Nghiên cứu về
Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn là một trong
những hiện tượng đặc thù của âm nhạc Việt Nam. Cũng đặc thù như thế là dấu ấn
sáng tạo của ông trong ngôn ngữ văn học Việt. Nhiều nghệ sĩ và nhiều nhà nghiên
cứu văn học có uy tín, cả trong lẫn ngoài nước, khi nghiên cứu về ca từ của
Trịnh Công Sơn, đã công nhận điều này. Việc tiếp tục nghiên cứu và đào sâu vào
những vỉa tầng khác nhau trong sáng tác của người nhạc sĩ này là một việc làm
cần thiết và có ý nghĩa. Cũng như những nghệ sĩ, những nhà văn, nhà thơ và
những nhà văn hoá lỗi lạc khác của Việt Nam, Trịnh Công Sơn đã có những đóng
góp của mình vào việc làm phong phú và đẹp đẽ hơn nữa gia tài văn hoá Việt. Ðặc
biệt đối với Trịnh Công Sơn, đóng góp của ông nổi bật lên trong lãnh vực ngôn
ngữ. Ông đã làm mới lạ cách diễn tả tình ý của con người Việt Nam, đặc biệt trong khía cạnh tình
yêu và thân phận con người trong cuộc chiến cũng như trong chuyến đi lữ thứ của
nó về cõi vĩnh hằng. Ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn để diễn tả cuộc chiến tàn bạo
của lịch sử Việt hậu bán thế kỷ XX, cái nhìn của ông về phận người giữa cõi vô
thường là cuộc đời này, tiếng đập ngọt ngào yêu thương và thiết tha nhân ái
trong trái tim ông khi nói về tình yêu nam nữ nói riêng, hoặc tình yêu giữa
người và người nói chung, đã là những dấu ấn khó phai trong tâm thức con người
Việt Nam hiện đại.
Những tìm hiểu, nghiên cứu
về Trịnh Công Sơn, từ nhiều góc độ như thế, là những nỗ lực có ý nghĩa trong sự
tìm hiểu chính mình của chúng ta, nếu ta khách quan nhìn nhận vai trò đặc thù
của âm nhạc, thi ca, ngôn ngữ, và những sáng tạo trong lãnh vực văn học nghệ
thuật nói chung, như những yếu tố phản ánh và giúp những thành viên trong một
cộng đồng người nhìn rõ chính chân dung mình.
Gần đây nhất, trên báo Văn Học (số 232, tháng 7 &
8.2006), một tạp chí sáng tác và nhận định văn nghệ xuất bản tại Mỹ, người ta
thấy có đăng bài “Thân phận con người và tình yêu trong ca từ Trịnh Công Sơn” của Ban Mai. Toàn bài,
chiếm 69 trang báo Văn Học,
được đăng với lời giới thiệu: “Ban Mai tên
thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, hiện đang làm việc tại một trường đại học tại
miền Nam Trung bộ Việt Nam. Tháng Tư
2006 bảo vệ luận văn thạc sĩ đầu tiên ở Việt Nam về đề tài ca từ Trịnh Công Sơn
với số điểm tuyệt đối 10/10”.
Về thư mục bài hát Người ta
thường ước lượng Trịnh Công Sơn đã sáng tác hơn 400 ca khúc, có người đã tăng
số ấy lên 600, 800 bài, thậm chí có người cho rằng 1000 bài, nhưng không ai đưa
ra chứng cớ gì cụ thể, không biết dựa vào dữ kiện nào để phỏng lượng như vậy. Chính Trịnh Công Sơn, lúc sinh thời, cũng không biết mình
đã viết bao nhiêu ca khúc vì thời chiến tranh sống cuộc đời trốn tránh, lang
bạt, ông không có điều kiện giữ gìn, những sáng tác ấy thất lạc khắp nơi. Vào năm 1991, khi Trịnh
Công Sơn còn sống, cô Yoshii Michiko một sinh viên người Nhật làm luận văn cao
học về nhạc phản chiến của ông ở Paris, sưu tầm được 196 bài hát, trên cơ sở
tài liệu Trịnh Công Sơn cung cấp dựa vào trí nhớ tác giả hoặc của các ca sĩ. 10
năm sau, khi TCS qua đời năm 2001, những bạn bè của ông ở trong nước và ngoài
nước cố công sưu tầm bài hát của ông qua nhiều nguồn. Hiện nay trên mạng “Hội Văn hóa Trịnh Công Sơn tại Pháp”,
trong thư mục bài hát Trịnh Công Sơn, ông Phạm Văn Đỉnh đã kỳ công sưu tầm được
291 bài hát, có chú thích năm tháng rõ ràng chính xác. Có lẽ đó là thư mục bài
hát tìm được nhiều nhất cho đến thời điểm hiện nay. Qua thời gian dài sưu tầm
công phu, cẩn trọng với những cứ liệu khoa học có được chúng tôi nhận định rằng
Trịnh Công Sơn sáng tác khoảng trên 300 bài hát.
Qua tư liệu mà chúng tôi sưu
tầm được, trước năm 1975 có vài tờ báo viết về hiện tượng nhạc Trịnh Công Sơn
với những nhận định chung chung về thiên tài âm nhạc của ông. Gồm các bài:
“Phong trào da vàng ca” của Lê Trương, “Trịnh Công Sơn” của Tạ Tỵ, “Huyền thoại
về con người” của Tô Thùy Yên. Trong các bài viết đó, nhận định của Tạ Tỵ rất
đáng chú ý. Ông cho rằng: “Trong lịch sử
âm nhạc Việt Nam, không nhạc sĩ nào có thể tạo cho mình, cho thế hệ mình, những
cơn lốc nghệ thuật làm lay động đến chiều sâu tâm thức con người ở trong và
ngoài kích thước quốc gia như Trịnh Công Sơn. Trong vòng 4-5 năm trở lại đây,
tiếng nhạc Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly đã đi hẳn vào đời sống tâm
linh của những người trẻ tuổi bằng niềm đau xót và phẫn nộ xen kẽ trong một
hoàn cảnh không mấy thuận lợi vì tình hình quân sự và chính trị”. Nhìn chung các bài viết trên
cho ta cái nhìn toàn cảnh về âm nhạc Trịnh Công Sơn trong bối cảnh xã hội chiến
tranh loạn lạc lúc bấy giờ. Tuy nhiên, không có bài viết nào nghiên cứu sâu về
ca từ Trịnh Công Sơn. Đến năm 1991,
khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống, có một luận văn cao học viết về nhạc của
ông, do cô Yoshii Michiko người Nhật nghiên cứu với đề tài “Những bài hát phản
chiến của Trịnh Công Sơn”, viết bằng tiếng Pháp, bảo vệ tại Đại học Paris 7.
Luận văn này giới thiệu những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn, nhằm chứng
minh đó là những kiệt tác về âm nhạc, từ đó giúp người nghe nhạc hiểu tốt hơn
về những bài hát phản chiến của ông. Tóm lại, trong khoảng thời gian 62 năm khi
ông còn sống, việc nghiên cứu ca từ của Trịnh Công Sơn rất hạn chế, do nhiều
nguyên nhân: trước năm 1975 do chiến tranh loạn lạc, sau năm 1975 trong quan
điểm chính thống có nhiều luồng tư tưởng còn cực đoan, phiến diện. Đây đó, trên
những tờ báo trong nước và nước ngoài chỉ giới thiệu về hiện tượng nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn trong âm nhạc và trong cuộc đời, chưa đi sâu khai thác những
đóng góp của ông về nghệ thuật ca từ. Sau khi Trịnh Công Sơn qua đời ngày 01/04/2001,
người ta mới bắt đầu nghiên cứu nhiều về cuộc đời và những sáng tác của ông. Tại Việt Nam Có nhiều tác
phẩm rất công phu của Nhiều tác giả lần lượt ra đời, tập họp và in lại những
bài phê bình của các tác giả trong và ngoài nước (lấy lại trên các trang web
hải ngoại và được biên tập lại) gồm những bài phỏng vấn, những bài nghiên cứu,
cảm nghĩ của bạn bè, và một số bài viết của Trịnh Công Sơn. Phần phụ lục cung
cấp nhiều hình ảnh cuộc đời ông và giới thiệu một số ca từ của Trịnh Công Sơn.
Sau 01/04/2001, cuốn sách ra
đời đầu tiên là của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sưu tầm và biên soạn (2001): Trịnh Công Sơn, một người thơ ca một cõi đi về. Sau đó tái bản với tựa đề Một cõi Trịnh Công Sơn (2004) in ấn đàng hoàng hơn và có
một số sửa chữa. Tiếp theo, lần lượt được phát hành các cuốn Trịnh Công Sơn, Cát bụi lộng lẫy NXB Thuận Hóa và Tạp chí
Sông Hương (208 tr.), Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ, NXB Trẻ
(416 tr.), Trịnh Công Sơn, rơi lệ ru người, NXB Phụ Nữ (208 tr.) và Trịnh Công
Sơn, cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội họa và suy tưởng, NXB Văn nghệ TPHCM (286
tr.). Ngoài ra còn có các tác phẩm cá nhân của Bửu Ý, giảng viên tiếng Pháp
Trường Đại học Sư phạm Huế, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà nghiên cứu xứ Huế
Nguyễn Đắc Xuân. Ở đây, chúng tôi xin điểm qua 3 tập tiêu biểu của Nhiều tác giả: Thứ
nhất là tập Trịnh Công
Sơn, rơi lệ ru người do NXB Phụ Nữ ấn hành năm 2003, dày 208 trang. Cuốn sách nhỏ, khiêm tốn, in
thoáng, chữ rõ, tụ họp một số bài viết thiên về người mẹ, người phụ nữ. Trong
đó có thư gửi Ngô Kha khá dài của Trịnh Công Sơn, đề năm 1974 khi nhà thơ Ngô
Kha bị nhốt khám lần thứ ba. Văn bản này rất đáng ngờ, vì văn phong rất hiện
thực, nội dung lại rất dấn thân, lời lẽ cổ vũ đấu tranh liên tục, không chùn…
Nổi bật trong tập sách này có bài “Kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân
phận” của Bửu Ý, với những nhận định sắc sảo: “Tình
yêu, với Trịnh Công Sơn, là diễm tình. Trước hết là phải đẹp, đẹp trong từng
lời bội bạc, bước chân quay gót, trong dang dở và tan vỡ… Cái đẹp ở đây là cái
đẹp siêu thực, tức là ít nhiều nhuốm màu sắc ý chí của kẻ chủ trương và đồng
thời nhạt bớt hương vị của thường tình… Quê hương nổi bật hai nét lớn: nghèo và
chiến tranh. Cái nghèo còn là hậu quả của chiến tranh. Và chiến tranh diễn ra
không phải ở chiến trường, không phải do người cầm súng, nó diễn ra ở bàn tròn,
ở trong lòng người, ở trong đầu óc những con người mua bán chiến tranh… Giữa
một nền trời như vậy, thân phận con người là một vấn nạn, ta nên nói ngay: đây
là một chủ đề tư tưởng, nếu không muốn nói là triết lý… Sự sống bước giật lùi
mỗi phút giây như hình ảnh cuốn chiếu. Trịnh Công Sơn quả quyết “Chỉ có ta
trong một đời” và dứt khoát chọn lựa: Sống, sống hết mình. Không khất hẹn,
không chờ đợi, không ủy quyền… Phải ôm cho hết cuộc đời nhị nguyên cồm cộm này,
bao gồm những cặp phạm trù khó dung nạp nhau nhưng khó phân ly: sống/chết;
buồn/vui; hạnh phúc/khổ đau”.
Tiếp theo là tập Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ, của NXB
Trẻ, 2003 dày 416 trang. Bìa cứng, có chân dung tự họa của Trịnh Công Sơn năm 1999, sau một cơn
bịnh “thập tử nhất sinh”. Ấn phẩm này trình bày đẹp, in ấn trang nhã, tụ họp 26
bài viết của Trịnh Công Sơn, 28 bài viết về Trịnh Công Sơn trước ngày 1/4/2001,
87 bài của bạn bè sau 1/4/2001 và một số hình ảnh tư liệu về Trịnh Công Sơn.
Nổi bật có bài “Hành tinh yêu thương của Hoàng tử bé” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhận định về tình ca, nhà văn họ Hoàng cho rằng: “…
Với Sơn, Người Tình là người đối thoại cần thiết, và vì thế trong tình ca Trịnh
Công Sơn, người nói không là ‘Anh’ mà là ‘Tôi và Em’. Hai tiếng Anh-Em ngọt
ngào đó hình như không thích hợp với những điều cay đắng. Không thích hợp với
nhiều thứ gai góc cuộc đời, như thân phận, cái chết và nỗi tuyệt vọng: “Và như
thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng tuyệt vọng” Đến đây thì mọi sự
đã ngã ngũ, rằng tình ca Trịnh Công Sơn chính là siêu hình học, và vì thế không
bao giờ cũ”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương,
trong bài “Khát khao hướng về cội nguồn, về cái đẹp” cho rằng: “Âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã gắn bó thật sự với cuộc sống
xung quanh anh và mang một ý nghĩa phản ánh rất điển hình, khi mà đất nước, do
những hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, còn bị chia cắt. Ở thời kỳ đó, nhiều ca khúc
của anh bộc lộ nỗi thao thức bồn chồn của người dân sống trong một điều kiện éo
le của vận mệnh cá nhân cũng như vận mệnh dân tộc. Nỗi khắc khoải, khát khao
hướng về cội nguồn, hướng về quê hương, sự mong mỏi ngày thống nhất, ngày đoàn
tụ với tình yêu thương đùm bọc của một dân tộc có quá nhiều hy sinh, mất mát,
thường được bộc lộ trong các ca khúc của anh. Bằng cách riêng có thể, gắn liền
với thân phận mình, nhạc sĩ đã chia sẻ với đất nước, ở một thời kỳ gian truân
khốc liệt nhất, những vui buồn, mong đợi, ước vọng sâu thẳm của lòng mình đối
với ngày khải hoàn, hoan ca của lịch sử dân tộc. Nhưng cái vẻ riêng đặc biệt,
cái bao trùm rộng lớn làm nên hiện tượng Trịnh Công Sơn, chính là ở mảng tình
ca bất hủ của anh. Các ca khúc của anh luôn chứa đựng vẻ đẹp khó tả của ước
vọng yêu đương. Nỗi khắc khoải tình yêu đã trở thành ám ảnh, khiến nó ngày càng
mênh mông đến độ ngôn từ tả thực không thể chuyển tải nổi, và cách bộc lộ của
anh dường như đã tiến gần đến trường phái ấn tượng và siêu thực”. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong bài “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người tình
lãng du của nhiều thế hệ”, đã tự hỏi: “…
vì sao mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được công chúng hâm mộ đến thế? Có lẽ chính
anh là một nhà thơ được hát lên. Ca từ của anh không chỉ là giàu chất thơ người
ta thường nói, mà đấy là những bài thơ thực sự, những bài thơ thấm đẫm triết lý
về cuộc sống, về tình yêu, về sự sinh ra và trở về cát bụi của phận người ngắn
ngủi… khi được nhờ chọn một số bài thơ tình hay nhất thế kỷ, nhà nghiên cứu văn
học Hoàng Ngọc Hiến đã tâm đắc tiến cử lời bài ca “Đêm thấy ta là thác đổ” của
Trịnh Công Sơn. Nhưng những lời thơ ấy được hát lên bằng nhạc của chính tác
giả, thì nó bỗng trở thành những câu kinh bất hủ. Và người ta nói rằng, âm nhạc
của anh là những bài kinh cầu bên vực thẳm về thân phận và tình yêu”. Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài “Huyền thoại cát bụi” nhận định về âm nhạc
Trịnh Công Sơn, ông viết: “… Tôi lắng
nghe, âm nhạc Trịnh Công Sơn linh thiêng như tiếng gọi hồn, như sóng âm, như
địa chấn, làm loạn nhịp tim tôi và làm loạn nhịp tim biết bao người hâm mộ… Âm
nhạc Trịnh Công Sơn đã nâng cao, nối dài, và vô hạn hóa cuộc đời hữu hạn của
tác giả. Bao nhiêu là người sẽ còn nuôi anh trong hồn. Bao nhiêu là người sẽ
còn hát với anh và khóc vì anh. Tình người không hề vơi trên cõi đời nhưng nó
có luật đo lường của nó. Anh cho bao nhiêu thì sẽ được tặng lại bấy nhiêu, ấy
là lẽ công bằng của cát bụi. Xin hình dung, tầm vóc con người được xác định
bằng tầm vang của trái tim người ấy. Anh là người có âm vang vô tận, âm vang
của trái tim thiên tài. Một thiên tài không có tuổi”.
Thứ ba là tập Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hóa và TTNN Đông Tây,
2004, dày 650 trang. Công trình này gồm 43 bài viết của bạn bè, trong đó có nhiều bài trùng
với tập Người hát rong qua nhiều thế hệ, phần phụ lục có văn xuôi Trịnh Công
Sơn, đặc biệt có truyện ngắn “Chú Lộ”, và phần phụ lục gồm 73 ca từ của Trịnh
Công Sơn. Đáng chú ý có bài “Trịnh Công Sơn và tiềm thức ‘Thân phận mong manh’”
của Nhật Lệ. Ông viết: “Ám ảnh về
thân phận, tình yêu ẩn hiện trong ca khúc của Trịnh Công Sơn. Ca khúc của anh
là sự giãi bày với mọi người, giãi bày mà người nghe không thấy chán. Dường như
bởi từng góc tâm trạng đều có mặt ta ở đấy. Nỗi buồn của Trịnh Công Sơn đã đặc
trưng hóa cho những mảnh tôi “tự mình liếm vết thương”. Ấy nên, người trẻ hay
già đều yêu thích hoặc chấp nhận ca khúc của Trịnh Công Sơn ở mức khá phổ cập”. Đánh giá về ca từ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Phạm Tuyên viết: “Trong lĩnh vực ca khúc, lời ca có một vị trí hết sức
quan trọng và về mặt này Trịnh Công Sơn thực sự là một nhà thơ. Lời ca anh
không dễ dãi tùy tiện, mà luôn luôn ẩn sâu một triết lý về cuộc đời và điều
đáng nói là anh đã tìm được những giai điệu phù hợp, dung dị, không cầu kỳ,
kiểu cách để thể hiện nội dung đó. Đối với người sáng tác, có được một phong
cách riêng là một điều phải phấn đấu. Trịnh Công Sơn không chủ tâm tạo cho mình
một sự khác biệt lập dị, nhưng bằng tình cảm chân thành của mình, anh đã có
được một phong cách rất riêng được sự mến mộ của đông đảo công chúng. Sẽ còn có
nhiều công trình nghiên cứu về hàng trăm ca khúc của anh với những sự đánh giá
có thể khác nhau, nhưng phải khẳng định rằng sự nghiệp sáng tác của anh đã góp
phần xứng đáng vào nền ca khúc Việt Nam hiện đại”. Phạm Phú Phong trong bài viết “Lời thơ trong ca khúc Trịnh Công Sơn” đã
nhận định: “Văn Cao, Nguyễn Đình Thi và
sau này có Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha… đến với thơ rồi mới đến với nhạc.
Với Trịnh Công Sơn, cả hai cùng đến một lúc: khi anh đặt bút xuống ghi những
lời ca vào khuôn nhạc, cũng là lúc hồn thơ trong anh ào ạt, dồn đến réo gọi.
Hay nói đúng hơn, anh để khuôn nhạc của mình trôi trên dòng chảy của thơ ca, mà
cả hai phía đều ào ạt, cồn cào một cách mãnh liệt như nhau. Một nghịch lý khá
phổ biến trong nền thơ ca Việt Nam là nhiều người làm thơ nhưng ngôn từ chỉ
dừng lại ở lời ca, có khi để lẫn vào ca dao dân gian, trong khi đó, có những
người viết lời ca cho nhạc của mình, dù không hề có ý thức rằng mình đang làm
thơ, mà ngôn từ ca khúc kia, được giai điệu truyền đến cho tâm hồn người nghe,
hòa nhập ở cửa ngõ của thơ. Trịnh Công Sơn là một trong những người như vậy”. Tác giả Trần Thanh Hà trong bài “Ca hát không mỏi mệt về phận người”
nhận định về phận người trong ca từ Trịnh Công Sơn như sau: “Đời người, với Trịnh Công Sơn là một hành trình cát bụi,
sự sống chỉ là đối diện với cái chết, trong niềm vui của tuổi trẻ và tình yêu
đã thấy đâu đó ‘Lau trắng trong tay’ và đường trần là một chuyến khăn gói để
‘Mai kia chào cuộc đời nghìn trùng con gió bay’. Cái nhìn ấy thật buồn nhưng
không hẳn bi quan, bởi vì cũng trong nó vụt sáng lên cái ý niệm Cát bụi tuyệt
vời. Dẫu là thoáng chốc thôi trong thế gian vô cùng, thì hãy sống cho tận cùng,
sống cho đẹp, hãy yêu, yêu em, yêu cuộc đời và yêu mọi người. ‘Làm sao biết
từng nỗi đời riêng, để yêu thêm yêu cho nồng nàn’; và dẫu cho rồi Em sẽ đi, mọi
điều sẽ mất, cũng hãy vui như mọi ngày, vui như mọi người, dù ‘Chiều nay không
ai qua đây hỏi thăm tôi một lời, vẫn yên chờ đêm tới’… Cát bụi hư vô, vậy thì
Em ạ, hãy bỏ đi tất cả, đừng hận thù, hãy nhìn đời qua bằng ánh mắt độ lượng,
hãy yêu thương vì chỉ có yêu thương là cứu chuộc chúng ta, đừng bao giờ đòi
hỏi, ‘Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió
cuốn đi…’ Trịnh là như thế”.
Ngoài ba tập sách của Nhiều
tác giả trên, còn có ba tác phẩm cá nhân: Thứ nhất là tập Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ thiên tài của Bửu Ý – một
người bạn thân từ thời trai trẻ của Trịnh, do NXB Trẻ ấn hành năm 2003, dày 211
trang. Bửu Ý hiện là giảng viên dạy Pháp văn tại Trường Đại học Sư phạm Huế và
cũng là họa sĩ, ông viết lại từng chặng đời của Trịnh Công Sơn và phân tích một số chủ
đề và nghệ thuật ngôn ngữ trong ca từ, bên cạnh còn có những thủ bút của Trịnh.
Ngoài ra Bửu Ý còn cung cấp một số bài viết của người nước ngoài viết về Trịnh.
Tiếp đến, nhà nghiên cứu xứ Huế Nguyễn
Đắc Xuân cho ra đời tác phẩm Trịnh Công Sơn, có một thời như thế, NXB Văn Học,
2003, dày 214 trang. Những tư liệu sưu tầm công phu, đáng tin cậy ấy đã cho ta
một cái nhìn xác đáng về cuộc đời của Trịnh. Bên cạnh đó, tác giả đã có công
trong việc truy tìm lại bài “Dã Tràng ca” (còn có tên “Trường ca Tiếng hát Dã
Tràng”), được sáng tác thời học Sư phạm Quy Nhơn bị thất lạc đến nay. Riêng
Hoàng Phủ Ngọc Tường – bạn rất thân của Trịnh - ngoài bài viết “Hành tinh yêu
thương của Hoàng tử bé” in ở tập Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế
hệ còn cho xuất bản tập Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của Hoàng tử bé, do NXB
Trẻ xuất bản năm 2004, dày 141 trang, với những bài tùy bút viết về kỷ niệm của hai người
và những cảm nhận về nhạc phản chiến, tình ca Trịnh Công Sơn.
Tại hải ngoại Ngay từ ngày
02/04/2001, sau khi Trịnh Công Sơn vừa mất một ngày, Diễn Đàn là tạp chí đưa
tin và có bài viết sớm nhất về ông đăng trên mạng Internet, chủ yếu là tập họp
các bài viết của bạn bè sinh sống ở Âu, Mỹ. Tiếp đó, trung tuần tháng 4/2001,
tạp chí điện tử Văn Học Nghệ thuật đã nhanh chóng đưa lên mạng Phụ trương đặc
biệt, phong phú và đa dạng với nhiều bài viết từ trong và ngoài nước, chủ yếu
là kể lại những kỷ niệm và cảm xúc của bạn bè dành cho Trịnh Công Sơn. Tạp chí
Hợp Lưu số 59 tháng 6&7/2001 dành 72 trang đầu viết về ông. Trong đó, có
bài “Chiêm ngắm đóa hoa vô thường” của Hà Vũ Trọng, khẳng định nhạc của ông là
thơ, ông viết: “Chúng ta yêu
nhạc Trịnh Công Sơn vì trong nhạc của anh có thơ. Vậy, chúng ta có được cả hai.
Tự thơ đã là một loại nhạc biểu hiện cái đẹp và sự hài hòa của chữ nghĩa. Nhạc
thơ ở anh song sinh từ niềm thôi thúc muốn tỏ tình với cuộc đời. Nhạc thơ đó
cũng lung linh ảo diệu như bóng trăng in trên mặt nước mà chúng ta thường không
phân biệt nổi đâu là nhạc là thơ. Nếu nhạc là con sông thì thơ là con trăng
nhập vào mặt nước thành con thuyền chở tình yêu của anh. Nói cách khác, thơ và
nhạc là đôi cánh để bay chở tình yêu trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn,
không thể tách lìa được”. Đặc biệt, tạp chí Văn Học
tại Cali, số tháng 10&11/2001 dành nguyên một ấn bản chuyên viết về Trịnh
Công Sơn. Trong đó, có bài nghiên cứu “Một cái nhìn về ca từ Trịnh Công Sơn”
của Trần Hữu Thục rất công phu, ông so sánh kỹ thuật viết của Trịnh Công Sơn
khi viết về hai dòng nhạc tách bạch: dòng nhạc về chiến tranh – hòa bình, và
dòng nhạc về tình yêu, thân phận. Ông nhận định: “…
trong hầu hết những bài hát thuộc loại chiến tranh và hòa bình, anh viết bằng
một lối viết rất hiện thực, kể cả khi mô tả những giấc mơ, những ước vọng. Hiện
thực kinh khiếp đó được mô tả bằng chữ nghĩa sống động và đầy hình ảnh: trái tim
rơi theo đại bác, thịt người cho thú nhai ngon, thịt xương đã phơi đồng xanh,
đại bác ru đêm dội về thành phố… Mọi sự hoàn toàn khác hẳn khi ta bước vào tình
ca và thân phận. Tất cả bắt đầu chông chênh ở biên giới chữ nghĩa, ý tưởng bởi
vì có một sự pha trộn đặc biệt giữa nhiều hình ảnh và ý tưởng cũng như ẩn dụ…
tạo ra những hình ảnh, biểu tượng mới và rất nhiều khi tạo nên những hiệu ứng
đặc biệt về mặt âm thanh: tuổi đá buồn, nắng khuya, mặt trời ngủ yên, miệng
ngọt hạt từ tâm”. Và kỳ công hơn là bài viết của Bùi Vĩnh Phúc, “Trịnh Công
Sơn, ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật”. Bằng phương pháp thi pháp học, ông
khảo sát kỹ thời gian và không gian nghệ thuật trong các tác phẩm của Trịnh
Công Sơn. Theo ông trong nhạc Trịnh Công Sơn chủ yếu có những loại thời gian
nghệ thuật: phai tàn, trông ngóng, hướng vọng thiên thu. Không gian nghệ thuật:
gồm Trời đất, Sông núi, Rừng, Biển. Không gian phố. Và cuối cùng ông kết luận:
“Trịnh Công Sơn là một thi sĩ. Anh sống trong thời đại của mình, và anh có
những giấc mơ. Và nói như Jiris Wolker ‘Qua nhà thơ, người ta nhìn ra được tầm
cỡ của thời đại mà ông ta sống’. Có lẽ, nếu muốn, chúng ta cũng thấy được tầm
cỡ của thời đại mình qua những giấc mơ và thế giới mà Trịnh Công Sơn đã sống,
đã yêu và đã cùng xót xa với chúng”.
Kế đến là
bài “Trịnh Công Sơn, tiếng hát hòa bình” của Đặng Tiến, bàn về ca khúc phản
chiến, ông giải thích: “Dùng chữ nhạc
phản chiến, theo kiểu anti-guerre, anti war, là nói cho gọn, và đã có người
phản bác, cho rằng mông lung, vì người nghệ sĩ chân chính nào mà không chống
chiến tranh? Ngoài ra, những ca khúc Trịnh Công Sơn tố cáo chiến tranh, gào gọi
hòa bình còn bày tỏ khát vọng thống nhất đất nước, tình tự dân tộc, tình yêu
nhân loại, niềm tin vào cuộc đời, tình người và hạnh phúc lứa đôi. Những tình
cảm này đan quyện vào nhau. Hơn nữa một số nhạc tình thuần túy, nội dung không
quan hệ đến chiến tranh, khi nghe trong đám đông, cũng tạo nên một cảm giác
thời thế, từ một thời phản chiến”.
Bên cạnh những tác phẩm
trên, còn phải kể đến một số bài phê bình khác in trên tạp chí và trên mạng rất
công phu như “Ảo giác, Trịnh Công Sơn” của Lê Hữu, nói về ảo giác con người
Trịnh Công Sơn, với nhiều cách nhìn của người ngoài nước. Bài viết đăng trên
tạp chí Văn Học tại Cali
tháng 02&03/2004; và trên mạng http://www.tcs-home.org. Ngoài những công
trình trên, chúng tôi còn tìm thấy các bài sau đây: Nhạc chống chiến tranh của
Trịnh Công Sơn, của GS Cao Huy Thuần bình luận sắc sảo về nội dung những bài
hát chủ đề này, đăng trên mạng http://www.tcs-home.org ngày 03.05.2003; “Trịnh
Công Sơn và những phố xa”, của Ngự Thuyết http://suutap,com phân tích kỹ về
không gian phố trong ca từ Trịnh Công Sơn. “Bài phỏng vấn Khánh Ly” của nhà báo
Bùi Văn Phú tại Mỹ tháng 7/2004, nguồn Tạp chí Văn (California) số 92, tháng
8/2004. Ngoài nữa còn có nhiều trang web tập họp tất cả hình ảnh, bài hát, đĩa
nhạc, bài viết, phê bình, thủ bút của ông, cập nhật thường xuyên. Như trên
trang web http://www.trinhcongson.org tại Mỹ và http://www.tcs-home.org tại
Pháp.
Nhìn chung, điểm qua các công
trình nghiên cứu, sưu tầm được, ta nhận thấy như sau: - Theo thời gian, các
công trình nghiên cứu đã cố gắng dựng lại trung thực cuộc đời âm nhạc của Trịnh
Công Sơn trong bối cảnh đất nước trước và sau chiến tranh 1975. - Hầu như các nhà nghiên cứu đều khẳng định Trịnh Công Sơn
là một hiện tượng văn hóa lớn trong thế kỷ XX, ông không những là một tài năng
lớn trong âm nhạc mà còn là một nhân cách lớn trong một bối cảnh Việt Nam đầy
biến động. - Nghiên cứu, đánh giá Trịnh Công Sơn nhìn chung thường trong trạng
thái hỗn hợp giữa nhạc và lời. Nhưng dù vậy, căn cứ trực tiếp hơn vẫn là thiên
về phần lời, phần ca từ. Nghiên cứu về ca từ, phần lớn các công trình nghiên
cứu đều phân tích phong phú các chủ đề mà nội dung ca từ Trịnh Công Sơn phản
ánh, đồng thời lý giải về mặt sử dụng nghệ thuật ngôn từ một cách tài hoa trong
các ca khúc của ông. Cụ thể bàn về nội dung ca từ của Trịnh Công Sơn, hầu hết
các bài nghiên cứu đều nhận định Thân phận con người và tình yêu là hai chủ đề
nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông. Thân phận con người của ông thường
mang những cặp phạm trù đối lập sống/chết; buồn/vui; hạnh phúc/khổ đau. Ông ám
ảnh phận người mong manh, chóng tàn. Tình yêu với người nữ của Trịnh Công Sơn
là thứ tình yêu sương khói, lãng đãng, dở dang. Còn tình yêu con người trong
ông, là tình yêu thương nhân loại không bó hẹp màu da, chính kiến. Tuy nhiên,
trong các bài viết chỉ mới đề cập đến nhưng chưa nêu thành một hệ thống và đào
sâu. Nhận xét ngôn ngữ ca từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn hầu hết đều khẳng định
Trịnh Công Sơn là một thi sĩ, ca từ của ông đích thực là thơ. Một kiểu thơ lãng
mạn, trữ tình, giàu chất hiện sinh, siêu thực mang đậm dấu ấn Thiền, Phật, có
giá trị lớn về nội dung trong lòng văn hóa Việt Nam, khẳng định những đóng góp
to lớn có ý nghĩa cách tân của ca từ Trịnh Công Sơn trong nền ngôn ngữ thơ ca
Việt Nam. Ngôn ngữ Trịnh Công Sơn đã tạo thành một trường phái ngôn ngữ mang
phong cách Trịnh.
Ban
Mai
Tư liệu tham khảo
thêm
[2] Nếu
không kể luận văn cao học về nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn của Yoshii Michiko.
Chuyên luận của Bùi Vĩnh Phúc nghiên cứu về mặt ngôn ngữ và đào sâu vào vùng vô
thức của Trịnh Công Sơn nhiều hơn.
[3] Xem phỏng vấn Bùi Vĩnh Phúc của Phạm Văn Kỳ Thanh
trên talawas, “Trịnh Công Sơn, ngôn
ngữ và những ám ảnh nghệ thuật”, đăng làm hai phần,
ngày 10 tháng 12, 2005.
[4] Cuốn Trịnh
Công Sơn, ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật do nhà Văn Mới (Hoa Kỳ)
xuất bản vào khoảng giữa năm 2005. Trước đó, theo tác giả Bùi Vĩnh Phúc trong
phần giới thiệu chuyên luận này, khoảng nửa cuốn sách, với sự sắp xếp nhiều
phân đoạn của chính tác giả, đã được giới thiệu trên tuyển tập đặc biệt về
Trịnh Công Sơn, cũng do tạp chí Văn
Học xuất bản, vào tháng 10 & 11, năm 2001 (Trịnh Công Sơn - Tình
yêu, quê hương, thân phận – ấn bản đặc biệt). Phần nghiên cứu này, theo nhà phê
bình Bùi Vĩnh Phúc trong lời mở sách của mình, sau đó đã được một số websites,
có thể do sự quý mến nội dung của nó, tự ý đánh máy và cho phổ biến. Cũng theo
tác giả, một tuyển tập các bài viết công phu về Trịnh Công Sơn ở trong nước,
thu thập nhiều bài viết từ nhiều nguồn tài liệu cả trong lẫn ngoài nước, dày
trên 650 trang, đẹp và trang trọng (mà trong sự tìm hiểu và sưu tầm riêng, tôi
được biết là quyển Một cõi Trịnh Công
Sơn), cũng đã tự ý đăng gần như trọn vẹn lại phần tài liệu của Bùi Vĩnh
Phúc đã được giới thiệu trên Văn Học,
với lời xin lỗi chung các tác giả ngoài Việt Nam là vì trở ngại địa lý nên nhóm
chủ trương đã không thể chính thức xin phép các tác giả này trong việc sử dụng
bài của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét