Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Vào xưởng "thợ thuyền"

            Con đường Công Trường Lam Sơn chỉ một đoạn nhỏ phía sau Nhà hát TP.HCM (quận 1) còn được biết đến là “bãi neo đậu” của thuyền mô hình được vài cửa hàng bán cho du khách nước ngoài. Nhưng để những chiếc thuyền này “ra khơi xa” lại là chuyện khác.
Chiếc Soleil Royal của hải quân Pháp ra đời vào thế kỷ 17


          Trong căn phòng trên lầu một ở nhà riêng tại quận 2 bấy lâu nay dùng làm showroom, anh Vương Đình Sắc, giám đốc Công ty Thiên Thương, lần lượt giới thiệu những chiếc thuyền mô hình từ loại cổ cho đến du thuyền hiện đại và cả chiến hạm được bài trí rất ấn tượng.
          Có những chiếc thuyền gắn liền với các trận chiến lịch sử, có chiếc nổi lên từ phim ảnh như Ngọc Trai Đen trong Cướp biển Caribê, hoặc chỉ là sản phẩm thuần túy của ngành du lịch tàu thuyền như Queen Elizabeth II… Dù có kích thước khác nhau, tất cả đều được thu nhỏ theo một tỉ lệ chính xác qua bàn tay của những “thợ thuyền” ở Đồng Nai.


Kỳ công lắp ráp
          Tại xưởng mộc rộng hơn 150m2 của anh Ngô Văn Mạnh (khu phố 9, P.Tân Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai, cách TP.HCM 41km) buổi sáng ngày cuối tuần khá yên ắng, không nghe thấy âm thanh đục đẽo, cưa cắt gỗ như ở các làng mộc. Gọi là làng nhưng đường nhựa khá rộng lớn, đủ để xe tải vào “ăn hàng” nội thất chở lên Sài Gòn và đi khắp các tỉnh miền Tây. Làm thuyền mô hình chỉ là một trong những hoạt động của những thợ mộc đến từ Bắc Ninh trong những năm 1950 dưới cái tên làng nghề Ngọc Đồng.
          Xưởng của anh Mạnh có bốn người thợ đang làm công đoạn tạo khung thuyền như cắt, xẻ, mài gỗ… Ở căn nhà đối diện, các thợ trẻ đang gắn những chi tiết như cánh buồm vải, cột dây buồm, mỏ neo… lên chiếc USS Constitution nổi tiếng trong cuộc chiến Anh – Mỹ năm 1812, hiện có giá trên thị trường khoảng 5-6 triệu đồng tùy kích thước. Một chiếc đang nằm nghiêng “tắm nắng” sau những tuần lễ trời liên tục mưa do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới.
          Bên trong xưởng, trên chiếc kệ dọc tường có kê hơn 30 mẫu thuyền cổ đủ loại bám đầy bụi mạt cưa, có kích thước tương đương nhau, dài 70-90cm. Tất cả máy móc từ máy cưa cắt, chà, đánh bóng… đều nhỏ gọn. “Ở đây cái gì cũng nhỏ như đồ chơi. Nhưng làm cái nhỏ mới khó, cầu kỳ, chứ làm cái lớn thì dễ dàng với chúng tôi rồi” – anh Mạnh giải thích. Cũng như thợ đóng bàn ghế thủ công mỹ nghệ, nghề làm thuyền mô hình chỉ học qua công việc thực tế, tay nghề nâng dần đến thợ phó, rồi thợ cả. Anh Mạnh theo nghề vào cuối những năm 1990 từ người cậu hiện đã định cư ở nước ngoài.
          “Tôi theo ông cậu hơn năm năm trời mới có thể làm được, trước đó chỉ phụ những công đoạn như cưa xẻ gỗ, căng dây buồm, sơn phết mà thôi. Những công đoạn khác như lắp ráp, đặc biệt là phân tích bản vẽ, tỉ lệ sản phẩm thì không phải ai cũng làm được” – anh nhấn mạnh cái khó của nghề.
Lắp ráp những chi tiết lên chiếc USS Constitution


          Cầm trên tay chiếc thuyền HMS Victory của hải quân hoàng gia Anh thế kỷ 18 đang dần hoàn thiện, anh Mạnh cũng không biết chính xác có bao nhiêu chi tiết lắp ráp trên đó. Anh nói: “Chiếc này vừa khó vừa cầu kỳ nên lúc đầu chúng tôi đắn đo không muốn nhận làm. Ngoài khung thuyền thì hàng loạt chi tiết nhỏ như neo, bánh lái, người lính, súng, đại bác lớn nhỏ… đều phải được tính toán kích thước phù hợp và tạo khuôn đúc lại từ đầu. Khó khăn nhất là những đường cong của khung tàu đòi hỏi phải biết xẻ gỗ vừa đủ độ. Xẻ gỗ quá dày sẽ khiến tàu nặng, thô và khó uốn, còn nếu quá mỏng sẽ khiến thuyền có những vết nứt, thậm chí vỡ”.
          Người làm “thợ thuyền” thì nhiều, nhưng được làm thợ cả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi nhận thuyền mẫu từ những hộp đồ gỗ lắp ráp ở Đức, Ý… hoặc bản vẽ kỹ thuật của khách hàng, thợ cả phải thể hiện kinh nghiệm của mình bằng việc tính toán chính xác tỉ lệ kích thước thu gọn theo mong muốn, triển khai các công đoạn tạo khuôn mẫu cho thợ phụ thực hiện. Anh Mạnh cho biết chuyện hư hỏng mẫu thiết kế ban đầu không phải là hiếm.
          Mỗi thợ cả thường chỉ chuyên về một loại thuyền. Thuyền cổ thì màu sắc thô mới đẹp, thậm chí chỉ cần chọn màu gỗ đúng ý cho phần thân thuyền, nhưng du thuyền hiện đại thì đòi hỏi phải tốt nước sơn. Ông Đỗ Vỹ – chủ xưởng mộc ở ấp Tân Bình, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, chuyên làm loại du thuyền – cho biết nếu màu sơn không bóng đẹp, đều thì sản phẩm bị loại ngay chứ đừng nói đến chuyện có lỗi sơn dù là nhỏ nhất. Một chiếc du thuyền ít nhất phải được sơn bốn lớp trước khi đánh bóng.


Ra khơi xa có “thuận buồm xuôi gió”?
          Sản phẩm mô hình được ưa chuộng nhờ sự tỉ mỉ và tài hoa của lao động thủ công. Anh Vương Đình Sắc cho biết công ty xuất khẩu các sản phẩm thuyền cổ, xe mô hình ước đạt 700.000 USD/năm. Hiện có nhiều đối tác tại châu Âu và Mỹ đặt hàng sau thời gian dài tìm hiểu quy trình sản xuất cũng như những tiêu chuẩn kỹ thuật, hóa học, chẳng hạn các luật về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo tiêu chuẩn Lacey (Mỹ) hay Flept (châu Âu) hoặc hàm lượng chì trong sơn… Tất cả chi tiết cấu thành sản phẩm đều được sản xuất tại Việt Nam.
            Ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết những sản phẩm mô hình như thuyền buồm, xe cổ, máy bay… có thị trường khá rộng lớn. Ngoài các thị trường được khai thác tốt như châu Âu, Mỹ và Nhật, nhiều thị trường khác như Trung Đông, Ấn Độ, thậm chí cả Trung Quốc, cũng rất tiềm năng. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện chỉ có 7-8 doanh nghiệp có khả năng tìm kiếm đối tác, xuất khẩu ổn định mặt hàng này.

          Thời gian gần đây không ít khách hàng có xu hướng chọn sản phẩm của Việt Nam thay vì Trung Quốc. Lý giải điều này, anh Sắc cho rằng nhiều khâu sản xuất thuyền mô hình của Trung Quốc được đưa vào dây chuyền công nghệ cao, sản xuất hàng loạt nên có giá rẻ, nhưng sản phẩm thiếu sự tinh tế mà khách hàng khó tính rất dễ nhận ra. “Những khách hàng khi chúng tôi mới tiếp cận thường băn khoăn về giá cả, nhưng khi nhìn sản phẩm và đặc biệt khi xuống xưởng sản xuất, chứng kiến từng công đoạn thì họ đồng ý ngay” – anh Sắc nói.
          Những ngày này xưởng của ông Đỗ Vỹ nhộn nhịp hẳn bởi đơn đặt hàng dồn dập. “Thỉnh thoảng chúng tôi cũng có khách hàng mới. Nhưng do giá thanh toán chưa tương xứng với công lao động và lại đặt hàng quá ít nên chúng tôi đành từ chối” – ông Vỹ nói. Hiện xưởng ông có khoảng chục thợ chính và phải tăng cường 8-10 thợ phụ để đáp ứng lượng hàng đặt.
          Nghề nào cũng có những thăng trầm. Khoảng thời gian 2008-2009 là lúc ông Vỹ cùng nhóm thợ lao đao vì kinh tế thế giới khó khăn, số lượng đơn hàng giảm mạnh. Thông thường mỗi tháng xưởng của ông sản xuất khoảng 200 du thuyền mô hình, nhưng thời điểm khủng hoảng cả tháng chủ và thợ ngồi chơi xơi nước. Gần chục thợ có tay nghề khi ấy trôi dạt vào các khu công nghiệp làm công nhân.
          Có khả năng làm ra sản phẩm cạnh tranh tốt, nhưng nghề làm thuyền mô hình rất cần đầu ra ổn định để không phải lo tái diễn tình trạng làm hôm nay không biết ngày mai. Trước mắt, mối liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu và làng nghề đang được triển khai hiệu quả, tạo được công việc ổn định cho các hộ gia đình ở làng nghề Ngọc Đồng tham gia. Vấn đề còn lại là đầu tư tìm kiếm đối tác và thị trường mới, vì thuyền mô hình hoàn toàn phụ thuộc vào mẫu mã và thị hiếu của khách hàng nước ngoài.
          “Ngoài hội chợ trong nước, mỗi năm chúng tôi tham dự 6-8 hội chợ quốc tế tại Mỹ, Nhật, Hong Kong, Đức… để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác. Có thể nói thị trường cho thuyền mô hình là rất lớn, nhưng nếu không chủ động tìm kiếm hoặc có đi nhưng “gõ không đúng cửa” thì cũng không thể có đơn hàng”.


LÊ SƠN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget