đã được giao cho vợ lớn nuôi dạy hay sao mà thấy đám cưới được tổ chức bên nhà đó. Hai nhà lại liền sát bên nhau, không có rào ngăn nên bàn tiệc được đặt trong cả hai sân. Khi khách khứa đã đông đủ và nghi lễ bắt đầu, tôi thật ngỡ ngàng khi thấy cô dâu chú rể tươi cười đi chào từng bàn tiệc và đi cùng đôi tân lang tân nương là ba - má cô dâu chứ không phải là ba - vú. Người vợ lớn này tỏ ra là một bà chủ gia đình, người chủ hôn và quán xuyến rất tinh tươm cho một ngày trọng đại như hôm nay. Người cha cũng tỏ ra rất vui sướng, hạnh phúc và hãnh diện trong ngày con gái mình xuất giá. Còn người mẹ ruột của cô dâu tôi không thấy xuất hiện trong suốt cả buổi tiệc cưới. Phải chăng đây là một sự hy sinh rất lớn của người mẹ và cũng để đáp đền trọn vẹn đạo nghĩa, tình cảm gắn bó giữa họ trong suốt mấy mươi năm ?
Khi lấy chồng, người phụ nữ thường hết lòng yêu thương chồng con và thầm lặng hy sinh cho gia đình. Tôi thật sự cảm phục hai người phụ nữa đó đã sống hòa thuận, chia sẻ vui buồn sướng khổ với nhau hằng bấy năm trời. Họ biết nhường nhịn và thật sự thương nhau như hai chị em ruột. Người ta có thể rộng rãi, phóng khoáng trong mọi cái nhưng tình cảm thì rất khó san sẻ, đàn ông hay đàn bà đều giống nhau ở điểm này. Vậy mà họ đã biết nhẫn vì một điều thiêng liêng khác, vì những đứa con và vì cả sự bất hạnh của nhau nữa. Chỉ có những người hiền đức mới có thể sống đời sống giản dị mà cao thượng đến như vậy ! Trời đã bù đắp cho họ, hai bà mẹ ấy thật sự hạnh phúc vì họ cùng có một đàn con hiếu thảo, hòa thuận và đều có danh phận trong xã hội.
Xã hội ngày nay quy định hôn nhân một vợ một chồng là đúng nhưng cũng chưa phải là một chân lý tuyệt đối. Sống ở đời có những điều rất khó hiểu mà chỉ có sự mầu nhiệm của lương tri mới có thể hóa giải tất cả. Câu chuyện tôi kể ở trên là một minh chứng.
Bài viết chủ quan theo suy nghĩ nông cạn của bản thân, mong được mọi người thông cảm và góp ý thêm.



GIÁ  TRỊ  THỰC  CỦA  CUỘC  SỐNG
Đăng ngày: 21:00 26-08-2011
Nhiều khi tôi tự hỏi mục đích sống của con người là gì ? Tại sao người đời cứ đuổi theo những thứ sáng chóa, phù phiếm mà không đi sâu vào cái giá trị bên trong, cái bản chất thật của người và sự vật ?
Một đứa trẻ khi được người lớn cho quà bánh, nó chỉ biết nhìn lom lom vào cái bánh, chiếc kẹo để mong được cho phần to nhất, nhiều nhất mà không hề nghĩ đến có ngon hay không và mình có ăn được hay không? Thức ăn có những món vị rất khó ăn nếu như ta không quen. Nhìn thấy thì rất ngon, rất thèm nhưng khi ngậm vào miệng thì phải vội phun ra bằng không sẽ ói tới mật xanh mật vàng. Thị giác lúc đó chưa đủ để đánh giá chất lượng của vật mà còn cần phải có sự hỗ trợ của vị giác và khứu giác nữa.
Một phụ nữ nhìn thấy một đôi giày đẹp vội trầm trồ và bằng mọi cách để có tiền mua cho bằng được. Nhưng khi mua về và mang vào thì lại nhận ra là nó không phù hợp với mình vì nhiều lý do khác nhau. Hoặc màu sắc, kiểu dáng không phù hợp với công việc, lứa tuổi. Hoặc đi lại bất tiện vì gót quá cao, dây quá mảnh, mỗi bước chân đi cứ phải lúm khúm, đã vậy còn bị sưng tấy và giộp cả da chân thật vô cùng đau đớn.
Người đàn ông trong một dịp nào đó bị cuốn hút bởi một cô gái vì nhan sắc mĩ miều, nói năng lôi cuốn và có thái độ thanh lịch, đài các. Rồi họ vội vàng tìm hiểu, thương yêu và tiến đến hôn nhân. Khi về chung sống với nhau, tính tình và bản chất thật mới ngày càng hiện rõ. Cô vợ vẫn xinh đẹp như ngày nào nhưng quá vô vị, rỗng tuếch về tri thức và hời hợt trong cách sống và cư xử với mọi người. Trách ai bây giờ khi chính anh ta đã không chọn cái chiều sâu của tâm hồn mà đã vội hoa mắt trước vẻ bề ngoài bóng bẩy của cô gái.
Người phụ nữ choáng ngợp trước sự giàu có, biết chiều chuộng và khéo ăn nói của người đàn ông rồi nhầm tưởng đây là mẫu người chồng lý tưởng để trao gởi cuộc đời. Lấy nhau rồi mới biết anh ta giàu nhưng bủn xỉn, keo kiệt và đồng tiền anh ta kiếm được là phi nhân bất nghĩa. Sự chiều chuộng ngày trước bây giờ thay bằng thói gia trưởng, thiếu hiểu biết và không tôn trọng nhau. Rồi một loạt thói xấu của người đàn ông mà ai cũng có ít nhiều như cẩu thả, luộm thuộm, ghen tuông ... thế là thần tượng trong lòng sụp đổ. Thay vì tìm cách xây dựng cho cho nhau thì lại vội chán chường, buông xuôi và cuối cùng dẫn đến va chạm và tan vỡ hôn nhân. Phải chăng người phụ nữ đã vì cái hào nhoáng bên ngoài làm mờ mắt nên không đủ tỉnh táo để nhận ra con người thật sự bên trong của đối tượng kia. Giờ có hối thì cũng đã muộn.
Ngọc quý thường ẩn sâu trong đá. Chỉ những ai có công đi tìm mới may ra có được. Nhưng có công tìm cũng chưa đủ, đôi khi còn phải cần đến vốn hiểu biết và kinh nghiệm để phân biệt giá trị của từng loại ngọc vì đâu phải loài ngọc nào cũng có giá trị như nhau.
Ngọc quý tìm đã khó. Người hiền đức càng hiếm hơn ngọc quý kia gấp vạn lần. Tìm ngọc quý chỉ cần vốn hiểu biết và kinh nghiệm là coi như tạm đủ. Thế nhưng muốn nhận ra người hiền thì không chỉ có vốn sống mà làm được. Vì nhận ra rồi chưa chắc đã chiêu được họ. Ngày xưa, các bậc vua chúa còn phải năm lần bảy lượt đến lều cỏ mới chiêu được hiền tài ra giúp nước.
Họa chăng phải thật sự tinh tế và có một tấm chân tình thì mới tìm được cho bản thân mình một viên ngọc quý, đó chính là người bạn đời thủy chung và hiểu biết, người bạn nối khố hay một cộng sự đáng tin cậy.
Ngọc thật thì tự nó phát sáng chứ không cần phải tô điểm, đánh bóng. Còn chân giá trị của cuộc sống mới chính là một thứ ngọc quý báu nhất trên đời mà không phải bất kỳ ai cũng nhận thức và có được.


ĐÀN  ÔNG
Đăng ngày: 08:34 17-08-2011
Tôi viết tản văn này, biết chắc sẽ có nhiều người phản đối. Nhưng đây chỉ là cảm nhận của riêng tôi, đương nhiên phải còn nhiều thiếu sót không tránh khỏi. Và cũng chính nhờ đó, chúng ta mới có cái để tranh luận, bàn cãi.
Thói thường, một cặp vợ chồng trẻ mới lấy nhau đều mong sinh con đầu lòng là con trai. Có con trai là coi như đã xong xuôi gánh nặng có người nối dõi tông đường. Ngay sau này khi đã có một đàn con rồi, người mẹ cũng dành tình thương cho con trai nhiều hơn. Nhưng ngược lại, người bố thì lại yêu thương con gái hơn. Con trai nghe sao mà ngọt ngào, âu yếm và khi trưởng thành, hai tiếng đàn ông lại biểu hiện một sức mạnh, một chỗ dựa và là niềm tự hào của gia đình. Một lần, tôi đã nghe một ông Hiệu trưởng nói với các cô giáo của trường mình như sau : " Mấy bà chỉ biết quý con trai. Sinh con chỉ cầu là con trai. Mọi quan tâm, lo lắng đều dành cho con trai nhiều hơn. Sau này trưởng thành, nó là trụ cột gia đình, chỉ biết chăm lo cho vợ con, chừng đó các bà tha hồ mà tức tối ".
Vì khi sinh ra là đã mang trên vai sứ mệnh làm trụ cột của gia đình nên đàn ông chỉ biết làm những chuyện lớn lao ngoài xã hội, do đó họ thường ít quan tâm đến những chuyện tủn mủn trong nhà vì nghĩ đó là chuyện của đàn bà. Quan niệm này hoàn toàn không sai, nhất là dưới xã hội phong kiến vì lúc đó đàn bà chỉ quanh quẩn trong nhà làm nội tướng. Nhưng ngày nay, xã hội đã thay đổi và vai trò, vị trí của người phụ nữ ngoài xã hội đã ngang bằng đàn ông nên mới nảy sinh những xung đột trong gia đình là tất yếu. Người vợ vừa phải làm tốt công việc ở cơ quan vừa phải chu toàn việc nhà nên không đủ sức đảm đương, trong khi người chồng lại vô tâm không biết cùng chia sẻ với vợ nên trong mắt vợ họ trở thành người đàn ông vô trách nhiệm, sống ích kỷ và chỉ biết hưởng thụ. Thế nhưng nếu họ yêu thương và biết quan tâm đến nhau thì việc gì cũng có thể vượt qua và gia đình của họ càng thêm hạnh phúc.
Bởi vì sao ? Tình yêu là cho đi chứ không phải là nhận. Và trong cái cho đã bao hàm có nhận rồi. Người chồng biết sự vất vả của vợ thì sẽ không nệ hà giúp vợ việc nhà và người vợ thương chồng càng gắng sức làm để chồng được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc cực khổ ở bên ngoài; cuối cùng là có phải cả hai đã cho đi và nhận lại cả rồi không ?
Có một số quan niệm lại cho rằng phải có con gái vì con trai sau này hời hợt, không biết quan tâm chăm sóc cho cha mẹ lúc già yếu. Nhận định này chưa hoàn toàn đúng vì điều đó còn do tâm tính và cách giáo dục của từng gia đình. Nếu được sinh ra trong một gia đình nề nếp, mọi người biết quan tâm, chia sẻ và yêu thương nhau thì người con trai đó khi trưởng thành sẽ là một người đàn ông có trách nhiệm, biết suy nghĩ và rất chu đáo. Còn nếu như ngày còn nhỏ, người con trai luôn được mẹ yêu chiều, úm quá kỹ thì khi trưởng thành, anh ta sẽ quen cách sống như vậy, bản thân còn không tự lập được thì nói gì lo cho ai khác ?
Tôi từng biết có những người đàn ông rất tốt. Họ quan tâm đến gia đình và chăm sóc người thân rất chu đáo. Có những ông bố từng ru con ngủ trên đôi tay của mình bằng tất cả sự trìu mến, tự hào. Có những người đàn ông chăm lo vệ sinh cá nhân cho mẹ già khi ốm đau nằm một chỗ đầy lòng yêu thương, hiếu kính. Có những người chồng chăm sóc cho vợ lúc sinh con hay đau ốm rất tận tình, chu đáo.
Ngay mới vừa đây thôi, lúc tôi xuống nhà đứa học trò để chữa bệnh cho tiện vì gần các bệnh viện lớn. Lúc đưa tôi về nhà, cậu học trò cứ luôn miệng hỏi : " Cô có mệt không ? Em chạy xe có nhanh thì cô nói ngay để em giảm tốc cho cô khỏi chóng mặt ". Và khi tôi vào chợ gần nhà mua thức ăn, lúc trở ra đã thấy em mua một túi bánh ngọt và nói : " Em mua bánh cho cô để dành ăn. Cô phải ăn nhiều bữa nhỏ, đừng bao giờ để bụng trống thì bao tử mới không bị đau ". Khi về tới nhà, cậu học trò còn mượn hồ sơ bệnh án của tôi coi thật kỹ lưỡng, dặn dò đủ điều rồi mới ra về. Thảo nào cô học trò của tôi thường bảo là em trai mình chu đáo lắm.
Nhiều khi, có những phụ nữ có quan niệm sai lầm là không thích chồng yêu thương mẹ ruột và quan tâm đến gia đình mình. Điều đó xuất phát từ sự ích kỷ và lòng đố kỵ. Thật ra, người phụ nữ nào may mắn lắm mới gặp được người đàn ông như vậy. Bởi vì người đàn ông nào hết lòng yêu thương, lo lắng cho mẹ của mình thì sẽ là người chồng chung thủy , biết yêu thương và chăm lo cho gia đình.
Còn một điều nữa mà đôi khi chúng ta chưa hiểu hết, đó là người đàn ông có vẻ bề ngoài mạnh mẽ của cây tùng, cây bách nhưng kỳ thực trái tim của họ rất yếu ớt, họ cần sự che chở, nâng niu của người mẹ, người yêu và người vợ. Chính sự yêu thương, chăm sóc, tin tưởng và khích lệ của người phụ nữ sẽ là sức mạnh giúp cho người đàn ông làm được việc lớn. Tuy là phái mạnh nhưng khi gặp thất bại trong cuộc sống, sự mạnh mẽ và sức chịu đựng của người đàn ông bị giảm sút rất nghiêm trọng và lúc đó họ rất cần sự cảm thông, hiểu biết và chia sẻ của những người phụ nữ mà họ từng yêu thương và tin cậy. Đây là lúc mà người phụ nữ phải hết sức khéo léo để giúp người đàn ông đứng lên, vượt qua thất bại và làm lại từ đầu. Trong cuộc đời, lúc thất bại là lúc người đàn ông dễ buông xuôi nhất vì vậy họ rất cần có người phụ nữ thông minh và nhân hậu ở bên cạnh vào những lúc như vậy.
Tôi tào lao mất rồi. Thôi không viết nữa đâu. Bây giờ thì chờ nghe ý kiến của mọi người.



GẦN  CUỐI  ĐỜI  NGƯỜI  NGẪM  LẠI
Đăng ngày: 19:00 04-08-2011
Gần cuối cuộc đời, người ta có nhiều thứ để phải trăn trở, suy tư và hối tiếc. Một lời hứa chưa làm được rồi vì hoàn cảnh mà không thể gặp lại người để xin lỗi cho việc mình đã thất hứa sẽ luôn canh cánh bên lòng. Một tình yêu đầu đời do cảnh ngộ phải chia lìa sẽ là nỗi nhức nhối trong tim nếu vô tình gặp ai đó có nét gợi nhớ người xưa. Một hành động hàm hồ, thiếu cân nhắc gây tổn thương cho người khác sẽ là nỗi ray rức không thôi. Một phán đoán sai lầm khiến bản thân phải trả giá sẽ là nỗi đau xót, hối tiếc suốt cuộc đời. Một việc làm xấu xa, tham lam, ích kỷ khiến cho người khác bị tổn thất, thiệt hại sẽ là sự hối hận khiến cho ta không thể sống an vui, thanh thản được. Một tham vọng khiến cả đời cứ chạy theo tiền tài, danh vọng mà bỏ quên gia đình, thiếu sót bổn phận với người thân và khi họ đã rời xa ta mãi mãi sẽ là một sai lầm không thể tha thứ trong cuộc đời.
Gần cuối cuộc đời, người ta dường như không chỉ có sống ở thời khắc hiện tại mà một phần cuộc sống là hoài niệm quá khứ, là tìm lại những gì dấu ái xa xưa. Người ta nhớ về tuổi thơ, bạn bè, ngôi nhà thân yêu nơi cất tiếng khóc chào đời với biết bao kỷ niệm khó quên. Người ta nhớ từng ngóc ngách, địa danh, con người và tưởng chừng như vẫn còn đây, chỉ mới vừa hôm qua thôi.
Gần cuối cuộc đời, người ta thích cuộc sống yên tĩnh, ghét ồn ào, huyên náo nhưng lại rất sợ sự cô đơn và thích có bạn bè để tâm sự, trò chuyện. Ở tuổi này người ta có vẻ thích trải lòng hơn, có khuynh hướng tìm đến với văn thơ, nghiên cứu về tôn giáo và thích đi viếng cảnh chùa, đi hành hương, làm từ thiện.
Gần cuối cuộc đời, người ta không còn bon chen danh lợi, vật chất và tự chọn cho mình một cách sống dưỡng già phù hợp. Có lẽ lúc này là lúc người ta thấm thía nhất những phiền toái, những mất mát, những đắng cay và cả sự nghiệt ngã của cuộc sinh tồn mà họ vừa trải qua. Họ cảm thấy những gì họ đạt được bằng việc đánh đổi cả tuổi thanh xuân với biết bao gian lao, vất vả, tủi nhục hay ngay cả việc sử dụng thủ đoạn đều trở nên vô nghĩa.
Gần cuối cuộc đời chính là lúc người ta hiểu hết lẽ mầu nhiệm của cuộc sống nhưng tiếc rằng người ta không còn kịp thời gian để quay trở lại nữa rồi...



ĐÊM  MƯA
Đăng ngày: 22:32 26-07-2011
Đêm nay, trời mưa lâm thâm. Cuộn tròn trong chăn, tôi nghe mưa rơi mà lòng buồn nhớ miên man. Nhớ ngày còn dạy học ở huyện miền núi, vào những đêm mưa như thế này, tôi nhớ nhà và không sao ngủ được. Không gì khổ hơn nỗi khổ của một người phải sống xa gia đình. Ngoài sự thiếu thốn về vật chất, chúng tôi còn thiếu thốn điều thiêng liêng nhất là tình cảm của người thân. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi gắn bó và thương mến nhau nhiều hơn, tình cảm đồng nghiệp chan hòa và mật thiết hơn. Sau này chuyển về gần nhà, công tác nhiều trường nhưng tôi không sao tìm lại được tình cảm đồng nghiệp, tình cảm thầy trò và bầu không khí của ngôi trường đầu tiên.
Một biểu tượng đặc biệt của mái trường là tiếng trống. Những hồi trống giục giã vang lên trong ngày khai trường. Những hồi trống luyến tiếc, bùi ngùi của ngày kết thúc năm học. Suốt thời gian đi dạy, tôi hầu như làm việc trên văn phòng nhiều hơn là đứng lớp. Vì vậy, có nhiều lần đột xuất, tôi vẫn phải đánh trống thay cho ai đó để báo việc chuyển tiết. Tiếng trống trường gắn bó với tôi từ khi nào mà tôi cũng không hề nhận ra. Mãi sau này khi đã nghỉ dạy rồi, tôi mới cảm thấy có những lúc mình nhớ tiếng trống trường đến như vậy.
Ngày còn ở Thủ Đức, do nhà ở gần một Trường Tiểu học nên thỉnh thoảng theo luồng gió thổi, tôi vẫn nghe tiếng trống trường vang vọng từ xa. Có lúc tôi nghe cả tiếng hát của các em học sinh trong một hoạt động của Đội vào giờ chơi. Những lúc như vậy, tôi nhớ trường nhớ lớp gì đâu ... Thế mới biết có những điều khi còn ở bên ta thì ta thấy hết sức bình thường, còn đến lúc mất đi thì ta lại nhớ thương da diết, không nguôi.
Đêm nay nằm nghe mưa rơi tự nhiên tôi nhớ tiếng trống trường, nhớ bục giảng, nhớ từng trang giáo án và nhớ vô cùng ánh mắt của em thơ...



KHU  VƯỜN  THÂN  YÊU
Đăng ngày: 09:25 22-07-2011
Gần một năm nay, sức khỏe tôi không được tốt lắm nên khu vườn sau nhà không được chăm sóc chu đáo như trước đây. Nhiều khi đứng trong nhà nhìn ra khu vườn thân yêu, một cảm giác ngậm ngùi len nhẹ vào tim thật khó diễn tả...
Cây bưởi da xanh năm trước không nở hoa vào đầu xuân theo thông lệ, rồi như để an ủi vì thấy tôi buồn, nó ra một chùm hoa muộn vào giữa năm và đậu được hai quả duy nhất. Đầu năm 2010, có người bạn ở xa về chơi, tôi đã hái hai quả vừa chín tới đãi bạn để lưu một chút ngọt ngào của tình cảm quê hương dành riêng cho người viễn xứ. Năm nay, nghe lời em rể, tôi lặt bỏ hết lá ở những cành cụt mọc gần gốc, thế là cây bưởi ra hoa thật nhiều đợt và đậu gần hai mươi quả. Phải tội, chủ nhân thân còn lo chưa xong, lấy đâu chăm cho cây nên tuy trái nhiều mà bị đẹt câm. Cách đây một tuần, khi ra thăm vườn, tôi săm soi cành bưởi đơm đầy quả thì làm rụng mất một quả con con. Mang vào lột thử, ruột còn nhỏ, tép múi chưa nở,chưa mọng nước nhưng rất ngọt.
Cây cam đặc biệt xanh tốt nhưng chỉ tốt lá mà chưa chịu ra hoa kết trái. Cây xoài xanh giống Đài Loan tuy cao chưa quá ba mét, tàn chưa rộng mà mùa này cho được chục trái chiến đầu tiên. Avatar của tôi chính là những quả xoài nhà đó ạ. Xoài to trái phải biết, lủng lẳng trên cành khiến ai trông thấy cũng thích mắt. Mùa xoài đầu mà tôi không biết hương vị của nó ra sao vì lúc đó bị ốm nặng, toàn hái mang biếu và được nghe nói lại là xoài rất dòn và ngọt, ai ăn cũng khen. Nhưng không hiểu sao gần đây, cây xoài ra đọt non đều bị con gì cắn đứt hết lá, Những lá còn màu xanh non phớt hồng tía rụng đầy gốc, trông thấy mà xót cả ruột. Tôi đã bỏ xuống gốc một loại thuốc trừ sâu rầy mà xem ra chẳng ăn thua gì. Nhìn cây xoài xơ
xác mà thương làm sao đâu.
Cây vú sữa lò rèn cuối vườn cao chưa quá đầu tôi mà ra hoa trái mùa, giờ đang có khoảng năm sáu trái bằng ngón tay. Nhìn nó thật giống bà mẹ trẻ con, tội nghiệp mày quá vú sữa ơi! Tao đâu có háu ăn quả mà mày vội vàng chi thế cây ơi! Lỡ không may mày cố quá sức để rổi sau đó phải chịu lụn tàn thì tao biết làm sao đây ?
Cây khế của anh trai ỷ mạnh lấn lướt các bạn cùng nhà, tôi bực mình quá đã chặt bỏ vậy mà nó vẫn mọc lại. Nhìn nó lùn xủn, thấp tè, có vẻ cam phận, không còn hống hách như trước cũng thấy tội tội... Thôi mày cứ thế, đừng ham hố, cạnh tranh mà làm gì. Khu vườn nhà tao chỉ bằng nắm tay, cây trồng chủ yếu cho vui thì bọn bây sống phải biết nương nhau một chút nghe không, người một nhà cả mà.



HAI  SỐ  PHẬN
Đăng ngày: 21:49 08-07-2011
Cách đây không lâu, trong một lần đi chợ, tôi gặp một người phụ nữ có dáng dấp quê mùa, lam lũ đang cuốc đất trong khoảnh sân trước của một ngôi nhà to lớn. Chủ nhân ngôi nhà này là dì Hai, đồng thời cũng là chủ vườn cao su liền đó.
Dì có mấy người con có sạp buôn bán lớn trên chợ và đều có nhà riêng, còn dì thì sống với vợ chồng người con trai út trong ngôi nhà bề thế nằm giữa lô cao su rộng mênh mông. Khi tôi gật đầu chào, người phụ nữ tươi cười đáp lại và cho biết mình là em ruột của dì Hai, bấy lâu sống một mình ở xa, nay dì Hai kêu về ở chung cho vui. Dì mời tôi có rảnh chiều tối ghé nhà chơi, dì cho cây thuốc nam trị ho rất hay mang về trồng gây giống. Mỗi lần đi ngang nhà, tôi thường thấy dì làm việc ngoài vườn, không đốt rác thì cũng làm cỏ, gom củi cao su ... Dì Ba hiền lành và vui tính cũng giống như người chị nhưng dì gầy và đen chứ không trắng trẻo, đầy đặn như dì Hai nên trông có vẻ khắc khổ và già hơn chị của mình.
Bẵng một dạo tôi bị ốm, không ra khỏi nhà, hôm nay có việc đi ngang thì thấy dì Ba đang nẹp lại mấy bức vách của một căn chòi nhỏ nằm phía sau ngôi nhà lớn. Tôi chào và hỏi dì Ba làm gì vậy thì dì trả lời là đêm qua gió lớn làm tốc mấy tấm bạt, dì che lại cho khỏi lạnh. Bây giờ tôi mới chực nhớ là căn chòi nhỏ này chỉ mới được dựng gần đây thôi. Khi trông thấy nó, tôi cứ tưởng gia đình dùng để chứa các dụng cụ lao động của nhà nông vì nó chỉ khoảng bảy tám mét vuông, làm bằng cây tràm và tre, mái lợp mấy tấm tôn đã cũ còn vách là những tấm bạt sợi chỉ loại thường, mỏng dính.
Tôi cảm thấy có chút ngậm ngùi, hình ảnh tương phản của ngôi nhà to đẹp và căn chòi tạm bợ cứ đeo bám mãi trong tâm trí tôi. Nếu đêm nay lại có mưa dông như những đêm trước, hẳn là dì Ba sẽ lạnh và cô đơn, trơ trọi biết là bao nhiêu ...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget