Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Tản mạn về TRỊNH CÔNG SƠN (3)




Trịnh Công Sơn
- Tiếng hát con dã tràng -

Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây…
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay
(“Như một lời chia tay”)

1. Dã tràng xe cát
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28-2-1939 tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trong một gia đình gốc Huế. Hai năm trước đó, bố mẹ ông lên đây lập nghiệp. Năm sau, sinh con trai đầu lòng, không nuôi được. Năm tiếp theo, Trịnh Công Sơn chào đời, xem như con trưởng. Ông là anh cả của 8 người em trai và gái, người thừa kế quan trọng trong một gia đình trung lưu. Cha ông là một doanh nhân yêu nước và tham gia chống Pháp. Mẹ ông là một người đàn bà nhân hậu, đảm đang và có cảm nhận nghệ thuật rất tinh tế.
Năm 1943, khi ông lên bốn, gia đình về lại Huế, ở tại vùng Bến Ngự, một vùng đất xanh tươi, bên dòng sông An Cựu, nơi có nhiều chùa chiền, lăng tẩm. Tiếng chuông chùa và lời cầu kinh thấm vào hồn ông từ tuổi thơ. Điều đó giúp chúng ta hiểu vì sao những ca từ của ông về sau mang đậm dấu ấn Thiền, Phật và giàu chất Huế.
Khi ông được 8 tuổi, gia đình ông có cửa hàng buôn bán xe đạp và xe máy tại Sài Gòn. Ông thường xuyên vào ra Sài Gòn – Huế. Lên trung học, Trịnh Công Sơn học ở Huế là trường Lycée Français, rồi đổi sang trường Providence, và tốt nghiệp tú tài ban Triết tại trường Chasseloup-Laubat, Sài Gòn. Điều đó chứng tỏ ông là một trong những trí thức thấm nhuần nền văn minh Pháp ngay từ khi còn rất trẻ, phần nào lý giải ảnh hưởng nền triết học phương Tây hiện đại, như Albert Camus, J. P. Sartre…, lên cuộc sống tâm thức ông. Người có công rất lớn trong việc đem triết học phương Tây hiện đại vào Việt Nam, gây nhiều ấn tượng và ảnh hưởng đối với thanh niên miền Nam Việt Nam những năm 50 là Gs. Nguyễn Văn Trung du học từ Bỉ về.
Năm 1955, khi ông 15 tuổi, cha ông bị tai nạn giao thông qua đời. Cái chết đột ngột thảm khốc của người cha là cú sốc đầu đời, ám ảnh ông thường trực. Từ đấy, ông luôn suy nghĩ về sự sống và cái chết. Hẳn người ta rất ngạc nhiên khi xem ảnh thời thơ ấu của ông. Chàng trai vui vẻ và khỏe mạnh giành nhiều giải thưởng khi thi đấu thể thao (chạy, cử tạ, judo) này là ai vậy? Điều gì sau đó đã đưa ông trở thành một nhà thơ – nhạc sĩ buồn bã và ốm yếu?
Năm 1957, Trịnh Công Sơn 18 tuổi. Một tai nạn bất ngờ đã thay đổi tất cả cuộc đời ông. Lúc ấy ông đang học trung học, vào một ngày khi đang tập judo với người em trai, ông bị thương nặng ở ngực, suýt chết và phải nằm liệt giường gần hai năm tại Huế. Không ngờ thời gian nằm dưỡng bệnh này ông có nhiều thì giờ rảnh rỗi, suy nghĩ về kiếp người, cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên. Để khuây khỏa nỗi buồn ông đọc ngấu nghiến Apollinaire, Marcel Pagnol, Jacques Prévert, Rabindranath Tagore, Marcel Proust, Nietzsche, Nikos Kazantzakis, Albert Camus, Jean Paul Satre… ông đặc biệt yêu thích những tác phẩm của Albert Camus, Truyện Kiều của Nguyễn Du và triết lý Phật giáo. Ông không chỉ tiếp cận với văn học, thi ca mà còn mày mò, tìm hiểu dân ca Việt Nam, âm nhạc của người da đen: blues, gospel v.v. [2]. Trịnh Công Sơn quyết định chơi đàn guitare và bắt đầu sáng tác. Những ca khúc đầu tiên mang tên “Sương đêm” và “Chơi vơi” đều chưa ấn hành. Ông từng thổ lộ: “Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy”. Tai nạn trên là một cái rủi cho ông về thể xác nhưng là một cái may cho nền âm nhạc Việt Nam. Nếu như không có khúc quanh bất ngờ này, có lẽ ông đã tiếp tục chơi thể thao, đi học tiếp và không chừng đã trở thành một ông bác sĩ, hay kỹ sư nào đó… và chúng ta sẽ không bao giờ có được một nhạc sĩ tài hoa như ngày nay.
Ca khúc được ấn bản đầu tiên của Trịnh Công Sơn là bài “Ướt mi”, sáng tác vào năm 1958 và công bố năm 1959, nói về giọt nước mắt thuần khiết của một người con gái. Đó là một cô ca sĩ mới 16 tuổi, xuất hiện về đêm ở phòng trà Văn Cảnh – Sài Gòn, đi hát để nuôi mẹ. Mẹ cô bị bệnh lao nặng nên đêm nào khi hát bài “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong cô cũng khóc. Điều ấy đã gợi nguồn cảm hứng cho ông sáng tác “Ướt mi”. Tác phẩm này cho thấy sự thành công qua số lượng đĩa nhạc bán được. Người hát bài này đầu tiên cũng chính là cô ca sĩ ấy - ca sĩ Thanh Thúy – người mà sau này cũng rất nổi tiếng trong sự nghiệp ca hát trước năm 1975. Gs. Nguyễn Văn Trung đã từng viết bài “Ảo ảnh Thanh Thúy” để ca ngợi giọng ca đầy chất liêu trai của cô.
Sau đó, đầu thập niên 60 là thời kỳ Trịnh Công Sơn sáng tác rất nhiều bản nhạc tình và đã trở thành những kiệt tác của ông. Ở Huế, thời gian này Trịnh Công Sơn lại rung động theo hình ảnh một thiếu nữ mảnh mai, con của một vị giáo sư dạy Pháp văn: Ngô Vũ Bích Diễm. Hình ảnh này sẽ vương lại mãi trong trái tim ông như một vết thương không bao giờ lành hẳn. Ca khúc nổi tiếng “Diễm xưa” ra đời, một ca khúc đánh dấu đặc biệt trong đời ông và có hậu vận bền lâu.
Những năm 62-64, chiến tranh Việt Nam ngày càng tàn khốc, thanh niên hầu hết đều bị bắt đi lính. Để hoãn quân dịch, Trịnh Công Sơn rời Huế thi vào trường Sư phạm Quy Nhơn, trường mới thành lập và đây là khóa đầu tiên đào tạo giáo sinh trong hai năm. Nơi thành phố biển hiền hòa, yên tĩnh này, Trịnh đã sáng tác những tình ca nổi tiếng như “Biển nhớ”, “Nhìn những mùa thu đi”, “Nắng thủy tinh”, “Chiều một mình qua phố”, “Vết lăn trầm”, “Dã tràng ca”, “Cát bụi". Những tình ca của Trịnh Công Sơn đã gây kinh ngạc cho mọi người thời đó, khi mà cả miền Nam còn quen với dòng nhạc tiền chiến sướt mướt với “Kiếp hoa”, “Nỗi lòng”, “Khúc nhạc tương tư” hay “Lá thư”, “Tạ từ”… thì những hình ảnh mang đậm nét siêu thực, với những ca từ lạ hóa. Lạ từ nhan đề tới hình ảnh tân kỳ trong lời ca như: Diễm xưa, Tuổi đá buồn, Lời buồn thánh. Rồi những hình ảnh mắt xanh xao, hồn xanh buốt, hai bàn tay đói, bàn tay chăn gió mưa… quả là độc đáo, mang nhiều màu sắc mới lạ, đã gây sự chú ý và liền chinh phục người nghe.
Năm 1964, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, ông được điều lên Bảo Lộc dạy học. Thời gian này, cuộc chiến ở Việt Nam đã trở nên ác liệt. Năm 1965 quân Mỹ đặt bước chân đầu tiên lên miền Nam Việt Nam. Phong trào đấu tranh của cả nước dâng cao. Giai đoạn 1965 – 1972, “nhạc phản chiến” trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Trịnh Công Sơn. Ông bắt đầu sáng tác những bài hát về thân phận con người trong chiến tranh, miêu tả cuộc sống đau đớn, kinh hoàng đầy chết chóc hàng ngày của người dân, từ những người mẹ, người vợ cho đến cụ già, em bé. Những bài hát của ông là tiếng kêu than thống thiết của con người trong cuộc chiến. Tiêu biểu như “Gia tài của mẹ”, “Hát trên những xác người", “Đàn bò vào thành phố”, “Người già em bé”, “Người con gái Việt Nam”, “Tình ca người mất trí”… Cuối cùng có lệnh tổng động viên toàn quốc, không thể trốn tránh chui rúc mãi, ông bắt buộc tìm cách làm cho mình không đủ sức khỏe để đi lính. Hàng ngày ông phải nhịn ăn, và uống thêm diamox, một thứ thuốc rút bớt nước trong cơ thể làm cho sút ký nhanh, và ông đã “thành công” khi tự hủy hoại bản thân mình với trọng lượng cơ thể không đầy 30kg. Trốn lính gần như là một cái “nghề” đầy tính chất phiêu lưu của hàng triệu thanh niên miền Nam lúc bấy giờ. Thái độ phản kháng ấy, chứng tỏ quyết tâm không tham chiến của ông, ông chống chiến tranh và phản đối nó.
Dường như không khí thời đại đã thôi thúc ông trong việc sáng tác, và một gặp gỡ định mệnh giữa ông với ca sĩ Khánh Ly, người thể hiện tuyệt vời những nhạc phẩm của ông, đã làm nên tên tuổi ông từ đó. Theo tài liệu của ông Bửu Ý, vào năm 1965 tại Đà Lạt tình cờ Trịnh Công Sơn nghe Khánh Ly hát trong hộp đêm Tulipe Rouge. Ông biết ngay giọng hát của cô ca sĩ này phù hợp với những bản nhạc của mình nên mời cô tham gia. Thời gian sau, Khánh Ly rời Đà Lạt và theo ông xuống Sài Gòn. Từ đó cô đã trở thành “Ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn”. Hãy nghe ông nói về cuộc gặp gỡ này: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly”.
Vào cuối năm 1965, buổi ra mắt đầu tiên của ông trước công chúng Sài Sòn là khoảnh sân sau Trường Đại học Văn khoa, với hàng ngàn sinh viên và trí thức. Bằng chiếc đàn thùng đơn giản và giọng ca huyền thoại Khánh Ly, những bài tình tự quê hương và thân phận con người được hát vang lên và làm thức tỉnh, say đắm hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt đêm đó. Tác phẩm đã hòa nhập vào quần chúng, là tiếng lòng của quần chúng. Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở thành một hiện tượng và rồi trở thành thần tượng của lớp trẻ lúc bấy giờ.
Trịnh Công Sơn, với dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng trí thức, giọng Huế nhỏ nhẹ, với cuộc sống bất định. Đêm đi hát, khuya về kê ghế bố ngủ với bạn bè ở Quán Văn hay Hội Họa sĩ Trẻ. Bên cạnh đó hình ảnh Khánh Ly, khi hát đi chân đất – nữ hoàng chân đất của một thời – giọng hát da diết diễn tả nỗi trầm thống vô vọng: “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Hai người đi với nhau tạo nên hình ảnh “đôi lứa”, một đôi trai-gái trong tình bạn hồn nhiên, trong sáng. Tạo thành một đôi bạn trẻ, một couple ở đây rất mới, đáp lại ước mơ hiện đại của một thế hệ thanh niên muốn phá vỡ quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân còn đè nặng lên xã hội Việt Nam. Trong dư luận, họ cũng không bị nghi ngờ hay tai tiếng, dù người đời có kẻ thắc mắc, tò mò... Những tâm hồn phóng khoáng và “hiện đại” thì gạt phăng đi loại “tò mò bệnh hoạn ấy”. Và đặc biệt, Trịnh Công Sơn là người tăm tiếng mà không tai tiếng. Sơn nói: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”. Khánh Ly viết: “Một mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường”. Nhưng trên hết, chính hình ảnh Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường đi hát cộng đồng, nghĩa là hát không công, không lấy thù lao, chủ yếu là cho thính giả trẻ, tại các giảng đường, trường học, đã tạo ra một hình ảnh lý tưởng cho nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ca hát – mang theo lý tưởng nhân đạo và tình yêu thể hiện sự dấn thân của người nghệ sĩ. Trong khi đó, đa số các ca sĩ, nhạc sĩ khác hát để lấy tiền. Trong một lần trả lời phỏng vấn nhà báo Bùi Văn Phú, Khánh Ly kể lại giai đoạn cơ cực đói khổ nhưng đầy hạnh phúc những năm 60 ấy: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.
Năm 1969 nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn nổi tiếng khắp thế giới, ông được xem là một Bob Dylan của Việt Nam. Năm 1970 Bài “Diễm xưa” được vào chung kết cuộc thi các bài hát nước ngoài ở Nhật, bài “Ngủ đi con” chiếm “đĩa vàng” và đã phát hành trên hai triệu đĩa. Trịnh Công Sơn từ đó trở thành thần tượng - kẻ du ca bất khuất - trên đất nước đầy bom đạn. Những sáng tác tiếp theo của ông với những ca từ mạnh mẽ, trong tập Kinh Việt Nam hay Ta phải thấy mặt trời, Nhân danh Việt Nam là tiếng kêu gọi hòa bình và thống nhất đất nước. Những tác phẩm của ông bị chính quyền Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cấm phát hành. Bản thân ông bị truy lùng, bắt bớ. Nhưng ông được nhiều trí thức và quần chúng cưu mang. Trong đó có đại tá Lưu Kim Cương một sĩ quan cao cấp trong không quân miền Nam Việt Nam đã che chở và giúp đỡ ông rất nhiều trong thời gian khốn khó ấy. Sau khi đại tá Lưu Kim Cương mất, ông viết bài “Cho một người nằm xuống” để tri ân một người bạn đã từng cưu mang mình và chính bài hát này về sau là nỗi khổ của ông.
Tháng 4/1975, chiến tranh chấm dứt, ông là người đầu tiên lên Đài Phát thanh Sài Gòn hát vang bài “Nối vòng tay lớn”, một bài hát nói lên niềm khao khát hòa bình, thống nhất. Ước mơ hòa hợp dân tộc hai miền Nam-Bắc, được ông viết từ năm 1968. Ngày 30/4 người thân ông ra đi, bạn bè ông ra đi, Khánh Ly rời đất nước trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Ông ở lại, bởi vì đó là logic của một con người ước mơ được nhìn thấy: ngày hòa bình thống nhất trên quê hương.
Bàn tay thân ái
Lòng không biên giới
Anh em ơi lắng nghe tình nhau
Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu
Mẹ dâng miếng cau rồi dâng ngọn trầu
Cho hai miền trùng phùng lòng thấy nao nao
Ngày Nam đêm Bắc
Tình chan trong mắt
Sẽ thấy trăm bình minh ngọt ngào
(“Huế-Sài Gòn-Hà Nội")




Tại sao ông ở lại Việt Nam ?
Trước ngày 30/4/1975 có nhiều lời mời đưa ông ra nước ngoài của các hãng Thông tấn quốc tế. Ông nói: “Việt Nam là nơi duy nhất tôi có thể sống và sáng tác. Ở nước ngoài, tôi không nghe ra tiếng nhạc trong đầu mình, tôi không nghe được câu thơ tôi viết ra. Tôi thích đi nước ngoài, nhưng nếu ở lâu, tôi sẽ khô cạn và chết mất. Hơi ấm của dân tộc Việt Nam giống như nước cần thiết cho hoa vậy”.
Thế nhưng, tình hình của Trịnh Công Sơn thật khá tế nhị trong thời kỳ sau 1975. Những ngày đầu sau cuộc chiến, không khí chính trị còn ấu trĩ, tả khuynh quá đà của một số người trong chính quyền Cách mạng. Ông bị coi là một nghệ sĩ của chế độ “mục nát” của miền Nam. Theo nhà nghiên cứu xứ Huế Nguyễn Đắc Xuân, giai đoạn sau tháng 4/1975 “Đối với lãnh đạo thì không có vấn đề gì, nhưng có nhiều “anh em phong trào” ở Sài Gòn không thích quan điểm lập trường chung chung của Trịnh Công Sơn trước đây”. Vì vậy, để thoát khỏi “không khí nghi kỵ” ở Sài Gòn lúc ấy, Trịnh Công Sơn về Huế. Thế nhưng, thời gian đó một số phần tử quá khích theo phong trào “Vệ binh đỏ” của Trung Quốc đã kích động sinh viên treo một tấm banderole to tướng mang dòng chữ xanh rờn: “Hạ bệ Phạm Duy – Hoàng Thi Thơ và Trịnh Công Sơn” trước trường Đại học Sư phạm Huế. Ông sững sờ và câm lặng. Không ngờ về quê hương ông lại bị giội một gáo nước lạnh như thế. Và tiếp theo là cuộc tọa đàm luận tội “Trịnh Công Sơn có công hay có tội” tại Hội Văn nghệ Thừa Thiên – Huế. Hôm ấy có cả Trần Hoàn, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Ngạc và vài người nữa… Có người lên án, nhưng cũng có người bảo vệ. “Tội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ông đã làm nhạc phản chiến một cách chung chung, không phân biệt được chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng dân tộc trong bài “Gia tài của mẹ” với câu Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Thậm chí ông còn làm nhạc ca ngợi địch trong bài “Cho một người nằm” xuống thương tiếc đại tá không quân Sài Gòn Lưu Kim Cương tử trận – người đã từng cưu mang ông. Nhiều người phát biểu biện hộ cho Trịnh Công Sơn: “Đúng là Trịnh Công Sơn đã làm nhiều bản nhạc phản chiến, anh được mệnh danh là người làm nhạc phản chiến số 1 thời ấy giống như Bob Dylan, Joan Baez ở bên Mỹ. Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tự do, anh theo đuổi chủ nghĩa nhân bản chung chung khác chúng ta. Nhưng anh làm nhạc trong vùng tạm chiếm, người nghe nhạc phản chiến của anh là lính Cộng hòa. Rất nhiều lính của Thiệu đã bỏ ngũ vì nghe bản nhạc Người con gái da vàng của anh. Chẳng có người lính cách mạng nào bỏ ngũ vì nghe nhạc của Trịnh Công Sơn cả. Đâu phải tự dưng chính quyền Thiệu ra lệnh tịch thu những bài hát của Sơn”. Và chính xấp tài liệu đăng lệnh của cựu Tổng thống Thiệu cấm phổ biến nhạc Trịnh Công Sơn, lệnh cấm mang số 33 ngày 8.2.1969, đã có sức thuyết phục lớn đối với những người tham dự tọa đàm. Sau cuộc tọa đàm, Trịnh Công Sơn phải viết kiểm điểm. Hồi ấy, những bản kiểm điểm nói không đúng vấn đề thường bị viết lại. Trịnh Công Sơn chưa quen lối sinh hoạt này nên rất đau khổ và tuyệt vọng, chán chường.
Trong thời hậu chiến này, cả nước rất khó khăn và như bao người Việt khác, Trịnh Công Sơn cũng được điều đi lao động sản xuất, khi thì trồng khoai lang, lúc cấy lúa trên những cánh đồng đầy bom đạn chưa tháo gỡ. Thời gian này, ông không thể sáng tác được, làm sao một người làm tình ca mang tính triết lý trừu tượng nổi tiếng lại một sớm một chiều có thể chuyển mạch bắt sáng tác theo “hiện thực xã hội chủ nghĩa được”. Bên cạnh thực tế ấy, Trịnh Công Sơn lại không đủ sức chống đỡ với những thế lực khác kèn cựa tài năng mình. Có người còn tuyên bố xanh rờn: “Ca khúc mà như của Trịnh Công Sơn thì một ngày mình có thể làm đến mười bài!”.
Hiểu được bi kịch của ông, và biết rõ tài năng, nhân cách của người nhạc sĩ tài hoa này, một nhà lãnh đạo nổi tiếng ở phía Nam đã đánh tiếng gọi ông về lại Sài Gòn. Năm 1979, Trịnh Công Sơn từ giã Huế vào Sài Gòn.
Từ những năm 1980, Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác lại. Tác phẩm của ông sau chiến tranh có những bài nổi tiếng như: “Chiều trên quê hương tôi”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Huyền thoại mẹ”, “Hà Nội mùa thu”, “Tiến thoái lưỡng nan”, “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, “Lặng lẽ nơi này”, “Xin trả nợ người", “Lời thiên thu gọi"… Những sáng tác này thường là tình ca, không có bài hát nào liên quan đến chiến tranh, chủ yếu là những tác phẩm viết cho các phim. Những tác phẩm sau này thường nói lên thân phận con người, kiếp người trong cõi tạm, mang đậm chất Thiền.
Năm 1983, Trịnh Công Sơn chuẩn bị cưới vợ lần thứ nhất, người phụ nữ ấy có tên là C.N.N sống ở Paris, Pháp. Thư từ Sài Gòn gửi cho Bửu Ý ngày 30.7.1983 Trịnh viết: “Moi sẽ làm đám cưới trong tháng tới. Cố gắng vào thì vui hơn” nhưng dự định cưới vợ không thành.
Năm 1989, ông sang Pháp theo lời mời của Nhà Việt Nam tại Paris. Tại đây, ông tham dự các chương trình giới thiệu tác phẩm của mình, ông bình luận và hát một vài đoạn nhạc. Ông đã gặp Khánh Ly tại Paris sau 14 năm xa cách, tuy nhiên không thể tổ chức được gì dù có sự hiện diện của hai nhân vật nổi tiếng một thời này, vì ở hải ngoại một số người cực đoan cũng bài xích ông là “kẻ hèn nhát, kẻ phản bội quốc gia”.
Năm 1990, Trịnh Công Sơn chuẩn bị cưới vợ lần thứ hai, người phụ nữ này là V.A, lễ cưới đã chuẩn bị xong, cô dâu đã may áo cưới, nhưng đến phút cuối ông lại khước từ hạnh phúc. Trong tình yêu ông vẫn là chàng lãng tử cô độc “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”… cho đến cuối đời.
Năm 1992, sau khi mẹ mất, ông suy sụp hoàn toàn, ông sang Canada thăm những người em, để mong tìm chút hơi ấm tình thân. Trịnh Công Sơn viết: “Khi một người mất mẹ ở tuổi 50 điều ấy có nghĩa là không còn gì có thể dàn xếp được. Cái sa mạc để lại trong lòng bạn cứ thế mỗi ngày lan rộng ra và cõi lòng bạn thì tan nát như một cánh đồng xanh tươi vừa trải qua một cơn bão lớn”.
Những năm 90 sau thời kỳ đổi mới của đất nước, nhạc của ông lại được hát rất nhiều trong các chương trình ca nhạc, chủ yếu là những bản tình ca. Những bài hát phản chiến rất hay của ông vẫn là điều tế nhị cấm lưu hành. Năm 1995, ông sáng tác bài “Sóng về đâu” một bài hát nói về tình yêu lấy cảm hứng từ câu kinh đạo Phật mà ông rất thích: “Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha” (Yết đế, Yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha). Trịnh Công Sơn dịch ra chữ quốc ngữ đại để là: “Vượt qua, vượt qua, tất cả chúng ta đều vượt qua, và đến bờ giác ngộ”.
Cuối năm 1999, sau 36 năm ra trường, lần đầu tiên ông trở lại Trường Sư phạm Quy Nhơn cùng nhóm “Những người bạn” dịp Quy Nhơn tổ chức kỷ niệm Thành phố 400 năm tuổi. Cùng đi với ông lúc ấy có các nhạc sĩ tên tuổi khác như Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên… Đó là một đêm đầy cảm động. Cả hội trường Đại học Quy Nhơn nghẹt kín sinh viên. Có những bài ông vừa hát, khán giả phụ họa hát theo như một dàn đồng ca đã được tập dượt trước. 12 giờ đêm chương trình chấm dứt nhưng các sinh viên vẫn quây lấy ông chụp hình kỷ niệm. Ông xúc động kể lại những năm tháng ông học tại Sư phạm Quy Nhơn thời 62-64, và hát say sưa không biết mệt. “Festival Huế 2000” là một sự kiện văn hóa của cả nước, Trịnh Công Sơn về Huế tham dự. Trở lại Sài Gòn, ông ngã bệnh phải đưa vào bệnh viện. Những năm sau này ông thường xuyên bị bệnh. Sức khỏe giảm sút rõ rệt.
Ca khúc cuối cùng ông sáng tác trên giường bệnh là bài “Biển nghìn thu ở lại". Và ngày 01/4/2001 Trịnh Công Sơn qua đời, “con chim nhỏ hát chơi trên đầu ngọn lau” không còn nữa, vết chim hạc để lại trên cõi trần đúng 62 năm.
Cái chết của Trịnh Công Sơn làm chấn động những người dân Việt cả trong nước và ngoài nước. Hàng triệu trái tim lặng lẽ khóc thương, hàng ngàn người đi sau linh cữu ông, chưa có một đám tang nào mà mọi người lại yêu thương nhau đến vậy, tất cả cùng nắm tay và hát trong nước mắt bài “Cát bụi" và “Một cõi đi về” theo tiếng kèn thống thiết của Trần Mạnh Tuấn. Người đời tinh lắm, Trịnh Công Sơn đã cho cuộc đời trái tim ông, ngày ông mất người đời đã cho lại ông tất cả.
“Tôi ước mơ một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái. Cái sứ mệnh huy hoàng nhất của nó là phải mang được cái thông điệp ấy đến với từng con tim. Không những chỉ với những tâm hồn vốn yêu chuộng hòa bình mà cả những con tim đang ngộ độc bởi những ngòi thuốc nổ”.

2. Vết chân dã tràng ngàn năm in dấu
Ngày tôi chào đời, nhạc của Trịnh Công Sơn đã nổi tiếng khắp miền Nam. Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã thuộc lòng những bài hát của ông. Ngày ấy, dù không hiểu gì về ca từ bài hát nhưng qua tiếng hát của những người chị ngâm nga, hàng ngày, hàng ngày nó thấm vào tim tôi “Mẹ ngồi ru con/Đong đưa võng buồn/Đong đưa võng buồn/ Mẹ ngồi ru con/ Mây qua đầu ghềnh/Lạy trời mưa tuôn”… “Đại bác ru đêm dội về thành phố / Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe/”. Thời ấy, thế hệ chúng tôi ai lại không thuộc nhạc của ông, khi hàng đêm chúng tôi vẫn thường nghe tiếng súng nổ, tiếng hỏa châu rơi… giai điệu buồn bã, đều đều như tiếng cầu kinh ấy, đã quá quen thuộc. Đến khi lớn lên, khi bắt đầu hiểu biết và trải nghiệm cuộc đời, những ca từ thấm đẫm tình yêu thương và thân phận con người của Trịnh Công Sơn đã là người bạn đồng hành cùng tôi trong từng chặng đời. Nó như một thứ bùa mê mà mỗi con người đều mang theo để làm cứu cánh khi thấy lòng cô đơn, buồn khổ, hay trong những lúc hân hoan, say đắm.
Không chỉ riêng tôi, trên đất nước Việt Nam này, ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn rất to lớn, gần như người dân Việt nào cũng đều thấy mình trong từng bài hát của ông. Ông nói hộ cho con người những âu lo, những vò xé, những thao thức, những đớn đau, những tiếc nuối, những ngỡ ngàng và cả những hoài nghi, những mê đắm… về thân phận con người, về chiến tranh nhân loại, về tình yêu thương gắn bó, về sự tan nát chia xa… ông đi cùng với họ, an ủi, tâm tình bên họ. Có ông cuộc đời như vơi bớt niềm đau, cái chết cũng không còn ghê gớm nữa. Vì ông đã giúp họ hiểu ra sự thật của kiếp người. Vậy thì, tại sao không sống thanh thản cho đời nhẹ nhàng hơn.
Trước năm 1975, mặc dù nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn bị chính quyền miền Nam cấm đoán, nhưng nhạc của ông vẫn được hát không chính thức trên các giảng đường, trường học, hộp đêm. Những bài tình ca, những bài tình tự quê hương dân tộc vẫn được thu băng và bày bán khắp các đường phố. Có không ít người miền Nam Việt Nam vào thời đó thuộc bài hát của ông, từ người già đến em bé, từ trí thức đến người bình dân.
Để hiểu rõ điều đó, hãy nghe nhận định của Hoàng Nguyên Nhuận: “… nếu Huế là thánh địa của Phật giáo và nếu bản nhạc Phật giáo Việt Nam của Lê Cao Phan là nhịp đạo hành của thanh niên Phật tử, thì Trịnh Công Sơn chính là nhịp đập con tim của phong trào thanh niên trên đường vận động hòa bình, độc lập và an lạc cho đồng bào đồng loại tại các thành phố miền Nam …”.
Trong luận văn viết về đề tài “Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn”, cô Yoshii Michiko có đề cập đến một tư liệu của Kondo Koichi, đặc phái viên chiến tranh tờ SanKei của Nhật - có văn phòng tại Sài Gòn trước 1975 - đã từng nhắc đến hiện tượng này: “Diễm xưa”: thiên tài Trịnh Công Sơn đã soạn ra giai điệu của bài hát này, bài hát đã được cả miền Nam Việt Nam yêu thích. Người ta nói rằng nữ ca sĩ Khánh Ly, cũng là một trong những tài năng mà người ta chỉ gặp một lần trong suốt 100 năm. Bài hát này bị cấm dưới chế độ ông Thiệu sau khi phát hành không lâu. Lối ẩn dụ chống chiến tranh ở đây quá đặc biệt. Và trong số họ có một người cấp bậc đại úy dường như anh đã có lý khi chứng tỏ sự hiểu biết của mình về điều đó. Thực tế, một vị đại tá của một trung đoàn có nhiệm vụ bảo vệ Đà Lạt đã nói: “Nghệ thuật là nghệ thuật. Phản chiến hay không, người ta không cần biết”. Và đã không nghe theo lệnh của tổng hành dinh. Ngược lại, ông đã khích lệ cả những binh lính của ông, hát những kiệt tác của “thiên tài duy nhất mà miền Nam Việt Nam có thể ca ngợi với thế giới.”
Một nhà báo Nhật khác thường lui tới hộp đêm của Khánh Ly trên đường Tự Do kể: “Hàng đêm vào đầu giờ, người ta chỉ nghe những bài hát cho phép, nhưng đêm gần tàn, Khánh Ly bắt đầu hát những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn, và trên thực tế, công chúng chỉ đến để nghe những bài hát này”.
Điều đó chứng tỏ, những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn dù đã bị cấm đoán trong thời chiến tranh nhưng người dân vẫn hát vang trên khắp phố phường, làng mạc. Vẫn được đánh máy, in ronéo chuyền tay nhau trong các phong trào thanh niên và ngay cả trong những sĩ quan cao cấp của chính quyền miền Nam.
Nhạc Trịnh Công Sơn ảnh hưởng rộng rãi ở miền Nam trước 1975 chúng ta đã biết, thế còn ở miền Bắc thì sao? Những nhân chứng dưới đây giúp chúng ta sáng tỏ: Văn Cao viết: “…tôi đã gặp Sơn từ những ngày đất nước còn chia hai miền và còn chìm trong khói lửa. Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ. Đêm ấy lần đầu tiên tôi nghe (cũng có nghĩa là gặp) Trịnh Công Sơn… Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu?) hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghi–ta duy nhất có trong nhà”
Nhà thơ Nguyễn Duy kể rằng, ở dọc Trường Sơn, bộ đội Miền Bắc cũng đã từng nghe tình ca của Trịnh: “Mặt trận Đường Chín–Nam Lào (1971)… trong căn hầm kèo bên dòng sông Sêbănghiêng… Nghe, nghe trộm – vâng, lúc đó gọi là nghe trộm đài Sài Gòn, tình cờ “gặp” Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly… Diễm xưa… Mưa vẫn mưa rơi… làm sao em biết bia đá không đau… Quỷ thật! Giai điệu ấy và lời ca ấy tự nhiên “ghim” lại trong tâm tưởng tôi ngay từ phút bất chợt ấy. Rồi Như cánh vạc bay… Quái thật!… Cảm nhận bất chợt, những bài hát rất mượt mà, đắm đuối ấy… ừ thì có buồn đấy, đau đấy, quặn thắt nữa đấy… nhưng còn là cái gì lành mạnh nảy nở trong đó. Hình như là cái đẹp. Cái đẹp trong câu nhạc. Cái đẹp trong ca từ, cả xác chữ lẫn hồn thơ. Bảng lảng, lờ mờ, khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng là đẹp, đẹp làm sao… và để lại cái ám ảnh thẩm mỹ”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, trước đây là bộ đội miền Bắc, hiện ở Berlin viết: “Năm 1972, khi ấy tôi là bộ đội trong rừng Trường Sơn. Thằng bạn tôi, sau chiến dịch Lam Sơn 719 vớ được cái đài Sony rất tốt. Đêm Trường Sơn, chờ cho mọi người đi ngủ hết, chúng tôi lén mở đài BBC và cả đài Sài Gòn. Đấy là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng hát Khánh Ly với nhạc Trịnh Công Sơn. Chúng tôi là lớp người lớn lên từ Miền Bắc, thường quen với những khúc thức hùng tráng. Trong tiếng chộn rộn rú rít của sóng vô tuyến, tôi vẫn thấy một giọng lạ của một thứ âm nhạc mới. Một thứ nhạc da diết, đầy lãng đãng từ ca từ, tới khúc thức. Một thứ nhạc xanh không giống bất cứ nhạc xanh nào mà tôi từng nghe, kể cả trong những đĩa hát quay tay cổ mở suốt ngày rên rỉ ở đầu chợ trời những ngày sau hòa bình. Rất lạ, với tôi khi đó nhạc Trịnh Công Sơn như làn gió khởi từ xa xăm đâu đó, tách khỏi hận thù trận mạc, tha thiết một tình yêu đồng loại, giống nòi, yêu bè bạn, hòa bình, đạo lý. Nó lạ, vì lối ca từ phi tuyến tính, không giống cách viết truyền thống trên những ca khúc của Hà Nội khi đó.” Và đáng quý hơn nữa, nhà văn này đã ghi lại cảm giác khi tiến quân vào Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975, ông nghe Trịnh Công Sơn đang hát bài “Nối vòng tay lớn” trên đài phát thanh Sài Gòn: “Mặt đất bao la… anh em ta về… gặp nhau trong bão lớn quay cuồng trời rộng… Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ. Lời ca không phải là tiếng bể máu như kết cục thường thấy của chiến cuộc, lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học. Chúng tôi tiến vào Sài Gòn… Nối vòng tay lớn. Chiến tranh nào bao giờ chẳng có mặt trái, nhưng tiếng hát kia, bản nhạc ấy, mở ra cho cả hai bên nghe như một liều thuốc vô hình đã làm chùng xuống một thời khắc dễ nổi cáu và nổi đóa. Đấy là kỷ niệm thứ hai của tôi về anh”. Tiếng hát làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hằng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc, một sự kiện như thế không trọng đại hay sao? Văn học nghệ thuật Việt Nam đã bao nhiêu lần đóng vai trò đó?
Sau năm 1975, một thời gian dài nhạc Trịnh bị cấm biểu diễn kể cả những bài tình ca và những bài tình tự quê hương, dân tộc. Cho đến cuối những năm 80 đầu những năm 90 - thời mở cửa, nhạc Trịnh Công Sơn mới được chính thức phổ biến. Tuy nhiên, trong những năm chính quyền không cho phép, mặc nhiên người dân ở cả hai miền Nam – Bắc vẫn nghe nhạc của ông trên khắp nẻo đường đất nước, từ những nơi núi rừng heo hút cho đến chốn thị thành.
Nhạc của ông cũng truân chuyên như cuộc đời ông vậy.
Nguyễn Đắc Xuân kể lại rằng: “Sau ngày thống nhất đất nước, cùng với hàng hóa tiêu dùng của miền Nam, các băng nhạc của Trịnh Công Sơn bắt đầu xâm nhập giới trí thức miền Bắc. Đứng trên lầu 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) – Cơ quan Văn nghệ miền Bắc, tôi nghe vang vọng từ phía Nhà xuất bản Văn học một gia đình nào đó mở “Gia tài của mẹ”, “Nối vòng tay lớn”… của Trịnh Công Sơn”. Đi từ Nam ra Bắc, chúng ta dễ dàng bắt gặp những quán cà phê mang tên “Nhạc Trịnh” hay mang tên tựa đề bài hát của ông: “Hạ trắng”, “Diễm xưa”, “Biển nhớ”… Dấu ấn ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn còn bàng bạc trên văn chương của người đương thời.
Ngày nay, đi đến bất cứ nơi đâu trên trái đất này, nếu có cộng đồng người Việt sinh sống, thì nơi đó có nhạc Trịnh Công Sơn. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết: “Hơn mười năm qua, đi đâu, bất cứ nơi nào, trong nước hay ngoài nước, nơi nào có người Việt Nam, là nơi đó tôi được nghe nhạc Sơn. Nhớ năm 1987, trong dịp sang Đông Berlin, khi tôi vừa ngồi yên trong xe, thì anh bạn lái cho tôi bảo: “Nghe Trịnh Công Sơn nhé?”. “Có à?”. Tôi ngạc nhiên. “Sao lại không!” và giọng của Khánh Ly “Mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ…” lại cùng tôi vang trên các nẻo đường Đông Berlin trong đêm thu.”
Tại Paris, quận 13… Một hôm tôi đến, vào một quán phở, một cái quán có nhiều khách chống Sơn: lạ, tôi lại nghe họ mở nhạc của Sơn. Rồi đầu tháng 7.1989 ngồi trong một quán ăn Việt Nam ở New York, trong ánh đèn mờ, tôi cũng lại nghe nhạc của Sơn… Hóa ra người ghét Sơn, chống Sơn vẫn không thể không nghe nhạc Sơn. Từ đó, có thể nói, nghệ thuật của Trịnh Công Sơn đã vượt qua khỏi sự hằn thù…”



Hãy nghe những lời phát biểu
về tầm ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn:
Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Gần nửa thế kỷ sáng tác ca khúc, hành trình của Trịnh Công Sơn là hành trình của một trái tim yêu người, yêu giống nòi, luôn luôn tìm cách trả lời những câu hỏi không phải của khối óc mà là câu hỏi của chính trái tim anh đặt ra, trong đó, sự trăn trở giữa cái bản ngã và phi bản ngã là sự trăn trở thường trực… các nhà thơ từ Nam đến Bắc đều coi anh là thi sĩ.
Nhà văn Phạm Thị Hoài: Thế kỷ vừa rồi hiếm khi cho chúng ta một nghệ sĩ đặc biệt như thế. Ông không phải là một trong những nhạc sĩ lỗi lạc nhất, song hầu như không ai khác từ lúc sinh thời đã để lại một ảnh hưởng rộng rãi như vậy với người làm nhạc và người nghe nhạc Việt Nam. Ông không phải là một ca sĩ trứ danh, song ông đã được so với Bob Dylan, và đem lại cho danh hiệu kẻ du ca một ý nghĩa hiện đại. Ông không phải là một trong những nhà thơ sáng giá nhất, song cách ông đặt lời bài hát đã thành một trường phái và dựng nên một phong cách ngôn ngữ xứng đáng được ghi nhận trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông không phải là một trong những chiến sĩ của hòa bình, tự do và nhân phẩm kiên cường nhất, song với đông đảo bạn hữu và quần chúng, ông đã tượng trưng cho những giá trị ấy
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong bài “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người tình lãng du của nhiều thế hệ”, đã tự hỏi: “… vì sao mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được công chúng hâm mộ đến thế? Có lẽ chính anh là một nhà thơ được hát lên. Ca từ của anh không chỉ là giàu chất thơ người ta thường nói, mà đấy là những bài thơ thực sự, những bài thơ thấm đẫm triết lý về cuộc sống, về tình yêu, về sự sinh ra và trở về cát bụi của phận người ngắn ngủi… Khi được nhờ chọn một số bài thơ tình hay nhất thế kỷ, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến đã tâm đắc tiến cử lời bài ca “Đêm thấy ta là thác đổ” của Trịnh Công Sơn. Nhưng những lời thơ ấy được hát lên bằng nhạc của chính tác giả, thì nó bỗng trở thành những câu kinh bất hủ. Và người ta nói rằng, âm nhạc của anh là những bài kinh cầu bên vực thẳm về thân phận và tình yêu
Đó là nhận định của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Và chúng ta hãy nghe tình cảm chân thành của những con người bình thường khác, đó là những người mẹ nhọc nhằn, những cô gái ăn sương, những em bé không hề biết ông là ai, nhạc Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng họ như thế nào:Bà mẹ vợ của tôi, chồng bị bệnh nằm một chỗ đã nhiều năm, một tay nuôi 8 đứa con dại. Mùa hè năm 1975, cậu con trai thứ hai lại bị mất tích trên đường theo bộ đội vào giải phóng Sài Gòn. Bà hết sức đau khổ. Hằng ngày đứng nấu cơm rửa chén phục vụ gia đình bà tự an ủi mình với “Cỏ xót xa đưa”. Bà mẹ đẻ của tôi ở Đà Lạt, hơn nửa đời người vất vả nuôi con, cuối đời rất sùng đạo Phật. Bà thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn vì bà cho rằng nhạc Trịnh Công Sơn có hơi hám “cát bụi giải thoát”. Người ta nói âm nhạc Trịnh Công Sơn chỉ thích hợp với tuổi trẻ. Các bà mẹ tôi không còn trẻ nữa mà cũng thích nhạc Trịnh Công Sơn. Các bà thích không vì tuổi còn yêu mà chính là nhạc Sơn đã nói hộ các bà về thân phận của kiếp người sống trong cõi tạm. Các bà mẹ tôi thích nhạc Trịnh Công Sơn khi chưa biết Trịnh Công Sơn là ai. Cũng giống như các em bé trên miền núi huyện Hướng Hóa (Quảng Bình) vào những đêm trăng quây quần giữa sân hát vang “Em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha…”, các em không biết tác giả bài ca ấy là ai. Các em cũng không cần biết tác giả làm gì. Các em chỉ cần biết lời của bài ca đó chính là ước mơ của các em”. Ngoài ra, còn có một chứng từ khác của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về các cô gái ăn sương: “Cách đây mấy năm, một đêm khuya tôi vừa uống rượu về, ngang qua công viên nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn; từ sau một gốc cây, một cô gái mặc áo hồng bước ra, kéo tay tôi. Tôi ôn tồn từ chối. Liền sau đó, một cô áo đỏ, rồi áo lục… toàn là nhan sắc hương phấn, giống như trong Hồng lâu mộng. Tôi liền khoát tay ra hiệu mình bị nhiễm HIV nặng, các em lập tức dãn ra… Lúc này tôi mới để ý tới giọng hát khe khẽ từ bóng tối bên vệ đường… một cô gái áo đen… vẫn ngồi đấy từ đầu. Không thèm bận tâm gì tới cuộc ríu rít của những “đồng nghiệp” của cô vây quanh tôi, chỉ mải chìm đắm trong giai điệu của bài hát mà cô yêu thích, và tôi nghe rõ: “Đi về đâu hỡi em. Hãy lau khô dòng nước mắt. Đời gọi em biết bao lần”. Tôi thầm hiểu rằng đến với cô gái bất hạnh trong phận người lúc này, quả không thể là Phạm Duy hoặc bất cứ nhạc sĩ nào khác, mà chính là Trịnh Công Sơn”.




Những bài hát của Trịnh Công Sơn
đã phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng
không chỉ trong lòng người dân Việt Nam,
mà còn lan xa trên thế giới.
Ở Mỹ, người ta coi ông như là một Bob Dylan của người Việt và ông được mời sang sống ở đó như là một người dân di tản với mức thu nhập bảo đảm cuộc sống an nhàn.
Ở Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật có nhiều bài báo viết về Trịnh Công Sơn như nhà báo Jean- Claude Pomonti, Jacques Boyer (Pháp), Murray Hiebert, Jon Liden, John Schafer (Mỹ), Frank Gerke (Đức), Irina Zisman (Nga)… và nhiều bài hát được dịch sang tiếng Pháp, Nhật.
Năm 1970 ở Nhật Bản, bài “Diễm xưa” được tuyển vào vòng chung kết những bài hát hay của nước ngoài và bài “Ca dao Mẹ” được giải “đĩa vàng” và bán được hai triệu bản. Tiếp theo thành công này, vào năm 1972, Mainichi Broadcasting đã đề nghị Trịnh Công Sơn sáng tác một bài hát đặc biệt dành tặng cho Hiroshima và Nagasaki. Và Trịnh đã sáng tác ca khúc “Như tiếng thở dài”. Nhạc Trịnh đặc biệt được người Nhật yêu thích, vì những giai điệu bài hát của ông như những lời ru rất gần gũi, quen thuộc với người Nhật.
Năm 1980 ca khúc “Diễm xưa” và bản dịch Utsukushii Mukashi được đài truyền hình lớn nhất ở Nhật NHK chọn làm nhạc phẩm chính cho một bộ phim nội dung trình bày những khác biệt văn hóa giữa một người Nhật có vợ Việt Nam. Tháng 7/2004 “Diễm xưa” trở thành nhạc phẩm châu Á đầu tiên được Viện đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của Viện đại học trong bộ môn Văn hóa và Âm nhạc.
Năm 2004, “Giải thưởng âm nhạc hòa bình thế giới” (WPMA) được trao cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì lý tưởng hòa bình mà ông đã đấu tranh không mệt mỏi cho hạnh phúc của nhân loại.
Tên ông được ghi trong bộ bách khoa Le Million của Pháp (tập 8 trang 122, Genève 1973).




Tại sao âm nhạc của Trịnh Công Sơn
lại có sức sống, sức lan tỏa
vượt thời gian và không gian như vậy?
Viết về nhạc Trịnh Công Sơn, Văn Cao nhận xét: Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra”.
Nhạc sĩ Phạm Duy: “… toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại”.
Các nhạc sĩ phần đông cùng nhận xét: nhạc của Trịnh Công Sơn rất đơn giản, không có gì chuyên môn, chủ yếu là hai gam La và Mi. Vậy thì, chỉ với nhạc không, ta sẽ chỉ có một Trịnh Công Sơn nhạc sĩ bình thường, không trở thành một hiện tượng độc đáo nhất trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học như hiện nay.

Vậy thì tại sao lại là nhạc Trịnh Công Sơn?
Một nghịch lý là ở đây: “Nhạc của Trịnh Công Sơn hay là nhờ ở ngôn ngữ Trịnh Công Sơn. Nếu không thích hát, ta có thể dở bất cứ một bài hát nào của Trịnh Công Sơn và đọc, y như đọc thơ. Ta sẽ thưởng thức các ca từ đó như bài thơ. Và thế cũng đủ.”. Trịnh Công Sơn được xem là phù thủy ngôn ngữ, tiếng Việt qua thơ ông trở nên mới lạ và độc đáo. Ở đây, chúng ta lại có một câu hỏi, thơ hay thì không chỉ có Trịnh Công Sơn, trước năm 1975 và hiện nay chẳng hạn, tại sao chúng không nổi tiếng bằng Trịnh Công Sơn? Điều đó dẫn đến một nghịch lý thứ hai: thơ Trịnh Công Sơn hay là vì chúng biến thành âm nhạc, thành nhạc và phổ biến rộng khắp. Chúng ta biết, nhiều bài thơ hay, trở thành phổ biến và được công chúng đón nhận là nhờ được phổ nhạc, nghĩa là biến thành âm thanh. Chẳng hạn bài thơ “Đưa em tìm động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư. Bài thơ “Ngậm ngùi” của Huy Cận, mấy ai biết. Vậy mà đến khi Phạm Duy phổ nhạc hai bài thơ trên trở thành những bài hát nổi tiếng một thời trước 1975. Hay bài thơ “Cuối cùng cho một Tình yêu” của Trịnh Cung ít ai biết, thế nhưng khi Trịnh Công Sơn phổ nhạc thì được phổ biến rộng rãi.
Ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn là những bài thơ. Y như bất cứ một bài thơ nào khác. Có điều chúng tự biến thành âm thanh cùng lúc sáng tác. Đó là những “bài thơ âm” (Văn Cao gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ vì vậy). Chúng có cùng với nhạc. Có thể nói chúng là nhạc. Chúng được sáng tác cho nhạc, nhưng không phải là những bài thơ phổ nhạc. Trịnh Công Sơn tự nhận xét: “Ca khúc đối với tôi là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh. Nó là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc”. Đúng, một cuộc hôn phối giữa thi ca và âm nhạc thật nhuần nhuyễn, diệu kỳ.
Theo ông Trần Hữu Thục, nó còn là một cuộc hôn phối khác, hôn phối giữa Trịnh Công Sơn và thời đại của ông. Đó là một giai đoạn bùng vỡ mọi mặt. miền Nam Việt Nam từ cuối 1963 đến tháng 4/1975 không khi nào yên tĩnh. Bom đạn, biểu tình, đảo chánh, pháo kích, giới nghiêm, bãi khóa, hội thảo. Các phong trào, đảng phái mọc lên như nấm. Các xu hướng chính trị, tôn giáo, triết học phát triển rầm rầm rộ rộ: hiện sinh, cộng sản, Phật giáo, Thiên chúa giáo, tả khuynh, hữu khuynh, phân tâm, thiền, cách mạng tính dục. Cả một xã hội trần truồng phô bày toang hoác. Các tệ nạn xã hội được dịp phát triển kinh khiếp: tham nhũng, đĩ điếm, ăn cắp, giết người… Thời đại tướng lĩnh sợ sinh viên, bộ trưởng sợ thầy chùa. Một giai đoạn lịch sử tự do bung phá. Mọi tháp ngà bị đạp vỡ, mọi đường ranh bị băng qua. Tất cả các tiêu chuẩn chân lý bị xét lại. Tuổi trẻ đứng cheo leo trên đường biên. Đó là thời kỳ của khai mở và bi kịch. Trịnh Công Sơn đớn đau nhận lãnh và thừa hưởng để biến tất cả thành nghệ thuật.
Trịnh Công Sơn là một hiện tượng đặc biệt trong nền văn hóa Việt Nam thế kỷ XX. Có thể nói: ca từ của Trịnh Công Sơn là một hôn phối giữa nhiều “nỗi” “niềm” khác nhau: hôn phối giữa thi ca và âm nhạc, hôn phối giữa tác giả và thời đại của mình. Ông đã nói hộ cho nhân loại nỗi tuyệt vọng nhân sinh, nỗi phẫn nộ về chiến tranh, niềm ước mơ về hòa bình, nỗi băn khoăn siêu hình, niềm vui về tình yêu, đoàn tụ và nỗi buồn của thân phận con người.
Suốt đời ông mãi là con dã tràng xe cát biển Đông. Sinh thời, Trịnh Công Sơn từng hỏi: Ngày sau còn ai nhắc tên mình không? (“Dã tràng ca”)
Câu hỏi đầy chất tâm linh của Trịnh Công Sơn mãi mãi là nỗi băn khoăn của nhân loại. Và có lẽ Trịnh Công Sơn cũng không ngờ, ngày ông mất người đời đã trao cho ông định mệnh ấy: Sự bất tử.


Ban mai





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget