Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Ca sĩ LÊ CÁT TRỌNG LÝ

            Trong hơn 80 năm lịch sử tình ca của Việt Nam (1930 – 2013), dù muốn dù không, Lê Cát Trọng Lý vẫn là một kế tục, một giọng điệu có nét riêng và tương lai, chắc chắn sẽ còn được bàn luận rất nhiều.

          Sinh ra ở Đà Nẵng, đã thử sống ở vài nơi, trong đó có Hà Nội, nhưng có lẽ Sài Gòn vẫn là đất của nghệ sĩ này, nó luôn biết cách an ủi và động viên, để cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.

          Nhìn khu biệt hơn, tính từ lúc phong trào nhạc trẻ miền Nam chính thức hoạt động công khai, thì đến nay, khái niệm/tên gọi nhạc trẻ đã tròn 50 tuổi. Trong chừng đó năm, đã có vô số tên tuổi và một vài phong trào nhạc trẻ hiện diện, tạo ảnh hưởng sâu đậm tại Sài Gòn và Việt Nam. Nếu phải điểm danh những cá nhân nổi bật và có nhiều đóng góp trong thời gian gần đây, thì Lê Cát Trọng Lý là một cái tên không thể bỏ qua. Thế nhưng, dòng nhạc pha trộn giữa kỹ thuật âm nhạc Tây phương, tự tình dân gian và những triết lý Đông phương mà Lý chọn lựa cũng không dễ gọi tên cụ thể. Rất may, trong cuộc tổng hòa đó, người nghe vẫn còn cảm thấy gần gũi bởi sự trẻ trung, trong sáng.

 Le-cat-trong-ly-1



          Lê Cát Trọng Lý được xem như một hiện tượng âm nhạc khi cô đoạt giải Bài hát năm của chương trình Bài hát Việt 2009. Cũng từ đó, khán giả biết đến Lê Cát Trọng Lý với hình ảnh cô gái nhỏ nhắn ôm đàn guitar hát những ca khúc do mình sáng tác. Ca khúc của Lê Cát Trọng Lý mang nhiều cá tính và là một dòng chảy âm nhạc khác hẳn với nhạc thị trường. Yếu tố để cuốn hút khán giả trong những buổi biểu diễn của Lý đơn thuần là âm nhạc, ngay cả ở thời điểm mà sân khấu ca nhạc nhộn nhịp với những chiêu trò độc đáo, vũ đoàn tấp nập, ánh sáng huyền ảo…



* Sau khi phát hành album đầu tay (1/2011) 
rồi sau đó làm show diễn, cho đến nay cũng đã gần hai năm, 
chị có thể chia sẻ về công việc của mình trong thời gian này?
          - Mới đó mà đã gần hai năm, cũng vẫn những việc sáng tác, biểu diễn, và thật sự là cũng có khá nhiều thời gian rảnh, nhưng tôi luôn suy nghĩ tìm hướng hoạt động cho mình. Không phải là hướng đi trong âm nhạc mà là sự kết hợp với các nhạc công trong công việc.


* Hoạt động như một nghệ sĩ độc lập, 
chị có gặp những khó khăn gì không?
          - Khó khăn nhất là trong việc tìm người cộng tác với mình. Tôi vừa sáng tác vừa hát, nhưng cũng có khi phải nhờ sự hỗ trợ của ban nhạc, nên tìm được những người hiểu tính chất âm nhạc của mình và gắn bó với mình là khó khăn nhất. Đối với các nhạc công trình diễn chung với tôi, họ không đơn thuần chỉ là người đánh các bản phối, cách mà các nhạc công làm việc với tôi là trên nền hòa âm có sẵn, họ phải sáng tạo ngẫu hứng theo đúng tinh thần mong muốn của tôi. Tìm được người đáp ứng nhu cầu đó không dễ, và cái quan trọng là tôi cũng không biểu diễn thường xuyên nên không thể bảo đảm thu nhập cho họ nên khó có sự kết hợp lâu dài. Có khi tôi cũng phải thẳng thắn nói vui là chính, ai thấy hứng thú thì kết hợp.


* Thời gian vừa qua, công việc sáng tác, biểu diễn như thế nào?
          - Tôi cũng sáng tác khá nhiều ca khúc, trong đó có một số ca khúc chưa thành sản phẩm hoàn chỉnh. Ở album phát hành lần này có hai ca khúc hoàn toàn mới, còn lại là một số ca khúc từng biểu diễn, nhưng chưa thu âm lần nào. Việc biểu diễn đối với tôi rất hạn chế, gần như chỉ biểu diễn với những mối quan hệ thân thiết mà mình không thể từ chối, hoặc là khi quá… kẹt tiền.


* Vậy lấy gì để trang trải cho cuộc sống?
          - À, đó là tôi nói đến việc chạy show (diễn các show sự kiện), còn tôi thì vẫn tự tổ chức những chương trình của mình, quy mô nhỏ thôi, thường là vài chục người, diễn trong không gian hẹp nhưng ấm cúng và là những người thật sự muốn nghe nhạc của mình. Những buổi biểu diễn như vậy mang lại cho mình nhiều cảm xúc và ý nghĩa thiết thực cho mình hơn.


* Là một nghệ sĩ độc lập, ở Việt Nam 
chị có nhiều đồng nghiệp không, có lúc nào 
chị cảm thấy cô độc giữa thị trường âm nhạc đang rất nhộn nhịp?
          - Nói thế nào đây? Thật sự tôi không phải là người cao đạo hoặc không cởi mở, nhưng tôi không có nhu cầu chia sẻ với đồng nghiệp, bởi tính chất hoạt động âm nhạc của tôi là như vậy. Tôi vẫn có những chia sẻ, nhưng không phải về âm nhạc, nên thường là chơi với người ngoài giới nhiều hơn. Ở Việt Nam có ít người hoạt động kiểu như tôi. Ở Hà Nội tôi biết có nghệ sĩ Xuân Đặng (sáng tác và chơi piano). Tôi từng xem nghệ sĩ này biểu diễn, họ cũng như vậy, có nhiều điều rất hay.
          Đôi lúc tôi cũng có cảm giác cô độc, nhưng cũng không hoàn toàn theo đúng nghĩa là indie artist (nghệ sĩ độc lập) đâu. Giới underground không thích nổi tiếng, họ chỉ làm những điều họ thích và tuyệt đối không hát event (sự kiện). Nhưng tôi thì “nửa trong, nửa ngoài” vừa trong showbiz vừa ngoài showbiz…


* Album vừa phát hành được chị “thai nghén” trong bao lâu?
          - Thật ra tôi không có ý định làm album này. Nhưng tình cờ khi nghe lại phần biểu diễn của mình dưới dạng như một tư liệu, tôi lại rất thích những bản thu âm này. Nó rất nhiều cảm xúc, khác với những bản thu trong studio, bởi đây là những bản nhạc mình hát mà trước mắt có khán giả, cảm giác rất thật với những cảm xúc mà mình muốn gửi đến cho những người đang ngồi nghe mình hát. Khác với cảm giác đôi lúc “lạnh lẽo” trong 4 bức tường của phòng thu.
          Dù những bản thu “sống” từ buổi biểu diễn này còn có vài khiếm khuyết, nhưng được cái là chất lượng âm thanh rất tốt và nhất là cảm xúc âm nhạc liền mạch mà trong phòng thu khó có được.


* Chị có thể nói thêm về buổi biểu diễn 
mà giờ đây những bản thu âm được dùng làm album?
          - Đó là chương trình Tuổi 25 biểu diễn ngày 1/5 vừa qua ở Hà Nội. Sở dĩ có buổi biểu diễn này là do trước đó khá nhiều bạn trẻ nói với tôi rằng, họ rất thích nghe tôi diễn, nhưng với giá vé bình thường như các live show thì họ không có điều kiện. Thế là tôi tổ chức một show riêng với giá rẻ dành cho sinh viên, hôm đó khoảng hơn 400 người đến dự.


* Chị nhận xét gì về “gu” nghe nhạc của giới trẻ hiện nay?
          - Nếu nói thị trường hiện nay, mỗi loại nhạc có một đối tượng công chúng riêng, điều đó không sai. Nhưng tôi thấy rằng khán giả hiện nay có khả năng nghe nhiều loại nhạc khác nhau. Loại khán giả thích nhạc này mà không thích nhạc kia hình như ít đi. Tôi cũng không có ý muốn tìm một lượng khán giả “trung thành” cho âm nhạc của mình mà cái quan trọng là mình “trung thành” với con đường mà mình đi…


* Cụ thể có những tiêu chí gì cho những ca khúc của “con đường” đó?
          - Cũng khó mà nói “tiêu chí”, nhưng đại khái là nó mộc mạc, chân thật, nhiều cảm xúc và cái quan trọng nhất là tôi cảm thấy nó giống mình, mình thích. Khán giả nghe thì cho rằng nó là của tôi.


          Sinh năm 1987, đã viết khoảng 80 ca khúc và ra 3 album riêng, Lê Cát Trọng Lý đã bảo đảm cho người nghe mình một sức làm việc bền bỉ, có trách nhiệm. Đầu tiên, đó là ý thức chọn lựa từng chữ và nét nhạc cho mỗi câu hát, không phải cứ gào rú hay lảm nhảm vô cớ trên một giai điệu, tiết tấu dễ dãi, sẵn có. Thứ hai, ngay trong từng ca khúc đã quen thuộc, cứ mỗi lần trình diễn hay mỗi khi thu âm lại, Lý cũng cố gắng tìm cách thể hiện mới, để đưa người nghe ra khỏi “quỹ đạo nghe” mà họ muốn tựa vào đó. Thứ ba, nền tảng về thi ca và triết lý của Lý tương đối nhanh nhạy, nên trước cảm thức của đời sống, Lý nắm bắt và biến hóa khá nhuyễn. Ví dụ ừ một câu thơ của thi sĩ kì dị, ít người biết là Phạm Phú Hải: “Có bàn chân dài hơn con đường/ Nên chân trời là những đốt xương”, Lý đã viết được ca khúc Tám Chữ Có gần đây:


Có ước mơ tựa như cánh buồm chờ cơn gió vút lên
Có vết thương mười năm đứng âm thầm vì cơn mưa sống lại
Có trái tim tựa như tiếng đàn làm tôi yêu xiết bao
Có bước chân dài hơn những con đường về nơi tâm vắng lặng…
Có giấc mơ vạn năm vẫn u sầu chờ bàn tay đến lay
Có tiếng ca là hương ngát trầm gọi người mê thức dậy
Có chuyến đi dài hơn đất trời và không thể đến nơi
Có tiếng kêu là im ắng im lặng là không thể hát về.


          Lý được biết đến nhiều là vì việc ca hát, nhưng ngay từ khởi điểm và trong sâu thẳm, Lý vẫn là người của việc sáng tạo, viết nhạc. Nếu tách bạch, thì cách hát của Lý chưa phải là hay, nhưng nó được cái lạ, tỏ rõ sự am hiểu và đam mê trong từng lời hát, nên lôi cuốn. Hình như gần đây Lý mới thích hát, nên cách hát đã tự nhiên và trơn tru hơn rất nhiều, bớt cái cảm giác lúng ta lúng túng khi đứng trên sân khấu; mà cũng ngặt, nghe thì hay, nhưng chẳng mấy ai hát nhạc của Lý cho ra hồn, nên tự biên tự diễn đã thành thể bắt buộc. Lời ca và “nhạc pháp” tuy thấy bình thường, nhưng đi vào trong, nó có cái quái chiêu và phá cách. Nói chung, về thanh, sắc và vóc, Lý đều thuộc diện bình thường, nhưng khi tổng hòa lại, nó trở nên xinh xắn, “đáng yêu vì nhỏ nhắn”, và có sức mạnh.

 lecattrongly



          Ngay một bài đậm chất thế sự như ”Nhiều người ôm giấc mơ”, tổng thể nhỏ nhắn này cũng đã mang lại được sự nhẹ nhàng, có người nói Lý hát như chơi, còn dân Quảng thì nói “nó hát như không”:


Nhiều người ôm giấc mơ giàu sang
Vài người ôm giấc mơ bình yên
Em cần an trú
Em cần yêu thương
Thời thì ai cũng xem mình hay
Và thì em cũng xem mình hơn
Khi lòng tan nát
Trăm lời vô nghĩa
Tự xem chúng ta hơn thua được chi?
Chờ mùa xuân đến tự màu môi
Chờ tình yêu đến như còn thơ
Em lòng khao khát nơi về nương náu
Chờ bàn tay đến đưa mình đi
Chờ bàn chân biết đi về đâu
Em chờ cây chín, em ngồi em hát
Lời ca biết vui như khi được  yêu
Xin miếng cơm luôn đong đầy
Tình yêu cũng dâng
Xin áo may đem cho người khắp nơi
Xin tiếng ca đây không ngừng
Bụi sương cũng vui
Xin sống vô tư cho ngày tiếp theo…


          Chính sự ngộ nghĩnh của Lý, và cũng chính bối cảnh nhạc Việt đang có nhiều bát nháo, xuống cấp… “hạt gạo” Lý trở nên sắt son và lung linh hơn. Đôi lúc chúng ta có cảm tưởng truyền thông Việt bơm thổi hay nâng niu Lý quá nhiều, đến mức thiên vị, nhưng nghĩ lại, truyền thông cũng có lý của họ. Bởi nếu không bảo vệ, khích lệ những trường hợp như Lý, chẳng lẽ chịu ngồi im để nhìn những thảm họa nhạc Việt càn quét, rồi lấn lướt, để trở thành duy nhất của nền tân nhạc hơn 80 năm, đầu voi đuôi chuột.

          Riêng Lý thì đã tỉnh táo hơn vài năm trước: “Tôi không nghĩ mình là cục cưng của truyền thông. Có thời điểm, tôi xuất hiện nhiều trên báo là do sự trùng hợp thôi. Thật may mắn khi truyền thông dành sự ưu ái cho tôi. Nhưng đôi khi nhìn lại những hình ảnh trên truyền thông, tôi không thấy chân dung của mình. Đọc nhiều bài viết, tôi thấy hiện lên một chân dung Lê Cát Trọng Lý đạo đức giả quá, nói toàn lời hay ý đẹp. Đó đâu phải là tôi (cười). Con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Nếu cứ cho người khác nghĩ mình hoàn hảo, đến khi gặp điều gì đó về mình, họ sẽ tổn thương”.



          Lý cũng đã biết “thôi những giấc mơ ngày xưa, ngày nay, ngày mai, ngày sau”, như một câu hát của chính Lý. Bởi: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người đặc biệt. Cách tôi chọn con đường mình đi, trên thế giới đã có nhiều người làm. Quan trọng là mình phải biết thực sự mình cần gì. Những người theo con đường underground như tôi, một là sống, hai là chết. Sẽ có lúc giữa chặng đường đi, phải thay đổi cho phù hợp với xu thế. Sẽ có lúc bị thị hiếu làm cho hoang mang. Nếu yêu con đường mình đi thì cứ đi, mặc kệ chung quanh. Cứ làm, rồi nhất định sẽ thành công. Nhưng nếu không có tình yêu thì dễ buông xuôi giữa chừng. Bởi con đường này sẽ không có ánh đèn lấp lánh, những lời tung hô, sẽ không kiếm được nhiều tiền, xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí. Tôi biết, giữa chặng đường đi đã có nhiều người bỏ cuộc, đánh đổi và chọn con đường khác”.

          Nhìn Lý nhỏ nhắn bên cây dương cầm, đã rõ, mà Lý còn nhỏ nhắn với tây ban cầm, vĩ cầm, nên thách thức và giông tố của con đường âm nhạc sẽ còn dài lâu và nhiều vô vàn. Chỉ biết mong Lý vững vàng để Sài Gòn còn xướng danh một cư dân sắt son của mình. Mà hình như Lý cũng đã cảm nhận được, “em chết rồi trời kia vẫn trong/ mây vẫn xanh và núi vẫn êm”, trong ca khúc “Con đường lạ”, Lý viết như vậy.




          Trên sân khấu "Lý tuổi 25" dưới ánh đèn màu, Lý vẫn là chính mình, với tóc ngắn vuốt keo nhẹ, khuôn mặt trang điểm thoáng qua chỉ nhằm tôn nét mắt môi, áo thun cắm thùng trong quần bó… Không cần thay đổi trang phục, không bài trí cảnh, không cần các màn trình diễn chiêu trò, ánh sáng từ đầu đến cuối vẫn một tông màu, một khoảnh sáng vừa độ để nhìn thấy nghệ sĩ, trên nền tấm phông màn tối, với một chiếc piano, mấy cái ghế, dăm cái micro, Lý cùng người bạn của mình đồng điệu chia sẻ gần 15 câu chuyện nhỏ của Lý, kết vào thành tâm sự chung của Lý khi sang tuổi 25: Thương, Mùa yêu, Con đường lạ, Thu lu, Chưa ai, Cơn bão nghiêng đêm, Chuyến xe… Riêng Liệu có được dài lâu hay không Lý hát bằng tiếng dân tộc…
Thế giới của cõi tâm


          Gần 15 nhạc phẩm mới Lý sáng tác trong thời gian gần đây chưa in đĩa, chỉ biểu diễn trong không gian nhỏ với số lượng người nghe hạn chế. Ngồi trên bồ đoàn kết bằng mây, trong khán phòng lịch sự, sang trọng và vẫn giản dị, nhẹ nhõm đậm tính thiền của Đông Kinh quán, nhìn Lý cầm ống nứa, một nhạc cụ của người vùng cao, đập lên đùi (Lý từng nói, cô tập nhạc cụ này đến tím đùi và đỏ ửng bàn tay), hòa tấu cùng tiếng chiêng điện tử âm vang trầm của nghệ sĩ Nguyễn Hồng Quang, tiếng đàn môi réo rắt, dư ba của nghệ sĩ Đức Minh, ngay khoảnh khắc ấy, trong bạn mở ra một miền đất mới của cao nguyên, tiếng suối chảy róc rách, tiếng hoa rơi, tiếng sương gió sa mù của phong cảnh vùng cao, cũng như bước chân bàn tay đong đưa trong nhịp múa điệu nhảy hay mùa gặt lúa mới của người dân miền núi.
          Và sâu bên trong những giai điệu lạ được dựng xây từ hồn cốt dân gian ấy, mở ra một thế giới của cõi tâm: “Người nằm mơ bước đi lang thang mộng du không biết đường quay về/ Người không mơ cũng đi lang thang nghìn phương đi tìm đường quay về” (Bài hát chưa đặt tên, Lý tạm gọi vui là bài hát hai câu). Hay “Trời sáng rồi, ta nguyện xin hoài thai làm con sông rộng/ Trời sáng rồi, ta nguyện xin hoài thai làm cơn mưa bay khắp…(Nhiều người ôm giấc mơ).

          Ở tuổi 25 của Lý, những giải thưởng Lý có được: Bài hát Việt,cống hiến, Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2011… thể hiện sự ghi nhận với những đóng góp thầm lặng của cô.
          Lý làm nhiều, nhưng hầu như cô ít khi muốn nhắc tới công việc của mình. Có những buổi chiều, ngồi thu lu trên ghế (Lý hay có dáng ngồi thu lu, và cũng vì dáng ngồi này mà Lý sáng tác bài hát Thu lu), nhìn chăm chăm vào cốc nước, trong một quán quen tĩnh lặng giữa lòng phố Hà Nội, Lý hoặc chỉ cười, hoặc thích nói chuyện làm thế nào để sống vui hơn, cảm nhận cuộc đời tận cùng hơn.
          Có thể là rất bận, nhưng giữa những khoảng thời gian nghỉ ngơi, Lý sẽ dành hết để lặng im nghe bạn chia sẻ nỗi lòng của mình. Giọng nói của Lý nhẹ, êm, chậm rãi và đi sâu vào lòng người. Để có được thế, bắt nguồn từ sự điềm tĩnh, định tâm từ con người bên trong Lý. Sự chín chắn, trưởng thành, trí huệ Lý cũng có được từ đây. Và tất nhiên dù Lý vẫn còn nét thơ trẻ hồn nhiên và tình yêu người yêu đời ấm áp, thì Lý vẫn già dặn hơn nhiều so với tuổi 25 của mình.
          Chương trình Lý tuổi 25 liên tục nhận các tràng pháo tay của khán giả, vừa là vì Lý hát biểu cảm tràn đầy năng lượng, khí chất, vừa là vì những người bạn diễn của Lý  đã thể hiện được tài năng cũng như cảm nhận của mỗi cá nhân với từng sáng tác của cô. Đêm diễn ngừng, nhưng hàng trăm người ngồi nghe Lý vẫn dùng dằng chưa muốn đi.
          Ngồi cạnh chăm chú lắng nghe từ đầu đến cuối chương trình, bên nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý là nhạc sĩ Ngọc Đại. Khi quay sang nhìn tôi, ông bảo: Thích Lý lắm nên đi nghe. Sau khi rời rạp, ngồi cạnh nhạc sĩ Ngọc Đại, nhìn ly cà phê đang tan đá giữa phố đêm, nghe ông nói nhiều về cảm giác của ông với các ca khúc của Lý đã chạm được vào tâm hồn người nghe, về ba người bạn diễn của Lý: Minh, Việt, Trường đã chia sẻ với người nghe bằng cả tâm hồn, bộc lộ được tình yêu nghệ thuật, thể hiện tài năng hết sức tinh tế không hề phô trương, trong tôi đến giờ vẫn đọng lại câu nói của ông: 
“Lý bắt đầu vào sâu trong đời sống, 
khám phá tốt trạng thái tâm lý con người. 
Cảm xúc trong bài hát của Lý chính là 
những quan sát hòa đồng của Lý với con người. 
Lý đã tạo nên màu sắc âm nhạc tươi trẻ quyến rũ, 
và Lý là một nghệ sĩ độc lập. 
Đêm diễn Lý tuổi 25 đã thành công”.
 
Lý Đợi



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget