Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Môn Văn bị thất sủng thì phi nhân tính lên ngôi

          "Căn bệnh vô cảm hiện nay sẽ không khỏi, nếu không chữa từ gốc. Cần một hệ thống hành động để làm trong sạch và khiến con người ngày ngày được chứng nghiệm việc sống lương thiện và sống tử tế là nghĩa vụ làm người, là một giá trị đương nhiên, trường tồn, được tưởng thưởng, chứ không phải chỉ là lời kêu gọi suông.." - nhà văn Võ Thị Hảo.
 
          Thưa nhà văn Võ Thị Hảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra Quy chế tuyển sinh Đại học 2013, theo đó, các trường thuộc khối nghệ thuật sẽ không phải thi môn Văn. Học Văn là học làm người, nay bỏ thi môn Văn, chỉ xét tuyển dưa trên điểm thi tốt nghiệp. Theo bà, liệu có thể lạc quan rằng, Bộ GD thừa tự tin trong việc dạy và học Văn ở cấp THPT rồi, và học sinh cứ tốt nghiệp THPT đã là người tốt rồi? So với thực tế hiện nay, cô thấy điều này có đúng không?
           -Tôi cũng đang muốn lý giải điều này đây. Tự tin thì chắc rồi. Ở VN, quan chức là người tự tin nhất vì mấy ai phải lãnh hậu quả vì quyết định của mình đâu. Một mặt, thực tế là cách dạy môn Văn cũng như nội dung của các giáo trình đang có quá nhiều nội dung nhàn chán và “cúng cụ”, né tránh sự thật, quá lạc hậu so với thực tiễn, đang làm cho học sinh chán ngán lìa xa.
           Một lý do quan trọng: hầu hết người đang làm việc trong lĩnh vực liên quan đến văn chương và khoa học xã hội, nếu không phải là quan chức, thì rất khó kiếm việc làm và nghèo. Hằng hà sa số người chen chân học nghề tài chính ngân hàng và mánh khóe chạy quyền chạy chức, cho rằng thế là đủ, là công dân hạng nhất!  Vì thế là đa phần học sinh không muốn dính líu đến khối C, trong đó có môn Văn. Có lẽ thực trạng này khiến cho nhiều vị có trách nhiệm trong ngành giáo dục nghĩ rằng rằng người làm nghệ thuật không cần kiến thức văn học và nhân học?
 
          Nhiều vị hiệu trưởng khối các trường ủng hộ quy chế trên của Bộ với lập luận rằng, bỏ qua việc thi môn Văn, trường sẽ không bỏ sót các thí sinh thật sự có năng khiếu. Giả sử điều đó là đúng, liệu năng khiếu thuần túy có thể trở thành tài năng nếu thiếu việc học Văn không? Hay điều đó sẽ gây ra những hệ lụy mà chúng ta đã và đang nhìn thấy nhan nhản trong làng giải trí Việt?
            - Theo tôi, lý giải đó chưa thuyết phục. Quy định hệ số điểm ưu tiên của môn năng khiếu so với môn Văn sẽ khiến cho học sinh vẫn cố gắng rèn luyện về văn học, nhân học trong khi năng khiếu vẫn không bị bỏ sót. Nếu bỏ môn Văn, sẽ là tiền lệ cho việc tùy tiện bỏ các môn khác.
            Sẽ ra sao nếu mai đây có người theo “sáng kiến” đó mà đề xuất rằng những người thi vào đại học sư phạm chỉ cần thi năng khiếu nói, nên bỏ các môn khác!? Và để thi vào đại học ngoại ngữ, chỉ cần chọn những người có khả năng bắt chước nói giỏi như vẹt? …

Nhà văn Võ Thị Hảo
Nhà văn Võ Thị Hảo

 
          Quy chế nói trên của Bộ Giáo dục Đào tạo được đưa ra trong bối cảnh trong xã hội, ngày ngày chúng ta chứng kiến những hành vi vô cảm với đồng loại: hàng xóm bị côn đồ vào tận nhà hành hung mà người sống bên cạnh sợ hãi không giúp đỡ, người gặp nạn giữa đường mà chỉ đứng xem... khiến dư luận vô cùng băn khoăn. Cùng với đó, ngày càng nhiều học sinh không ưa môn "học làm người", Bộ cũng coi nhẹ môn này trong thi cử thể hiện qua quy chế vừa ban hành. Cô có đồng cảm với những băn khoăn đó hay không? Có thể lý giải như thế nào về sự thất sủng của môn Văn ?            
          - Công bằng mà nói, môn Văn thất sủng do nhiều nguyên nhân đã đề cập ở trên, và không thể không nói tới trách nhiệm là những người hành nghề văn chương và báo chí đã viết ra những tác phẩm kém chất lượng, nô lệ, cũ mòn, né tránh hiện thực.
            Tầng lớp quản lý xã hội, giáo dục, người viết văn, viết báo hễ cầm đến cây bút là tự động nhận trách nhiệm khai sáng cho xã hội. Nếu tầng lớp này vô cảm, thì sự tàn nhẫn lên ngôi và là ngày thắng thế của đủ loại côn đồ cướp bóc. 
           Một nguyên nhân cốt lõi để học sinh không ưa học làm người vì môn đó hiện đưa ra những lời khuyên sáo rỗng và thực tế thì những người lẽ ra phải gương mẫu nhất thì lại có lợi nhất, no đủ nhất vì đang hành xử phi nhân tính nhất. Ngành giáo dục cũng như ngành y tế cũng thế thôi. Khi cái phi nhân tính lên ngôi, tất cả những gì không phải là tiền hay thức ăn đều bị thất sủng, trong đó có môn Văn.

 
          Để chữa căn bệnh vô cảm của xã hội hiện nay, một trong những phương thuốc hữu hiệu có phải là hướng con người tới những giá trị cao đẹp không thưa cô?
            - Căn bệnh vô cảm hiện nay sẽ không khỏi, nếu không chữa từ gốc. Cần một hệ thống hành động để làm trong sạch và khiến con người ngày ngày được chứng nghiệm việc sống lương thiện và tử tế là nghĩa vụ làm người và là một giá trị đương nhiên, trường tồn, được tưởng thưởng, chứ không phải lời kêu gọi suông, xui dại để “thật thà thẳng thắn thì thua thiệt” như hiện nay.
            Để những giá trị làm người cao đẹp không bị thất sủng, bị giết chết, trước hết cần sự đổi mới ngay trong thể chế. Sự thật phải được tôn vinh, giám sát. Báo chí lúc đó mới bớt việc theo đuổi mông và ngực của những cô gái hời hợt hành nghề giải trí để trở về hướng con người theo đuổi tri thức và nhân tính. 
           Những kẻ tham nhũng, cướp bóc phải bị trừng phạt đích đáng... Khi trật tự được lập lại, mới có thể hy vọng xóa bỏ tình trạng có nhiều người “vô văn hóa” lại có quyền sinh quyền sát ở ngành văn hóa, có người “vô giáo dục” lại làm ở ngành giáo dục, những “ác mẫu” lại làm ở ngành y tế …
 
          Rất nhiều nhà chính trị thành đạt trên thế giới coi là một sự sỉ nhục nếu không am hiểu văn chương nghệ thuật. Vậy chúng ta phải ứng xử với văn chương thế nào để nó trở thành chiếc cầu nối hiệu quả? Môn Văn trong nhà trường hiện nay liệu có cần phải đổi mới không, thưa chị?
            - Theo tôi, trước hết cần thay đổi cái “vòng kim cô” đang đè nặng lên cách soạn giáo trình và dạy Văn theo lối “cúng cụ” gây tổn hại cho nhân tính lâu nay, để môn Văn thực sự là môn học hấp dẫn và cập nhật. Mục đích của việc dạy Văn phải là khuyến khích và huấn luyện con người khả năng cảm thụ, tự do bộc lộ suy nghĩ, biểu cảm, kỹ năng sống, biết yêu thương, có trách nhiệm và gắn kết với cộng đồng.
            Những người hành nghề nghệ thuật, ngoài năng khiếu vẽ vời nhảy múa, cần phải đi qua một cây cầu tối thiểu, đó là am hiểu về xã hội và tâm lý, tâm hồn con người để tạo cảm hứng sáng tạo và xúc cảm nghệ thuật. Không vô cớ khi người ta đã xác nhận rằng văn chương là mẹ sinh thành, là “nguồn sữa” của các ngành nghệ thuật khác.
            Những nhà chính trị mà chị đề cập ở trên thực ra họ biết thực dụng đấy. Họ hiểu rằng bản thân văn chương - là bộ môn phản ánh đời sống con người một cách toàn diện nhất, nên đã không phạm sai lầm bỏ qua văn chương như một công cụ để cảm nhận cuộc đời, tìm hiểu tâm lý công chúng và những dự báo xã hội.

                                                                                             
 (Theo ĐVO)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget