Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Nạn mua quan bán chức là đại họa của đất nước





Chuyện bán cái biên chế, mua suất công chức không có gì mới, ai cũng biết vì nó quá phổ biến. Nhưng xã hội phải sửng sốt khi ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trần Trọng Dực lột thẳng cái mặt nạ giả dối đó ra với con số khá cụ thể, không dưới 100 triệu đồng.
Tại sao nói rằng giả dối? Bởi vì có nhiều chương trình trải thảm đỏ đón nhân tài, tuyển dụng các thủ khoa đại học rất ồn ào. Hóa ra đó chỉ là cái để lòe thiên hạ, để che mắt thế gian, còn đằng sau nó là cuộc mua bán ồn ào náo nhiệt và thị trường tham nhũng ngày càng sôi động với thị phần ngày càng mở rộng.
Cộng đồng mạng cũng tỏ ra ngạc nhiên, không phải là vì việc mua ghế công chức 100 triệu đồng như ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực nói, mà ngạc nhiên vì cho rằng đó là cái giá quá rẻ. Ở tỉnh lẻ, giá còn cao hơn thì Thủ đô không thể có mức “thiếu cạnh tranh” như vậy. Thật đau đớn cho đất nước khi chuyện mua bán cái ghế công chức trở thành cái chợ như chợ cá, chợ rau, chợ gà, chợ vịt...
Mà đó là mới công chức quèn cấp quận huyện thôi. Than ôi! Nếu có chức vụ hẳn hoi thì sao? Chạy mua được cái ghế có tanh mùi tiền bạc một chút thì không biết bao nhiêu tiền mới đúng giá.
Nhưng cái họa của chuyện mua bán này không chỉ là 100 triệu đồng hay 1 tỷ đồng, mà là sự tha hóa của cán bộ, công chức nhà nước. Với cách tuyển chọn bằng đồng tiền thì bộ máy chính quyền sẽ “phổ biến” là những kẻ bất tài, thiếu đức. Họ sẽ vơ vét để hoàn vốn và đó chính là những con sâu nhung nhúc, trở thành bầy sâu cái trong tương lai.
Họ là những người coi thường cấp trên, coi nhỏ công việc. Bởi vì cấp trên là người cầm tiền của họ, công việc chỉ là cơ hội để họ lấy lại tiền vốn và sau đó là thu lãi. Tham nhũng nảy sinh từ đây, sự yếu kém trong quản lý điều hành là từ đây, trên bảo dưới không nghe cũng chính từ đây. Hạch sách nhũng nhiễu dân từ đây và cản trở tiến trình phát triển xã hội cũng từ đây. Đất nước không phát triển cũng từ đây và nghèo đói cũng từ đây…

Hệ thống được vận hành bởi những con người đi lên bằng mua bán thì hệ thống đó được điều hành bằng mối quan hệ tiền bạc. Sự minh bạch, liêm khiết và tính chuyên nghiệp trong quản trị chỉ là những câu được viết trên báo cáo và hô to thành khẩu hiệu. Bầy sâu này làm cho chất lượng chính quyền suy giảm, không theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội, tư duy năng động của cộng đồng. Người dân, doanh nghiệp bị mất đi các cơ hội chính vì phải chờ đợi sự chậm chạp và vòi vỉnh của những con sâu này.
Trên thực tế đã có những trường hợp doanh nghiệp nộp đơn xin hoạt động, hồ sơ bị đá đi đá lại với hàng chục con dấu vẫn chưa xong. Cái thói quan liêu nhũng nhiễu đã ngấm vào máu, vô tâm vô cảm với nhân dân…
Đại họa là những người giỏi giang, thông minh, nhưng vì có liêm si nhưng thiếu tiền bị loại ra ngoài. Đất nước bị lãng phí nguồn chất xám, đó là nguồn tài nguyên vô giá.
Đại họa nữa, là không ai tin vào những chính sách thảm đỏ, thảm nhung được tuyên truyền. Nạn mua quan bán chức đang tạo ra một tệ nạn khủng khiếp và là bức “tường lửa” để ngăn chặn những người có tài, có đức thật sự và có có tâm huyết với đất nước tham gia điều hành quản lý xã hội.


@ Tham nhũng bắt đầu từ ham hố quyền lực
Việc chạy chức, chạy quyền đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu đời trong xã hội, nhưng được biểu hiện ở các dạng khác nhau và rõ nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, khi mà đồng tiền được dùng để mua rất nhiều thứ và rất nhiều người đang quan niệm “kẻ có tiền là kẻ mạnh”.
Ngày xưa, muốn có chức, có quyền người ta cũng phải “nịnh hót”, “đút lót” cho các bậc “quan lớn”. Hiện tượng này được xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn học, nhiều bộ phim…
Hiện nay, chúng ta phải xác định chắc chắn rằng, không thể “dẹp” triệt để được vấn nạn này trong xã hội. Chỉ hy vọng nó đừng “bùng nổ” đến mức không thể kiểm soát nổi mà thôi.
Ai cũng biết là “chức” đi liền với quyền uy, tiền bạc, lợi lộc và các mối quan hệ dây mơ rễ má với ngành này bộ nọ… Khi xã hội vẫn còn cơ chế “xin - cho”, ban phát, nể nang quen biết… thì “chức”, “quyền” càng dễ chạy. Ví dụ một vị mất 100 triệu để chạy được một chức gì đó thì khi ngồi trên chức đó, ông ta phải làm mọi cách để lấy lại được gấp nhiều lần số tiền đã bỏ ra. Vậy thì tại sao không có tham ô, tham nhũng và hàng chuỗi “chạy” khác xuất hiện cho được? Chưa nói đến vợ (chồng), anh em… các vị cũng ỷ thế để làm vụ này vụ kia, vì thử hỏi nếu không có thông lệ, không ai “bật đèn xanh” thì những kẻ “chạy” biết lối nào mà chạy?
Mà thói đời thì nhìn chung con người ai cũng ưa nịnh nọt, quà cáp, phong bì… Các vị lãnh đạo từ cấp cao đến cấp thấp cũng như vợ con, anh em của các vị cũng đều là người bình thường như mọi người cả. Nên những kẻ kém tài mà nịnh giỏi, chạy giỏi, nhiều tiền, quen biết… có rất nhiều cơ hội để có chức, có quyền. Chính hạng người này khi có chức, có quyền mới lộng hành xã hội ghê gớm, làm thì ít mà phá thì nhiều.
Vậy tóm lại, để giảm bớt nạn chạy chức, chạy quyền phải có giải pháp gì? Xã hội cần có chính sách khuyến khích phát hiện tố cáo và phạt thật nặng những người “chạy chức” và nhất là những người “có quyền” mà dùng quyền ban phát không đúng. Các vị lãnh đạo các cấp hãy học theo gương Tô Hiến Thành ngày xưa, vị nào cũng liêm khiết, trong sạch, vợ chồng, con cái, anh em của vị đó không ai dám dựa hơi, không ai còn lợi dụng “bóng quan lớn” để bắt nạt chỗ này, ban phát chỗ nọ... Xã hội cũng có nhiều sự đã rồi nên phải có chính sách thường xuyên nhắc nhở, giáo dục tư cách cán bộ, đảng viên để người có quyền chức thì không ỷ thế, người có tiền nhưng không có thực tài thì không dám “chạy” (điều này thật khó).
Thôi thì xa hơn, chỉ biết trông vào việc giáo dục thế hệ tương lai của đất nước sao cho sau này các em lớn lên có ý thức thấy việc chạy chức, chạy quyền là sai, không nỡ làm, không thể làm, không dám làm. Nhưng liệu ngày ngày nhìn thấy bao tấm gương các bậc cha chú hành xử “chạy” mới có chức, có quyền như hiện nay thì chúng ta có giáo dục nổi con em chúng ta không?
Thực ra, việc tham nhũng, hối lộ, đút lót, chạy chức, chạy quyền....thì ở đời nào, xã hội nào cũng có cả, vì bản chất của con người là lòng tham không đáy... Ngày xưa chúng ta tố cáo xã hội thực dân, phong kiến: "Nén bạc đâm toạc tờ giấy", "có 300 lạng việc này mới xuôi"; Còn tiền, còn bạc, còn đệ tử; Hết cơm, hết rượu, hết ông - tôi"...v.v... Còn ngày nay thì "Tiền là Tiên, là phật, là sức bất của tuổi trẻ..."; "Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn"; "Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền".... Người ta dùng tiền để mua chức tước, thì chắc chắn khi họ đạt được mục đích rồi, họ sẽ quay lại vơ vét đề bù lại những chi phí và tư lợi cho bản thân....
Muốn chống được "quốc nạn" này không phải là khó, nhưng không thể là kêu gọi "suông", làm "công tác tư tưởng", ... mà phải hoàn thiện cơ chế quản lý - Trước hết là quản lý tiền, tài sản của mọi công dân (VD: Quản lý tiền theo tài khoản, trả lương theo thài khoản;  bắt buộc mọi giao dịch giá trị từ 1 triệu đồng trở lên đều phải thanh toán qua tài khoản...Tiền đưa vào tài khoản phải là tiền "sạch" có nguồn gốc minh bạch, rõ ràng)... Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải được tổ chức thi cử đàng hoàng (như Cha ông ta đã làm trước đây và như Nhật Bản đang làm hiện nay), thì sẽ tránh được việc "chạy chức, chạy quyền"...

Lắng nghe cử tri, Chủ tịch nước cho rằng: “Tham nhũng đang là một vấn nạn nghiêm trọng. Ban đầu là một bộ phận, sau đó là một bộ phận không nhỏ, và giờ thì có đồng chí còn nói là cả một tập đoàn”. Theo ông, vấn nạn tham nhũng đã là sự thật không thể né tránh, mặc dù nói ra điều này hết sức đau lòng.
Chủ tịch nước phát biểu: “Chúng tôi có lỗi lớn, nhưng cô bác anh chị cũng phải nghĩ về trách nhiệm của mình, cùng hệ thống chính trị đấu tranh chống tham nhũng. Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào? Người ta có thể trú úm một người, một nhóm người nhưng không thể trù úm cả dân tộc này”.
Ông cũng nói: “Nếu chúng ta sợ hãi, cứ để những kẻ xấu len lỏi trong Đảng, trong Nhà nước làm những điều sai trái, làm phương hại đến lợi ích quốc gia, phương hại đến toàn dân chế độ thì thử hỏi toàn dân tộc này, toàn Đảng này, toàn quân này chấp nhận được không? Chắc chắn không chấp nhận được”.
Do đó, Chủ tịch nước mong muốn người dân hãy cùng với Đảng và Nhà nước phòng chống tham nhũng. “Chúng tôi có 14 đồng chí trong Bộ Chính trị là có 28 con mắt, nhưng toàn dân có gần 90 triệu người, tức là có gần 180 triệu con mắt thì người dân thông minh hơn nhiều và có thể nhìn thấy mọi điều, mọi nơi, mọi chỗ”.
Chủ tịch nước cũng cho biết, bên cạnh việc thành lập Ban Nội chính Trung ương làm cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng, tới đây Quốc hội cũng sẽ xem xét sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng và kiện toàn lại Ban chỉ đạo, tạo động lực quan trọng cho việc đẩy mạnh giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm.


@ Tham nhũng sẽ không bao giờ chống được!
- Đó là một khẳng định đúng mà điều đó có thể thấy được trong tình hình hiện nay ở nước ta. Một vị lãnh đạo quốc gia mà còn né tránh "không muốn" gọi đích thị tham nhũng mà phải dùng ẩn số x để nói thay thì dân đen thấp cổ bé họng làm sao dám chống lại tham nhũng. Lực lượng "âm binh, âm hồn" bây giờ quá nhiều để mà sẵn sàng tiêu diệt cái "nhuệ khí" chống tham nhũng cuối cùng của người dân. Đúng là nếu đấu tranh thì "tránh đâu" thật? Tâm lý sợ hãi và "MACKENO" hình thành từ lâu trong xã hội ta tiếp tục tồn tại song song với tham nhũng. Và tham nhũng trở thành một loại "văn hóa mới"! Ai có tí chức quyền mà không tham nhũng sẽ trở thành chuyện "lạ" và trở thành một thứ quan lại "thiếu ...văn hóa!"
Ở xứ mình, không có nghề kinh doanh nào nhanh và lãi bằng chạy quyền chạy chức, theo cách nói dân gian là kinh doanh “ghế”. Mua quan bán chức đã trở thành chuyện: biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nó vẫn cứ diễn ra để rồi lâu lâu lại đưa ra bàn thảo ra vẻ ta đây có trách nhiệm với dân, với nước.


(Sưu tầm từ rất nhiều nguồn trên internet)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

To Top Page Up Page Down To Bottom Auto Scroll Stop Scroll
Comments jQuery Recent Posts Ticker Widget