Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Vũ Quần Phương bình thơ

            Đây là tựa sách mới nhất của nhà thơ Vũ Quần Phương do NXB Văn học ấn hành.
            Có thể nói, việc tiếp nhận bài thơ ở khía cạnh thẩm mỹ là điều không dễ dàng, ít ai có thể “thành danh” từ việc “bình thơ”. Do đó, ta chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những người bình thơ nổi tiếng xưa nay. Chẳng hạn, những lời bình của Kim Thánh Thán, Viên Mai… đã giúp nhiều thế hệ thưởng thức cái hay trong thơ cổ điển Trung Quốc; hoặc ở Việt Nam, lời bình của Mộng Liên Đường, Tản Đà, Xuân Diệu, Hoài Thanh… đã gợi mở nhiều hàm ý thâm thuý giúp người yêu thơ hiểu được vẻ đẹp của ngôn từ.



          Còn trường hợp của nhà thơ Vũ Quần Phương thì sao? Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa : 
          “May sao, sau Hoài Thanh, chúng ta lại có Vũ Quần Phương. Ông là nhà phê bình thơ đặc sắc. Vũ Quần Phương học được ở Hoài Thanh tài điểm huyệt văn, rồi cũng như Xuân Diệu, Chế Lan Viên…, ông rất giỏi khi đi vào những tiểu tiết tinh vi của bếp núc nhà nghề…. Ông đã kỳ công chắt lọc, lựa chọn, giới thiệu hơn trăm thi sĩ, tính từ cụ Nguyễn Trãi cho đến những tác giả đương đại. Có khi chỉ vài trăm chữ, lại đi vào một tác phẩm cụ thể mà vẫn điểm huyệt, dựng được thần thái, hồn vía đời thơ của cả một tác giả. Làm được điều đó đâu có dễ dàng”.

          Vẫn là Con mèo mà trèo cây cau, Hoàng Hạc lâu, Truyện Kiều, Bánh trôi nước, Vội vàng, Đây mùa thu tới, Các vị La Hán chùa Tây Phương… nhưng với Vũ Quần Phương, có thể chúng ta sẽ có thêm những cảm nhận, cách nhìn khác từ phía người bình. Chẳng hạn với bài thơ Tống biệt hành của Tản Đà, ông có lời bình thật gợi cảm :
“Đá mòn rêu nhạt
Nước chảy huê trôi

          Hai câu bốn vế nhưng chỉ nói một ý. Vẫn là nói thời gian, nhưng đây là thời gian của tương lai,của năm tháng sắp tới. Mòn, nhạt, chảy trôi, tác động của thời gian sẽ làm thay đổi tất cả. Những kỷ niệm tiên cảnh này rồi cũng sẽ qua đi. Câu thơ chỉ nói quy luật khách quan nhưng lại nói vào lúc tống biệt, tính tất yếu của thời gian như dao cứa vào lòng.Có tám chữ, bốn chữ đã là động từ, dâu bể lắm. Sau câu thơ này là nỗi trầm ngâm đầy hiu hắt của khách tục. Một khoảng im lặng dài, chợt có tiếng cánh vỗ, ngẩng lên,  
một cánh hạc về trời:
Cái hạc bay lên vút tận trời

          Thì ra mình đã về đất, phải đứng quan sát từ mặt đất mới có câu thơ ấy: hạc bay lên, xa cách thật rồi:
Trời đất từ đây xa cách mãi

          Từ cảnh dẫn đến tình. Mắt dõi theo cánh hạc bay vút lên rồi mất hút mà nhận ra khoảng cách. Từ chữ trời ở câu trên bắt với chữ trời ở câu dưới, vẫn là một chữ mà đã khác. Một chữ là cảnh ,một chữ là tình. Câu thơ nhẹ như tiếng thở dài,nhưng nỗi đau làm tê dại cả tâm trí”.

          Bài thơ Những bóng người trên sân ga của Nguyễn Bính, ông cũng có những lời bình gợi mở cho người yêu thơ : 
          “Nguyễn Bính nhìn ga tàu thường nhìn ở khía cạnh tình cảm buồn, nên đoạn kết cũng như đoạn mở đầu đều nói nét đặc trưng lớn nhất của ga, đó là nơi: "Cây đàn sum họp đứt từng dây", nơi: "những chiếc khăn tay thổn thức", "những bàn tay vẫy", "những đôi mắt ướt", nơi: "Buồn ở đâu hơn ở chốn này?"... Thơ tả tới 6 cảnh, hầu hết đều mở đầu bằng bốn từ: "Có lần tôi thấy"… dễ đơn điệu lắm. Nhưng đọc xong bài thơ không hề cảm thấy điều đó, bởi mỗi cảnh ngộ tác giả lại phát hiện một trạng thái tâm lý mới”.

          Có thể nói, trên thi đàn Việt Nam, Vũ Quần Phương không chỉ là một nhà thơ tên tuổi mà còn là một cây bút có uy tín trong lĩnh vực phê bình. Tập sách Vũ Quần Phương bình thơ là một đóng góp mới của ông.

X.D
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget