Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Trò chuyện với Nguyễn Tuân

            Trò chuyện với Nguyễn Tuân (NXB Hội Nhà Văn) gồm những bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Tuân lúc sinh thời do nhà phê bình Nguyễn Thị Ngọc Trai thực hiện.
            Công việc này nhằm giúp bạn đọc yêu thích Nguyễn Tuân và các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu sống, giúp cho việc tìm hiểu sâu hơn tác phẩm của Nguyễn Tuân.


Tác giả cho biết
          “Có lần tôi đưa sổ ghi chép này cho ông xem, ông vui vẻ sửa một vài chỗ. Tôi thấy ông không khó tính như mình tưởng, tôi mạnh dạn xin thỉnh thoảng đến nhà ông hỏi chuyện để hiểu thêm về cuộc sống và lao động nghệ thuật của ông, được ông vui vẻ nhận lời. Vì vậy trong mấy năm trước lúc ông ra đi vào cõi vĩnh hằng, có lúc tôi đến nhà ông ở 90 Trần Hưng Đạo, có lúc ông chủ động hẹn đến chơi với vợ chồng tôi nói chuyện… Giở lại những gì tôi đã ghi chép được về ông, thấy thật quý giá nhưng còn quá ít ỏi. Giờ đây, đối với tôi, những giờ phút được hỏi chuyện ông là những giờ phút thật đáng trân trọng. Tôi đã được ông dành cho sự ưu ái đặc biệt. Tôi kính trọng ông như bậc thầy, bậc cha chú. Ngược lại, ông chỉ bảo cho tôi những vấn đề về nghề nghiệp, về cách xử thế thật bao dung, ân cần và bình đẳng như với người bạn vong niên”.


          Nhờ những lần tiếp xúc thân tình như vậy nên ghi chép này có nhiều thông tin mới về nhà văn Nguyễn Tuân. Chẳng hạn, đây là đoạn nhà văn kể lại kỷ niệm với Huế:
          “Hồi xưa tàu hỏa tốc hành Hà Nội - Sài Gòn chỉ mất 48 tiếng, tức hai ngày hai đêm tròn. Về sau, nó rút xuống còn 40 tiếng. Hễ buồn tình là tôi lại xách cái cặp da, trong chỉ có mỗi bộ pyjama, chống cái ba-toong là lên tàu đi thôi. Hồi đó chưa đau chân, cầm ba-toong là một lối chưng diện kiểu công tử ăn chơi. Đi Sài Gòn tôi hay ghé Huế vì Huế ở trung độ. Tổ chức tàu bè hồi đó cũng thuận tiện. Anh cứ mua vé Hà Nội - Sài Gòn, qua Huế anh muốn xuống cứ việc xuống, anh vào ga đóng cái dấu, thế là khi cần đi tiếp thì cứ thế lên tàu mà đi. Có khi tưởng ghé lại chơi một hai ngày, tôi ở lại hàng tháng. Đôi khi cũng chả cần mua vé, đi lại nhiều như mình, cứ tiền mua vé cũng đủ chết. Tôi làm quen với nhiều bạn xe lửa. Khi thích đi thì tìm hỏi xem ngày nào bạn mình đến phiên trực tàu, cứ thế theo bạn lên tàu mà đi cùng cả nước!
          Kỷ niệm trên sông Hương thì nhiều lắm. Có khi trong túi không có tiền nhưng cứ chiều chiều là vào khách sạn Morin ngồi uống rượu. Cứ ngồi đó, gọi bồi thật dõng dạc, vừa uống, vừa chờ, thế nào cũng có vài thằng bạn kéo đến, anh nào có tiền, hôm ấy phải bao. Tối, tất cả rủ nhau xuống đò, xuôi về rạp hát Bà Tuần. Tôi đi thẳng vào sau cánh gà tìm cô Ba Vĩnh, cô đào nhất của rạp hát Bà Tuần. Cô Ba đưa ra ít tiền lẻ, tôi dắt túi, rồi đàng hoàng ra ngồi ở hàng ghế hạng nhất, trước cái trống chầu, sắp đến giờ hát, người hầu bưng ra cái khay trên để dùi trống, quan chơi sang là phải cho tiền rồi mới cầm chầu. Tan buổi hát ở rạp Bà Tuần, lại rủ cô Ba Vĩnh xuống đò, lại giong ra giữa dòng Hương giang đàn hát suốt đêm. Đêm trên sông Hương có nhiều thuyền bán quà bánh. Một chiếc thuyền con, trước mũi treo ngọn đèn đỏ, cô lái đò hai tay thoăn thoắt bơi chèo, miệng rao lảnh lót: nem nướng, chè thịt quay, chè cá thu, dấm nuốt… Có khi các quan không có đồng nào vẫn gọi thuyền quà đến, chén xong, đuổi: - Thôi đi đi, mai trả!
          Đó cũng là một kiểu, sống “bụi đời” bô-hê-miêng, chứ chi nữa ?
          Đò trên sông Hương cũng là một thứ khách sạn nổi. Có lần tôi sống hàng tháng trời dưới những khách sạn nổi ấy. Ngồi dưới đò viết feuilletons gửi từng kỳ ra tuần báo ngoài Hà Nội, rồi lại ra bưu điện săn đón mandat nhuận bút. Một phần của Thiếu quê hương được viết dưới đò Huế. Một số truyện trong Vang bóng một thời lấy cảnh sinh hoạt ở Huế, có khi tên nhân vật cũng là tên một số người quen nổi tiếng ở Huế. Có lần mình sống dưới đò lâu quá, cụ lái muốn vòi thêm tiền lại thưa: Bẩm quan, đến hạn phải hui đò. Thế là lại phải đưa thêm tiền cho cụ lái không thì cụ buộc phải lên bờ thật.
          Sống ở Huế, ra vô nhiều lần với Huế rồi thì lời ăn tiếng nói, cách xưng hô, ứng xử của Huế cứ vào mình lúc nào không biết. Lối xưng hô của Huế cũng có cái khác lạ làm tôi chú ý. Trước hết là cách xưng hô của các “mệ”, đàn ông cũng xưng mệ. Mình làm báo, người ta gọi là “quan tham nhật trình”, lại có quan tham lục lộ, quan thương, quan thị... Lại từ “cụ” mới rầy rà chứ: Cụ thượng, cụ tuần, cụ lái, cụ xe...”.

          Đánh giá về chất lượng của tập sách này, nhà phê bình Vương Trí Nhàn cho rằng : 
          “Dù có bao nhiêu nhà nghiên cứu đổ công sức tìm hiểu cụ Nguyễn, dù có bao nhiêu luận văn tiến sĩ, thạc sĩ viết về cụ Nguyễn tiếp tục ra đời, thì một công trình mang tên Trò chuyện với Nguyễn Tuân mà Ngọc Trai ấp ủ cũng sẽ không gì thay thế được”. 

          Ngoài ra, trong tập sách này còn công bố khá nhiều hình ảnh về nhà văn Nguyễn Tuân và gia đình, bè bạn…


H.S



1 nhận xét:

  1. Hay, mình cũng rất thích Nguyễn Tuân, cảm ơn bác đã chia sẻ nhé ^^

    Trả lờiXóa

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget